AI XUÔI VẠN LÝ
Nhạc : Lê Thương
Vọng cổ : Viễn Châu
Nhạc:
Người vọng phu trong lúc gió mưa
Bế con đã hoài công để đứng chờ
Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về.
Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ
Còn đám cây trên đồi
Sống trong trong mơ hồ
Ngày nào tròn trăng lại nhớ đến tích xưa
Khi tướng quân qua đồi
Kéo quân quân theo cờ
Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ
Cho đến bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già
Mà chờ người đi mất từ ngàn xưa
Nàng đứng ôm con
Xem chàng về hay chưa? Về hay chưa?
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Về hay chưa hỡi người trai ngoài vạn lý, buổi lìa quê tính lại mấy xuân… rồi. (-)(-) Gió ngựa từ khi khuất dạng dưới lưng đồi. (+) Rặng phi lao vẫn mơ màng đón gió, dải cây rừng mấy lượt lá vàng rơi. (SL) Lá vàng rơi buồn lắm anh ơi, bồng con thơ đứng trông ngóng một người. Sao chỉ thấy sương bạc mờ giăng, lạnh theo về nơi rừng xa núi thẳm./-
Câu 2:
Quê nghèo chín nhớ mười thương, hồn quê còn đọng khói sương biên thùy. (-)(-) Mộng ước tàn canh vẫn lẽo đẽo đi về. (+) Ngày anh đi cuối trời sương điểm trắng, nay mấy lần sương nhuộm núi rừng xa. (SL) Núi rừng xa như mong nhớ bao la, người chinh phụ mắt mờ qua ngấn lệ.
Thắp một nén hương gửi theo ngọn gió, đợi anh về với một bản hùng ca./-
Thơ:
Một thuở căm hờn dậy núi sông
Anh đi lo trả nợ tang bồng
Sầu bao la gợn sương đầu núi
Man mác rừng thu khói chập chùng.
VỌNG CỔ:
Câu 5:
Người chinh phụ bế con giữa trời giông tố. Mong đợi bóng người đi trong gió ngựa nẻo biên… thùy. (-)(-) Lá úa tàn thu rơi rụng xuống vai gầy. (+) Trông xa xa có một đàn chim nhỏ, tự phương nào bạt gió về đây? (SL) Hay đó là những cánh chim nơi góc bể ven mây, nơi có những chàng trai viễn xứ. Viết những lá thơ hẹn ngày tái ngộ, mượn cánh chim nương gió bay về./-
Nhạc:
Có ai xuôi vạn lý, nhắn đôi câu giúp nàng
Lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng.
Thôi đứng đợi làm chi, thời gian có hứa mấy khi
Sẽ đem đến trả đúng kỳ những người mang mệnh biệt ly.
Câu 6: Thương tiếc làm chi những ngày hận tủi, bởi người ra đi vẫn hẹn buổi quay về. (SL) Nhưng hòn vọng phu trên đỉnh núi chơ vơ, năm tháng vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Dù cho biển cạn non mòn
Còn sông, còn núi dạ còn thương anh./.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: