AI VỀ SÔNG TƯƠNG
Tân nhạc: Thông Đạt
Vọng cổ: Viễn Châu
Nhạc:
Nữ:
Ai có về bên bến sông Tương.
Nhắn người duyên dáng tôi thương,
Bao ngày ôm mối tơ vương.
Nam:
Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương.
Tâm hồn mơ bóng em luôn,
Mong vài lời em ngập hương.
Nữ:
Thu nay về vương áng thê lương.
Vắng người duyên dáng tôi thương,
Mối tình tôi vẫn cô đơn.
Nam:
Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em.
Mơ hoài hình bóng không quên.
Nữ: Hương tình mộng say dịu êm.
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Nam: Nắng cuối thu đã buông tơ vàng trên rặng phi lao xạc xào trong gió lạnh mà sao dòng sông Tương ngàn năm vẫn còn thầm lặng làm ưu tư làm ngơ ngẩn một con… đò. (-)(-) Hỡi cô lái trên sông, chiều đã xuống tự bao giờ? (+) Sương đã pha mềm trên mái tóc, sao đò chiều còn lơ đãng giữa dòng sông? (SL)
Nữ: Em chờ đợi ba năm một người viễn khách, thu đã bao lần nhuộm úa lá vàng khô.
Nam: Ba năm xưa tôi có một bận sang đò, rồi từ đó hồn vấn vương về nơi bến cũ./-
Câu 2:
Nữ: Xin viễn khách hãy cho em nhóm lửa trong khoang cho buổi chiều tàn bớt lạnh, rồi em sẽ kể lại câu chuyện ngày xưa khi viễn khách đi rồi. (-)(-)
Nam: Nhìn ánh lửa trong khoang lòng bỗng se thắt ngậm ngùi. (+) Ba năm rồi con đò xưa còn đó, cô lái ngày xưa đã biền biệt nơi đâu? (SL)
Nữ: Ngày viễn khách lìa xa dòng sông cũ, mùa thu sau cô lái lấy chồng xa. Nàng nhờ em cắm đò trên bến đợi, để nói lời từ tạ khách ngày xưa./-
Nhạc:
Nữ:
Bao ngày qua, thu lại về mang sầu tới.
Nam:
Nàng say tình mới hồn tôi tơi bời.
Nhìn hoa cười đón mừng vui duyên nàng.
Tình thơ ngây từ đây nát tan.
Nữ:
Hoa ơi! Thôi ngừng cười đùa lả lơi.
Nam:
Cùng tôi buồn đắm đừng vui chi tình.
Nữ:
Đầy bao ngày thắm,
Dày xéo tâm hồn này,
Lệ sầu hoen ý thu.
Nam:
Ai có về bên bến sông Tương.
Nhắn người duyên dáng tôi thương,
Sao đành nỡ dứt tơ vương.
Nữ:
Ôi! duyên hờ từ nay bơ vơ.
Nam:
Dây tình tôi nắn cung tơ,
Rút lòng sầu trách người mơ.
VỌNG CỔ:
Câu 5:
Nữ: Viễn khách ơi! nước sông Tương chưa cạn nguồn thương nhớ. Trời biệt ly có chia đôi đường đôi ngã nhưng mối tình xưa còn mang mang chất nặng khoang… đò. (-)(-) Xin đừng trách phiền chi một cô gái thương sầu. (+) Áo vu quy không làm phai kỷ niệm, khách qua đò đêm ấy một lần thôi. (SL)
Nam: Một lần thôi cũng ngẩn ngơ hồn viễn xứ, tôi quay nhìn mấy bận bến sông xưa.
Nữ: Sóng tạt đầu ghềnh, trăng phơi cuối bãi. Ánh lửa trong khoang không ấm được con đò./-
Câu 6:
Nam: Sáng mai này tôi lại ra đi, từ giã bến sông xưa con đò cũ. Rặng phi lao xạc xào trong gió sớm, tiễn chân người viễn khách về một phương xa. Ngọn gió cuối thu trải dài đường thiên lý, một mình thui thủi quán lạ rừng sương. Ngoảnh mặt lại mây buồn giăng kín mắt, nhìn xa xa đã khuất bến sông mờ. (SL)
Nữ: Viễn khách đi rồi bao giờ trở lại? Không lẽ suốt một đời quán trọ cầu sương.
Nam: Ai về thăm bến sông Tương, xin cho tôi gởi nhớ thương mang về./.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: