NGƯỜI ĐẸP TRỮ LA THÔN
Soạn giả Viễn Châu
Nam: Kìa, một nhan sắc diễm kiều trên bến lạnh
Tay ngọc ngà đang giũ lụa Trữ La Thôn
Nữ: Dưới chân đồi khách lạ dừng chân
Dạ, có phải quý khách muốn hỏi thăm đường về chợ huyện.
XANG XỪ LÍU:
Nam: Dạ không, không, vì nơi đây là cuối lộ... trình.
Tôi dừng lại Trữ La Thôn
Nữ: Có phải ông là khách thương buôn
Đi kiếm mua lụa vàng
Nam: Tôi là sứ giả đi tìm... sắc đẹp
Nữ: Kìa, ông đừng nên đùa cợt...
Nam: Dạ không, trước mặt một giai nhân
Tôi dám đâu cợt đùa...
Đây là lịnh triều đình
Mà tôi là sứ giả
Nữ: Còn tôi có dạ chân thành
nên mới hỏi ông cặn kẽ...
Nam: Nếu nàng đã thật tâm.. sau khi suy nghĩ...
Vậy nàng đây danh tánh là chi?
Nữ: Dạ, tôi tên gọi Tây Thi!
NÓI LỐI:
Nam: Tên nàng là Tây Thi? Ồ đẹp đẽ thay tên cũng như người. Tên khả ái còn người thì diễm lệ.
Nữ: Nhưng ông hỏi danh tánh tôi để làm gì?
Nam: Để tôi đem kiệu hoa rước nàng về cung điện
Trong son vàng nàng sẽ quên đi nghề giũ lụa Trữ La Thôn
Nữ: Để từ một cô gái tầm tang trong ngõ tối nghèo hèn
nhờ sắc đẹp của trời ban mà trở thành mẫu nghi thiên hạ...
Có phải như thế không, thưa ngài?
VỌNG CỔ:
Câu 4:
Nam: Phải, nhưng người đẹp của Trữ La Thôn không phải là mẫu nghi thiên hạ
mà phải hy sinh hiến dâng cho Ngô chúa, để muôn dân thoát khỏi cảnh cơ... hàn.
Non nước ngàn năm sẽ nhớ mãi ơn nàng.
Trời ơi! tại sao tôi không là thượng đế
có một uy quyền tột đỉnh nhân gian!
Để hận thù này bôi xóa được biên cương
Để bến sông xưa không thiếu nàng Tây Thi giũ lụa...
Để những chiều hoang mây buồn buông phủ
nghe nhắc chuyện tình duyên mà đôi má ai hồng...
Nữ: Kìa, vì sao người lại buông những lời than thở
như nhắn nhủ tôi đừng dại khờ hoang phí tuổi xuân xanh?
Câu 5:
Nam: Tây Thi ơi, khi nghe nàng nhận lời sang Ngô quốc
Tôi cảm thấy như tôi đây vừa đánh mất
một vật gì thiêng liêng cao quý nhất ở trong... đời.
Một lần đi là liệm tiếng sinh thời.
Giữa địa vị cao sang mà vẫn thèm áo cưới
trong nhung gấm lụa là vẫn lạnh lẽo gối chăn.
Đêm động phòng trăn trở mộng vu sơn
buồn duyên kiếp tiếc thầm đêm ngà ngọc.
Cứu được quê hương qua mùa tang tóc
nàng phải chịu hy sinh hạnh phúc riêng mình...
Câu 6:
Nữ: Người ơi tại sao người lại thương xót cho tôi
khi chính người đang đi làm sứ mạng.
Đáng lẽ người phải vui vì đã tròn bổn phận
sao lại đem tâm sự giải bày trước cô gái Trữ La Thôn.
Để rồi mai đây tôi sang đến Ngô bang
Ai sẽ an ủi tôi khi nhìn mây trắng trôi về phương cũ.
Ai tiễn đưa tôi trên vạn nẻo đường sương gió
ra đi trong nức nở biệt ly sầu...
Người ơi quê hương người ở tận nơi đâu?
Đã tàn gặp gỡ sao vẫn chưa tường tên họ,
Để khi tấu trình lên Thánh chúa
chọn bạn đường đưa khi đưa tiễn Tây Thi.
NAM XUÂN:
Nữ: Nào ai thương ai nhớ để thiếp đây trao gởi đóa hoa ... xuân...
Chưa một lần, trao tình cùng bướm ong
Còn phong kín hương trinh
Giữa tuổi trăng tròn ái ân.
Nam: Rồi mai đây hoa sẽ tươi màu
Cùng bướm ong đổi trao hương nhụy
Say đắm tuổi xuân thì
Nàng sẽ trọn niềm ước mơ!
Câu 5:
Nữ: Tướng quân ơi tôi muốn đêm nay giữa trùng dương bốn bề xanh thẳm
trên mấy dây tơ não nùng ai oán sẽ điểm thêm giọt lệ Tây Thi qua mấy bản biệt ly... sầu.
Gió lạnh về khuya trên lượn sóng bạc đầu.
Hãy để cho tôi cạn dòng tâm sự, rồi mai này vĩnh viễn chịu lìa xa.
Kìa ngoài khơi lấp lánh muôn sao
như ánh mắt tủi hờn người xuân nữ.
Tôi ra đi ngoài muôn trùng vạn lý
một mùa trăng còn đọng mấy thương sầu
Câu 6:
Nam: Ôi những tiếng tì bà thê thiết quá
Nghe khung trời nức nở giọt sương sa
Nữ: Tướng quân ơi! rồi đây có ai về ngang xóm cũ
sẽ không còn trông thấy một Tây Thi.
Con sông xanh nước biếc còn đây
Hàng lệ liễu vẫn mơ màng đón gió
Nhưng nàng thôn nữ ra đi không trở lại
mảnh tình xuân trao gởi chốn quê người.
Nam: Mai mốt tôi về nơi cố quốc
Ngậm ngùi thương kẻ chốn Ngô bang
Nữ: Đưa tay bấm mấy cung đàn
Để thiếp với chàng hát trọn bản tình ca.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: