AI LÊN XỨ HOA ĐÀO
Cổ nhạc: Viễn Châu
Tân nhạc: Hoàng Nguyên
Nhạc:
Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa,
Hoa bay đến bên người nhẹ nhàng rồi hoa theo chân ai.
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa,
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương,
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Gió thông đưa tiếng chuông chùa Linh Sơn Tự như chào đón người xưa trở lại xứ hoa... đào. (-)(-) Cảnh cũ còn đây, người hẹn ở nơi nào. (+) Tiếng chuông ngân nghe hồn sao ớn lạnh, tôi đứng một mình biết gởi mộng về đâu. (SL) Rặng thông già ướt đẫm giọt mưa ngâu, vắng người thương Đà Lạt cũng âu sầu. Gió mưa về lạnh tím cả rừng thu, ta thấy lòng mình như sầu mơ dĩ vãng./-
Câu 2:
Trời ở đây vắng người em sầu mộng mấy hoàng hôn vẫn đọng nét u hoài. (-)(-) Mình xa nhau biền biệt mấy năm dài. (+) Tiếng chim kêu theo đường lên dốc đá, lạnh nào bằng cái lạnh buổi tàn thu. (SL) Nghe thâm trầm tiếng chuông mõ công phu, trời Đà Lạt âm u màu tiễn biệt. Mimosa héo tàn bên suối biếc, tôi ngỡ bạn tình còn gởi lại mùi hương./-
Thơ:
Bướm trắng phương nào bay vẩn vơ
Trời như thấp xuống đám mây mờ
Cánh hoa đâu phải là tan vỡ
Mà để riêng mình đứng ngẩn ngơ
Xa cách ai mà không nhớ nhung
Từ đâu thoang thoảng đóa lan rừng
Trời thu Đà Lạt buồn tê tái
Vọng cố nhân hề, vọng cố nhân !
VỌNG CỔ:
Câu 5:
Cánh hoa rơi như tim mình đã vỡ khiến hồn ta nhung nhớ chuyện hôm... nào. (-)(-) Lối cũ còn đây rời rợi xác hoa đào. (+) Xác hoa rơi lẫn trong màu pháo cưới đã tiễn đưa người đem mộng gởi về đâu. (SL) Đà Lạt buồn như giấc mộng tàn thu. Có suối chảy, có hoa đào bay trước gió. Mưa lất phất nhẹ vương đầu cây cỏ, lạnh hoàng hôn khi vắng tiếng chuông buồn./-
Nhạc:
Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa,
Cho tôi bớt mơ màng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa.
Người về từ hôm nao mà lòng còn vấn vương,
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào thôi vấn vương,
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai !
Câu 6:
Tiếng thác Camly vọng về chân mây vắng khi dãy đồi thông đã lặng đứng âu sầu. (SL) Chuông chùa ơi đừng buông tiếng thu phong. Trời Đà Lạt chiều nay còn lạnh lắm.
Mưa rơi ưót cánh hoa đào,
Nửa bay trước gió, nửa vào tim tôi./.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: