MẤY ĐỘ THU VỀ
Tân nhạc: Minh Kỳ - Hoài Linh
Cổ nhạc: Kiên Giang
Nhạc
Có những chiều thu vương nắng cuối thôn
Tiếng tiêu ai vọng đến thiết tha buồn
Man mác niềm vương vấn tình cố hương
Mối u hoài trầm tư khi chiều xuống
Mây lững lờ bay bay đến chốn xa
Gió thu lay cành liễu uốn la đà
Đôi bướm vàng tung cánh vờn cánh hoa
Nhớ bao ngày thơ ấu đã dần qua
Nhớ bao ngày thơ ấu đã dần qua
Vọng cổ
1/. Đôi bướm vàng tung cánh vờn hoa khiến nàng nhớ mùa thu năm trước có người yêu ra đi ước hẹn khi non nước ….. thanh bình.
Về đây để cùng nhau chép trọn bản ân tình.
Về đây để lấp hố nhớ thương vời vợi do thời gian đào sâu từ buổi chia ly . Vì tiếng gọi quốc hồn lấn át tiếng con tim . Người sang đò bảo em đừng khóc , nên em khoát nước sông rửa mặt để anh nhìn rõ đôi mắt xanh long lanh niềm thương nhớ .
2/. Từ lúc người trai đếm bước chân ra miền quan tái , em vẫn ở bến sông xưa làm cô gái đưa đò .
Nắng chiều sắp tắt nhưng lòng em vẫn xa chờ .
Em mơ ước chân trời yên khói lửa, để người về tìm lại bến đò xưa .
Ngâm sa mạc :
Vì yêu nên phải hẹn hò
Vì sông cách trở nên đò còn đưa
Nhạc
Dòng đời lặng lẽ cuốn thời gian theo gió trăng
Lời thề hôm nao không lạt phai theo tháng năm.
Một mảnh trăng thu một mối tình
Trọn đời êm ấm ….. cùng mái …… tranh
Vọng cổ
5/. Giữa lúc ấy người trai ngoài chiến lũy vẫn suy nghĩ miên man đến người yêu buổi …. ban đầu.
Trăng hạ tuần nhợt nhạt gieo mông lung muôn ánh tơ sầu .
Gối súng nhìn trăng chàng mơ tưởng ngày huy hoàng của cẩm tú giang sơn . Theo ánh vinh quang chàng trở lại quê hương gặp người cũ mừng mừng tủi tủi . Tay đan tay má kề bên má, hương lứa tình yêu thắm đượm duyên nồng.
Nhạc
Quê cũ mùa trăng thu ngát ý thơ
Bến sông xưa rộn rã tiếng khoan hò
Cô lái đò đôi má hồng ước mơ
Đón anh về ghi chép nốt vần thơ
(về vọng cổ câu 6)
Bỗng vài tiếng súng kia làm rơi lá vàng tan tác, giữa đêm khuya lác đác bụi sương mờ .
Lá vàng gợi nhớ mùa thu đường xa vì khói bụi mù lấp che.
Mây mù dù khuất trăng thề
Mỗi độ thu về anh nhớ tên em./.
Kiên Giang (tên thật: Trương Khương Trinh, 1929-2014) là một nhà thơ, ký giả, soạn giả cải lương Việt Nam, nổi tiếng với bài thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo tím". Ông còn được xem là thầy của hai soạn giả nổi tiếng khác là Hà Triều - Hoa Phượng. Ông còn có bút danh là Hà Huy Hà.
Kiên Giang sinh ngày 17 tháng 2 năm 1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang), là đồng hương của nhà văn Sơn Nam. Năm 1943, ông theo học trường tư Lê Bá Cang tại Sài Gòn.
Ngoài làm thơ, Kiên Giang - với nghệ danh là Hà Huy Hà - còn là một soạn giả cải lương rất nổi tiếng thời đó, cùng với Năm Châu, Viễn Châu, Hà Triều - Hoa Phượng, Quy Sắc,... Các tác phẩm cải lương của ông có thể kể đến Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới, trong đó Người vợ không bao giờ cưới đã giúp cho nghệ sĩ Thanh Nga đạt giải Thanh Tâm và trở thành một ngôi sao trong giới cải lương.
Trước 1975, Kiên Giang còn làm ký giả kịch trường cho nhiều tờ báo lớn của Sài Gòn như Tiếng chuông, Tiếng dội, Lập trường, Điện tín, Tia sáng,... Ông từng tham gia phong trào ký giả đi ăn mày và dẫn đầu đoàn biểu tình chống lại những quy chế khắt khe do chính quyền Việt Nam Cộng hòa áp đặt lên giới báo chí. Vì hành động này mà Kiên Giang phải vào tù.
Sau 1975, Kiên Giang làm Phó Đoàn cải lương Thanh Nga, kiêm cán bộ Phòng nghệ thuật sân khấu. Ông từng làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh qua ba nhiệm kì.
Hồi 18 giờ ngày 31 tháng 10 năm 2014, nhà thơ Kiên Giang qua đời tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 86 tuổi. Ông được an táng tại Nghĩa trang Bình Dương, phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.[1]