MƠ ƯỚC NGÀY XUÂN
A Lý Phượng Tuyền
NÓI THA THIẾT
Còn mơ ước nào hơn, với cuộc sống hôm nay
Đất nước đổi thay trên đường dựng xây phát triển
Quê hương mình trải qua thời chinh chiến
Nhưng đổ nát, điêu tàn giờ chỉ còn là hoài niệm…
LÝ MỸ HƯNG
Mà thôi… Một thời tóc tang qua rồi
Nay đất nước bình yên, muôn nhà ấm no xây đời
Mùa xuân rạng rỡ, cho người muôn vàn ước mơ
Mơ ước ngày mai quê nhà chứa chan niềm vui
Mỗi độ xuân về khắp nơi bừng lên ý sống
Rạng rỡ mai đào khoe duyên… đón chào mùa xuân.
VỌNG CỔ
1- Mỗi độ xuân sang, thử hỏi mấy ai không nghe lòng ngập tràn mơ ước. Mơ ước một mùa xuân yên lành hạnh phúc, được sum họp với người thân trong ngày tết đến xuân về… Cho đến muôn hoa còn hiến dâng hương sắc cho đời… Cũng là một ngày như bao ngày khác, sao ngày tết đến xuân về ôi quá đổi thiêng liêng (-) Từ bến nước cầu ao cho đến con đường làng quá đổi thân quen, như bỗng đẹp hơn lên trong ngày tết cổ truyền. Đêm giao thừa cùng thức làm lễ gia tiên, bên ánh lửa bập bùng ngồi canh nồi bánh tét.
2- Có những thứ tuy đơn sơ mộc mạc, nhưng đó lại là hình ảnh không phai trong tâm tưởng mỗi con người… Cho dù có đi đâu, nơi cuối đất cùng trời… Nhưng mỗi độ xuân về tết đến, quê hương là một nỗi nhớ khôn nguôi (-) Nhớ tiếng quết bánh phồng rộn rã nhịp chày đôi, nhớ bông ô môi điểm hồng mùa gió Chướng. Nhớ hương rạ thơm thơm nơi góc trời quê yên ả, nhớ khói lam chiều bên chái bếp nhà ai.
NÓI TỰ SỰ
Dù cuộc sống có tất bật, đổi thay
Ngày tết đến vẫn nghe hồn lắng lại
Nghe nhung nhớ tình quê len trong từng hơi thở
Nghe trong lòng bao mơ ước…
LÝ TRĂNG SOI
Đầy vơi… ngây ngất trong hồn
Tình quê hương thiết tha dâng tràn
Mai đào khoe duyên, dưới nắng xuân êm đềm
Theo thời gian
Lần qua năm tháng xuân đến rồi đi
Mỗi lần xuân sang nghe chất ngất trong tim
Bao nỗi niềm… bao mơ ước tràn dâng
VỌNG CỔ
5- Bao mơ ước tràn dâng khi mùa xuân đến, cũng là nỗi xuyến xao trong phút giây trời đất thay mùa… Tay mẹ run run, thắp nén hương thơm rót nước cúng giao thừa… Như gởi gắm bao niềm tin mơ ước, phút giây trời đất giao hòa ôi biết mấy thiêng liêng (-) Mẹ cầu mong sao cho cuộc sống được bình yên, đất nước ngày một vươn vai trên đường dựng xây phát triển. Ba mươi bảy mùa xuân, ngày nước nhà giải phóng, là chừng ấy mùa xuân hạnh phúc êm đềm.
6- Bao nỗi niềm sâu lắng trong tim, bao mơ ước chan hòa trong hơi thở ấm. Đất nước hôm nay trên đường dựng xây phát triển, quê hương mình đã vươn tới tầm cao. Mẹ có nghe niềm sung sướng tự hào, anh có nghe hồn dạt dào cảm xúc. Em có nghe lòng ngập tràn hạnh phúc, sao đôi mắt long lanh và đôi má em hồng (-)
Mơ ước ngày xuân đó cũng là hạnh phúc của kiếp nhân sinh, hình ảnh cô gái xuân e ấp theo mẹ lên chùa lễ Phật. Miệng lâm râm khấn: “Nam mô a di đà Phật, cầu mong tết năm này con gặp bóng tình quân”.
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN là bút danh của Soạn Giả Cổ Nhạc Thái Quốc Thế Nguyên. Sáng tác thơ, truyện ông dùng bút danh Dạ Ngân Châu và tên thật.
Ông sanh năm 1949 tại xã An Thuận, quận Thạnh Phú, Tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Từ nhỏ, thân phụ ông đem gia đình lên định cư ở Thị Xã Mỹ Tho.
A Lý Phượng Tuyền là con trai Út (ông thứ 11 và còn thêm một người em gái) của Nhà Thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông và Bà Võ Thị Sáu. Ông là bào đệ của Nhà báo, văn thi sĩ Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh) và, văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế). Anh em ông đều thông thạo Hán-Việt. Trước năm 1975, ông phục vụ tại Tiểu khu Long Khánh, ngành Truyền Tin.
Tác phẩm đầu tay, bài thơ “Dặn Con Khi Thanh Bình” của ông được đăng trên tạp chí Nông Thôn Vùng Dậy”, của Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Đuốc Từ Bi của Phật Giáo. Sau đó, thơ ông đuọc đăng trên nhiều Nhật Báo ở Sàigòn.
Vì chiến sự ngày càng khốc liệt, do bận quân ngũ, ông không thể tiếp tục sáng tác. Sau 30.4.1975, ông về sinh sống tại xã Bàu Hàm 1, xuyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, trong cảnh khó nghèo. Mãi đến năm 1988 cuộc sống tạm ổn định, ông viết lại. Với chuyên đề Thơ Chua, Thơ Cay, Thơ Ngâm Dấm và Tiểu Phẩm. Đặc biệt là Cổ Nhạc.
Như chuyên đề đã định, văn thơ ông thường chống tiêu cực, châm chích tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống,… đăng gần như thường kỳ trong mục Quán Cười Báo Lao Động Đồng Nai, báo Văn nghệ Thành phố HCM, báo Tuổi Trẻ Cười, tuyển tập Tuổi Hồng và các tập san như Thông Tin Đồng Nai, Văn nghệ Châu Đốc…v.v.
Về Cổ Nhạc ông đã có nhiều tác phẩm thành danh như: “Tâm Tình Cô Công Nhân”, “Hoa Cao Su” và vài mươi bài khác. Chặp cải lương “Ngọc Hoàng Nổi Giận” gây tiếng vang trong làng Cổ Nhạc. Hiện ông có trên 200 tác phẩm Cổ Nhạc. Soạn giả Viễn Châu từng ngậm ngùi nuối tiếc: “A Lý sinh chẳng phùng thời”.
Từ năm 1995 đến 2005, năm nào ông cũng đoạt 3, 4 giải thưởng sáng tác Cổ Nhạc, do các tỉnh, thành tổ chức. Trong đó có giải Huỳnh Văn Nghệ, 5 năm tổ chức một lần. Nhờ vậy, đời sống ông khấm khá hơn.
Soạn giả Cổ Nhạc A Lý Phượng Tuyền được các đài truyền hình Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai ghi hình tác giả và tác phẩm. Cá biệt, đài truyền hình Đồng Nai, chọn lọc và thực hiện VCD Tác Giả Tác Phẩm dành riêng ông.