TRĂNG, HÀN MẠC TỬ
A Lý Phượng Tuyền
NGÂM THƠ
Trăng của nhà thơ của ước mơ
Của bao say đắm, của mong chờ
Trăng ơi, có thấu lòng thi sĩ
Gởi trái tim mình, vọng tiếng thơ
SÂM THƯƠNG
Trăng hỡi trăng, trăng ơi… Trăng buồn chi mà trăng u tối
Trăng sáng soi thêm đi, tạo nguồn thơ cho kiếp thi nhân
Trăng đã lên cao cao, sao lòng ta buồn đau thê thiết
Trăng của kiếp thi nhân, mang sầu tư còn chi ước ao
Gió trăng về đêm nay, làm sao ăn cơn đói kia rã rời
Người trong mộng xa khơi, còn riêng ta với trăng ngậm ngùi
VỌNG CỔ
1-Trăng ơi, hãy sáng nữa đi trăng để sáng soi tấm lòng nhân thế, hãy sáng nữa đi trăng cho kiếp nhân sinh thưởng ngoạn ánh trăng vàng… Trăng của riêng ta, ta chỉ tặng cho nàng… Trăng của kiếp thi nhân sao mang nhiều sầu muộn, như san sẻ cho người trước cảnh ngộ sầu thương (-) Kiếp tài hoa sớm chịu bạc phần trở thành một phế nhân, muôn nỗi sầu thương ta khóc cho duyên kiếp ngậm ngùi. Hết thật rồi, còn đâu nữa Mộng Cầm ơi, khi hai nẻo đường đời không cùng chung nguyện ước.
2-Từng giọt sương rơi trong đêm trường vắng lặng, hay nước mắt của vầng trăng khóc cho tâm sự đau buồn… Một kiếp tài hoa lắm chịu cảnh đoạn trường…
THƠ HÀN MẶC TỬ
“Trời hỡi làm sao cho khỏi đói”
“Gió trăng có sẵn làm sao ăn”
“Làm sao giết được người trong mộng”
“Để trả thù duyên kiếp phũ phàng”
Não nùng thay, kiếp phế nhân
Trăng, Hàn Mặc Tử thương buồn vì ai
VỌNG KIM LANG
Trăng soi sáng đêm thâu… Như vấn vương thương sầu
Trăng ở nơi phương nào, sao trăng đành bỏ ta mà đi
Trăng ơi, thấu chăng cho lòng, của cuộc đời phế nhân sầu đau
Trăng buồn, trăng Hàn Mặc Tử
Trọn kiếp chia lìa
Đôi ngã Sâm – Thương
Khóc cho tơ duyên lỡ làng, trăng hãy về sớt chia cùng ta
Buồn đau duyên kiếp phũ phàng, ta giết người trong mộng trăng ơi!
Làm sao ta giết đây trăng, khi lòng ta còn đang yêu
Nhìn trăng, ta khóc cho ta
Hay khóc tình đi vào… cô liêu
VỌNG CỔ
5-Ta tỉnh, ta điên sao ta đòi đem trăng đi bán. Mộng Cầm ơi, đời thiếu vắng em là cả một trời thơ thiếu ánh trăng vàng… Ta sẽ hái vầng trăng riêng tặng cho nàng…
THƠ HÀN MẶC TỬ
“Ta đến đây, nàng ấy vắng xa rồi”
“Nghĩa là hết từ muôn trăng thế kỷ” (-)
“Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ”
“Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng”
Trăng ơi, trăng sáng mà chi
Cho Hàn Mặc Tử sầu bi ngậm ngùi
6- LÝ CON SÁO
Trăng… đêm nay, sao lại u buồn chơi vơi
Hết rồi duyên kiếp Mộng Cầm ơi
Kiếp tài hoa đành chịu ngậm ngùi
Trót vương mang chứng bệnh phong cùi
Ôi, đất trời sao cuồng quay ngã nghiêng
Ta khóc ta, với bao nỗi niềm riêng
Đất Qui Nhơn đành vùi chôn xác thân
Ôm đắng cay khổ đau ngàn năm
TRỞ LẠI VỌNG CỔ
Ôi, có phải tạo hóa sinh ra kiếp thi nhân để vương mang nhiều khổ lụy, Mộng Cầm ơi, thôi từ đây vĩnh viễn mất nhau rồi (-)
Ánh trăng buồn muôn thuở vẫn đầy vơi, như san sẻ mấy vần thơ Hàn Mặc Tử.
“Ai mua trăng, tôi bán trăng cho”
“Tình duyên hẹn hò tôi chẳng bán đâu”
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN là bút danh của Soạn Giả Cổ Nhạc Thái Quốc Thế Nguyên. Sáng tác thơ, truyện ông dùng bút danh Dạ Ngân Châu và tên thật.
Ông sanh năm 1949 tại xã An Thuận, quận Thạnh Phú, Tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Từ nhỏ, thân phụ ông đem gia đình lên định cư ở Thị Xã Mỹ Tho.
A Lý Phượng Tuyền là con trai Út (ông thứ 11 và còn thêm một người em gái) của Nhà Thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông và Bà Võ Thị Sáu. Ông là bào đệ của Nhà báo, văn thi sĩ Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh) và, văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế). Anh em ông đều thông thạo Hán-Việt. Trước năm 1975, ông phục vụ tại Tiểu khu Long Khánh, ngành Truyền Tin.
Tác phẩm đầu tay, bài thơ “Dặn Con Khi Thanh Bình” của ông được đăng trên tạp chí Nông Thôn Vùng Dậy”, của Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Đuốc Từ Bi của Phật Giáo. Sau đó, thơ ông đuọc đăng trên nhiều Nhật Báo ở Sàigòn.
Vì chiến sự ngày càng khốc liệt, do bận quân ngũ, ông không thể tiếp tục sáng tác. Sau 30.4.1975, ông về sinh sống tại xã Bàu Hàm 1, xuyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, trong cảnh khó nghèo. Mãi đến năm 1988 cuộc sống tạm ổn định, ông viết lại. Với chuyên đề Thơ Chua, Thơ Cay, Thơ Ngâm Dấm và Tiểu Phẩm. Đặc biệt là Cổ Nhạc.
Như chuyên đề đã định, văn thơ ông thường chống tiêu cực, châm chích tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống,… đăng gần như thường kỳ trong mục Quán Cười Báo Lao Động Đồng Nai, báo Văn nghệ Thành phố HCM, báo Tuổi Trẻ Cười, tuyển tập Tuổi Hồng và các tập san như Thông Tin Đồng Nai, Văn nghệ Châu Đốc…v.v.
Về Cổ Nhạc ông đã có nhiều tác phẩm thành danh như: “Tâm Tình Cô Công Nhân”, “Hoa Cao Su” và vài mươi bài khác. Chặp cải lương “Ngọc Hoàng Nổi Giận” gây tiếng vang trong làng Cổ Nhạc. Hiện ông có trên 200 tác phẩm Cổ Nhạc. Soạn giả Viễn Châu từng ngậm ngùi nuối tiếc: “A Lý sinh chẳng phùng thời”.
Từ năm 1995 đến 2005, năm nào ông cũng đoạt 3, 4 giải thưởng sáng tác Cổ Nhạc, do các tỉnh, thành tổ chức. Trong đó có giải Huỳnh Văn Nghệ, 5 năm tổ chức một lần. Nhờ vậy, đời sống ông khấm khá hơn.
Soạn giả Cổ Nhạc A Lý Phượng Tuyền được các đài truyền hình Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai ghi hình tác giả và tác phẩm. Cá biệt, đài truyền hình Đồng Nai, chọn lọc và thực hiện VCD Tác Giả Tác Phẩm dành riêng ông.