VIẾNG CẢNH CHÙA MỘT CỘT
A Lý Phượng Tuyền
NAM: (nói) –Dạ chào cô. Xin cô vui lòng cho tôi được hỏi thăm
NỮ: Anh cần hỏi thăm điều chi?
NAM: Dạ, tôi muốn hỏi thăm là đường từ đây tới chùa…
NẶNG TÌNH XƯA
Một Cột… Độ chừng bao xa
NỮ: Như vậy… anh đến Thủ Đức, là lần đầu tiên
Cho nên anh mới hỏi thăm đường
NAM: Dạ, nhờ cô chỉ dẫn cho tận tường
Tôi muốn viếng qua cảnh Chùa Một Cột
Nhân lần về thăm lại quê hương
NỮ: Ạ, vậy anh đây là… Việt Kiều… hồi hộp
(ca dứt) –Tôi nói lỡ lời anh đừng giận mà chi
NAM: (nói) –Dạ, hơi sức đâu mà giận người dưng nước lã cho nó mệt. Phải vậy hôn cô hai?
NỮ: Anh … anh gọi lầm rồi. Em… em tới thứ ba lận đó!
NAM: (vô vọng cổ) -Vậy thì cô ba ơi! Trong phút sơ ngộ với nhau tôi chưa kịp nói lời nào mà cô ba đã cho tôi thế này thế nọ. Dẫu cho tôi có gì gì đi chăng nữa, thì tôi cũng là con dân của nước Việt…
VỌNG CỔ
1- Quê mình…
NỮ: Hổng nói thì thôi, lỡ nói thì nói ra luôn cho thấu lý, đạt tình… Nếu như lỡ… có nói “đằng chân mà lân tới đằng đầu” thì đó cũng là ngoài ý muốn nghe anh gì đó ơi! (-)
NAM: Chắc là hôm nay tôi bị người khuất mày, khuất mặt khiến xui nên mới nhè… cô ba mà hỏi thăm đường. Nếu có buồn cũng đành để bụng mà thôi, chớ ai nỡ hờn trách nhau chi buổi ban đầu tương kiến.
(nói tiếp) –Tôi nói vậy… mà có phải vậy không cô ba?
NỮ: (duyên dáng) –Nghe qua thì… cũng tam tạm. Anh gì đó ơi!
NAM: (cười nhẹ) –Tôi nằm… trên cô một bậc. Tôi tới thứ tư lận đó!
NỮ: Vậy thì… anh Tư ơi!
NAM: Ơi!
NỮ: 2- Nếu anh Tư có viếng cảnh Chùa Một Cột, em mời anh Tư hãy cất bước theo cùng… Vì nhà ba má em cùng chung hướng, chung đường…
NAM: Như vậy là cô ba còn ở chung cùng… ba má?
NỮ: Anh Tư vừa nhắc tới ba má nào? Và ba má của ai? (-)
NAM: Thôi mà cô ba, mình chung lối chung đường thì cô ba còn bắt bẻ mà chi. Sách có câu rằng: “Dụng nhơn mạc nghi, còn nghi nhơn mạc dụng”. Nếu cô ba thiệt lòng giúp đỡ, thì lỗi phải làm gì cho nó dễ… xa nhau.
NAM: (nói) –Cô ba nè. Nói về quê hương Thủ Đức mình thì tôi cũng khá rành đó cô ba.
NỮ: (cười, duyên dáng) –Rành? Rành mà đi hỏi thăm đường. Hổng dám đâu!
NAM: Tôi nói thiệt tình mà cô ba! Cô ba nghe tôi nói có đúng không nghen!
(hắng giọng)
NGÂM THƠ
“Xứ Thủ Đức năm canh thức đủ”
“Gái Đồng Tranh năm tháng… đành trông”
NỮ: (cười) –Câu đó nó xưa còn hơn trái đất nữa ông ơi!
NAM: Nếu như cô ba muốn… nay, thì tôi sẽ… nay liền. Tỷ như cô ba hỏi tôi là…
KHỐC HOÀNG THIÊN
“Hoát - i- dua - nem”… Tôi đáp là “Mai –nem Thủ Đức”
NỮ: Ý chà chà! Tiếng Mỹ của anh chắc là… Mỹ Tho quá!
Nếu không thì… Mỹ Hạnh cũng nên
Vậy thì anh đi tưới đậu cho rồi
NAM: Cô ba ơi, cô chớ có vội cười
Chẳng qua, tôi nói đùa mà thôi
NỮ: Vậy anh nói thiệt đi cho tôi tường tận
Anh viếng cảnh Chùa Một Cột hay đến tìm ai?
NAM: Tôi ngại nói ra cô ba sẽ hiểu lầm
Nên tự nãy giờ chỉ biết làm thinh
Hơn mười mấy năm qua, nay về thăm lại quê nhà
Tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay
(nói tiếp) –Cô ba, cô làm sao vậy?
NỮ: (nói một mình) -Cái này phải cẩn thận mới được. Thứ này nhiều hàng dỏm lắm!
NAM: Visa của tôi nè, cô ba cứ việc xem qua.
NỮ: Vậy đây là “mác in”… thứ thiệt, chớ không phải là hàng dỏm! (hắng giọng) Nhưng mà tôi hỏi anh câu này… nếu như anh có giận cũng ráng mà chịu à!
NAM: Dạ, cô ba cứ tự nhiên. Tôi đâu có ngu gì mà đi giận nước lã người dưng.
NỮ: (vô vọng cổ) –Anh Tư ơi, ba em thường dạy câu: “Nhơn phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”. Dẫu cho anh Tư có là Việt Kiều… thứ thiệt , thì xin anh Tư đừng quên cội…
VỌNG CỔ
5- Quên nguồn… Em nghĩ làm sao thì nói ra làm vậy, anh Tư chớ có vội buồn… Với lại, em và anh Tư chỉ mới buổi ban đầu sơ ngộ, có “hậu lai” thì mới… “hảo tương kiến” phải vậy hôn anh Tư? (-) Thôi thì… nếu anh Tư có viếng cảnh Chùa Một Cột, mời anh Tư cất bước theo em. Rồi sau đó mình… mỗi người một ngã. Rốt cuộc rồi em với anh Tư cũng là người dưng nước lã trong đời.
NAM: 6- Cô ba ơi, có câu rằng: “Thiên khả độ, địa khả lượng, duy nhơn tâm bất khả phòng”. Trời đất kia còn phận định được thấp cao, nhưng tấm lòng của con người mấy ai lường trước được. u đó cũng là lẽ thường tình trong cuộc sống, lại cũng có câu rằng: “Trường đồ tri mã lực, sự cửu kiến nhơn tâm”. Qua tháng năm dài cách trở xa xăm, nay nhờ viếng cảnh Chùa Một Cột đã cho tôi gặp người tri kỷ. Cô ba ơi, mình có duyên nợ với nhau thì dẫu xa xôi mấy cũng thành gần (-)
Không có nơi nào đẹp bằng đất nước quê hương, cũng không có nơi nào thiêng liêng bằng quê cha đất tổ. Ngày hôm nay có được cô ba… bên cạnh.
NỮ: Thì sao nè?
NAM: Thì tôi thấy lòng mình càng… càng thương mến cô ba.
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN là bút danh của Soạn Giả Cổ Nhạc Thái Quốc Thế Nguyên. Sáng tác thơ, truyện ông dùng bút danh Dạ Ngân Châu và tên thật.
Ông sanh năm 1949 tại xã An Thuận, quận Thạnh Phú, Tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Từ nhỏ, thân phụ ông đem gia đình lên định cư ở Thị Xã Mỹ Tho.
A Lý Phượng Tuyền là con trai Út (ông thứ 11 và còn thêm một người em gái) của Nhà Thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông và Bà Võ Thị Sáu. Ông là bào đệ của Nhà báo, văn thi sĩ Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh) và, văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế). Anh em ông đều thông thạo Hán-Việt. Trước năm 1975, ông phục vụ tại Tiểu khu Long Khánh, ngành Truyền Tin.
Tác phẩm đầu tay, bài thơ “Dặn Con Khi Thanh Bình” của ông được đăng trên tạp chí Nông Thôn Vùng Dậy”, của Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Đuốc Từ Bi của Phật Giáo. Sau đó, thơ ông đuọc đăng trên nhiều Nhật Báo ở Sàigòn.
Vì chiến sự ngày càng khốc liệt, do bận quân ngũ, ông không thể tiếp tục sáng tác. Sau 30.4.1975, ông về sinh sống tại xã Bàu Hàm 1, xuyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, trong cảnh khó nghèo. Mãi đến năm 1988 cuộc sống tạm ổn định, ông viết lại. Với chuyên đề Thơ Chua, Thơ Cay, Thơ Ngâm Dấm và Tiểu Phẩm. Đặc biệt là Cổ Nhạc.
Như chuyên đề đã định, văn thơ ông thường chống tiêu cực, châm chích tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống,… đăng gần như thường kỳ trong mục Quán Cười Báo Lao Động Đồng Nai, báo Văn nghệ Thành phố HCM, báo Tuổi Trẻ Cười, tuyển tập Tuổi Hồng và các tập san như Thông Tin Đồng Nai, Văn nghệ Châu Đốc…v.v.
Về Cổ Nhạc ông đã có nhiều tác phẩm thành danh như: “Tâm Tình Cô Công Nhân”, “Hoa Cao Su” và vài mươi bài khác. Chặp cải lương “Ngọc Hoàng Nổi Giận” gây tiếng vang trong làng Cổ Nhạc. Hiện ông có trên 200 tác phẩm Cổ Nhạc. Soạn giả Viễn Châu từng ngậm ngùi nuối tiếc: “A Lý sinh chẳng phùng thời”.
Từ năm 1995 đến 2005, năm nào ông cũng đoạt 3, 4 giải thưởng sáng tác Cổ Nhạc, do các tỉnh, thành tổ chức. Trong đó có giải Huỳnh Văn Nghệ, 5 năm tổ chức một lần. Nhờ vậy, đời sống ông khấm khá hơn.
Soạn giả Cổ Nhạc A Lý Phượng Tuyền được các đài truyền hình Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai ghi hình tác giả và tác phẩm. Cá biệt, đài truyền hình Đồng Nai, chọn lọc và thực hiện VCD Tác Giả Tác Phẩm dành riêng ông.