VƯỢT LÊN NỖI ĐAU
Bs. Nguyễn Thanh Điền
NÓI LỐI
Mùa đông lành lạnh trong, ngoài,
Vết thương dấu tích, tháng ngày phôi pha,
Trời xa mây gợn nhạt nhòa
Đời cha gian khổ, đời con miệt mài,
VỌNG CỔ
Câu 1: Mỗi mùa đông sang vết thương trên người anh nhức nhói,
Anh cố nén cơn đau trong đêm vắng âm...thầm.
Giá rét thê lương buốt lạnh tâm hồn.
Vết đạn cứa trên thịt da đã lành theo năm tháng,
Nhưng vết thương lòng còn mãi với thời gian(-)
Đứa con sinh ra không có đôi bàn tay.
Lúc chào đời đã mang nhiều bất hạnh.
Viễn cảnh tương lai, vạn nẻo đường đời,
Mang kiếp tật nguyền, biết bao niềm đau khổ(-)
Câu 2: Năm tháng dần trôi đứa con của anh khôn lớn.
Cảnh thương tâm ray rứt ngậm ngùi.
Khi con hỏi anh: Ba ơi! Đôi tay của con đâu rồi?
Anh nhìn con rưng rưng dòng lệ,
Rồi ôm con vào lòng xoa dịu niềm đau(-)
Biết nói sao cho con hiểu rõ nguồn cơn,
Chất độc màu da cam nó khiến cho con dị dạng.
Không chỉ mình con đeo mang gánh chịu,
Mà nỗi đau này là nỗi đau chung.
LÝ SÂM THƯƠNG
Bao tháng năm trôi qua.
Niềm đau, lành theo năm tháng.
Bao khó khăn gian lao.
Trời khuya tê buốt châu thân.
Đời còn nhiều lo toan.
Nhìn trẻ thơ mắt cay, lệ buồn.
Còn cảnh đời đau thương,
“Màu da cam” giết bao tâm hồn.
VỌNG CỔ
Câu 5: Nhìn đứa con thiếu đôi tay mà cõi lòng anh tê tái,
Quặn thắt ruột gan tâm tư trĩu nặng,
Lối tương lai gian truân khốn khó muôn...trùng.
Luôn phải vượt qua giông tố bão bùng.
Trong kháng chiến anh đã chịu nhiều mất mát,
Xây dựng cuộc đời những mong hạnh phúc sẽ nhân lên(-)
Nỗi đau này không chỉ riêng ai.
Mà đang có nhiều người chung tay chia sẻ,
Đường con đi dù có gian nan, hiểm trở,
Cố vượt qua rồi hạnh phúc sẽ dâng đầy.
Câu 6: Chiến tranh đã lùi xa vào qúa khứ,
Thân thể anh một phần gởi lại quê hương.
Nhưng không thể cúi đầu, bó gối,
Không thể lặng nhìn số phận hẫm hiu(-)
Vẫn góp sức xây dựng thôn xóm,
Góp phần cùng xã hội thăng hoa,
Mọi người cảm phục anh thân tàn, nhưng không phế.
Mắt sáng, tim trong, tròn nghĩa, trọn tình.
Không buồn vì cảnh cơ hàn,
Rạng ngời ánh mắt, dạt dào tình xuân.
Cả đời vì chữ nhân luân,
Vì “chân, thiện, mỹ” Sống đẹp tình quê hương ./.
Hội Viên Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Kiên Giang.
Tác giả - Bác sĩ Nguyễn Thanh Điền viết bài ca cải lương (Đặc biệt là bài ca vọng cổ) chỉ chừng 5 năm nay, nhưng anh đã có đến hơn 70 tác phẩm. Ít nhất là nửa trên số nói trên được công chúng biết đến qua Đài PT&TH Kiên Giang dàn dựng phát sóng, đăng ở tập ca cổ HVNT Kiên Giang, Tạp chí Chiêu Anh Các, Đặc san Văn hóa - Thể thao - Du lịch Kiên Giang…
Tác giả hiện đang công tác ở Khoa Cấp cứu Tổng Hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang. Dù là Bác sĩ rất tận tâm với nhiệm vụ nhưng rất đam mê ca hát ở phong trào đờn ca tài tử, nên từ đó cũng có hoài bão được viết tác phẩm cho mình, hát theo cảm xúc của riêng mình…