Sọan giả Loan Thảo là cây bút nổi tiếng của hãng dĩa Việt Nam, là học trò xuất sắc của tác giả lừng danh Hoa Phượng, chắc hẳn những ai có quan tâm tới bài vọng cổ ít nhất cũng có nghe vài lần bài hát của anh, những bài Bánh bông lan, Chuyện tình Lan và Điệp, Đám cưới trên đường quê, Rước tình về với quê hương và hàng trăm bài tân cổ khác với bút danh Quế Chi, Quế Anh.
Trước năm 1975 anh nổi lên như một hiện tượng, tác giả trẻ viết tân cổ hay nhất vào thời đó, ăn khách nhất, cho tới hôm nay những bài tân cổ của anh vẫn còn giá trị, một số bài thuộc vào hàng mẫu mực về kỹ thuật viết, cách bố cục, cách hành văn mượt mà trữ tình, rất dễ ca. So với một số tác giả tiền bối viết tân cổ trước đó thì Loan Thảo viết mới hơn, tuổi trẻ, bay bướm hơn, chất thơ, chất văn học gần với lớp trẻ hơn. Hiện nay có hàng ngàn bài vọng cổ vẫn luân phiên được phát ra rả hàng ngày trên các sóng phát thanh truyền hình, số lượng dồi dào, mà chất lượng thì phần lớn nhạt nhẽo, nội dung na ná, chung chung, có khi lấy khẩu hiệu đưa vô làm lời ca, đó cũng là một vấn đề những ai tâm huyết khi sáng tác bài vọng cổ phải lưu ý. Thật ra nhược điểm lớn nhất của cải lương là quá ít những công trình lý luận có giá trị thực tiễn cao chúng ta quen làm hơn quen lý giải, dẫn dắt nên cứ mai một dần, người trước ôm bí quyết ra đi, người sau mò mẫm bơi trong sự tự nỗ lực của mình. Qua diễn đàn này tôi nghĩ, dù hay dở, đúng sai gì, ít ra chúng ta cũng có dịp trình bày những gì mình góp nhặt được, cùng nhau tìm hướng đi sáng sủa khi sáng tác bài vọng cổ.
Soạn giả Loan Thảo từng cho biết bài vọng cổ viết phải có kịch tính, yếu tố bất ngờ trong vài chi tiết sẽ làm người nghe thích thú hơn. Như trong bài Duyên quê, 4 nhịp chót dứt CÂU 6: “tiếc công anh chùi dĩa lau bình, cậy mai dông tới nói mà phụ mẫu nhìn bà con" một cái kết bất ngờ ngoài dự đoán, hay như trong bài Bánh bông lan, chàng trai cứ buộc, cô gái cứ mở như hai võ sĩ, người kìa ra đòn, người nọ hóa giải. Kịch tính cũng là một yếu tố làm cho bài vong cổ hấp dẫn.
Soạn giả Trọng Nguyễn thì chia sẽ một kinh nghiệm khi viết bài nói về một địa danh, một câu chuyện có thật ở một địa phương nào, câu chuyện phải được nâng lên thành giai thoại, làm cho câu chuyện đẹp hơn, khiến người nghe bị thu hút và tin vào những gì tác giả viết. Những bài Quê anh, quê em, Mỹ Tho mùa trăng bến hẹn, Chợ mới, Bên sông Vàm cỏ, Giọt sữa cuối cùng... là những bài vọng cổ có thể tìm hiểu sâu hơn kinh nghiệm này của Trọng Nguyễn.
Riêng tôi cũng xin mạn phép trình bày lại những kinh nghiệm mà soạn giả lừng danh Hoa Phượng đã đúc kết, chính ông đã truyền lại kinh nghiệm này cho nhiều thế hệ đàn em, đệ tử, người thành công nhất là Loan Thảo, Thế Châu, Tuấn Khanh, Yên Ba, Hữu Lộc, Nhất Nương... Nhiều người, kể cả người trong nghề chỉ nghĩ Hoa Phượng viết vọng cổ hay trong tuồng, ít ai biết rằng ông viết vọng cổ hay như viết tuồng, mỗi bài vọng cổ của ông là một tác phẩm văn học. Chính ông đã truyền lại cho Loan Thảo những bí quyết khi sáng tác bài vọng cổ ông rất thương yêu và quý mến tài năng của Loan Thảo, trong các đệ tử có hai người viết giống ông nhất là Loan Thảo và con gái ông, tác giả Nhất Nương.
Những thành công của Loan Thảo ở hãng dĩa Việt Nam có sự định hướng, hậu thuẫn của ông. Theo Hoa Phượng câu vô vong cổ là câu khó viết nhất, hay nhất của bài vọng cổ. Với kinh nghiệm của mình, ông thường trao đổi với các đàn em, đệ tử coi như đó là một phương pháp. Ông đúc kết có mấy cách viết câu vô vọng cổ:
1 . Tả cảnh vật
Dùng hình ảnh của cảnh vật để miêu tả, mở đầu. Trong bài Duyên quê "Đàn cò trắng bay qua không thèm sà xuống đồng ruộng mới, đàn gà đầu xóm còn nương giấc trưa không thèm lên tiếng gáy bọn sáo đậu sừng trâu hót mãi cũng nghe buồn..." hay như trong bài Tình nước: "Mặc gió lung lay nhà tôi xưa nay vẫn vậy, đứng ở ven sông nghiêng nhìn dòng nước, rừng cấm sau lưng, trăm mọc tới chân trời”... Cách này rất hay được dùng.
2. Tả tình
Dùng tình cảm trong lòng diễn đạt ra. Trong bài Quán gấm đầu làng "Châu tiểu thơ ơi, lời hẹn năm xưa bây giờ mìng có nhớ. Lưu Bình tôi đã được danh đề bảng hổ, có xứng được cùng ai kết nghĩa Châu Trần..."
3. Mượn cảnh vật tả tình
Đây là cách được dùng nhiều nhất, vì tính chất đa dạng, phong phú. Trong bài Mưa trên phố Huế "Hò. . . Ơ mưa chợ Đông Ba mưa qua Gia Hội, ai về Thành Nội, ai đợi Vân Lâu. Gío mưa còn nặng nỗi sầu, sông Hương muôn thuở còn sâu ân tình..."
4. Triết lý
Cách này rất hay, rất sâu, đòi hỏi người viết phải có kiến thức sâu rộng, trải nghiệm cuộc đời sâu sắc. Như trong bài Lòng mẹ "Công mẹ sanh con sánh bằng năm biển lớn, chỉ có càn khôn kia không bờ, không bến mới sánh được với long mẹ thương con vốn không tận, không cùng...
Trên đây chỉ là những gì tôi nhớ mà nói lại. Còn một số cách nữa, nhưng có thể nói đây là mấy nét chính để chúng ta suy nghĩ thêm. Bản vọng cổ chỉ có bây nhiêu khuôn nhịp, mà mỗi nhạc sĩ diễn tấu khác nhau, mỗi nghệ sĩ ca khác nhau, người sáng tác viết lời khác nhau, phong phú vô cùng.
Cho tới bây giờ tôi vẫn thấy mình viết chưa hay bài vọng cổ, càng viết càng khám phá những điều thú vị và càng thấy mình chỉ là "hạng thường tài". Hệ thống và tinh hoa của âm nhạc cải lương mênh mông quá, sự hiểu biết, vận hành của mình như hột muối đem bỏ biển. Hy vọng sẽ nhận thêm nhiều ý kiến, những kinh nghiệm quý báu của những bậc tiền bối, những bạn bè đồng lứa, cốt sao làm cho bài vọng cổ hay mãi như nó đã từng hay.