LƯỢC KHẢO HÌNH THÀNH BÀI BẢN ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ.
Nhạc sĩ Tấn Nhì
Ngày nay, lối chơi Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ với các bài bản phong phú, nhiều hơi điệu, vị nghệ thuật, bất vụ lợi, đã lan tỏa khắp trong nước cũng như trong cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại, qua mạng truyền thông Internet.
Nói đến Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ, không những là nói phong cách biểu diễn mà còn phải nói đến hệ thống bài bản của nó nữa. Ai đã tạo ra các bài bản cho Đờn Ca Tài Tử, sáng tác từ bao giờ và trong hoàn cảnh nào ? Tài liệu, sách vở tìm để nghiên cứu, học tập cho bộ môn âm nhạc lý thú nầy lại có rất ít.
Lớn lên trong cái nôi đờn ca của miệt Cần Giuộc, Cần Đước và hơn 70 năm đam mê với thú cầm ca, sự hiểu biết của tôi về Đờn Ca Tài Tử vẫn còn cạn hẹp, phần nhiều là biết lỏm bỏm qua những lời truyền tụng của các bậc tiền bối trong nghề, đặc biệt trong đó nhạc sư Nguyễn Văn Thinh tức giáo Thinh, nguyên giám học trường Quốc Gia Âm Nhạc – Kịch Nghệ Sài Gòn và học trò của ông là nhạc sĩ Võ Tấn Hưng tức Năm Hưng, tác giả quyển Cổ Nhạc Tầm Nguyên, đã cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quí báu, để tôi viết lên bài Lược Khảo Lịch Sử Hình Thành Bài Bản Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ nầy.
Kẻ đi sau nói chuyện về người đi trước, nhứt là trong lãnh vực sáng tác bài bản đờn ca, tác giả thường không ghi tên mình, mong những bậc cao minh thấy trật xin sửa sai, thấy thiếu thì xin bổ khuyết giùm.
Như chúng ta đã biết, năm 939, khi ông Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán, giành độc lập tự chủ cho nước nhà thì trước đó rất lâu, dân tộc Việt Nam ta đã tôn sùng Nho Giáo, cho là chánh đạo độc tôn. Luân lý, phong tục, chánh trị, bất cứ việc gì cũng lấy Nho Giáo làm cốt, lấy Lễ để giữ gìn trật tự xã hội, lấy Nhạc để điều hòa tâm tính của con người. Nhạc Cổ Truyền của chúng ta cũng theo quan điểm nầy là chơi nhạc không những để giải trí, di dưỡng tinh thần mà còn nhờ cái hòa trong âm nhạc để rèn luyện tánh tình, sống không bất cập, không thái quá, sống hợp với nhân nghĩa đạo đức ngàn đời của con người Việt Nam, chớ không vì hám danh trục lợi nào trong thú vui chơi giải trí nầy.
Khoảng trên 300 năm trước, trong những ngày đầu, người Việt Nam theo dòng nam tiến, đi khai hoang lập ấp ở đất Nam Bộ. Trong số lưu dân, cũng có người ham thích đờn ca xướng hát, mang theo từ quê nhà vài thứ nhạc khí gọn nhẹ, khi rổi rãnh, họp nhau vui chơi các giọng điệu Âm Nhạc Cổ Truyền, ai biết gì chơi nấy, dân Miền Bắc chơi điệu miền bắc, dân Miền Trung chơi điệu miền trung, nhưng chắc chắn là những bài bản ngắn gọn, đơn giản, dễ ca, dễ đờn, dễ thuộc lòng như Hò, Vè, Lý, v,v…Như vậy, cách chơi đờn ca bài bản đơn giản nầy chưa phải là chơi bài bản theo phong cách Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ.
Lần hồi cộng đồng người Việt Nam ở đất Nam Bộ càng ngày càng đông. Do nhu cầu phục vụ những ngày lễ quan, hôn, tang, tế nên bài bản Nhạc Lễ phát triển khá hoàn chỉnh. Từ lâu dân gian truyền tụng 4 ông thầy đờn vùng đất Nam Bộ là Sâm, Hồ, Ngô, Đạo nhứt dĩ quán chi, chỉ cần có được một ông là đủ để hơn thiên hạ rồi. Câu nầy có lẽ nói về các thầy đờn dạy bài bản nhạc Lễ lúc bây giờ, chớ lối chơi Bài Bản Đờn Ca Tài Tử có hệ thống hơi điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán chưa thấy xuất hiện.
Cho mãi gần cuối Tk 19, một số học sinh, con nhà danh gia thế phiệt ở Nam Bộ ra kinh đô Huế du học, như tiến sĩ Phan Hiễn Đạo, tú tài Tôn Thọ Tường, ham mê âm nhạc nên đã học được một số bài bản của Ca Nhạc Huế như Hành Vân, Lưu Thủy, Bình Bán, Kim Tiền, Tứ Đại Cảnh, rồi về Nam Bộ đờn ca, vui chơi trong sự kín cổng cao tường, rập khuôn lối chơi Ca Nhạc Huế của các quan lại, ông hoàng bà chúa đất thần kinh, chớ chưa ai dám cải biên, chỉnh sửa, cho phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Ở giai đoạn nầy, chơi đờn ca cũng chưa được coi là chơi Bài Bản Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ.
Sự có mặt tại Miền Đông Nam Bộ vào năm 1885 của ông Nguyễn Quang Đạitức Ba Đợi, một nhạc công của triều đình nhà Nguyễn, là cái móc thời gian, một sự khởi đầu cho lịch sử hình thành loại hình Bài Bản Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ.
Sau đây, tôi xin tóm tắt tiểu sử của ông Nguyễn Quang Đại tức Ba Đợi mà tôi thu thập được qua nhiều lời kể của các nhạc sĩ tiền bối, khi nhạc sĩ Trần Chín Tâm (tụ điểm quận 4) đề nghị CLB. Đờn Ca Tài Tử Quận 8 (tôi làm chủ nhiệm), có danh nghĩa hơn một tụ điểm tư gia, đứng ra tổ chức lễ giỗ ông lần đầu tiên, năm 1993.
Ông Nguyễn Quang Đại tức Ba Đợi quê huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thuở nhỏ, không thích miệt mài trong chốn văn chương khoa cử mà lại ham mê bộ môn âm nhạc và sớm trở thành một nhạc sĩ tài hoa nơi chốn kinh kỳ. Gia đình ông có một người bà con làm việc trong cung nội triều đình Huế, gởi ông vô học nghề nhạc. Qua 6 kỳ thi sát hạch, ông mới được tuyển chọn làm nhạc công của triều đình (ít nhứt trên nhạc đồ một bậc, tức nhạc công, phải rành rẽ từ 5 đến 9 nhạc cụ – suy đoán theo cách Giải Thi, triều Thiệu Trị Đệ Nhị Niên). Năm 1885, Ông đã hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp của vua Hàm Nghi, bỏ kinh thành Huế, theo ghe bầu vào miền Đông Nam Bộ, truyền dạy bài bản Nhạc Cổ Truyền và bổ sung những khiếm khuyết trong các dạ Nhạc Lễ Nam Bộ. Ông là một nhạc sư đầy tài năng và đức hạnh, nhưng khi chết vào ngày 19 tháng giêng âm lịch (không biết năm nào) lại ở trong cảnh nghèo nàn túng thiếu, quan tài do một chiếc xe cá (xe ngựa chở cá) chở vào vùng mả hoang miệt Bình Đông – Rạch Cát của Quận 8, tới nay thì mồ xiêu mả lạc.
Năm 1995, CLB Đờn Ca Tài Tử Quận 8 lập bài vị ông, do giáo sư tiến sĩ Huỳnh Minh Đức đề bút bằng hán tự :
– Phụng Vi Quá Vãng
– Nguyễn Quang Đại Chi Hương Hồn
– Hoàng Triều Đại Nhạc Sư
– Nam Bộ Đại Nhạc Tông.
Năm 1996 Trung Tâm Văn Hóa tỉnh Long An rước bài vị nầy về thờ nơi đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, hằng năm mở lễ hội 3 ngày 16, 17, 18 tháng giêng âm lịch, tổ chức cúng tế và giao lưu trao đổi nghệ thuật đờn ca cùng các CLB. Đờn Ca Tài Tử. khắp mọi miền đất Nam Bộ.
Đất Nam Bộ ở cuối Tk. 19 và đầu Tk. 20, một khoảng không gian thích hợp thiên thời, địa lợi, nhơn hòa, để nhạc sư Ba Đợi truyền dạy Nhạc Cổ Truyền cho học trò. Những cuộc khởi nghĩa trước kia lẫn phong trào Cần Vương sau nầy của các vị anh hùng dân tộc, đều lần lượt bị tan rã vì không chống nỗi với đạn đồng tàu sắt của Pháp quân. Dân chúng trở lại sống trong cảnh hòa bình , với thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ phì nhiêu, ruộng lúa trúng mùa. Lòng yêu nước vẫn còn ngún cháy trong máu trong tim của người dân Nam Bộ nên họ không ưa gì chế độ thực dân cai trị, cũng không mặn mà gì với các thú vui chơi giải trí của kẻ xâm lăng bày ra.
Dân Nam Bộ, vốn đa phần là con cháu của các ông bà tổ tiên trước kia là những lưu dân đi khai hoang lập ấp, sẵn có dòng máu ham mê đờn ca xướng hát, khi nghe tin nhạc sư Ba Đợi là một nhạc công của triều đình, được đào tạo chánh qui trong trường nhạc cung đình, vào Nam làm nghề dạy nhạc. Các nhà giàu có rất vui mừng, tranh nhau rước ông về nhà nuôi ăn nuôi ở để dạy cho con em mình học nhạc ta.
Dân nam bộ do quá trình lao động, cần cù lúc đi khai hoang lập nghiệp, chịu bao nỗi gian truân, thiếu thốn, tập cho họ cái tánh thương yêu, đùm bọc, giúp đở lẫn nhau, đối đãi giữa người giàu và người nghèo bình đẳng, chân tình, cởi mở. Nhà giàu, có tiền đi học đờn rồi về truyền dạy lại cho anh em, bè bạn, bà con lối xóm, để có được nhiều người đồng điệu tri âm cùng vui chơi với mình. Chủ điền, tá điền, người làm ruộng mướn, khi chiều xuống, nhàn rổi là tụ họp nhau lại đờn ca, tập dợt bài bản, say mê, có khi thâu đêm suốt sáng.
Nhưng Nhạc Cổ Truyền là loại nhạc có bài bản, căn cơ nhịp nhàn, có nhạc lý thâm sâu, xuất phát từ loại nhã nhạc cung đình, từ lối Ca Nhạc Huế của đất thần kinh, mộtloại nhạc do các bực thâm nho uyên bác sáng tạo, nhứt thời khó phổ cập trong quần chúng nhân dân.
Nhận thấy được điều đó và sẵn gặp vùng đất Nam Bộ, nay là đất thuộc địa của Pháp, không còn bị ràng buộc bởi luật lệ vua quan phong kiến, nhạc không còn dành riêng cho giới thượng lưu, ông Ba Đợi mới đem tài năng nhạc học của mình ra tự do sáng tạo, cải biên bài bản của Ca Nhạc Huế, giản dị hóa lối ấn nhịp, để tạo ra loại hình đờn ca bài bản, phù hợp với cảnh nông nhàn, tánh tình đơn giản, ngôn ngữ bộc trực của người dân nam bộ. Ông đã sáng tác và cổ vũ sáng tác bài bản, xây dựng thành loại nhạc Ngũ Cung Lòng Bản, âm vực bổng trầm, trường độ nhịp nhàn tùy chọn theo ý người đờn ca, bài bản phải học thuộc lòng rồi tâm tấu, mặc dầu bài bản viết có hơi dài, nhưng bù lại chữ đờn rất chân phương, giản dị, nhiều câu, nhiều khúc, nhiều lớp, lại thường trùng lập với nhau, dễ đờn, dễ học thuộc lòng, dễ ngẩu hứng sáng tạo theo tâm tư tình cảm của người chơi, nên đã thu hút được rất nhiều môn đệ của đủ mọi thành phần, trình độ và rất nhanh chóng gây thành phong trào Đờn Ca Tài Tử rộng khắp ở Miền Đông và còn lan sang qua Miền Tây Nam Bộ.
Giai đoạn nầy, trong những ngày cuối Tk. 19 và đầu Tk. 20, khắp vùng đất Nam Bộ, nhiều Ban Đờn Ca Tài Tử được thành lập, đi giao lưu biểu diễn trong các liên hoan lễ tiệc, phục trang chỉnh tề, lịch sự, theo đúng tinh thần âm luật Thất Bất Đàn của người xưa (quần áo không chỉnh tề không đờn), tuy nhiên không trịnh trọng về hình thức, rất tự do phóng khoáng, có người mặc âu phục, có người khăn be áo dài, lại có người mặc đồ bà ba, y phục của lớp nông dân cày sâu cuốc bẩm, nhưng tất cả họ đều là những tài tử, được gia chủ quý trọng tiếp đãi nơi phòng khách, chỗ sang trọng nhứt trong nhà, được mời ăn trên ngồi trước rồi mới chơi đờn ca. Danh từ gọi Đờn Ca Tài Tử là Đờn Ca Salon cũng chính ở điểm nầy, một loại nhạc thính phòng, chơi nơi phòng khách, tính âm nhạc trong bài bản là chánh, người đờn, người ca và khách mộ điệu tri âm cùng nhau thưởng thức, không những bằng tai nghe mà còn cảm nhận cả bằng trái tim, khối óc một cách say sưa, những làn điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán, Ngự tuyệt vời. Đó là Ban Tài Tử được mời đi phục vụ, nhưng thường ngày, bất kỳ nơi đâu, miễn là có không gian thích hợp với thiên thời, địa lợi, nhơn hòa, ngoài vườn có bóng cây che mát hay trong đêm trăng thanh, hoặc khi thả xuồng trôi theo dòng sông nơi miền quê yên tỉnh, người chơi Đờn Ca Tài Tử, tùy ý phục trang sao cho thoải mái là có thể du dương, trầm bổng trong các làn điệu Đờn Ca Tài Tử, không phân biệt giai cấp hèn sang, chơi bằng tài năng thiên phú, bằng sự ngẩu hứng sáng tạo tại chỗ, khi chơi quên hết những chuyện đời thường, đờn qua rồi không thể nào nhớ mà đờn lại được.
Ông Huỳnh Tịnh Paulus Của, trong quyển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, xuất bản năm 1895 tại Sài Gòn, đồng thời với phong trào Đờn Ca Tài Tử đang rộ nở tại đất Nam Bộ, đã định nghĩa chữ Tài Tử (nói về nhạc) : “Là kẻ có tài riêng, người chuyên nghề cổ nhạc, nhạc công”…Qua định nghĩa nầy thì chữ Tài Tử trong đờn ca tài tử là chữ Tài Ba (talent), kèm theo là phải có tài riêng (don naturel, năng khiếu) và chuyên nghiệp (professionnel), chớ không phải có nghĩa là nghiệp dư, không chuyên, chơi cho vui (amateur).
Người chơi Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ vì yêu thích, có thể hay hoặc dở, chuyên nghiệp để kiếm sống hay chơi để giải trí, nhưng khi nói đến Nhạc Tài Tử Nam Bộ thì chúng ta phải hiểu là ý muốn nói đến một loại nhạc với những bài bản bác học, loại nhạc tinh hoa nhứt trong nền Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam vừa mới được sản sinh ở đất Nam Bộ hơn 100 năm nay mà thôi.
Nhạc Tài Tử là một loại nhạc có tính cách tiêu khiển khi nhàn rổi, không có tính sân khấu. Bài bản dài, nhiều khúc, nhiều lớp, nhiều câu, chỉ để khách mộ điệu tri âm cùng thưởng thức với mình nên không sợ người ngoại điệu nhàm chán.
Những bài bản phải học thuộc lòng rồi mới tâm tấu và do tâm tư tình cảm tác động bởi ngoại cảnh mà có ngẩu hứng sáng tạo ra chữ đờn. Như vậy bản đờn có quyền thúc nhịp hoặc lơi nhịp tùy theo ý muốn của người ca, cũng như có quyền thêm hay bớt chữ đờn trong lòng câu của bài bản, miễn là giữ đúng điệu và đúng số nhịp mà thôi. Học thuộc lòng bài bản, khi có ngẩu hứng sáng tạo, mới không sợ bị sai căn lạc điệu.
Chơi Đờn Ca Tài Tử mà không biết nhấn nhá phím đờn, lấy non làm già, không có ngẩu hứng sáng tạo thì bài bản nghe rất tầm thường, trái lại có sự ngẩu hứng sáng tạo thì bài bản nghe hay đến độ kỳ diệu, tuyệt vời, không lường trước được. Bởi vậy, có thể nói : bài bản + nhấn nhá + sáng tạo = nhạc phẩm hay.
Ta có thể tự học bài bản theo lối ghi chép cổ truyền : ngũ cung lòng bản, chữ đờn chân phương giản dị, lâu ngày cũng chơi được, nhưng cách tốt nhứt là học truyền ngóntrực tiếp từ thầy sang trò là mau nhứt, để học trò học được những chữ đờn sáng tạo tích lũy của thầy, và với thời gian, cộng thêm chữ đờn sáng tạo tích lũy của mình, lúc đó mới biến được bài bản Nhạc Tài Tử vốn khô khan, đơn giản, trở thành những bài bản tươi mát, muôn màu muôn vẻ.
Tên những bài bản Nhạc Tài Tử thường không liên quan đến tính chất làn điệu, chẳng hạn như bản Lưu Thủy đờn lên không nghe tiếng nước chảy, bản Hành Vân không thấy mây bay, ngoại trừ vài bản như Xuân Tình (lớp Điểu Ngữ), Ái Tử Kê, đờn và gõ mô tượng thanh tiếng chim kêu, tiếng gà con mổ trên nia gạo…
Giới chơi Nhạc Tài Tử, từ lâu không phân biệt Hơi và Điệu. Do đó ta thấy các nhạc sĩ đi trước chúng ta, đã dùng lẫn lộn hơi Bắc, điệu Bắc, hơi Oán, điệu Oán, trong các bản đờn được lưu lại.
Nhạc Tài Tử thuộc hệ thống nhạc ngũ cung đông phương nên khi phân tích hơi, điệu, takhông thể căn cứ vào thuật ngữ, cách chơi của nhạc tây phương. Tôi tán thành dùng chữ Điệu như chữ Điệu Thức (mode) của nhạc tây phương để chỉ bản nào có cấu trúc chữ đờn một cách đặc thù, xuyên suốt, còn Hơi (air, nuance) do nhấn nhá non, già, là điệu chưa thành điệu trọn vẹn của một bản nhạc, để gọi 4 Điệu 4 Hơi trong hệ thống bài bản Đờn Ca Tài Tử, hầu dùng làm từ ngữ học thuật chuyên môn trong sư phạm cho lớp kế thừa.
Ông Ba Đợi cùng nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông Nam Bộ, đã sưu tập, sáng tác, cải biên, từ thập niên cuối Tk. 19 qua những ngày đầu của Tk. 20, được 20 bản nhạc tiêu biểu cho 4 điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán và 4 hơi Xuân, Ai, Đảo, Ngự, gọi là 20 Bản Tổ. Hơi điệu Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ chỉ có bấy nhiêu, nhưng trên 100 năm nay, mặc dầu có nhiều sáng tác mới đã lưu hành trong giới, nhưng chưa thấy có bài bản nào sáng tạo thêm hơi điệu gì mới mẽ mà còn giữ được nét đặc thù bản sắc dân tộc Việt Nam.
Giới chơi đờn ca tài tử không chấp nhận những bài bản theo hơi điệu Hồ Quảng, Triều Châu, Khờ Me, hơi lai căn theo ký xướng âm của nhạc tây phương.
Sau đây, tôi xin lượckhảo về Lịch Sử Hình Thành Bài Bản Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ,đã sắp xếp, phân chia theo 4 điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán và 4 hơi Xuân, Ai, Đảo, Ngự do nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông Nam Bộ đưa ra trong 20 bài bản tiêu biểu gọi là 20 Bản Tổ : 6 Bắc, 7 Hạ, 3 Nam, 4 Oán và lược khảo thêm những bài bản thông dụng trong giới có cùng một thể hơi điệu nào thì sắp theo loại bài bản hơi điệu đó.
A – Sáu Bản Tiêu Biểu Cho Điệu Bắc :
1 – Lưu Thủy Trường
2 – Phú Lục Chấn
3 – Bình Bán Chấn
4 – Cổ Bản Vắn
5 – Xuân Tình Chấn
6 – Tây Thi Vắn
Điệu Bắc là điệu nhạc vui tươi, có mặt từ đời Lý, Trần, Lê, xuôi dòng nam tiến, đi vào Đàng Trong và phát huy rực rỡ tại kinh đô của triều Nguyễn. Có thể nói, Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ đã kế thừa dòng Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam xuyên qua loại hình Ca Nhạc Huế vì loại hình nầy đã cung cấp rất nhiều bài bản cho Nhạc Tài Tử Nam Bộ, nhứt là các bản như Hành Vân, Tứ Đại Cảnh, Lưu Thủy, Bình Bán, Kim Tiền, giữ một vai trò rất quan trọng trong việc sáng tác, phát triển hơi điệu bài bản Nhạc Tài Tử sau nầy.
Có người cho chữ Cung Bắc hoặc hơi điệu Bắc là cung điệu có ảnh hưởng nhạc của Trung Hoa, nhạc của một nước nằm ở phương bắc nước ta, có người cho là điệu nhạc của Đàng Ngoài (phương bắc đối với Đàng Trong) do các vua Lý, Trần, Lê của Việt Nam sử dụng từ lâu, nhưng lại có một số người cho rằng, sở dĩ gọi Cung Bắc, Cung Nam là gọi theo Dịch Lý Âm Dương của nền triết học đông phương : “Khi mới sanh ra ở nơi hướng Bắc, thuộc thời kỳ thiếu dương, nước có trước tiên, vạn vật bừng sức sống, nhạc điệu Bắc nghe vui tươi, trái lại khi vòng sanh thành hoại diệt hướng về Nam thì vạn vật dần ủ rũ, hơi điệu Nam nghe buồn thảm, bi ai.
Chính cái căn bản nhạc lý thấm đượm màu dịch học nầy mà chúng ta thường thấy, lúc nào, khi mở đầu buổi đờn ca tài tử, bản Lưu Thủy điệu Bắc được các tài tử chơi đầu tiên và theo thuyết âm dương ngũ hành, sinh khắc chế hóa, bản Lưu Thủy có cấu trúc đa số chữ Hò, chữ Xang mà chữ Hò án theo ngũ hành là hành Kim, ứng theo ngũ sắc là sắc trắng, Xang án theo ngũ hành là hành Thủy, màu đen, nên bản Lưu Thủy như một bức tranh thủy mặc, đơn sơ, giản dị, chỉ có 2 màu đen trắng nên được chơi trước tiên, với hy vọng cuộc chơi không bị rắc rối, được suôn sẻ như nước chảy xuôi dòng.
Giới Đờn Ca Tài Tử không quan tâm đến thuyết nào đúng hay sai để gọi tên Điệu Bắc và một lòng tin tưởng sự truyền dạy của ông thầy đờn Ba Đợi và tôn ông làm Trưởng nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông Nam Bộ.
Ông đã truyền dạy và hướng dẫn nhóm học trò, không ngừng sáng tác bài bản, nới nhịp, cải biên, chấn chỉnh các bài bản điệu Bắc của Ca Nhạc Huế đã có sẵn như Lưu Thủy, Phú Lục, Bình Bán, Cổ Bản, Hành Vân, Tứ Dại Cảnh để tạo ra các bài bản cho dòng Nhạc Tài Tử Nam Bộ có nét đặc thù riêng biệt như :
1 – Lưu Thủy Trường, 32 câu, nhịp tư, khởi đầu bằng chữ Hò (do nới nhịp từ nhịp đôi sang nhịp tư của bản Lưu Thủy Ca Nhạc Huế), được xếp đứng đầu trong 6 bản Bắc tiêu biểu, vì chữ Hò ở vị trí thứ nhứt của ngũ cung và cấu trúc toàn bản có thắng lượng chữ Xang, áng theo ngũ hành thuộc hành Thủy nên mới được mang tên là Lưu Thủy Trường.
2 – Phú Lục Chấn, 34 câu, nhịp tư, khởi đầu bằng chữ Xự, chấn chỉnh hơi bắc dựng của bản Phú Lục (nhanh, chậm) Ca Nhạc Huế.
3 – Bình Bán Chấn, 44 câu, nhịp tư, khởi đầu bằng chữ Xang, chấn chỉnh chữ vô đầu bằng chữ Xang thay vì chữ Liu và nới từ nhịp đôi sang nhịp tư của bản Bình Bán Ca Nhạc Huế.
4 – Cổ Bản Vắn, 34 câu, nhịp tư, khởi đầu bằng chữ Xê, lấy bản Cổ Bản Dựng của Ca Nhạc Huế đờn theo Điệu Bắc nhịp tư của Nam Bộ.
5 – Xuân Tình Chấn, 48 câu, nhịp tư, khởi đầu bằng chữ Cống, sáng tác mới, chỉ phỏng theo cái tên Xuân Tình Điểu Ngữ của Ca Nhạc Huế, ghi trong nhạc mục đời vua Tự Đức, có chăng chỉ còn dính dáng cấu trúc đôi câu lớp Hò Cống thường gọi là lớp Điểu Ngữ, thể hiện tiếng chim kêu.
6 – Tây Thi Vắn, 26 câu, nhịp tư, khởi đầu bằng chữ Liu, do Ban Tài Tử (trong đó có học trò của ông Ba Đợi là tài tử Bảy Vô đờn cò), năm 1900, đi dự Vạn Quốc Bát Lãm Hội tại thủ đô Paris (Pháp Quốc), sáng tác để mỉa mai chuyện Cổ Nhạc Việt Nam đi Tây thi trước Hội Đồng Giám Khảo toàn là người Pháp, nên nhạc điệu lên bổng xuống trầm, nhiều câu có tính đột biến, bất ngờ, thang âm không điều hòa lên xuống từng cặp từng đôi như các bản Bắc khác. Bản nầy thường được sáng tác cho những bài ca có nội dung khôi hài, mỉa mai, châm biếm. Sở dĩ gọi tên bản Tây Thi là để kỷ niệm chuyến đi của ban Cổ Nhạc Miền Nam sang Tây để dự thi về âm nhạc, chớ không phải lấy cái tên của nàng Tây Thi, gái nước Việt trong truyện Tây Thi – Phạm Lãi của lịch sử Trung Hoa, như nhiều người lầm tưởng.
Thứ tự sáu bản Bắc nêu trên là sắp theo thứ tự của một vòng Ngũ Hành : kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, kim, ứng với một vòng thứ tự âm thanh : hò, xự, xang, xê, cống, liu (hò ở cung cao). Nhạc Cổ Truyền Việt Nam không theo thứ tự thủy, hỏa, thổ, kim, mộc để sắp xếp thứ tự bài bản.
Cấu trúc âm thanh của sáu bản Bắc tiêu biểu trong hệ thống 20 Bản Tổ là dùng chữ đờn theo hệ thống ngũ cung chánh Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, Liu (đồng âm với Hò ở cung cao), không nhấn, không rung, lấy âm Xàng Liu làm âm chủ, điệu nhạc nghe rộn ràng, vui tươi, phấn khởi.
Giới chơi Đờn Ca Tài Tử thường đờn liên bản từng cặp theo âm thanh tương khắc tương sinh của lái đờn hơi điệu Bắc thông dụng : Hò Xự, Xang Cống, Líu Xê : Lưu Thủy Trường- Phú Lục Chấn, Bình Bán Chấn-Xuân Tình Chấn, Tây Thi Vắn-Cổ Bản Vắn (Lưu Phú, Bình Xuân, Tây Cổ).
Những Bản Thông Dụng Từ Điệu Bắc:
Ngoài sáu bản Bắc tiêu biểu trong hệ thống hơi điệu Bắc, nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông và Miền Tây Nam Bộ còn có nhiều bài bản điệu Bắc rất hay mà giới đờn ca rất thích, thường đem ra sử dụng để giao lưu cùng các Ban Tài Tử khác. Tôi xin kể ra đây một số bản thông dụng như sau :
- Nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông lấy 6 bản Bắc trong hệ thống 20 Bản Tổ, áp dụng 3 cách ấn nhịp : quảng điệu (lơi), trung điệu (vừa), cấp điệu (nhanh), biến thành 36 bản Bắc chia ra làm 2 bộ Thủ và Vĩ, mỗi bộ có 18 bản gọi là Thập Bát Thủ và Thập Bát Vĩ, tổng cộng là 36 bản (6 bản Thủ Trường, 6 bản Thủ Vắn, 6 bản Thủ Tẩu Mã và 6 bản Vĩ Trường, 6 bản Vĩ Vắn và 6 bản Vĩ Tẩu Mã).
Bản Thủ và bản Vĩ chỉ khác nhau ở phần đầu, lớp chót trùng nhau. Những bản đờn ca thông dụng trong các sân chơi, tụ điểm, thảy đều là những bản thuộc bộ Vĩ.
- Ngoài ra, với sự góp sức của nhiều môn sinh, ông Ba Đợi sáng tác Bộ Ngũ Châumiền đông theo hơi điệu Bắc, gồm 5 bản là :
1 – Kim Tiền Bản, 16 câu, nhịp tư. Bản nầy sau khi đẩy nhanh trường tống, tiết tấu, sau nầy được ứng dụng cho Sân Khấu Cải Lương, trong những tình huống tranh cãi lời qua tiếng lại giữa các nhân vật.
2 – Ngự Giá, 14 câu, nhịp tư, lập câu chịu ảnh hưởng của bản Tây Thi Vắn và Kim Tiền Bản.
3 – Hồ Lan, 12 câu, nhịp tư.
4 – Vạn Liên, 10 câu, nhịp tư.
5 – Song Phi Hồ Điệp, 20 câu, nhịp tư. (bản nầy do ông Giáo Thinh, môn đệ đời thứ 2 của ông Ba Đợi, trong nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông, sáng tác). Nhạc sĩ Ba Đồng (Cần Giuộc), học trò của ông Ba Đợi, chuyển hơi từ hơi Bắc sang hơi Oán và chuyển cung từ dây Hò Tư sang dây Hò Nhì từ câu 15 đến hết bản. Giới chơi Đờn Ca Tài Tử, hơn nửa thế kỷ nay, sau khi đờn hết bản Song Phi Hồ Điệp, thường đờn tiếp thêm một bản nữa, đó là bản Chinh Phụ Ly Tình, 16 câu, hơi ai oán, sáng tác của ông giáo Thinh, mới thỏa mãn cho sự thưởng thức của khàch mộ điệu tri âm.
- Có hai bản Bắc ra đời của nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông Nam Bộ trong lúc còn tranh đua sáng tác bài bản với nhóm Nhạc Tài Tử Miền Tây, đặt tên là Bộ Cửu Nhĩ, được giới chơi nhạc đánh giá là có nghệ thuật cao và độc đáo :
1 – Hội Nguơn Tiêu, 32 câu, nhịp tư, tổng hợp nhiều hơi như hơi Hạ, hơi Bắc Vắn, hơi Bắc Ngự.
2 – Bát Bản Chấn, 72 câu, nhịp tư, tổng hợp nhiều hơi của 8 bản chấn chỉnh lại mà tạo ra như hơi Bắc, hơi Hạ Xàng Xê lớp Xề, hơi Bắc Thập Thủ Liên Huờn, hơi Ngự, Ai, Oán.
Cũng chính vì hơi điệu tổng hợp độc đáo nêu trên mà cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà cách mạng, một tiến sĩ nho học, một tài tử hào hoa, đi nghiên cứu âm nhạc khắp mọi miền đất nước, đã phân chia Cổ Nhạc Việt Nam thành 10 Loại Bài Bản trên báo Tiếng Dân xuất bản tại Huế, khoảng năm 1926, 1927, đã lấy Bộ Cửu Nhĩ để xếp vào loại thứ 9. Cửu Nhĩ, có phải chăng ngầm ý của Nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông, nhắn gởi với Nhóm Nhạc Tài Tử Miền Tây là muốn thưởng thức hai bản nầy, thì cần phải có 9 cái lổ tai để nghe 9 hơi điệu hay tuyệt của bài bản.
- Nhóm Nhạc Tài Tử Miền Tây do ông kinh lịch Trần Quan Quờn tục gọi Ký Quờn làm trưởng nhóm, đã lấy 10 bản của Ca Nhạc Huế gọi là 10 bản Khách, hay 10 bản Ngự, hay Liên Bộ Thập Chương, để nguyên cấu trúc chữ đờn du nhập vào hệ thống Bài Bản Nhạc Tài Tử Nam Bộ và đặt tên là Thập Thủ Liên Huờn, để kỷ niệm tên của 4 ông thầy đờn là cụ Thập, cụ Thủ, Nguyễn Liêng Phong và Trần Quan Quờn. Bốn chữ Thập Thủ Liên Huờn là kết hợp chữ Thập (cụ Thập), chữ Thủ (cụ Thủ), Liên (trong Nguyễn Liêng Phong bỏ chữ G) và Huờn (trong Trần Quan Quờn đổi chữ Q thành chữ H).
Theo các bậc tiền bối, 10 bản Thập Thủ Liên Huờn ra đời vào triều vua Quang Trung, gắn liền với sứ bộ Nguyễn Huệ (1790) đến kinh đô Thanh triều, nhân dịp triều thần cử hành lễ Vạn Thọ, mừng Thanh đế Càn Long 80 tuổi. Đi Trung Quốc, kéo dài mấy tháng, sứ đoàn được xem các di tích, thắng cảnh, và khi trở về nước, làm 10 bài thơ, ca tụng cảnh sắc tươi đẹp của nước nầy.
Mười bài thơ kể trên được vua Quang Trung truyền cho nhạc quan triều nội, soạn thành 10 bản nhạc để tấu cho vua nghe, với nội dung :
1 – Phẩm Tuyết, 48 câu, nhịp đôi, ca ngợi phẩm giá của tuyết với một dãi trắng xinh và sự vui chơi của dân chúng trong trò chơi trượt tuyết.
2 – Nguyên Tiêu, 32 câu, nhịp đôi, ca ngợi lễ hội hoa đăng (rằm tháng giêng) bên Trung Quốc.
3 – Hồ Quảng, 12 câu, nhịp đôi, sứ đoàn được tham quan hồ rộng lớn và đẹp đẽ ở Trung Quốc.
4 – Liên Huờn, 40 câu, nhịp đôi, tả một điệu múa đẹp trong triều nội nhà Thanh mà các vũ công múa vòng, tay liền tay.
5 – Bình Nguyên, 44 câu, nhịp đôi, sứ đoàn được xem cảnh đẹp của đồng bằng bát ngát.
6 – Tây Mai, 23 câu, nhịp đôi, nơi sứ đoàn ở, phía tây có cây mai nở hoa hoặc là một loại mai của các nước miền tây Trung Quốc ( tây mai là mai Ấn Độ, Miến Điện…, nam mai là mai Việt Nam…).
7 – Kim Tiền, 26 câu, nhịp đôi, sứ đoàn vào chầu vua và được ban thưởng tiền vàng.
8 – Xuân Phong, 10 câu, nhịp đôi, sứ đoàn được vui vẻ thưởng thức gió mùa xuân.
9 – Long Hổ, 7 câu, nhịp đôi, vua và tôi gặp mặt nhau như Rồng với Cọp gặp nhau.
10 – Tẩu Mã, 34 câu, nhịp đôi, song lang chiếc, sau cùng, sứ đoàn được vua Thanh tiển đưa và lên ngựa chạy nhanh về nước.
Nội dung từng bản nhạc trong bộ Thập Thủ Liên Huờn, qua giai thoại với tình tiết đậm đà, phong phú, giàu chất thơ văn, được giới chơi nhạc Miền Trung cũng như giới chơi Nhạc Tài Tử Nam Bộ rất tâm đắt.
- Ông Lê Tài Khị (nhạc sanh Khị), một danh cầm Nhạc Lễ và Đờn Ca Tài Tử đất Bạc Liêu, sáng tác bộ Tứ Bửu theo điệu Bắc, nhịp tư, gồm 4 bản : Minh Hoàng Thưởng Nguyệt, Ngự Giá Đăng Lâu, Phò Mã Giao Duyên và Ái Tử Kê để ứng đối lại sự ra đời của bộ Ngũ Châu của Miền Đông.
Dòng nhạc của bản Minh Hoàng Thưởng Nguyệt, 18 câu, chịu ảnh hưởng hơi điệu của bản ngự Đường Thái Tôn,
Bản Ngự Giá Đăng Lâu, 14 câu, chịu ảnh hưởng của hơi điệu nhạc Triều Châu của những người minh hương theo Mạc Cửu vào khai phá đất Nam Bộ.
Bản Phò Mã Giao Duyên, 12 câu là một bản sao không hoàn chỉnh của bản Hành Vân, thêm nhịp mô, để tạo ra nhịp điệu mắc mõ hơn, thay vì câu gõ song lang ở bản Hành Vân lại không gõ song lang ở bản Phò Mã Giao Duyên, và ngược lại.
Bản Ái Tử Kê, 19 câu, viết theo hơi điệu Bắc Ngự rất hay, thường gọi là bản Ái Tử Kê Tứ Bửu hoặc Ái Tử Kê Miền Tây.
- Ông Ba Xo ở Lấp Vò (Sa Đéc) sáng tác bản Duyên Kỳ Ngộ thường gọi là Duyên Kỳ Ngộ Miền Tây, 16 câu, hơi điệu Bắc, rất hay và được ứng dụng thường xuyên cho sân khấu cải lương sau nầy.
- Năm 1943, nhạc sĩ Chín Tâm (Trần Chín Tâm), nguyên giáo sư Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, đã sưu tầm tại Mỏ Cày (Bến Tre) 3 bản điệu Bắc trong số 5 bản gọi là Bộ Tam Bắc Nhị Oán. Ba bản Bắc đó là :
1 – Hội Huê Đăng, 35 câu, nhịp tư,
2 – Lục Luật Tiêu Hà, 29 câu, nhịp tư,
3 – Bắc Ngự, 39 câu, nhịp tư.
Qua cái tên của bài bản, cho thấy tác giả là một người yêu nước, đã hưởng ứng sự sáng tác 8 bản Ngự của Nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông Nam Bộ, để tỏ bày lòng trung quân ái quốc của dân mình.
- Sự kết hợp nhiều làn điệu trong một bản nhạc, thường thấy xuất hiện ở nhóm Tài Tử Bạc Liêu, mặc dầu không sáng tạo thêm được hơi điệu nào mới mẽ, nhưng những bản có hơi điệu Bắc do chuyển cung chuyển điệu thành một bản có nhiều điệu nhiều hơi, đã hấp dẫn giới Đờn Ca Tài Tử hiện nay và người chơi được những bản nầy thì mới chứng tỏ mình có đủ khả năng và trình độ để chơi lưu loát các bài bản nhạc tài tử nam bộ.
Bản Tứ Bửu Liêu Thành (4 báu vật của thành Bạc Liêu), do nhạc sĩ Lê Phú Túc tức Ba Chột (con của nhạc sanh Khị, Bạc Liêu) sáng tác, 28 câu, nhịp 4, hơi Bắc, Oán, Xuân, Đảo, Ai, Ngự, chuyển hơi, không chuyển cung.
Bản Ngũ Châu Minh Phổ (5 hạt trân châu của Tp. Hồ Chí Minh phổ biến), do cụ Giáo Thinh sáng tác ngày 16-7-1979 (để ứng đáp với bản Tứ Bửu Liêu Thành), 40 câu, nhịp tư, 5 lớp. Lớp 1, dây Hò Nhứt, điệu Bắc; Lớp 2, dây Hò Nhì, điệu Nam hơi Ai; Lớp 3, dây Hò Ba, điệu Hạ; Lớp 4, dây Hò Tư, điệu Oán; Lớp 5, hồi cung dây Hò Nhứt, điệu Bắc. Giới đờn ca tài tử hiện nay thường chơi chuyển cung chuyển điệu, bắt đầu Lớp 1, dây Hò Tư, điệu Bắc (nhạc sĩ Mười Chon CLBĐCTT-Q8 bày ra); Lớp 2, dây Hò Năm, điệu Nam hơi Ai; Lớp 3, dây Hò Nhứt, điệu Hạ; Lớp 4, dây Hò Nhì, điệu Oán; Lớp 5, dây Hò Ba, điệu Bắc, rất phù hợp với chất giọng của người ca nam hay nữ.
Bản Ngũ Khúc Long Phi (5 khúc nhạc rồng bay), sáng tác năm 1979 của nhạc sĩ Mười Phú (Võ Văn Phú), 5 khúc, 30 câu, nhịp tư. Khúc 1, dây Hò Tư, điệu bắc; Khúc 2 dây Hò Nhì, điệu oán; Khúc 3, dây Hò Tư, hơi Xuân; Khúc 4, dây Hò Nhứt, hơi Ai; Khúc 5, dây Hò Ba, điệu Hạ.
Còn nhiều bản cấu trúc theo loại nầy, không được thông dụng nên miễn kê khai.
B – Bảy Bản Tiêu Biểu cho điệu Hạ :
1 – Xàng Xê
2 – Ngũ Đối Thượng
3 – Ngũ Đối Hạ
4 – Long Đăng
5 – Long Ngâm
6 – Vạn Giá
7 – Tiểu Khúc.
Ông Ba Đợi không những dạy bài bản Nhạc Tài Tử mà còn bổ sung và chấn chỉnh bộ môn Nhạc Lễ đã có sẵn tại Cần Đước với những điệu nhạc nghi lễ mà ông đã học được trong trường nhạc cung đình. Từ khi ông định cư ở Cần Đước, lấy vợ sanh con, nhạc Lễ Cần Đước đã nổi danh khắp vùng đất Nam Bộ và được coi là mẫu mực cho tới ngày nay. Ông đã đem 7 bản nhạc Lễ (khí nhạc), còn gọi là 7 bài Hạ, 7 bài dây Nhạc (Nhạc Lễ) ra truyền dạy cho các môn đệ Nhạc Tài Tử và phát động biên soạn lời ca để chơi Đờn Ca Tài Tử. Bảy bản nầy cùng hệ thống hơi điệu Bắc, nhưng dùng chữ Xề Ú, Xê Xừ làm âm chủ, có cấu trúc chữ đờn đối nghịch (sinh khắc chế hóa) với hơi điệu Bắc, nhứt là đờn Cò, đờn Kìm, đờn Ghi ta, đờn Tỳ Bà, đờn Tam, phải đờn dây Nhạc (nhạc Lễ) thì ta mới thấy điệu Hạ khác với điệu Bắc, nhờ những chữ đờn dây buông (không nhấn vào phím) đúng vào âm chủ, nghe rất chín chắn, trang nhã.
Nhạc cổ truyền của chúng ta, tầm cử âm thanh trầm bổng tùy theo nhân thanh của người ca. Thông thường đờn ca những bài bản Bắc lấy cung Hò Tư = Ré (âm thanh mẫu nhạc tây phương), đờn ca 7 bài Hạ lấy cung Hò Ba = Do, rất hợp với người ca ở thính phòng, có chất giọng trung bình vì chữ Ú (mi) rất cao, thường xuyên có mặt trong các bản điệu Hạ nầy.
Bảy bản Nhạc Lễ là khí nhạc, cấu trúc chữ đờn có tính chất trang nghiêm, được đem đờn ca tài tử với từng bản một ý nghĩa :
1 – Xàng Xê, 64 câu, nhịp tư : Theo người xưa, cung Xàng án theo thuyết âm dương ngũ hành là Thủy (nước) và cung Xê là Hỏa (lửa), do tương khắc tương sanh mà 2 cung Xàng và cung Xê đã hài hòa cấu tạo âm thanh, tạo nét sinh động, phù hợp với lẽ sống trên đời.
Bản Xàng Xê có 64 câu, hơi dài đối với thời kỳ công nông nghiệp hiện đại nên hơn nửa thế kỷ nay, các nhạc sĩ chơi bản nầy đã bỏ bớt câu, kéo lơi từ nhịp tư ra nhịp 8, thành một bản Xàng Xê 20 câu, nhịp 8 mà ngày nay được giới đờn ca ưa chuộng, sáng tác bài ca không ngừng. Các bản Hạ khác chưa thấy đem chơi với trường độ nhịp 8.
2 – Ngũ Đối Thượng, 61 câu, nhịp tư, Năm điều ngũ thường : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín mà cổ nhân luôn quan tâm khi đề cập người trên đối với kẻ dưới.
3 – Ngũ Đối Hạ, 38 câu, nhịp tư, Năm điều ngũ thường : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín mà kẻ dưới đối với người trên.
4 – Long Đăng, 40 câu, nhịp tư. Đèn Rồng (rồng tượng trưng cho vua)
5 – Long Ngâm, 33 câu, nhịp tư. Khúc ngâm về rồng tức vua.
Việc đặt tên cho bản, có lẽ là căn cứ vào năm Hưng Long thứ 18 (1310) đời vua Anh Tôn nhà Trần, muốn đưa tử cung Nhân Tôn Thượng Hoàng từ điện Diên Hiền đến táng ở lăng Quy Đức. Lúc cử hành lễ phát dẫn, dân chúng đi xem đầy đường, không làm sao rước được xe tử cung. Quan Chỉ Hậu Chánh Chưởng là Trịnh Trọng Tử phải theo lối Cổ Vãn đặt ra khúc Long Ngâm, cho quân sĩ đi hai bên đường vừa đi vừa hát. Dân chúng đổ xô nhau đến nghe hát, bấy giờ mới rước được xe tử cung đi. Căn cứ vào 2 chữ Long Ngâm, ta có thể hiểu được ý nghĩa của điệu nhạc. Long là con rồng, ở đây chỉ vua Trần Nhân Tôn, Ngâm là đọc dài ra, ngâm dài ra theo điệu Cổ Vãn là điệu than vãn kể lể theo lối cổ.. Vậy đây là điệu ca vừa trang nghiêm vừa thoáng đượm chút bi ai. Nhưng đó là bản Long Ngâm từ những đời trước. Bản Long Ngâm của Trịnh Trọng Tử có lẽ đã bị thất truyền. Bản Long Ngâm nhạc Lễ và bản Long Ngâm Đờn Ca Tài Tử được lập bản hay ít nhứt đã được cải sửa, kiến trúc toàn bộ chữ đờn lại ở đất Nam Bộ nên âm điệu nghe rất tươi tắn, trang nhã.
6 – Vạn Giá, 47 câu, nhịp tư. Mười ngàn xe vua.
Bản Vạn Giá, 47 câu, hơi dài, giới chơi đờn ca tài tử chiết bỏ 14 câu đầu, còn 33 câu, đoạn dứt, đờn như đoạn dứt của bản Ngũ Đối Hạ và đặt tên là bản Chiết Tứ Vĩ. Bản Chiết Tứ Vĩngắn gọn hơn, nhưng chiết bỏ bớt 14 câu, đã làm mất đi nét độc đáo, đặc trưng của bản Vạn Giá ở những câu Xề về Hò trong 2 lớp đầu.
7 – Tiểu Khúc, 29 câu, nhịp tư. Một khúc nhạc ngắn nhứt, tóm tắt hơi điệu của 6 bản nhạc đầu nên nó được mang tên là Tiểu Khúc.
Như đã nói ở trên, làn điệu Hạ, do tính chất nghi lễ, nghiêm trang, hòa huởn, chín chắn, giới Đờn Ca Tài Tử chỉ đặt bài ca có nội dung ca ngợi các vị anh hùng dân tộc cùng tôn vinh những điều tốt đẹp của con người, của quê hương, tổ quốc, chớ không khi nào có đặt bài ca hài hước, gây cười để mua vui trong chốc lát.
Những Bản Thông Dụng Từ Điệu Hạ :
Cụ Giáo Thinh đã chuyển cung ở 2 đoạn của bản Ngũ Đố Hạ từ dây hơi Hạ Hò Tư sang dây hơi Ai Xuân Nữ Hò Năm, mỗi đoạn 8 câu, đặt tên bản là Ngũ Đối Hoàn Cung và cũng với cách thức nầy, bản Ngũ Đối Ai ra đời, chuyển cung chuyển địệu, cũng ở 2 đoạn, nhưng vẫn lấy kiến trúc chữ đờn của bản Ngũ Đối Hạ mà chuyển sang hơi Ai, khiến giới chơi đờn ca thích sử dụng hơn vì nó giản dị, dễ cảm hứng sáng tạo khi chuyển cung chuyển điệu.
C – Ba Bản Tiêu Biểu cho Điệu Nam :
1 – Nam Xuân
2 – Nam Ai
3 – Đảo Ngũ Cung.
Theo Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của học giả Đào Duy Anh, nguồn gốc 2 bản Nam Xuân và Nam Ai như sau :
Ở miền Nam, từ khi chúa Nguyễn khai thác bờ cõi vào đất Chiêm Thành, âm nhạc ở miền Bắc truyền vào đã chịu ngay ảnh hưởng của âm nhạc Chiêm mà thành những nhạc khúc Cung Nam, người ta hay đem đối với các nhạc khúc Cung Bắc. Những Cung Nam như Nam Ai, Nam Bình, Nam Xuân có vẻ trầm bi, oán vọng, hợp với tâm thuật của một dân tộc điêu tàn là dân tộc Chiêm Thành, cùng với cảnh non nước dịu dàng ở xung quanh kinh đô Huế. Những Cung Bắc (khách) như Lưu Thủy, Phú Lục, Cổ Bản, 10 Bản Tàu thì có vẻ linh hoạt, vui vẻ, mạnh mẽ hơn, thật thích hợp với tính chất tiến thủ, hăng hái của người Bắc Việt cùng với cánh điền rộng rãi, sông ngòi mãnh liệt ở miền Trung Châu. Trong khi âm nhạc ở Đàng Ngoài đương suy thì ở Đàng Trong các chúa Nguyễn cùng các bực vương công ham chuộng, và nhờ ảnh hưởng của nhạc Chiêm nên bài bản trở thành phong phú và âm nhạc Đàng Trong thạnh vượng lên.
Ông Thái Văn Kiểm trong Cố Đô Huế, dẫn lời cụ Ưng Bình Thúc Giạ : Các điệu Ca Huế thì có lẽ như mới sản xuất từ đời chúa Minh, Tộ Quốc Công Nguyễn Phước Châu (1691-1725). Lúc bấy giờ, thủ phủ miền Trung đặt tại làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, vào chỗ đông nam kinh thành Huế hiện nay. Chính trong khung cảnh mỹ lệ nầy mà các điệu Ca Nhạc Huế đã lần hồi xuất hiện. Chúa Minh là người sáng tác ra bài Ai Giang Nam, tiền thân của bản Nam Ai Ca Nhạc Huế.
Ở đất Nam Bộ, từ năm 1885 đến năm 1900, ông Ba Đợi lấy tên các bài bản cung Nam của Ca Nhạc Huế, nhưng cấu trúc số câu, chữ đờn, làn điệu hoàn toàn khác, trở thành những bản Nam của Nhạc Tài Tử Nam Bộ, lập bản rất dài, có lớp ngăn, lớp trống, đúng theo truyền thống, nhưng cũng hợp với cuộc sống nông nhàn của người dân Nam Bộ. Ba bản Nam Xuân, Nam Ai và Đảo Ngũ Cung với 3 hơi (âm sắc) khác nhau, tất cả là 239 câu, được ông lập bản vào thập niên cuối Tk. 19, được bạn đồng điệu tri âm của ông là ông Sáu Lục tức soạn giả kỳ cựu Phan Trúc Quân, soạn bài ca Tích Túy Kiều trước năm 1900 với văn phong cổ xưa ( Thương thân người cõi trần trăm năm, khắp chín châu, mấy lăm người tri âm…), vẫn còn được giới Đờn Ca Tài Tử sử dụng trên các sân chơi.
Điệu Nam gổm có 3 bản : Nam Xuân, Nam Ai và Nam Đảo ( Đảo Ngũ Cung), cấu trúc bằng 5 âm chánh Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, nhưng thường nhấn và rung ở chữ Xừ, chữ Xang, chữ Xê. Những lái đờn thường gói gọn trong một ngũ cung ( octave của nhạc tây phương). Ba bản nầy có 3 âm sắc khác nhau :
1 – Nam Xuân, 68 câu, nhịp tư (tiêu biểu cho Hơi Xuân)
Ở Ca Nhạc Huế, bản Nam Xuân chính là biến thể của bản Nam Bình. Ở Nhạc Tài Tử Nam Bộ, ông Ba Đợi cải biên, thêm câu, sửa nhịp, đã trở thành một bản mới, được chọn làm bản tiêu biểu cho hơi Xuân. Tính chất ung dung, nhẹ nhàn, thoáng đượm buồn vì chỉ nhấn và rung nhẹ ở chữ Xừ, chữ Xang, chữ Xê. Âm chủ của Hơi Xuân là Xàng Xang. Nếu ta dùng khái niệm cứng (Bắc) mềm (Ai) thì hơi Xuân còn giữ một phần độ cứng của điệu Bắc.
2 – Nam Ai, 104 câu, nhịp tư (tiêu biểu cho Hơi Ai)
Ông Ba Đợi cải biên, lập bản với cấu trúc chữ đờn, lớp lang, câu cú hoàn toàn mới đối với bản Nam Ai Ca Nhạc Huế và trở thành bản Nam Ai của Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ, nhấn và rung mạnh một cách chẫm rãi ở chữ Xự, chữ Xang và qua 2 lớp Mái (thật ra gọi 2 lớp trống mới đúng, 2 lớp nầy có nhạc cụ trống tham gia) nhấn và rung mạnh ở chữ Cộng thành chữ Phan nên điệu nhạc nghe buồn thảm, tỉ tê, bi lụy, nức nỡ vì có những nhịp đảo phách trong lòng câu. Âm chủ của Hơi Ai là Xàng Xang (nhấn rung muồi).
3 – Nam Đảo, 67 câu, nhịp tư (Đảo Ngũ Cung, tiêu biểu cho Hơi Đảo)
Bản được ông Ba Đợi viết mới, cấu tạo bởi hơi Xuân, hơi Bắc và hơi Dựng. Nam Đảo hình thành trên thang âm Hò, Xự, Xang, Xê, Cống và cấu trúc câu đều có sự đảo lộn trên 5 cung, lại xen lẫn với điệp khúc Xề Ú Liu Phan, nghe như có sự đảo cung từ hơi dây nầy sang hơi dây kia. Từ bản Nam Ai đờn chuyển sang bản Đảo Ngũ Cung, dòng nhạc biến đổi tính chất khẩn trương, quyết liệt.
Xưa đờn ca 3 bản Nam thì phải đờn ca liên huờn Nam Xuân, Nam Ai và Nam Đảo, gồm 239 câu, song 3 bản nầy vì có nhiều lớp trùng lập nên hiện tại giới chơi Đờn Ca Tài Tử đờn tắt liên lớp hoặc đờn từng bản và bỏ bớt những lớp trùng.
Hai lớp Trống Xuân được các ông Sáu Thoàn, Chín Chiêu (ở Cần Đước, học trò của ông Ba Đợi) chuyển từ hơi Xuân sang hơi Ai Oán, đờn tiếp sau bản Nam Đảo và chuyển cung từ dây Hò Tư sang dây Hò Nhứt, gọi là 2 lớp Song Cước, làm tăng thêm tính thẩm mỹ về âm thanh cho bản nầy.
Những Bản Thông Dụng Từ Điệu Nam.
Ngoài 3 bản Nam tiêu biểu cho 3 Hơi Xuân, Ai, Đảo ở cuối Tk. 19, giới Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ còn ưa thích chơi các bản có hơi điệu Nam rất hay như sau :
- Trường Tương Tư, 28 câu, nhịp 4, lần hồi phát triển thành nhịp 8, thường gọi là bản Nam Cung Bình, xuất xứ từ bản Nam Bình của Ca Nhạc Huế, được cấu trúc chữ đờn Hơi Ai theo Nhạc Tài Tử Nam Bộ.
- Văn Thiên Tường, 42 câu, nhịp 8, hơi điệu Ai Oán, cấu trúc lái đờn rất hay. Theo ông Hồ Hữu Tường, một nhà học giả, có nhiều nghiên cứu về Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam, bản Văn Thiên Tường được ra đời trước bản Tứ Đại Oán và do ông Trần Quang Thọ (ông cố của giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê), một nhạc công của triều đình Huế, vô cư ngụ tại đất Vĩnh Kim-Mỹ Tho, sáng tác vào những thập niên cuối Tk. 19, do thấy ông Thủ Khoa Huân bị Tây xử tử tại chợ Thân Trong, Mỹ Tho (tài liệu nầy do một ông thầy thuốc làm cách mạng bị bắt nhốt chung với ông Hồ Hữu Tường tại khám đường Mỹ Tho cung cấp và nói hậu duệ của cụ Đồ Chiểu là Nguyễn Đình Chiêm, Nguyễn Đình Chúc, Mai Huỳnh Hoa còn lưu giữ), ông Thọ cảm thấy hoàn cảnh nhà yêu nước Thủ Khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân) nổi lên chống giặc Pháp xâm lăng (trào vua Tự Đức), giống với hoàn cảnh của ông Văn Thiên Tường, một vị quan tiến sĩ trào Nam Tống (Trung Quốc), chống giặc Nguyên xâm lăng. Cả hai cuộc kháng chiến đều bị thất bại. Hai ông đều bị giặc bắt, bị tù đày và đến khi bị xử tử, vẫn hiên ngang giữ tròn khí tiết. Ông Trần Quang Thọ mới mượn cái tên của ông Văn Thiên Tường để tránh đi tai mắt của nhà cầm quyền thực dân Pháp mà đặt lời ca ngợi vị anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân của nước ta. Bản Văn Thiên Tường có 3 lớp. Lớp 1, 15 câu, nói về ông Văn Thiên Tường. Lớp 2, 15 câu trùng lớp 1, nói về ông Thủ Khoa Huân. Lớp 3, 12 câu, nói về khí tiết của hai ông. Lớp Đầu và lớp Xế Xảng có hơi Ai và ở những lớp Dựng có hơi Oán với tính chất nhạc bi hùng ở những câu xuống Xàng. Bài ca nói về ông Thủ Khoa Huân không được phổ biến trên đất thuộc địa của Pháp nên ông kinh lịch Trần Quan Quờn, trưởng nhóm Nhạc Tài Tử Miền Tây Nam Bộ biên soạn bài Văn Thiên Tường Bá Lý Hề (Vì tình kia, thân sao lắm đắng cay. Thương, thương thay đương khi gian truân…) để thay vào và bài Văn Thiên Tường nầy rất được ưa chuộng, không thua gì 3 bản Nam nêu trên.
- Một thuyết khác, bản đối lại với bản Văn Thiên Tường là bản Võ Tắc Biệt. Theo cố nhạc sĩ Hai Phát (Hồng Tấn Phát, Trà Vinh), do hưởng ứng phong trào duy tân của nhà cách mạng Phan Châu Trinh, bản Văn Thiên Tường và bản Võ Tắc Biệt được tác giả đặt tên là căn cứ vào những chữ trong câu :“Văn Thông Thiên Tường Địa Lý, Võ Lực Tắc Thời Biệt Dạng” (văn chương và khoa học mà trau dồi hiểu biết tường tận thiên văn địa lý, võ lực không cần sử dụng cũng giải phóng được dân tộc).
Cũng về một thuyết khác của 2 bản nầy, ông giáo Thinh kể lại lời thầy của ông là ông Tám Hạnh (Giồng Ông Tố, học trò ông Ba Đợi) về bản Võ Tắc Biệt như sau :
Bản Võ Tắc Biệt là bản bá láp. Có một ông nhà giàu, rước thầy đờn về nhà, nuôi ăn nuôi ở để dạy cho con ông ta học đờn kìm. Ông thầy đờn dạy riết, tới ngày thằng con học hết các bản đờn mà ông đã thuộc, ông chủ nhà không còn đối đãi tử tế nữa, bữa cơm chỉ có dưa leo với mấm ruốc mà thôi. Ông thầy đờn thấy tình đời đen bạc, vắt chanh bỏ vỏ, buồn bã, buổi trưa nóng nực, ôm đờn kìm ra bóng mát gốc cây, nằm lắc lư trên cái võng lác, trút thảm, tâm tư tình cảm của mình qua ngón đờn ngẩu hứng miêng mang. Ông chủ nhà nghe thấy hay quá, chạy ra nói với ông thầy đờn : “Bản gì mà hay quá vậy ông” ? Ông thầy đờn thấy tay nhà giàu nầy keo kiết, mới nói : “Bản Võ Tác Biệc” (nói láy là Võ Tiếc Bạc). “Bản hay quá, ông dạy cho con tôi đi” ! Ông thầy đờn mới dựa theo bản Văn Thiên Tường, sửa đổi, sắp xếp cho khác đi đôi chút, đặt tên bản là Võ Tắc Biệt để tiếp tục dạy bản mới cho thằng con, hy vọng có bữa cơm canh, rượu thịt ngon lành như trước.
Ta không thể dựa theo câu chuyện kể khôi hài nêu trên rồi cho bản Võ Tắc Biệt là bản bá láp mà không chơi. Bài bản Nhạc Tài Tử Nam Bộ là những sản phẩm của quần chúng nhân dân tạo ra cho dân ta chơi. Bài bản nào, miễn có cấu trúc đúng theo truyền thống nhạc ngũ cung là được du nhập vào làng Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ, vì nhạc ta, khi gặp hoàn cảnh thích hợp, nhạc sĩ tài danh ngẩu hứng trình tấu sáng tạo, khi đó ta mới đánh giá được bản đó là hay hay dở. Chúng ta có chấp nhận chơi hay không chơi, nhưng không có quyền ngăn cấm, bài bác những sáng tác của dân gian vì nó là một thực thể tồn tại trong đời sống âm nhạc cổ truyền của chúng ta.
- Một số bài bản Điệu Nam biến thể ra nhiều hơi điệu được giới Đờn Ca Tài Tử hoan nghinh vì các bài bản nầy chơi không thấy nhàm chán. Ở thể loại nầy, nhóm Tài Tử Bạc Liêu đã nổi tiếng với những bài bản lắp ghép hơi điệu của những bài bản đã có sẵn, tạo ra những bản nhạc mới có Hơi Nam, rất được giới đờn ca mê thích sau đây :
- Liêu Giang (Sông Bạc Liêu), sáng tác của nhạc sĩ Ba Chột, Bạc Liêu, (con của nhạc sanh Khị), 16 câu, nhịp tư, hơi Ai chuyển hơi Bắc ở câu 7 đến cuối câu 11, chuyển lại hơi Ai. Bài ca Chinh Phụ Thán, mở đầu bằng câu : Trời chiều xuân, sao lòng buồn nhớ đến lang quân,… do thầy giáo Trịnh Thiên Tư soạn lời đầu tiên, đã nổi danh hơn 70 năm nay.
- Ngũ Quan (Năm Ải), sáng tác cũng của nhạc sĩ Ba Chột, Bạc Liêu, 14 câu, nhịp tư, hơi Ai Trường Tương Tư và Nam Ai.
- Hoài Lang (Nhớ chồng), sáng tác khoảng năm 1918, 1919 của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu, Bạc Liêu), 20 câu, nhịp đôi, chịu ảnh hưởng câu cú, hơi điệu của bản Hành Vân và Tứ Đại Cảnh. Trường hợp ông Sáu Lầu sáng tác bản nầy là khi ông cưới vợ đã được 3 năm mà không có con. Đầu óc cổ hủ, phong kiến còn ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn nầy (Tam niên vô tử bất thành thê), gia đình bắt ông phải bỏ vợ, ông buồn cho hoàn cảnh của vợ ông mà mượn ý bài Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn để viết bài Hoài Lang và sau đó ông đổi tên bản lại là Dạ Cổ Hòai Lang (nghe tiếng trống đêm nhớ chồng). Bài ca “Từ phu tướng, bửu kiếm sắc phán lên đàng…”văn phong biền ngẩu, nội dung truyền cảm, rặc màu Nam Bộ, đã khơi nguồn sáng tác cho nhiều bài ca của bản nầy và lần hồi được các nhạc sĩ nam bộ nới nhịp từ nhịp đôi sang nhịp tư, nhịp 8, 16, 32, 64, 128 và trở thành bản Vọng Cổ do nhiều bàn tay nghệ nhân dân gian lần hồi đóng góp, xây dựng lên một nhạc phẩm hay tuyệt vời của Đờn Ca Tài Tử và Sân Khấu Cải Lương Nam Bộ.
Bản Dạ Cổ Hoài Lang nhịp đôi kéo lơi ra nhịp tư thành bản Vọng Cổ, các tài tử được tự do theo cảm hứng sáng tạo chữ đờn. Bản Vọng Cổ nhịp tư chưa được định hình rõ rệt. Mãi đến bản Vọng Cổ nhịp 8, khoảng năm 1929, nhạc sĩ Ba Phụng (Lê Văn Phụng) ở Long An mới định hình cấu trúc và hằng loạt bản Vọng Cổ nhịp 8 xuất hiện trên các hảng dĩa và các tuồng cải lương với chữ đờn, ấn nhịp thống nhứt. Ngày nay dù bản Vọng Cổ có kéo dài đến nhịp bao nhiêu thì cấu trúc của nó cũng đã thống nhứt định hình ở thể nhịp 16 và giới đờn ca lấy cấu trúc nầy làm căn bản để phê bình cho sự đúng sai của bản Vọng Cổ.
- Xuân Nữ Bạc Liêu, 8 câu, nhịp tư do nhóm nhạc sĩ Bạc Liêu sáng tác từ đầu Tk. 20, hơi ai oán và khi bản nầy truyền bá lên Sài Gòn, được nới nhịp nhơn đôi, thành bản có tên là Xuân Nữ Sài Gòn, 16 câu, nhịp 8. Cách mở nhịp, chuyền chữ giống y như cách chuyền chữ bản Vọng Cổ. Theo các bậc tiền bối, bản đật tên là Xuân Nữ để tưởng nhớ đến 8 cung nữ, tuổi còn xuân xanh, theo hầu Huyền Trân Công Chúa khi bị gã cho vua Chiêm Thành là Chế Mân, khi vua Chế Mân chết bị chôn sống theo hầu vua.
- Chinh Phụ Ly Tình, do cụ giáo Thinh sáng tác năm 1932, 16 câu, nhịp tư, hơi ai oán để đờn tiếp theo sau bản Song Phi Hồ Điệp (bộ Ngũ Châu Miền Đông).
Có một bản tên là Khổng Tử Khóc Nhan Hồi, 29 câu, nhịp đôi, do cố nhạc sĩ Nguyễn Tùng Bá (con của thầy đờn kiêm nhà văn Nguyễn Liêng Phong) sưu tầm, do nhạc sĩ Hai Ngà (Bình Tiên) sao y bằng tập chép tay đưa ra, cấu trúc câu cú, làn điệu giống hệt đến 90% bản Chinh Phụ Ly Tình của cụ Giáo Thinh. Để giải tỏa nghi vấn, tôi có hỏi cụ giáo Thinh, cụ giáo xác nhận, cả hai bản đều là của cụ sáng tác.
- Ngũ Cung Luân Hoán của cụ giáo Thinh, sáng tác ngày 19-8-1980, 30 câu, nhịp tư, 3 lớp, dây Hò Tư. Lớp 1 hơi Xuân, Lớp 2 hơi Ai, Lớp 3 hơi Đảo.
- Nam Âm Ngũ Khúc (5 khúc nhạc cổ truyền của Việt Nam) sáng tác của cụ giáo Thinh, năm 1980, 40 câu, nhịp tư, 5 lớp. Lớp 1, 2, 3, 4, điệu Nam Xuân Nữ, Lớp 5 chuyển cung chuyển điệu từ dây hò tư sang dây hò nhứt và từ điệu Nam qua điệu Bắc.
D – Bốn Bản Tiêu Biểu Cho Điệu Oán :
1 – Tứ Đại Oán
2 – Phụng Hoàng Cầu (Phụng Hoàng)
3 – Cửu Khúc Giang Nam
4 – Phụng Cầu Hoàng Duyên (Phụng Cầu).
1 – Tứ Đại Oán, 38 câu, nhịp 8, bản đầu tiên, tiêu biểu cho điệu Oán.
Điệu Oán là một điệu đặc thù của đất Nam Bộ, từ lâu, được nghe bàng bạc qua các bài Lý, Hò, Vè, Hát Ru Con… Ông Ba Đợi vào Nam Bộ dạy nhạc, lấy bản Tứ Đại Cảnh, một bản của Ca Nhạc Huế, bỏ bớt một số câu, 46 còn 38, và phát triển từ nhịp đôi sang nhịp 4, nhịp 8, chuyển hơi Bắc Dựng thành điệu Oán. Giai đoạn đầu, khoảng những ngày cuối thế kỷ 19, bài bản Nhạc Tài Tử có thêm một bản có điệu Oán và đó là bảnTứ Đại Vắn, cũng còn gọi là bản Tứ Đại Cảnh Nam Phần, nhịp tư. Giai đoạn tiếp theo, những ngày đầu thế kỷ 20, bản Tứ Đại Vắn được giới chơi đờn ca tài tử phát triển từ nhịp tư sang nhịp tám, được phân câu phân lớp, nhịp nội, nhịp ngoại, gõ mô, đờn chầu thành bản Tứ Đại Oán thì điệu Oán mới xứng danh là một điệu nhạc riêng biệt với hơi ai của điệu Nam. Điệu Oán có cấu trúc các lái đờn thường đi từ 2 ngũ cung, thí dụ muốn về chữ Xàng thì lái đờn phải đi từ chữ líu xế liu Xàng, không qua trung gian chữ cộng như ở điệu Nam và một điểm đặc thù của điệu nầy là nhiều câu trong các lớp thường xuyên có mặt chữ Oan (chữ Phan nhấn và rung mạnh) nên nghe buồn, nhưng kiểu buồn bi hùng. Có thể nói bản Tứ Đại Oán còn giữ cái sườn cứng của điệu Bắc trong cấu trúc.
Sự cấu trúc của bản Tứ Đại Oán rất chặc chẽ về mặt văn học nghệ thuật. Theo quyển Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam của học giả Trần Văn Khải, một nhà sưu tầm nghiên cứu rất có uy tín, người sáng tác bản Tứ Đại (Tứ Đại Cảnh) có thể là một nhạc sư kiêm thi sĩ. Bản Tứ Đại Oán là một bài thơ Bát Cú Đường Luật. Các lớp 1, 2, Xang Dài 1, Xang Dài 2, Xang Vắn 1, Xang Vắn 2, Hồi Thủ, Xang Dứt, tương ứng với các câu Phá, Thừa, cặp Trạng, cặp Luận, câu Chuyển, câu Kết của bài thơ Đường Luật.
Bản Tứ Đại Cảnh là tiền thân của bản Tứ Đại Oán, tương truyền là của vua Tự Đức sáng tác để ca ngợi 4 cảnh lớn của trời đất : Xuân, Hạ, Thu, Đông, nhưng cũng có người cho là vua Tự Đức có ngụ ý tôn vinh 4 cảnh đời thạnh trị của vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức (chữ Đại là Đời).
Theo quyển Đặc Khảo Về Dân Nhạc Việt Nam của Phạm Duy, điệu Tứ Đại Cảnh chỉ là một điệu biến thể của điệu hát Quan Họ Miền Bắc, có tên là Khi Tương Phùng.
Tên Tứ Đại Oán cũng có nhiều thuyết :
1 – Để đối lại sự tôn vinh 4 cảnh đời vua triều Nguyễn, giới chơi Nhạc Tài Tử Nam Bộ đã mỉa mai chế độ phong kiến của triều Nguyễn, vì bất lực trước nạn ngoại xâm, phế lập tùy tiện liên tiếp 4 đời vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước, Hàm Nghi mà Nam Bộ, mảnh đất thân yêu của tổ quốc cũng bị rơi vào tay giặc. Đúng là 4 cái oán lớn hoặc 4 đời oán hận của 4 đời vua đi sau vua Tự Đức.
2 – Sở dĩ bản Tứ Đại được mang tên Tứ Đại Oán là vì cấu trúc âm thanh có ưu thế của số lượng chữ Oan ( chữ Cộng nhấn mạnh, ở điệu Nam gọi là chữ Phan, ở điệu Oán gọi là chữ Oan).
3 – Một số nhạc sĩ chịu ảnh hưởng của thuyết Phật Giáo, cho con người được sanh ra do cấu tạo bởi Tứ Đại Càn Khôn ( nước, lửa, gió, đất) luôn bị đau khổ vì Tứ Diệu Đế là Sanh, Lão, Bịnh, Tử.
Sự đúng hay sai của các thuyết trên cần phải được sưu tầm nghiên cứu tiếp. Đối với các nhạc sĩ Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ, chữ Oán trong âm nhạc là để chỉ một điệu nhạc buồn sâu xa nhưng bi hùng chớ không bi lụy như hơi Ai trong điệu Nam. Điệu Oán khi vừa xuất hiện, đã tạo được một thời vàng son không thua gì bản Vọng Cổ ngày nay. Điệu Oán là một âm điệu chủ đạo của Đờn Ca Tài Tử qua nhiều thập niên liên tiếp. Các tập bài ca Tứ, Lục, Bát, Thập Tài Tử, xuất bản từ năm 1909 đến năm 1915 tại Saigon đã minh chứng điều nầy.
Bản Tứ Đại Oán có sức hấp dẫn giới chơi Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ và nhanh chóng lan tỏa ra cộng đồng. Năm 1910, ở Mỹ Tho có Ban Tài Tử của ông Nguyễn Tống Triều, tục gọi Tư Triều ( đờn kìm), Chín Quán (đờn độc huyền), Mười Lý (thổi tiêu), Bảy Vô ( đờn cò), cô Hai Nhiễu ( đờn tranh), cô Ba Đắc (ca). Ban Tài Tử nầy đờn ca rất hay vì phần đông đã được chọn đi trình bày Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam tại cuộc triển lãm ở Pháp về. Kế đến năm 1911, tài tử Nguyễn Tống Triều muốn đưa Đờn Ca Tài Tử ra trước công chúng, nên thương lượng với chủ nhà hàng Minh Tân Khách Sạn ở ngang ga xe lửa Mỹ Tho-Saigon, để Ban Tài Tử đờn ca giúp vui cho thực khách, thu hút người nghe càng ngày càng đông. Nhận thấy sáng kiến nầy có kết quả khả quan, thầy Hộ, chủ rạp hát bóng Casino, phía sau chợ Mỹ Tho, muốn cho rạp hát mình có đông khán giả bèn mời Ban Tài Tử Tư Triều đến trình diễn mỗi tối thứ bảy và thứ tư trên sân khấu, trước khi chiếu bóng. Lối đờn ca trên sân khấu được công chúng hoan nghinh nhiệt liệt nầy lại không có tính sân khấu mà vẫn còn giữ được cái không gian chơi nhạc salon (thính phòng) như thuở ban đầu.
“Thật vậy, lúc bấy giờ, lối năm 1912, chúng tôi (lời kể của ông Trần Văn Khải trong quyển Nghệ Thuật Sân Khấu Cải Lương) tòng học tại tỉnh lỵ Mỹ Tho, có đến xem cách chưng dọn sân khấu còn đơn sơ lắm. Cái màn bạc dùng làm bối cảnh (fond), kế đó có lót một bộ ván, trước bộ ván có để một cái bàn chưn cheo. Hai bên sân khấu có để cây kiểng xem rậm đám và khán giả có cảm giác đứng trước một phòng khách hạng trung lưu. Các tài tử đều ngồi trên bộ ván và mặc quốc phục xem nghiêm trang. Cô Ba Đắc ca rất hay và biết đủ các bài bản, nhứt là cô ca bản Tứ Đại Oán Bùi Kiệm-Nguyệt Nga rất duyên dáng.
“Cái sáng kiến đưa Đờn Ca Tài Tử lên sân khấu của ông Tư Triều từ năm 1912 tại Mỹ Tho, đã lan tràn đến Saigon và nhiều tỉnh ở Nam Bộ. Trước hết, lối năm 1913, 1914, chủ nhà hàng Cửu Long Giang ở sau chợ mới Saigon, nghe tin Ban Tài Tử của ông Tư Triều ở Mỹ Tho, đờn ca ăn khách, xuống mời về đờn ca tại nhà hàng của ông. Lần lần bài ca Tứ Đại Oán Bùi Kiệm-Nguyệt Nga, được phổ biến trong khắp các tỉnh Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc, v,v…
“Đến năm 1915, ông Tống Hữu Định tục danh ông Phó Mười Hai ở Vĩnh Long, quy tụ anh em tài tử, cho 3 người thủ vai Bùi Kiệm, Bùi Ông, Nguyệt Nga, đứng trên bộ ván vừa ca vừa ra bộ (ca ra bộ) bài Tứ Đại Oán Bùi Kiệm Nguyệt Nga, làm cho Đờn Ca Tài Tử giảm đi tính thính phòng, nghe bằng lổ tai, kể cả bằng trái tim, phải nhường phần nào cho tính sân khấu, thưởng thức đờn ca bằng lổ tai và cả bằng hai con mắt.
“Qua năm 1916, ông André Thận, người Sa Đéc, lập ban hát xiệc có thêm vài ba màn Ca Ra Bộ. Nhạc Tài Tử vươn ra cộng đồng, phục vụ cho nhiều đối tượng, phải lên sân khấu, không tránh khỏi làm mất đi phần nào khách tri âm mộ điệu, chỉ muốn thưởng thức bài bản Nhạc Tài Tử với các hơi điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán, Xuân, Ai, Đảo, Ngự mà thôi.
“Kế tiếp năm 1917, 1918, ông Châu Văn Tú tức thầy Năm Tú, một nhà khá giả ở Mỹ Tho, chuộc ban ca kịch của ông André Thận, kêu thêm đào kép mới và chấn chỉnh lại phong màn, cảnh trí cho được hoàn hão hơn. Thầy Năm Tú là người có công nhứt trong việc gầy dựng Ca Kịch Sân Khấu Cải Lương buổi ban đầu, đã lấy bản Tứ Đại Oán làm nồng cốt cho vở diễn, khi bản Hoài Lang (Dạ Cổ Hoài Lang, Vọng Cổ) của nhạc sĩ Cao Văn Lầu tức Sáu Lầu chưa ra đời. Đến đây Nhạc Tài Tử bị đem ra ứng dụng cho Sân Khấu Cải Lương, phải thay đổi phong cách biểu diễn, phải tùy theo tình huống kịch, khả năng đào kép mà đệm đờn.”
Nhạc đệm cho Ca Kịch Sân Khấu Cải Lương, nòng cốt là Nhạc Tài Tử, nhưng vì để phục vụ cho tình huống kịch, thời lượng thường ngắn ngủi nên soạn giả chỉ sử dụng trích đoạn, trích lớp các bài bản của Nhạc Tài Tử. Sân Khấu Cải Lương ngày càng phát triển, vở diễn nhiều, đủ loại tích tuồng màu sắc, soạn giả phải sử dụng thêm một số bài bản lấy từ nhạc Hồ Nam, Triều Châu, Quảng Đông và sáng tác những bài bản ngắn theo âm điệu nhạc cổ truyền Việt Nam hoặc theo âm điệu nhạc ngoại lai tây phương. Các bài bản mới sáng tác nầy, thường được gọi là Bài Bản Cổ Nhạc Canh Tân hoặc Các Bài Bản Nhỏ Sân Khấu Cải Lương vì nó được sáng tác cho nhạc cụ cổ truyền dân tộc. Cải Lương gần đây còn sử dụng các bài Lý dân ca, ký âm theo solfège. Các bài bản nầy đơn giản, dễ đờn dễ ca ( thâu nhạc sẵn rồi ca nhép cũng được), đã lần hồi lấn át các Bài Bản Nhạc Tài Tử, khiến cho Cải Lương ngày nay càng đi xa ngồn cội dân tộc hơn.
2 – Phụng Hoàng Cầu (tức Phụng Hoàng), 4 lớp, 48 câu, nhịp 8, lấy điển tích nói về Tư Mã Tương Như, lúc hàn vi, khảy khúc Cao Phượng Cầu Hoàng mà được vợ là nàng Trác Văn Quân.
3 – Cửu Khúc Giang Nam, 4 lớp, 58 câu chia ra làm 9 khúc, không biết tên tác giả, lấy điển tích nàng Tô Huệ ở Giang Nam, quá ghen vì chồng lấy nàng ái thiếp. Chồng chịu không nỗi tánh ghen tương của nàng, phải xin đổi đi trấn nhậm ở phương xa. Nàng thương nhớ chồng, dệt nên bức gấm thêu chữ, đọc ngược đọc xuôi gì cũng đều chứa đựng nỗi niềm thương nhớ chồng mà chín khúc ruột đau (Tô Huệ Chức Cẩm Hồi Văn).
4 – Phụng Cầu Hoàng Duyên, 3 lớp, 40 câu, chim phụng cầu duyên chim hoàng, ngụ ý nói nàng Trác Văn Quân vì say mê tiếng đờn Cầm Tâm của Tư Mã Tương Như, nửa đêm vượt bức tường hoa, lén trốn theo chàng Tư Mã.
Các bản Tứ Đại Oán, Phụng Hoàng Cầu, Giang Nam Cửu Khúc và Phụng Cầu Hoàng Duyên, được nhóm Đờn Ca Tài Tử Miền Đông Nam Bộ, đưa vào hệ thống 20 Bài Bản Tổ, đại diện cho điệu Oán, gọi là 4 bản Oán chánh.
Những Bản Thông Dụng Từ Điệu Oán.
Nhạc Tài Tử Nam Bộ còn có 4 bản Oán ngoại (Ngoại Oán) sau đây có cấu trúc chữ đờn đúng theo điệu Oán chánh :
1 – Nguơn Tiêu Hội Oán (Rằm tháng giêng oán hận), 4 lớp, 32 câu, nhịp 8. Bản Nguyên Tiêu của Thập Thủ Liên Huờn và bản Hội Nguơn Tiêu của bộ Cửu Nhĩ đã gợi hứng cho việc đặt tên bản nầy.
2 – Võ Văn Hội Oán, 4 lớp, 32 câu, nhịp 8. Theo một số nhạc sĩ tiền bối, bản nầy ra đời trong lúc nước nhà gặp cảnh lâm nguy vì giặc ngoại xâm, những văn nhân như thủ khoa cử nhân Nguyễn Hữu Huân chẳng hạn, phải đi cầm quân đánh giặc, rất tiếc cuộc khởi nghĩa thất bại, nên rất oán hận bọn xâm lăng.
3 – Bình Sa Lạc Nhạn, 3 lớp, 37 câu, nhịp 8, lấy điển tích nàng Chiêu Quân bị đem đi Cống Hồ, đến Ải Nhạn Môn, nàng đờn Tỳ Bà, khảy Khúc Quá Quan (Bình Sa Lạc Nhạn) tỏ nỗi thương nhớ chồng, thương nhớ nước non. Bản nầy, miệt Cần Giuộc, Cần Đước, Long An do nhạc sĩ Ba Đồng (học trò ông Ba Đợi) phổ biến trong thập kỷ 2, 3 của Tk. 20.
4 – Thanh Dạ Đề Quyên, 4 lớp, 32 câu, nhịp 8, sáng tác của cụ giáo Thinh vào năm 1931, phổ biến vào năm 1932. Ông giáo Thinh lấy bài thơ nôm “Tiếng Cuốc (quốc) Đêm Hè” của cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến làm nguồn cảm hứng để sáng tác ra bản Thanh Dạ Đề Quyên và viết lời ca “Chinh Phụ Thán Ca”cho bản nầy, thể hiện đúng tinh thần yêu dân yêu nước của cụ Nguyễn Khuyến (Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ, Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ, Năm canh máu chảy đêm hè vắng, Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ…). Đây là lời kể của cụ giáo Thinh tại một buổi sanh hoạt chuyên đề của CLB. Đờn Ca Tài Tử Quận 8 lúc cụ còn sanh tiền.
- Thu Phong Lạc Điệp, 32 câu, nhịp tư, cấu trúc ảnh hưởng bản Tứ Đại Oán, rất hay mà thời lượng trình tấu hết bản theo thể nhịp tư cũng không quá dài. Bản nầy tìm thấy trong tập tư liệu viết tay của cố nhạc sư Tư Nghi (Phạm văn Nghi), tập giấy lâu năm màu trắng đã trổ thành màu vàng, rệu mục, muốn nát rã.
- Hai bản Xuân Tình Bát Oán và Quả Phụ Hàm Oan, đờn ca theo hơi điệu Ngự Oán, năm 1943 nhạc sĩ Chín Tâm sưu tầm được tại Mỏ Cày (Bến Tre) trong bộ Tam Bắc Nhị Oán cũng được các tài tử thường xuyên sử dụng.
- Bản Hận Khúc Nam Quan do nhạc sĩ Năm Vinh sáng tác, nhân kỷ niệm 600 năm Nguyễn Trãi, 25 câu, nhịp 8, dây hò tư, hơi ai oán, chuyển nhịp tư, điệu bắc, dây hò ba. Bản nầy có hơi ai oán nhưng cấu trúc làn điệu như một bản nhạc vàng tân nhạc của miền Nam và đoạn chuyển cung, chuyển điệu, thúc nhịp, trở hơi như giọng hát chèo, chầu văn của miền Bắc, nên giới Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ đứng tuổi, không mặn mà lắm, ngoại trừ giới trẻ còn ưa thích.
Ca Điệu Oán, nữ phải ca dây Xề Hò Nhì của kép (La, âm thanh mẫu), nam phải ca dây đào Hò Tư (Ré, âm thanh mẩu), đối nghịch với bản Vọng Cổ, thì sự luyến lái trầm bổng nghe mới hay. Dây Tố Lan đờn kìm dùng để chuyên đờn điệu Oán cho nữ ca, nhờ lên dây Tồn rất trầm, nghe thật muồi mẫn, do ông Trần Văn Chiều tức Bảy Triều, thân sanh của giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê sáng chế năm 1913, khi ông ở nội trú, tòng học tại trường Chasseloup Laubat Sài Gòn.
Tám Bản Ngự
Tám bản Ngự khi ra đời đã cho Nhạc Tài Tử Nam Bộ thêm hơi Ngự.
Ông Ba Đợi sáng tác 8 bản ngự để cung nghinh Vua Thành Thái, vị vua yêu nước, nhân dịp vua vào Saigon năm 1898-1899. Ông muốn tỏ bày cùng đấng quân vương, nỗi lòng yêu nước mến vua của người dân Nam Bộ nên cấu trúc bản có ít nhiều phưởng phất chất điệu của nhạc cung đình Huế. Đờn ngự, đờn kìm phải lên dây Bắc Hò Nhứt (dây buông : xàng liu), nếu đờn ở bực dây Hò Tư gọi là dây Quả Phụ, Hò Nhì gọi là dây Nhị Ngũ, nhấn nhá ra hơi Bắc Ngự, hơi Ai Ngự hoặc hơi Oán Ngự thì hơi ngự mới nghe rõ nét và không lẫn lộn được với hơi Ai hơi Oán của dây Hò Tư (dây Bắc Oán) là dây của các nhạc sỉ Nam Bộ sáng chế ra để đờn cho tất cả các hơi điệu Đờn Ca Tài Tử và Sân Khấu Cải Lương. Tóm lại, đờn ngự phải lên dây đờn theo Ca Nhạc Huế, nhưng người ca phải ca theo phong cách, giọng điệu của Nam Bộ.
Qua tên Ngự, tác giả muốn đề cập đến vua. Miền Nam là thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ. Nhân dân từ lâu nghe nói vua nhưng chưa được chiêm ngưởng long nhan. Nhạy cảm trước thời cuộc và để nói lên tình cảm của người miền Nam đối với vua mình, cụ Ba Đợi dùng âm nhạc thay ngôn ngữ để thể hiện lòng mong đợi, sự trung quân ái quốc mà nội dung chứa đựng trong từng bản :
1 – Đường Thái Tôn, 32 câu, nhịp đôi, hơi Bắc Ngự, ám chỉ vua Thành Thái là vị vua anh minh như vua Đường Thái Tôn bên Trung Quốc.
2 – Vọng Phu, 33 câu, nhịp đôi, hơi Bắc Ngự, nhân dân Nam Bộ tưởng nhớ vua như vợ nhớ chồng.
3 – Chiêu Quân, 43 câu, nhịp đôi, hơi Bắc Ngự, lòng người miền Nam trung quân, tiết liệt như nàng Chiêu Quân, hy sinh cho đất nước, đem thân đi cống Hồ, lúc nào cũng nhớ chồng, nhớ nước non.
4 – Ái Tử Kê, 19 câu, nhịp đôi, hơi Bắc Ngự, đất Nam Bộ bị giặc Pháp chiếm. Nhân dân Nam Bộ như đàn gà con mất mẹ. Hãy thương bầy gà con.
5 – Bát Man Tấn Cống, 48 câu, nhịp tư, hơi Bắc Ngự, nhớ thuở huy hoàng, Việt Nam là một cường quốc, các nước nhỏ phải hằng năm triều cống (Tên Bát Man Tấn Cống, có lẽ do đời nhà Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 7 (1826), bà Hoàng Thái Hậu lên thọ lục tuần đại khánh, quan hữu tư dựng thái lâu ở cữa Tiên Thọ, trong bày các thứ âm nhạc. Vua cùng các quan rước Hoàng Thái Hậu lên xem các nhạc công múa khúc Trinh Tường rồi hòa bản nhạc Bát Man để các sứ thần tặng lễ vật cho Hoàng Thái Hậu).
6 – Tương Tư, 77 câu, nhịp đôi, hơi Ai Ngự, nhân dân Nam Bộ lúc nào cũng tưởng nhớ đến vua mình.
7 – Duyên Kỳ Ngộ, 62 câu, nhịp đôi, hơi Ai Ngự, đất Nam Bộ đã giao cho Pháp, bất ngờ lại được gặp vua mình, đây quả là duyên kỳ ngộ.
8 – Quả Phụ Hàm Oan, 59 câu, nhịp đôi, hơi Oán Ngự, vua tưởng rằng tất cả người dân Nam Bộ đều ham mê bơ sữa, hùa theo tân trào, nhưng cũng còn có nhiều người muốn đánh đuổi giặc Pháp xâm lăng. Nhân dân Nam Bộ giống như người quả phụ bị hàm oan.
Năm 1885, lần đầu tiên vùng Miền Đông Nam Bộ có một ông thầy đờn được đào tạo chánh qui từ trường nhạc cung đình, có tài năng thiên phú, có quyết tâm xây dựng một loại hình âm nhạc ngũ cung lòng bản, với phong cách tự do phóng khoáng, tâm tấu, ngẩu hứng sáng tạo, nhưng luôn giữ tính kế thừa của nền Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam, nhứt là về nhạc lý, vẫn lấy triết học đông phương, dịch lý âm dương ngũ hành, sinh khắc chế hóa, tượng số học làm căn bản.
Tôi xin trích bài viết “Căn cứ vào âm luật, cổ nhân đã diệu dụng âm thanh để tạo nhạc phẩm” của cụ giáo Thinh, trên 50 nay (theo thứ tự ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa thổ, chớ không phải thủy, hỏa, mộc, kim, thổ), để phần nào chúng ta có được ý niệm về tính triết lý trong đờn ca tài tử, vốn rất phức tạp, khó hiểu :
“Năm vừa qua, trong loạt bài luận về âm nhạc cổ điển Nam Việt đã được đăng nơi trang Lẽ Sống Kịch Trường, phát hành ngày 30-1-1956, tôi có dịp lược trình về việc Cổ Nhạc Việt Nam đã theo cùng một thể thức với nhạc cổ Trung Hoa, đặt ra Âm Luật, dựa vào sự mầu nhiệm Sinh, Khắc, Chế, Hóa của Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) để áp dụng cho Ngũ Cung thuộc 5 âm : Hò, Xự, Xang, Xê, Cống.
“Theo đó có những đôi âm thanh tương sinh : Hò Xang, Xự Xê, Xang Xự, Xê cống, cống Hò. Vả lại, ngũ âm ứng với ngũ sắc :
“Cung thứ Nhứt : Hò hành Kim thuộc sắc Trắng.
nt Nhì : Xự nt Mộc nt Xanh.
nt Ba : Xang nt Thủy nt Đen.
nt Tư : Xê nt Hỏa nt Đỏ
nt Năm : Cống nt Thổ nt Vàng
“Dựa vào bảng đối chiếu trên đây, thử chọn bản Lưu Thủy Tẩu Mã, có lẽ là bản đơn giản nhứt, được đặt ra trước tiên, để phân tách mấy âm thanh được cấu hợp, dĩ nhiên ta nhận thấy diệu dụng của cổ nhơn về chỗ hai thanh âm Hò và Xang chiếm địa vị rất quan trọng trong toàn bản (hầu hết 16 câu đờn đều có hai âm thanh nầy).
“Do đó, ta có thể kết luận, bản Lưu Thủy là một bức tranh thủy mặc chỉ dùng màu đen (Xang hành Thủy, sắc đen) vẽ lên nền trắng đúng vào cung thứ nhứt là Hò hành Kim, sắc trắng, có cấu trúc do thắng lượng chữ đờn hành Kim (Hò) và hành Thủy (Xang) nên được đặt tên và sắp xếp là bản thứ nhứt trong 6 bản Bắc tiêu biểu”.
Sau đây là bài viết ngày 15-7-1957 Âm Nhạc Và Ảnh Hưởng Của Hai Khối Văn Minh Đối Lập : Đông Phương (Sống Tịnh), Tây Phương (Sống Động) của cụ giáo Thinh :
“Hiện nay trên mặt địa cầu có 2 nền âm nhạc theo 2 khối văn minh đối lập. Khối Văn Minh Đông Phương chủ trương sống tịnh và Khối Văn Minh Tây Phương chủ trương sống động. Nơi đây, chúng tôi chỉ hướng riêng về âm nhạc, việc đề cập đến văn minh hay văn hóa cũng trên lãnh vực thanh âm mà thôi.
“Nhờ thiết thực theo khoa học vật chất nên âm nhạc tây phương bành trướng mau lẹ, đã được các nước áp dụng trên toàn thế giới. Âm nhạc đông phương theo Đạo Học, lấy dịch lý âm dương ngũ hành, sinh khắc chế hóa, tượng số học làm căn bản nhạc lý, nên vừa phức tạp lại vừa khó hiểu, đành dừng bước trước sự phát triển ồ ạt của âm nhạc tây phương.
“Nhạc cổ truyền Việt Nam trực thuộc Khối Văn Minh Tịnh thiên về tinh thần, lấy đạo lý nhơn, nghĩa, lễ, trí, tín làm tiêu chuẩn, không đồng tính cách với nhạc âu tây thuộc Khối Văn Minh Động, chủ trương sự đấu tranh không ngừng trên mọi lãnh vực, mưu cầu cho được thích ý về phương diện vật chất. Căn cứ vào văn hóa, tánh tình, phong tục tập quán của Dân Tộc Đông và Tây, ta thấy rõ sự vui buồn, chưa nói đến các tâm trạng khác, rất khác biệt nhau. Người Đông Phương điềm tỉnh, tế nhị, trái lại Người Tây Phương mẫn tiệp, nhanh nhẹn, hiếu động. Cho nên cũng đồng một điệu nhạc diễn tả sự vui thích hay buồn thảm thì Nhạc Điệu Đông Phương cũng có tánh cách khác với Nhạc Tây Phương.
“Cái vui của Á Đông là cái vui không quá trớn, vui trong khuôn khổ lễ giáo, không sổ sàng : mở to đôi mắt, khẻ nhích một nụ cười hay nhè nhẹ gật đầu cũng đủ tỏ một niềm vui, một sự hài lòng. Cái buồn của dân tộc ta là thứ buồn nội tâm, nghẹn ngào, thảm đạm, bi đát, chịu đựng chẳng thốt nên lời, vui mừng mà tuôn trào ra nước mắt, đau khổ mà vẫn mĩm miệng cười”.
Mặc dầu âm nhạc cổ truyền của chúng ta thuộc khối Văn Minh Tịnh nhưng căn bản nhạc lý là dịch lý âm dương ngũ hành, cách ghi chữ đờn theo ngũ cung lòng bản, khiến cho bài bản Nhạc Tài Tử trở nên sinh động nhờ phong cách tâm tấu, ngẩu hứng sáng tạo, nên đã biến hóa không ngừng.
Thuật ngữ Ngũ Cung Lòng Bản, là nói sự ghi chép bản đờn Nhạc Tài Tử theo cách ký thang âm, chữ đờn chân phương, giản dị của 5 cung Hò, Xự, Xang, Xê, Cống.Tầm cử, giọng điệu chỉ bắt buộc ở những chữ đờn ghi ngay nhịp mà thôi. Tuy nhiên, theo dịch lý âm dương, chữ đờn nơi nhịp lẻ 1, 3, 5, 7 là số Dương, có thể biến đổi tùy ý. Chữ đờn nơi nhịp Chẵn 2, 4, 6, 8 là số Âm, con số chết, chữ đờn phải tuân thủ theo cách ghi trong bản đờn. Lòng bản giản dị mà khoảng cách ghi trường độ lại quá rộng, nhanh chậm được tự do lựa chọn tùy theo không gian, tâm tư tình cảm, nên cách ghi chữ đờn chân phương như vẽ một thân cây khô, khi trình tấu thì phải tô điểm thêm hoa lá cành vào. Muốn tô điểm thêm được hoa lá cành thì cần phải có ngẩu hứng, có ngẩu hứng mới có sáng tạo, có sáng tạo mới có hoa lá cành đẹp. Muốn có ngẩu hứng phải có tri âm, có tay chơi chung xứng tay đối thủ, có không gian thích hợp với thiên thời, địa lợi, nhơn hòa. Muốn sáng tạo chữ đờn cho đúng hơi đúng điệu, phải học thuộc lòng trọn bài bản và xướng âm thật rành rẽ tầm cử 5 cung Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, phải biết cấu trúc âm thanh của 4 điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán, 4 hơi Xuân, Ai, Đảo, Ngự và phải thấm đượm những lời ru của mẹ hiền từ thuở còn nằm nôi cùng phong tục tập quán, đạo lý nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, Nhạc Tài Tử là loại nhạc luôn trong sáng, xuất phát từ trong óc trong tim của người chơi, khác với nhạc thị tấu của tây phương (solfège), chỉ có một lần sáng tạo khi sáng tác rồi nằm chết ở đó, mọi người đều nhìn bản, phải đờn giống nhau, không cho phép có cảm hứng sáng tạo tại chỗ.
Cách chế tác nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, chẳng hạn như cây đờn Kìm (Nguyệt Cầm), coi như một Nhạc Khí Tổ của Nhạc Ngũ Cung Cổ Truyền Việt Nam, các nghệ nhơn vẫn tuân thủ theo thông số kỹ thuật của tượng số học và phương pháp tạo âm thanh theo thuyết âm dương ngũ hành sinh khắc chế hóa của nền triết học đông phương.
Đờn Kìm có thùng cộng hưởng hình tròn, đường kính 36 cm, bề dày của thùng 6,4 cm, trên thùng có gắn yếm chạm hình con dơi, trên đầu cần có cái vá đờn dài 12 cm, toàn bộ đờn Kìm dài 108 cm, trên đầu cần có gắn con cóc bằng cây, khoảng cách dây đờn để phát ra âm thanh tính từ miệng dơi đến đầu cóc dài 72 cm, cần đờn gắn 4 trục, trước kia gắn 4 dây (2 dây chập một), hiện nay 2 dây, gắn 8 phím, phát 9 thanh âm.
So sánh, chúng ta thấy đờn Kìm của ta có con số kích thước dù tính theo thước tây vẫn đúng theo tỷ lệ tượng số học đông phương của cây Diêu Cầm do vua Phục Hi, ông Tổ của thuyết âm dương ngũ hành sáng chế ra. Chiều dài Diêu Cầm và Đờn Kìm bằng nhau (3 thước 6 tấc 1 phân, tương đương 108 cm). Thùng Đờn Kìm hình tròn, án theo Thái Cực, trên mắc 2 dây, án theo Lưỡng Nghi, dây Tồn trầm (dương), dây Tang bổng (âm), 4 trục, án theo Tứ Tượng (4 mùa), gắn 8 phím, án theo Bát Quái (8 tiết), khảy phát ra 9 âm thanh : Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, Liu, U, Xáng, Xế, tượng trưng cho một vòng biến hóa hở từ số 1 đến số 9. Mổi âm thanh khi nhấn nhá tạo ra 4 âm thanh. Như vậy với 2 dây Âm và Dương, chúng ta biến ra được 36+36 = 72 âm thanh. Do đó trong giới chơi Nhạc Tài Tử thường cho rằng : Nhạc sĩ nào kết hợp nhuần nhuyễn 2 vòng biến hóa hở của Âm và Dương trên 2 dây đờn tạo được 72 âm thanh nghe tuyệt hay thì đã đạt được trình độ thất thập nhị huyền công trong nhạc học.
Muốn bảo tồn và phát huy những vốn quí của nước ta, trong đó có vấn đề giữ gìn và cải tiến nhạc cụ dân tộc. Chúng ta đừng vội vàng căn cứ vào khoa học vật chất và triết học tây phương để kết luận, có như thế mới tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc. Quan niệm Đông và Tây khác nhau về nhiều điểm. Nhạc ta theo hệ thống ngũ cung đông phương. Nhạc Tây theo bát độ (octave). Người đông phương chuộng về phẩm, không chuộng về lượng, bao giờ cũng dùng đến sự ôn nhu trong mọi cách xử thế. Trong lãnh vực âm nhạc, ta cũng dùng kỹ thuật mềm mại nhấn nhá để tạo âm thanh. Nhạc cụ không cần nhiều phím, nhiều dây như nhạc cụ tây phương, vì tăng con số càng nhiều càng đi xa nguồn cội : Viễn Viết Phản, và Sanh Giả Nhu nhược, Kỳ Tử Giả Kiên Cường (mềm dẻo là hiện tượng của sự sống, cứng rắn là hiện tượng của cái chết (Lão Tử).
Một điều chắc chắn và khẳng định là nhạc Cổ Truyền Việt Nam nói chung và Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ nói riêng, bấy lâu nay vẫn học và truyền nghề theo cách truyển thống Á Đông, vẫn tồn tại, luôn phát triển không ngừng và vẫn giữ được bản sắc dân tộc Việt Nam.
Theo triết học đông phương, Trời, Đất và Con Người (tam tài) có ảnh hưởng hổ tương với nhau. Muốn buổi đờn ca thành công, ta phải tìm cho được cái không gian thích hợp với thiên thời, địa lợi, nhơn hòa rồi mới chơi đờn ca, phải tuân thủ âm luật Lục Kỵ là 6 cái kỵ về thời tiết của trời đất : đại hàn (lạnh quá), đại thử (nóng quá), đại phong (gió lớn), đại vũ (mưa to), đại chấn (sấm to), tuyết rơi và Thất Bất Đàn là 7 trường hợp thuộc về con người, không được chơi đờn : nghe nhà có tang, khi nghe chiêng trống rùm ben, tâm trạng bất an, không sạch sẻ bản thân, quần áo không chỉnh tề, không xông trầm hương và không có tri âm. Điều kiện thuận tiện trời, đất, con người, người chơi đờn, trường hợp Thượng Đại Phu Du Bá Nha đờn Diêu ở bến Hán Dương phải có người biết nghe như tiều phu Chung Tử Kỳ mới dễ đạt được nghệ thuật Bát Tuyệt : Thanh (nhấn nhá chữ đờn nghe thanh bai), Kỳ (lái đờn nghe thần kỳ tuyệt diệu), U (biểu hiện nỗi u uất), Nhã (ung dung, tao nhã), Bi (nghe bi ai), Tráng (hùng tráng), Du (nghe di chuyển từ nơi nầy tới nơi khác), Trường (nghe kéo dài như dòng trường giang).
Âm luật, nhịp lẻ, số Dương tùy ý thêm bớt, sửa đổi chữ đờn, nhịp chẵn, số Âm là con số chết, nhạc sĩ phải tuân thủ chữ ghi trong bản đờn, cũng giống với luật âm điệu của một bài thơ : Nhứt Tam Ngũ Bất Luận, Nhì Tứ Lục Phân Minh.
Âm luật được đặt ra từ thuở xa xưa, ngày nay con người đã tiến bộ, phát minh ra được nhiều thứ, có thể khắc phục phần nào nghịch cảnh thiên nhiên, nhưng tinh thần âm luật của người xưa vẫn luôn đúng với nhạc Tài Tử của chúng ta.
Cũng vì nhạc ta đã có tính triết học trong nhạc lý, nên trước khi chơi Đờn Ca Tài Tử, người cầm đờn phải rao đờn. Rao cho các dây đờn ăn nhau, rao cho người đờn cũng như người ca tìm nguồn cảm hứng, coi không gian đờn ca có thích hợp hay không và khi thấy thiên thời, địa lợi, nhơn hòa, các cây đờn từ từ dứt câu rao theo trường tống đã cảm nhận và người đạp song lang gõ song lang khai trường tống (nhịp đầu trước khi vô bản) cũng phải đúng theo trường tống khi rao đờn và gõ mô nửa nhịp, cũng phải được tất cả nghe rõ ràng, lúc đó đờn và ca theo đà nhịp mà vô, không ai vô trước, vô sau. Chơi Đờn Ca Tài Tử, gặp tri âm ngang tài ngang sức cùng hòa điệu thì ta mới có cảm hứng, có cảm hứng ta mới có ngẩu hứng sáng tạo, giao lưu tung hứng tiếng đờn lời ca đến chỗ tuyệt mỹ được.
Tại sao chỉ trong khoảng thời gian hơn 10 năm, từ năm 1885 đến năm 1900 mà ông Ba Đợi cùng các các nhạc sĩ Nam Bộ đã tạo ra được phong trào đờn ca Bài Bản Tài Tử, rầm rộ khắp vùng đất Nam Bộ như vậy ?
Rất dễ hiểu, vì đất Nam Bộ đã có sẵn nhiều địa phương chơi Âm Nhạc Cổ Truyền như bốn ông thầy đờn Sâm, Hồ, Ngô, Đạo ( miền đông), cụ Thập, cụ Thủ, nhạc sanh Khị (miền tây), ít nhiều gì cũng tạo được một số ngón đờn căn cơ bài bản trong các nhạc cụ cổ truyền của chúng ta. Ông Ba Đợi tiếp theo, truyền dạy cho học trò cùng phát động một hệ thống bài bản, tinh hoa, bác học, nhiều hơi điệu, do ông cùng các tài tử Nam Bộ sáng tác, cải biên, tạo ra phong cách chơi Đờn Ca Tài Tử vừa trí thức (hơi điệu, cấu trúc, bài bản bác học) lại vừa bình dân (người chơi đủ mọi thành phần trong xã hội). Các công tử, tiểu thơ, con nhà giàu, có điều kiện vật chất, rước thầy đờn về nhà học nhạc, mua những nhạc cụ tốt bằng cây ngô đồng cẩn ốc xa cừ đắt tiền từ Hà Nội đem vào bán, nhưng vì phần đông họ lại không có năng khiếu trời cho. Con nhà nghèo lại có cái tài riêng (năng khiếu), chỉ học lại của các công tử, tiểu thơ mà rất nhiều nhạc sĩ tài ba, thành danh, xuất thân từ giới nông dân ra đời, và chỉ có những nhạc sĩ trong giai cấp nầy mới chịu khó lặn lội khắp hang cùng ngỏ hẻm để dạy đờn ca, gây thành phong trào Đờn Ca Tài Tử rầm rộ vào cuối thế kỷ 19 và những ngày đầu của thế kỷ 20.
Hơn nữa, nhạc sư Ba Đợi là một nhạc công của triều đình, “thập bát ban nhạc cụ” ông đều rành rẽ. Ông dạy học trò nhiều nơi, nhiều nhạc cụ khác nhau, từ Tranh, Kìm, Cò, Tỳ Bà, Tam, Đoản, Độc Huyền cho đến ống Tiêu, ống Sáo (nhiều nhạc cụ như ống tiêu, đờn tam, đờn tỳ bà do ông dạy đờn để lại, con cháu của học trò ông hiện còn lưu giữ để kỷ niệm). Nhờ có trình độ nhạc học thâm sâu và biết cách hòa âm là cần phải có nhiều chất liệu (bát âm) phát ra như Kim, Thạch, Thổ, Ti, Cách, Bào (trái bầu), Trúc, Mộc nghe mới hay, nên ông chủ trương dạy cho mỗi học trò một nhạc khí, có âm sắc khác nhau, khi hòa tấu, âm thanh hòa quyện nghe rất tuyệt vời. Các trò lại muốn thi thố tài năng, đem hết sở học của mình, vận dụng trí nhớ bài bản ra để tranh đua nghệ thuật, âm thanh trầm bổng nhặt khoan, vui tươi, bi hùng, muồi mẫn, có nhiều âm sắc đan xen, nghe rất thích thú.
Bằng chứng là ông đã dạy nhiều học trò đủ mọi thành phần : công nhân, nông dân, trí thức, như ở Saigon, Đakao, Giồng Ông Tố (học trò Sáu Thới (tranh, kìm, cò, tiêu), Bảy Vô (cò, tiêu, nhạc sĩ đi dự Vạn Quốc Bác Lãm Hội Paris, Pháp Quốc năm 1900), Tám Hạnh (tranh, kìm, tỳ bà) đều trở nên danh cầm, danh sư), nhứt là ở miệt Cần Giuộc, Cần Đước, dấu ấn của ông để lại rất rõ nét, ông lấy vợ sanh con, dạy rất nhiều học trò thành danh như các ông Sáu Thoàn (kìm, cò), Chín Chiêu (kìm, tỳ bà), cô Sáu Giỏi (kìm), cô Bảy Lung (tranh), ông Xã Năm (tiêu), ông Năm Tịnh (tranh, tỳ bà), Hai Bầu (cò), Năm Khiết (thân sanh cô Tư cầu Mồng Gà, một ca sĩ đờn ca tài tử rất nổi danh lúc bây giờ), Năm Cần (thầy Tư Bi), Cả Cương, Tư Chợ (thầy Sáu Ở), Ba Đồng, Năm Huýnh (thầy dạy đờn khắp nơi).
Với 20 bản Tổ và 8 bản Ngự, nhạc tài tử có 4 điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán và 4 hơi Xuân, Ai, Đảo, Ngự, đã đầy đủ hơi điệu để diễn tả tánh tình, giọng nói, tâm tư tình cảm của người dân Nam Bộ.
Với cách học ngũ cung lòng bản, đờn ngẩu hứng sáng tạo thì với 20 bản Tổ, cũng đã quá đầy đủ, không cần thiết phải viết thêm bài bản mà không có sáng tạo được hơi điệu nào mới mẽ. Càng có nhiều bài bản thì càng có thêm sự hỗn tạp và rối rấm trong cách chơi nhạc. Với dịch lý âm dương ngũ hành, sinh khắc chế hóa, ta có thể sáng tác một cách dễ dàng ra mấy mươi ngàn bản đờn trong một thời gian ngắn, nhưng sáng tác rập khuôn với 20 Bản Tổ mà làm chi. Chỉ với một bản đờn của 20 Bản Tổ thôi, ngón đờn nhấn nhá mỗi người mỗi khác, lòng bản, chữ đờn tuy chân phương, giản dị, nhưng khi ngẩu hứng, mỗi người mỗi sáng tạo, thêm bớt chữ đờn theo tâm tư tình cảm của riêng mình, mỗi người cũng mỗi khác, ngay chính mình đờn qua rồi mà muốn đờn lại, mình cũng đờn khác với chữ đờn của chính mình vừa mới đờn qua. Do đó, với 20 ản Tổ, chưa ai học đờn ca mà cảm thấy nhàm chán và cũng chưa ai dám tự hào nói là mình đã thuộc làu và trình bày rành mạch, suôn sẻ hết 20 bản Tổ.
Trong khoảng thời gian phong trào Đờn Ca Tài Tử nổi lên rầm rộ, Nam Bộ có 2 Nhóm Nhạc Tài Tử tranh đua nhau quyết liệt về sáng tác bài bản để thu hút môn đệ về mình, Đó là Nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông do nhạc sư Ba Đợi ở Cần Đước, Long An làm trưởng nhóm (đã nói qua ở phần trước) và Nhóm Nhạc Tài Tử Miền Tây do ông kinh lịch Trần Quan Quờn ở Vĩnh Long làm trưởng nhóm. Mỗi khi nhóm nhạc Miền Đông sáng tác bản đờn, bài ca nào mới, lập tức nhóm nhạc Miền Tây sáng tác để ứng đáp lại liền. Nhờ sự tranh đua nầy, làm cho kho tàng bài bản Nhạc Tài Tử thêm phong phú. (Danh từ Đông và Tây ở đây là dùng để chỉ miền đông Nam Bộ, bao gồm 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, miền tây Nam Bộ, bao gồm 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên của Nam Kỳ Lục Tỉnh xưa).
Nhóm Nhạc Miền Tây được sự cộng tác của các ông Nguyễn Liêng Phong (thầy đờn kiêm nhà văn), Phạm Đăng Đàng ( sĩ phu yêu nước gốc miền Trung bị Pháp lưu đày vào Vĩnh Long, dạy đờn và soạn bài ca), cùng các thầy đờn danh tiếng như cụ Thập, cụ Thủ, tại địa phương, chủ trương duy trì nguyên tắc đã được các bài bản của Ca Nhạc Huế áp dụng để cấu tạo âm thanh, vẫn giữ đúng 3 nhịp Nội, Ngoại Hoán Pháp và Chánh Thất, thâu nạp một số bài bản đã có sẵn của Ca Nhạc Huế, đồng thời sáng tác mới nhưng vẫn giữ nguyên vẹn phương thức, âm tiết của Nhạc Miền Trung. Do đó, sáng tác của nhóm nầy mặc dầu có rất nhiều, thí dụ như những bản Hiệp Điệp Xuyên Hoa, Thanh Đình Điểm Thủy, Kim Oanh Trịch Liễu, đầy tính bác học, nhưng giới chơi Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ lại không hưởng ứng.
Trái lại nhóm Nhạc Miền Đông của ông Ba Đợi được sự cộng tác của nhiều văn nhân lổi lạc như ông Sáu Lục tức soạn giả Phan Trúc Quân cùng với số học trò, môn sinh tài ba của ông như Sáu Thới, Bảy Nhỏ, Tám Hạnh, Cao Quỳnh Cư, Cao Quỳnh Diêu, Sáu Thoàn, Chín Chiêu, Năm Tịnh, Năm Khiết, Ba Đồng, Năm Huýnh, Năm Cần, Giáo Thinh, Cao Hoài Sang, đã cải biên các bài bản của Ca Nhạc Huế bằng cách giản dị hóa lối ấn nhịp để tạo ra nhạc điệu hòa hợp với ngôn ngữ của dân miền đất Nam Bộ. Bài bản chỉ có 2 loại nhịp : nhịp Nội và nhịp Ngoại (nhịp song lang bỏ 2 lấy 2).
Qua nhiều lần giao lưu đờn ca giữa 2 nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông và Miền Tây, và nhờ sự trung gian hòa giải của các ông Phạm Đăng Đàng và Nguyễn Tùng Bá (thầy đờn, con của thầy đờn kiêm nhà văn Nguyễn Liêng Phong), hai nhóm nhạc Đông Tây mới xích lại gần nhau và đi đến chỗ thống nhứt bài bản, lấy 20 bản tiêu biểu cho 4 điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán làm căn bản và chơi theo phong cách như chơi Đờn Ca Tài Tử ngày nay, tự do phóng khoáng, không câu nệ hình thức cổ kim, sân chơi sang hèn, chơi bất vụ lợi, chơi cùng khách mộ điệu tri âm, vị nghệ thuật, chỉ chú trọng đến tính âm nhạc của bài bản mà thôi.
Ngoài cách phân loại bài bản theo hơi điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán trong hệ thống 20 Bản Tổ của ông Ba Đợi và nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông ra, một hệ thống phân loại khác được cụ Huỳnh Thúc Kháng viết trên báo Tiếng Dân, xuất bản tại Huế vào khoảng năm 1926, 1927, được ông Giáo Thinh phân tích trên nhựt báo Công Nhân năm 1957, thì bảng phân loại nầy đã phân chia bài bản Cổ Nhạc Việt Nam thành 10 loại :
1 – Nhứt Lý : Nam Bộ đã có đến 6 bản Lý : Lý Vọng Phu (Bốn Mùa), Lý Giao Duyên, Lý Con Sáo (Tam Thất), Lý Ngựa Ô Bắc, Lý Ngựa Ô Nam, Lý Phước Kiến, Trung Bộ có Lý Hoài Xuân, Lý Giang Nam, Lý Giao Duơn, Lý Tử Vi, Lý Huê Tình, v,v…
2 – Nhì Ngâm : Mỗi miền đều có những bản ngâm riêng biệt về âm điệu theo các lối thơ cổ : ngũ ngôn, thất ngôn, tứ cú hay bát cú, hoặc song thất lục bát hay thượng lục hạ bát, v,v…
3 – Tam Nam : Nam Bộ có Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo (Đảo Ngũ Cung). Trung Bộ có Hạ Giang Nam hay Nam Xoan tục danh là Nam Chiên, Vọng Giang Nam tục danh là Nam Bình, Ai Giang Nam là Nam Ai, v,v…
4 – Tứ Oán : Chỉ riêng Nam Bộ mới có loại bản đờn dây oán tức dây Hò Tư (dây Bắc Oán) là một thứ dây do các nhạc sĩ đất nam bộ sáng chế để đờn cho tất cả hơi điệu bài bản. Các bản oán gồm có : Tứ Đại Oán, Phụng Hoàng, Cửu Khúc Giang Nam, Phụng Cầu,…
5 – Ngũ Điếm : Điếm (không phải là Điểm) là chân đứng, nền móng của bài bản thuộc 5 cung Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, thường gọi là các bản Bắc, lấy âm Hò làm cung thứ nhứt, Xự thứ nhì, Xang thứ ba, v,v…Theo thứ tự ta có Lưu Thủy, Phú Lục, Bình Bán, Cổ Bản và Xuân Tình, sau sáng tác thêm bản Tây Thi là bản thứ 6, nhưng vẫn thuộc Cung thứ nhứt (Hò và Liu đồng âm thanh, Liu cao hơn một ngũ cung).
6 – Lục Xuất Kỳ Sơn : Trong thời kỳ 2 nhóm Đông Tây còn tranh đua sáng tác bài bản, nhóm Nhạc Tài Tử Miền Tây chiết ra 4 bản Bình Bản, Tây Mai, Xuân Phong, Long Hổ trong Thập Thủ Liên Huờn, thêm vào 2 bản Tây Thi Vắn và Cổ Bản Vắn, lấy tên Lục Hợp hay Lục Hiệp (mong có sự hòa hợp, hòa nhã với nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông), nhưng có môn đệ không vừa ý, mới đổi tên lại là Lục Xuất (6 bản vừa sản xuất). Nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông nhận biết ra cội rễ nên mỉa mai gán thêm hai tiếng Kỳ Sơn thành Lục Xuất Kỳ Sơn, ám chỉ việc Khổng Minh đời Tam Quốc, 6 lần ra Kỳ Sơn là 6 lần bị thất bại.
7 – Thất Chánh : Loại nầy gồm có 7 bản : Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Long Đăng, Long Ngâm, Vạn Giá và Tiểu Khúc. Đây là những bản chánh thức của Lễ nhạc, âm điệu thanh cao và nghiêm chỉnh nên gọi là Thất Chánh.
8 – Bát Ngự : Tám bản do nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông Nam Bộ (cụ Ba Đợi) sáng tác khoảng năm 1898-1899, nhơn dịp vua Thành Thái ngự vào Sài Gòn. Tám bản nầy thể hiện tình cảm thương vua mến nước của nhân dân Nam Bộ lúc nghinh giá. Đó là các bản Đường Thái Tôn, Vọng Phu, Chiêu Quân, Ái Tử Kê, Bát Man Tấn Cống (hơi Bắc biến thể), Tương Tư, Duyên Kỳ Ngộ (hơi Nam biến thể) và Quả Phụ Hàm Oan (hơi Oán biến thể).
9 – Cửu Nhĩ : Loại nầy cũng do nhóm nhạc Miền Đông sáng tác, có 2 bản : Hội Nguơn Tiêu, 3 lớp, 32 câu và Bát Bản Chấn, 8 lớp, 72 câu.
10 – Thập Thủ Liên Huờn : Của nhóm nhạc Miiền Tây, đã lấy 10 bản của Ca Nhạc Huế gọi là 10 bản Khách hay 10 bản Ngự hay Liên Bộ Thập Chương, để nguyên cấu trúc chữ đờn, du nhập vào hệ thống Nhạc Tài Tử Nam Bộ và đặt tên là Thập Thủ Liên Huờn (đã nói ở phần bản Bắc).
Hệ thống 10 Loại Bài Bản mà cụ Huỳnh Thúc Kháng đưa ra không phù hợp với Hệ Thống Bài Bản Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ. Ông kê khai thể loại Lý dân ca, ngâm thơ mà lại không kê khai được các bài bản thông dụng của Đờn Ca Tài Tử, cũng như không nói lên được hơi điệu của các bài bản. Có những bài bản của hơi điệu loại nầy đã trùng lập với bài bản của hơi điệu loại kia, thí dụ như loại Ngũ Điếm, Lục Xuất, Cửu Nhĩ, Thập Thủ Liên Huờn đều thuộc hơi điệu Bắc, và loại Lục Xuất thì có những bài bản trùng lập với bài bản của loại Ngũ Điếm và Thập Thủ Liên Huờn.
Do đó, cách sắp loại Hệ Thống Bài Bản Đờn Ca Tài Tử theo hơi điệu của nhóm Nhạc Tài Tử Miền Đông Nam Bộ là hợp lý nhứt. Từ đầu Tk. 20, giới chơi Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ đã chấp nhận cách phân loại nầy, muốn tranh đua, thách thức nhau đều mang 20 bản tiêu biểu cho 4 điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán gọi là 20 Bản Tổ ra làm căn bản để so tài, giao lưu học hỏi lẫn nhau. Hệ thống bài bản càng đơn giản càng dễ nhớ, dễ học.
Tuy nhiên, chơi Đờn Ca Tài Tử, không tránh khỏi có sự tranh đua, ban nhóm. Ai chiếm hữu được bài bản nào hay thì lập tức cất giấu để làm của riêng, chỉ truyền dạy cho học trò ruột của mình. Do đó bài bản chép tay của học trò lén phổ biến ra, không tránh khỏi sự tam sao thất bổn, những dị bản xuất hiện càng ngày càng nhiều.
Từ năm 1909 đến năm 1915, chủ bút Phụng Hoàng San cho phát hành tập đờn tranh và một số bài ca tài tử chưa đầy đủ, và bản đờn tranh chưa được thông dụng trong lúc nầy, nên khi quyển Cầm Ca Tân Điệu, bản đờn kìm của Lê Văn Tiếng có đối chiếu với bài ca của thầy giáo Trần Phong Sắc (Long An) xuất bản năm 1926, mặc dầu cũng chưa được đầy đủ nhưng dễ hiểu hơn, đã được giới hâm mộ đón nhận coi như khuôn vàng thước ngọc trong việc thống nhứt một số bài bản trong giai đoạn đó.
Quyển 1 Cổ Nhạc Tầm Nguyên của nhạc sĩ Võ Tấn Hưng (Năm Hưng) xuất bản năm 1960, đã cải tiến cách ghi câu cú, nhịp nhàn nội ngoại phân minh, làm cho người muốn tự học thêm bài bản, cảm thấy không còn khó khăn nữa. Rất tiếc vì nhạc sĩ Năm Hưng quá nghèo, không có tiền để xuất bản tiếp quyển 2, quyển 3. Khoảng trên 20 năm trước, khi hấp hối, trước khi qua đời, anh kêu tôi phải phổ biến công trình của anh cho các bạn mộ điệu tri âm, và tôi đã thực hiện được ước nguyện của anh là quyển Nhạc Tài Tử Nam Bộ (toàn bộ bài bản trong 3 quyển Cổ Nhạc Tầm Nguyên đều có trong đó) ra đời năm 1997 tại CLB. ĐCTT. Quận 8 và tôi cho lưu hành phổ biến, tuy nói là trong nội bộ nhưng thực tế là rất rộng rãi trong giới âm nhạc cổ truyền nam bộ, phần nào đáp ứng được vấn đề về sự thống nhứt Bài Bản Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ.
Để kết luận, tôi xin trích ghi bài tham luận của tôi về Những Bất Cập Trong Việc Gìn Giữ Phát Huy Nhạc Tài Tử Ở Vùng Nam Bộ trong Hội Thảo Khoa Học về Đờn Ca Tài Tử tại Tp. Hồ Chí Minh như sau :
“Trong vài thập niên gần đây, sự truyền thông qua máy móc âm thanh điện tử, thêm chính sách mở cữa thị trường, đã kéo theo nhiều loại hình ca nhạc ngoại lai, ồ ạt tràn vào, lấn át Nhạc Tài Tử trên khắp mọi sân chơi. Ta phải tự kiểm điểm để biết vì sao cái hay, cái độc đáo của nhạc ta lại không còn thu hút được người nghe như trước kia nữa.
“Trước tiên, âm nhạc là môn sở thích, nhưng chúng ta là người Việt Nam, ta phải yêu thích nhạc ta hơn và dành mọi điều kiện tốt nhứt cho nó để tránh đi những bất cập thường gặp, khi tổ chức loại hình nầy. Thực tế, có một số cán bộ chức năng, coi Nhạc Tài Tử như một món đồ trang trí, mỗi khi có liên hoan, lễ lạt, đem nó ra chưng dọn, hết liên hoan, lễ lạt thì đem nó cất vào kho.
“Về bài bản, nhứt là 20 bản Tổ, ta cần phải học thuộc lòng chữ đờn trọn bản. Giới chơi nhạc tài tử, từ lâu đã truyền tụng 2 câu đối nói về việc học thuộc lòng và sự khổ công rèn luyện bài bản để đạt được cái tuyệt mỹ của âm thanh :
Thức Thời Tối Thiểu Lảu Thông Nhị Thập Quyền Tổ Bản
Quán Thế Thậm Đa Lịch Luyện Thất Thập Nhị Huyền Công
“Nhạc tài tử có lòng bản rộng rất thuận tiện cho cảm hứng sáng tạo như bản Vọng Cổ chẳng hạn, do đó dễ sản sinh ra một số nhạc sĩ “Mì Ăn Liền,”chỉ học chữ đầu chữ chót của bài bản rồi đệm đờn, bất chấp các làn điệu đã được định hình tầm cử trầm bổng theo từng nhịp trong mỗi câu.
“Bài bản Nhạc Tài Tử, thường có cấu trúc y như một bài thơ, có thủ, vĩ, phá, thừa, trạng, luận, dứt, mỗi phần mỗi khác. Thí dụ như bản Tứ Đại Oán và các bản Nam hoặc những bản có tổng hợp nhiều hơi điệu, lớp nào cũng có cái hay, không thể bỏ qua được. Những lớp trùng lập là sự cố ý của tác giả trong việc đặt tên bài bản đó (thí dụ bản Văn Thiên Tường có lớp 1 và lớp 2 trùng nhau, là ý tác giả muốn so sánh hai hoàn cảnh giống nhau của ông Văn Thiên Tường và Ông Thủ Khoa Huân trong công cuộc chống xâm lăng). Ta không nên tùy tiện cải biên, bỏ bớt.
Bài bản xưa dẫu có dài, không cần chỉnh sửa, ta chấp nhận chơi hay không chơi mà thôi. Thật ra bài bản nhạc tài tử là loại nhạc ngũ cung lòng bản, chỉ ghi chữ đờn chân phương, giản dị, lớp lang trùng lập, dễ đờn dễ học thuộc lòng, không nên cắt xén một cách vô ý thức, vô tình làm mất đi cái hay, cái đẹp, cái tính chất của âm nhạc và biến nó trở thành loại nhạc không phải là nó nữa. Bản dài vẫn có khách mộ điệu tri âm say sưa thưởng thức, chơi hết bản vẫn còn thấy ngắn.
“Điều quan trọng là ta biết chọn lựa sân chơi cho thích hợp để đờn ca tài tử. Chỗ chơi yên tịnh, thoáng mát, người chơi phải lảu thông bài bản, thính giả không cần đông, nhưng phải là những người mộ điệu tri âm, dàn nhạc cụ có thể tham gia như Tranh, Kìm, Cò, Gáo, Song Lang, Độc Huyền, Tỳ Bà, Tam, Đoản, Sến, Ghi ta cổ, Ghi ta hạ uy di, Violon, tùy tính chất, làn điệu bài bản mà ta sử dụng nhạc cụ nào cho thích hợp. Tranh, kìm, cò, độc huyền là những nhạc cụ dân tộc, cấu trúc chữ đờn theo ngũ cung chánh, khi đờn chung với nhau, các tài tử dễ nhấn nhá để đạt đến đỉnh bát tuyệt : “thanh, kỳ, u, nhã, bi, tráng, du, trường”, nên không thể thiếu trong dàn nhạc Đờn Ca Tài Tử. Thỉnh thoảng ta nghe, tiết mục Đờn Ca Tài Tử mà chỉ có ghi ta cổ (âm thanh bình quân) và đờn sến (bảy thanh) tham gia hòa ca. Dĩ nhiên, hai nhạc cụ ngoại lai nầy, tính năng hạn chế, khoảng cách phím rất hẹp, khó có thể nhấn nhá tạo ra âm thanh ôn nhu, muồi mẫn, sẽ rất khó khăn trong các hơi điệu đậm đà bản sắc dân tộc như Ai, Oán chẳng hạn.
“Nhạc Tài Tử thường chơi đờn ca salon (thính phòng), không cần lên sân khấu hoành tráng có nhiều thành phần thính giả, nhưng trường hợp cần thiết phải tổ chức phục vụ cho đông người thì ta nên lưu ý mấy điểm sau đây :
“Tiết mục trình tấu là những tiết mục bài bản Đờn Ca Tài Tử, không lẫn lộn với các loại hình tạp kỹ khác.
“Phải chọn mời những khách mộ điệu tri âm của Đòn Ca Tài Tử càng đông càng tốt.
“Sân khấu nên trang trí cây kiểng, bàn ghế, để tạo cảnh gần gủi quen thuộc, thoải mái cho các tài tử (Năm 1911, ông Nguyễn Tống Triều đã làm được chuyện nầy trên sân khấu Khách Sạn Minh Tân – Mỹ Tho).
“Ban Nhạc Tài Tử, không nhứt thiết phải mặc áo dài khăn đóng như ban Nhạc Lễ để trình diễn. Như vậy, vô tình làm cho loại đờn ca nầy, vốn là của quần chúng nhân dân tạo ra, chỉ mới hơn 100 năm nay, vẫn còn trẻ trung, luôn sáng tạo, rất hiện đại, lại trở thành loại nhạc cổ xưa với phục trang áo dài khăn be xanh đỏ, xa lạ với người dân Nam Bộ. Thật vậy, Nhạc Tài Tử được hình thành vào lúc Nam Bộ đã được tiếp cận nền văn minh âu tây, người mặc đồ tây hay đồ ta, miễn chỉnh tề, trang nhã, đều có thể chơi Đờn Ca Tài Tử.
“Sự phát minh ra âm thanh điện tử rất tiện lợi cho buổi trình diễn có nhiều người nghe. Kỹ thuật trang bị âm thanh nhạc cụ rất quan trọng cho sự thành công của buổi trình diễn. Âm thanh phải điều chỉnh hài hoà giữa người ca và người đờn, giữa đờn ghi ta điện với các nhạc cụ dân tộc khác như tranh, kìm, cò…Người sử dụng nhạc cụ ngũ cung, có nghe rõ được tiếng đờn của mình, thì mới nhấn nhá sáng tạo ra chính xác được chữ đờn. Hầu hết các buổi trình diễn, khi có mặt đờn ghi ta điện với âm lượng vượt trội trong dàn Nhạc Tài Tử, các nhạc cụ dân tộc chỉ còn biết làm cảnh trên sân khấu để cho chụp hình, quay phim, báo cáo, còn phần nghệ thuật âm thanh thì để cho một mình cây đờn ghi ta điện, một nhạc cụ ngoại lai, rơm rả độc chiếc với người ca. Đây là bệnh “ hội chứng ghi ta điện” cần nên khắc phục.
“Phải lựa chọn những bài ca có nội dung tốt, có tính văn học nghệ thuật cao để trình diễn. Trích đoạn Bài Bản Tài Tử, phải biết khúc, lớp nào có làn điệu tinh hoa nhứt của bản đó để trình bày. Tính âm nhạc là quan trọng chớ không phải Sân Khấu Cải Lương, nhạc trích đoạn theo tình huống kịch. Chúng ta thường thấy trong các liên hoan Đờn Ca Tài Tử, vì thời gian có hạn, nên có nhiều trích đoạn, cắt lớp không thật sự tôn vinh mà còn làm tầm thường hóa Nhạc Tài Tử. Chẳng hạn như bản Tứ Đại Oán, 6 câu lớp Đầu, thấy ngắn quá nên ghép chung với 8 câu lớp Hồi Thủ để thành một tiết mục với thời lượng vừa phải, nhưng khổ thay, làn điệu 2 lớp nầy lại trùng lập nhau, trong khi 2 lớp Xang Dài và 2 lớp Xang Vắn mới là tinh hoa của bản Tứ Đại Oán, lại không được đem ra trình bày.
“Mấy năm gần đây, đâu đâu cũng thấy CLB đờn ca tài tử thành lập và hoạt động, nhưng phần nhiều còn quá yếu kém về mọi mặt :
- Không tập họp được những thành viên có tâm huyết, có năng lực,
- Không có được một thầy đờn đủ trình độ bài bản để hướng dẫn, truyền dạy chuyên môn,
- Vì là CLB sở thích, khó tìm ra kinh phí để sinh hoạt và tổ chức giao lưu học hỏi,
- Khó kiếm được nhạc sĩ sử dụng nhạc cụ dân tộc như tranh, kìm, cò,
- Còn nhầm lẫn Đờn Ca Tài Tử (tính thính phòng) và Sân Khấu Cải Lương (tính sân khấu) nên không xây dựng được tiết mục có phong cách biểu diễn riêng biệt cho từng loại hình.
- Ngày càng có nhiều buổi đờn ca tài tử, không còn được khách mộ điệu quan tâm, dàn nhạc lèo tèo ghi ta, sến (nhạc cụ ngoại lai), bài bản cắt khúc, cắt lớp, không đầu không đuôi, trích đoạn cải lương quơ chân múa tay, bài ca hài hước, kiểu mua vui trong chốc lát.
“Nhạc Tài Tử là loại nhạc tinh hoa, bác học, do các thầy có học thức uyên thâm, có biệt tài thiên phú, đã trải qua bao thế hệ, mới sáng tạo, gầy dựng, xây đấp, hoàn thiện. Chúng ta phải biết nó và luôn trân trọng nó, phải nghiêm túc rèn luyện thường xuyên, mới mong đạt được cái hay, cái tuyệt diệu của loại hình âm nhạc nầy.
“May mắn thay, có những tụ điểm, do lòng say mê âm nhạc cổ truyền, nhiều nghệ nhân tuy tuổi cao sức yếu, nhưng vẫn tràn đầy tâm huyết, tài năng và kinh nghiệm tích lũy nhiều năm tháng, đã cùng các bạn mộ điệu tri âm, tập họp nhau lại, không cần danh nghĩa, quyền lợi vật chất, thường xuyên chơi đờn ca để cùng nhau thưởng thức, cùng nhau ôn luyện lại những Bài Bản Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ, truyền nghề lại cho thế hệ tương lai, vẫn vui vẻ làm công việc gìn giữ và phát huy loại dân nhạc nguyên thủy, chính thống, đầy tính bác học nầy, trong thời buổi mà nó đang bị đem ra ứng dụng bừa bãi trên nhiều sân chơi không thích hợp và nó đã dần bị biến tướng và nó không còn là nó nữa.”
-----
Tài Liệu Tham Khảo :
– Sưu Tập Các Bài Báo viết về Cổ Nhạc Việt Nam (bản đánh máy trước giải phóng) của ông Nguyễn Văn Thinh.
– Cổ Nhạc Tầm Nguyên (3 quyển), bản đánh máy của Võ Tấn Hưng.
– Hồi Ký 50 Năm Mê Hát của Vương Hồng Sển.
– Ca Trù Biên Khảo của Đỗ Bằng Đoàn – Đỗ Trọng Huề.
– Tìm Hiểu Ca Huế Và Dân Ca Bình Trị Thiên của Văn Thanh.
– Gia Định Thông Chí của Trịnh Hoài Đức.
– Ca Nhạc Cổ Điển ( Điệu Bạc Liêu) của Trịnh Thiên Tư.
– Nghệ Thuật Sân Khấu Cải Lương của Trần Văn Khải.
– Đặc Khảo Về Dân Nhạc Việt Nam của Phạm Duy.
Tiểu Sử nhạc sĩ Tấn Nhì :
* Tên thật là Nguyễn Tấn Nhì, nghệ danh Nhị Tấn, sanh ngày 01-10-1936, tại làng Đa Phước, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh,
* Mê say học Nhạc Tài Tử từ lúc mới lên bốn năm tuổi (học của gia đình).
* Học chữ từ bậc tiểu học đến khi tốt nghiệp cử nhân luật khoa, dùng nhạc tài tử làm phương tiện giải trí,
* Trước giải phóng làm nghề luật sư (Luật Sư Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn) và chơi Đờn Ca Tài Tử,
* Sau giải phóng 30-04-1975 làm nhạc sĩ rồi sau đó chuyên viên, phụ trách bộ môn Ca Cổ Cải Lương Quần Chúng tại Nhà Nghệ Thuật Quần Chúng, thuộc Sở Văn Hóa Thông Tin Tp. Hồ Chí Minh, kiêm chức chủ nhiệm CLB Đờn Ca Tài Tử Quận 8,
* Nhạc sĩ cộng tác các đài truyền hình và phát thanh, đờn các loại nhạc cụ dân tộc, soạn bài ca, nghiên cứu về Đờn Ca Tài Tử đến khi hưu trí năm 1997,
* Bằng Khen của UBND. Tp. Hồ Chí Minh : Đạo Diễn 10 Năm Xây Dựng Thành Phố.
* Huy Chương Vì Sự Nghiệp Văn Hóa Quần Chúng của Bộ VHTT.
TẤN NHÌ