ĐƯỜNG VỀ QUÊ BÁC
Diệp Vàm Cỏ
NÓI LỐI
Mơ ước bấy lâu, nay trên đường về quê Bác
Chúng con đi nghe rạo rực trong lịng
Xứ Nghệ đây rồi, ôi thương nhớ mênh mông
Hình bóng Bác giữa trời quê còn in đậm.
LÝ SẮC SON
Chân bước chân bồi hồi
Thương nhớ thương ngậm ngùi
Núi Hồng Lĩnh ơi! Mây trời vẫn trôi
Trăng ở đâu trăng về. Bên cửa khuya để trăng đòi thơ
Bác đã đi, đi rồi. Đường về quê tháng năm chờ trông
Đàn con khắp nơi xa gần
Cùng theo bước chân hành hương.
VỌNG CỔ
1- Bóng lá nghiêng che, hàng tre lã ngọn. Xứ Nghệ giang tay cho đón muôn… người.
Bác kính yêu ơi chúng con đã về rồi.
Đây lối nhỏ quanh co vẫn hằn sâu bao kỷ niệm, thuở cậu bé “Sinh Cung” còn theo chúng bạn rong chơi (-). Mái lá nghèo một thời cơ cực khôn nguôi, nền đất lạnh mà ấm nồng tình non nước. Khung cửi gầy còn in vết tay chai, tất cả với bây giờ sao mà thiêng liêng quá !
2- Cây bưởi tước sân mỗi mùa hoa nở trắng. Như cô gái sông Lam vẫn sâu lắng tâm… tình.
Nhà bác đơn sơ mà ấm áp lòng mình.
Em kể tơi nghe giọng ngọt ngào xứ Nghệ, đây quê Bác Nam Đàn đẹp lắm những mùa sen (-). Ơi chỉ mới buổi đầu mà đã quá thân quen, nhìn sen xứ Nghệ lại nhớ sen Tháp Mười quê tôi đó. Một chuyến về thăm để trọn đời gắn bó, cho tôi nhìn càng thương quá em ơi !
LÝ CÁI MƠN
Rồi rưng rưng lời em kể tiếp
Thuở ấy quê hương đắm chìm dưới ách ngoại xâm
Bác ra đi ngôi nhà cũ trở nên hoang tàn
Dù bôn ba hải ngoại xa xăm
Hay ở đất trời Nam
Bác vẫn hằng mong trở về thăm.
VỌNG CỔ
5- Bác ơi, đứng trước những hiện vật đơn sơ, là những chứng nhân của một thời nghèo khó. Tất cả vô tri mà như có linh… hồn.
Để hôm nay ai đến đây cũng nghe dạ bồn chồn.
Đây một chiếc ghế tre, một bộ phản đã phai màu gỗ, hương án này ngày cụ Phó Bảng về bái tổ vinh quy (-). Ơi quê ngoại nghèo mà quê nội cũng chẳng hơn chi, vậy mà đã sinh ra những người con giàu lòng yêu nước. Ơi đẹp biết bao trời quê hương Hoàng Trù - Xứ Nghệ, dù đi đâu lòng chúng con cũng không thể phải mờ.
6- Đường về quê Bác hôm nay
Cao cao bóng núi cỏ cây ngút ngàn
Kim Liên, Tỉnh Nghệ, Nam Đàn
Phố phường to đẹp, xóm làng rộn vui.
Ơi tạm biệt rồi mà lòng mãi khôn nguôi, khu di tích như có lời Người thầm nhắn nhủ. Dẫu cuộc sống hôm nay đã qua thời lam lũ, trong phú quý vinh hoa xin đừng để nhạt phai tình yêu nước non nhà (-).
Chúng con lại trở về với đôi dòng Vàm Cỏ,
Với Tháp Mười rực rỡ những mùa sen.
Còn thương mảnh đất Kim Liên.
“Đường về quê Bác” nối trăm miền nước non./.
Long An, tháng 02/1996
Diệp Vàm Cỏ tên thật là Bùi Văn Diệp, sinh năm 1958, quê quán xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Cư trú phường 2, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Hiện công tác tại Phòng Văn Nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An. Bắt đầu sáng tác thơ cho Tạp chí Văn Nghệ Long An từ năm 1982, rồi chuyển sang viết bài ca vọng cổ và kịch bản cải lương từ tháng 3 năm 1986. Đã viết cả trăm bài ca vọng cổ với các phong cách trữ tình, hài, dí dỏm... được Đài TNND TPHCM và các đài khác dàn dựng.
Một số bài nổi bật gồm: Em sẽ về đâu, Người tình cũ, Lý con sáo, Tình bậu muốn thôi, Đường về quê bác, Ký ức hoa đào, Kẹt tên, Ông già Đồng Tháp...
Ở thể loại kịch bản cải lương Diệp Vàm Cỏ đã có 03 kịch bản: Hồi xuân dược (Đoàn cải lương Long An dàn dựng năm 1993 và 2011; Đoàn cải lương Tây Ninh dàn dựng năm 1995; sau đó được Đài Truyền hình TP.HCM dàn dựng phát sóng, Mùa bông điên điển (Hãng phim Tây Đô – Đài Truyền hình Cần Thơ dàn dựng được Bằng khen tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2000), Mặt trời qua đêm (Viết về chuyện tình Nguyễn Đình Chiểu và Lê Thị Điền, Đài PT&TH Long An dàn dựng được Bằng khen tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2005). Ngoài ra còn có hàng chục kịch bản hài do Đài PT&TH Long An dàn dựng, phát sóng trên kênh LA34 và SCTV.
Đặc biệt khi sáng tác bài ca tân cổ giao duyên thì Diệp Vàm Cỏ tự viết phần nhạc như các bài: Tôi yêu màu nắng quê nhà, Thanh long mùa trái ngọt, Tnh bậu muốn thôi, Yêu em như thuở binh nhì, Về với lý ngựa ô...Là một tác giả sáng tác bài ca vọng cổ có tâm huyết nên anh đã chủ xướng thể loại ''Vọng cổ ba câu'' để phù hợp với yêu cầu thưởng thức của người nghe hiện nay, thể loại nấy đã được HTV giới thiệu, hiện nay anh đã có một số bài ca vọng cổ ba câu được phổ biển. Đặc biệt với chùm bài ca ''Tri âm... khúc'' tặng riêng NSUT Mỹ Châu đã được thu thanh, quay hình và phát sóng là loạt bài ca không lệ thuộc vào khuôn khổ 4 câu 1, 2 5, 6 như xưa nay mà Diệp Vàm Cỏ viết với hình thức 02 câu, 03 câu được gối bằng 100% bài bản cải lương (Ngoại trừ bài tân cổ giao duyên ''Tri âm viễn khúc'' do Diệp Vàm Cỏ tự viết phần nhạc) khá thành công. Diệp Vàm Cỏ quả có duyên sáng tác để riêng tặng giới nghệ sĩ cải lương với nhiều bài: 10 bài Tri âm (Tặng NSUT Mỹ Châu), Con sáo đồng bằng (Tặng NSUT Trọng Hữu), Bà chúa thơ nôm (Tặng NSUT Thanh Thanh Hiền), Nhớ một vì vua (Tặng Soạn giả Viễn Châu), Tâm sự ông Hoàng (Tặng Nghệ sĩ Tấn Tài), Đời Nghệ sĩ (Tặng Nghệ sĩ Vũ Linh Vương). DVC đã được tặng Huy chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2000.
Với bài ca vọng cổ, Diệp Vàm Cỏ đã có một số giải thưởng ở các tỉnh, đặc biệt trong đó có Giải nhì (Không giải nhất) cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ khu vực ĐBSCL lần I - tháng 9 năm 1992 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bài ''Lời ru'') và giải ba cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ khu vực ĐBSCL lần III - tháng 11 năm 2011 (Bài ''Thương về chợ nổi''). Nhân đây, Tạp chí Sân khấu TPHCM xin giới thiệu đến bạn đọc bài ca ''Thương về chợ nổi'' của tác giả Diệp Vàm Cỏ.