ĐÊM QUAN HỌ
Ngô Hồng Khanh
Nói lối
Đêm đã khuya rồi quan họ ơi.
Mà tình quan họ Đvẫn chưa vơi.
Sông thương hay mắt người thương đợi.
Dõi bóng người thương tận cuối trời.
Vọng cổ
Câu 1:
Hát nữa đi em khúc dân ca đậm tình xứ sở. Nhớ thương ai nước sông thương chở đầy thương nhớ câu hát em trao “người ơi người ở"… gặp gỡ đêm nay tao ngộ khách… tang ...bồng.
Câu hát giăng tơ hay con nhện giăng tơ cho tơ nọ vương lòng. Đêm phương Nam lòng mơ về quan họ, nay quan họ mình về câu hát hoá thân thương. “Thương nhau cởi áo cho nhau”… câu hát đã trao sao lòng cứ ngập ngừng. Sợ mai này mình phải xa nhau, cho nước sông Thương cứ chảy vào thương nhớ.
Câu 2:
Đêm quan họ người ơi người ở, vương vấn lòng anh không nỡ ra về. Ai hái nụ tầm xuân cho con ve nức nở gọi sang hè. Thương điệu trống quân tiễn người xưa lên ải Bắc, la lả cánh cò lặn lội khắp đồng xa. La lả cánh cò bay suốt khúc dân ca, đêm quan họ thương người ca quan họ. Sông Thương đó cứ chảy vào thương nhớ, người tiễn đưa người đưa con sáo sang sông.
Nói lối
Ta đã say rồi quan họ ơi.
Say tình quan họ vẫn chưa vơi.
Sông Thương hay mắt người thương đợi.
Chén rượu Làng Vân, chén rượu đời.
Vọng cổ
Câu 5:
Chén rượu đêm nay có khúc dân ca đậm tình người quan họ, có tà áo tứ thân in dáng ai dài theo nỗi nhớ có vành nón quai thao bỡ ngỡ mắt… ai ... nhìn.
Quan họ quê em anh ngỡ quê mình. Điệu lý phương Nam về vui đêm quan họ, anh gởi hồn mình theo con sáo sang sông. Em gởi hồn mình câu quan họ mênh mông, chén rượu làng Vân hay mắt ai lúng liếng. Câu quan họ chao nghiêng vành nón, quyến luyến người ơi người ở đừng về.
Câu 6:
Ta đã thương rồi sông Thương ơi. Thương tình quan họ chốn xa xôi. Bâng khuâng sóng vỗ miền sông Hậu. Con sáo sang sông bỗng ngậm ngùi. Ta đã thương rồi chiều lục ngạn mây trôi, mùa vải chín má người thương chín đỏ. Điệu quan họ người ơi người ở, mà chiều nay người đã xa người. Người đã xa người quan họ ơi. Mà tình quan họ vẫn không vơi. Sông Thương vỗ mãi bờ thương nhớ, vỗ mãi hồn tôi thành câu hát thay lời.
Soạn giả Ngô Hồng Khanh sinh năm 1945, là con trai của liệt sĩ Ngô Kim Hồng, ở ấp Bình, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè. Năm 1961, lúc đang học ở trường Trung học Tống Phức Hiệp (nay là trường Lưu Văn Liệt, TP. Vĩnh Long), Ngô Hồng Khanh đã tham gia hoạt động cách mạng hợp pháp tại xã nhà. Năm 1963, cán bộ của Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam (R) về huyện Cái Bè tuyển diễn viên, Ngô Hồng Khanh đăng ký đi và được tuyển thẳng về công tác tại đoàn văn công này. Đến năm 1972, Ngô Hồng Khanh được ra Hà Nội vừa học, vừa sáng tác ca cổ cho Đài Phát thanh Hà Nội và Đài Giải phóng. Năm 1974, anh tốt nghiệp khoa đạo diễn của Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam.
Sau giải phóng miền Nam, Ngô Hồng Khanh công tác ở Quân khu 9. Năm 1978, anh được chuyển ngành sang dân chính, làm Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Hậu Giang (2 tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng sáp nhập thành tỉnh Hậu Giang từ năm 1976 - 1991). Khi chia tỉnh trở lại, Ngô Hồng Khanh là Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Cần Thơ, đại biểu Quốc Hội khóa IX, nhiệm kỳ 1994 - 1999; năm 1998 là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Vụ trưởng Ban Văn hóa - tư tưởng Trung ương; đến năm 2007 được nghỉ hưu trí và đang ở TP. Hồ Chí Minh.
Quá trình hoạt động nghệ thuật, soạn giả Ngô Hồng Khanh đã sáng tác trên 50 vở cải lương, 600 bài vọng cổ ca ngợi tình quân - dân, tình đồng đội, những chiến công trong kháng chiến và những thành tựu trong xây dựng, phát triển đất nước; trong đó có những vở cải lương đã đoạt Huy chương Bạc trong các lần hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân như các vở: Hoa đồng nước nổi (năm 1984); Mưa nguồn (năm 1985); Êm ả một dòng sông, Tình ca đêm chơi vơi (năm 1990); Loài hoa không tên (năm 1995)...
Ngô Hồng Khanh sáng tác nhiều bài vọng cổ hay, đã được nhiều nghệ sĩ tài danh ca thu thanh, thu hình phát trên sóng các đài phát thanh - truyền hình cả nước. Các hãng băng, đĩa cũng thu thanh, thu hình để kinh doanh. Nhiều thí sinh đã ca - diễn dự thi các cuộc hội diễn, hội thi vọng ca cải lương toàn quốc, khu vực, Giải "Bông lúa vàng" (2 năm 1 lần) và tuyển chọn giọng ca cải lương hàng tuần tại Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh đạt nhiều giải cao và khán, thính giả yêu thích, như các bài: Lời người hát rong, Đêm Quan họ, Thương em nhiều qua là thư xuân,Cung đàn mới, Cung đàn mùa hạ, Chiều sông Lô, Tiếng ru đêm, Trăng Cao nguyên, Mùa bông tràm... Riêng bài "Hương sen Đồng Tháp", ca ngợi xã Mỹ Lợi và tổ thương binh anh hùng tại xã này, do 2 nghệ sĩ tài danh Thanh Nhanh và Thanh Thoản ca.
Từ tháng 5-2008 đến nay, soạn giả Ngô Hồng Khanh làm Trưởng Ban Giám khảo các cuộc thi tuyển giọng ca cải lương, Giải "Bông lúa vàng" và thi giọng ca cải lương hàng tuần tại hội trường Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh, được trực tiếp truyền thanh từ 14-15 giờ 30 mỗi chiều thứ bảy hàng tuần.