CUNG ĐÀN MỚI
Ngô Hồng Khanh
LƯU THỦY HÀNH VÂN:
Nữ: Vang tiếng nhạc đàn t’rưng bên suối reo
Rừng núi ơi dạt dào
Nam: Chim chơ-rao tung cánh bay cao vẫy chào mùa xuân
Mùa xuân vui khắp trên buôn làng
VỌNG CỔ:
Nữ: Ôi đã bao năm rừng thương núi nhớ, tiếng nhạc đàn T’rưng dõi theo ta đó mà bóng người đi vời vợi mấy phương….. trời.
Câu 1:
Nữ: Không hẹn không giao sao nắng đợi mưa chờ.
Nam: Tiếng ai bước qua lòng suối nhỏ ngỡ mưa đầu mùa về tưới mát rừng xanh.
Nữ: Em lấy lá che gió chiều thổi tạt. Các anh về nhà chật cũng vui. Chùm gùi chín đong đưa như đàn em nhỏ nô đùa, tắm mát trong mưa đôi má hồng ửng đỏ.
Câu 2:
Nam: Tây Nguyên ơi, đã trải qua bao mùa đánh Mỹ, bão đạn mưa bom vẫn chung thủy dạt…. dào.
Nữ: Và tình của mẹ của em như lá rừng xanh xanh thắm một màu. Tâm sự ngày xưa chưa vơi chưa cạn, sao rừng vẫn thì thầm qua mấy rặng lồ ô.
Nam: Hiểu lắm em ơi, từng giọt mồ hôi của mẹ lăn trên rẫy. Cho mỗi chuyến hàng em bước nhanh thêm, khi ánh nắng chiều về soi bóng ngả nghiêng nghiêng.
LỐI:
Đàn ơi hãy vang lên bài ca chiến thắng
Mái nhà rông hết vắng bóng những chàng trai
Men rượu cấn chưa uống đã ngà say
Áng mây chiều từ nay hết bâng khuâng cùng ai thương nhớ
Sương chiều
Nữ: Tiếng đàn t’rưng là tiếng lòng em đó, hãy ngân lên vang khắp buôn….. làng
Cung đàn chứa chan
Vút theo gió ngàn
Đàn reo chiến thằng
Cho mắt ai rạng ngời tương lai
Nam: Đàn reo khúc ca quân thù rã tan
Bình minh chói chang chim rừng hót vang
Bên cây kơ-nia
Con chim kơ-tia
Bay về nương rẫy
Bên mái nhà sàn
Tiềng cồng âm vang
Nữ: Đàn ơi
Đã bao năm rồi
Đàn reo thương nhớ
Bao nhớ thương gửi về muôn phương..
VỌNG CỔ:
Nam: Tây Nguyên ơi ta còn nghe giọng vang trong gió, tiếng ngàn xưa và tiếng của mai sau trong khúc khải hoàn ca qua mấy cung…đàn.
Câu 5:
Nữ: Đuốt lồ ô soi ánh lửa bập bùng. Uống đi mẹ men rượu cần thắm đuợm, hát đi anh cho quên hẳn chiến trường xa.
Nam: Múa đi em cho đôi tay thêm dẻo, cho mũi tên thần ta giương ná bay xa. Ta múa ta ca ca mừng ta đó, đón mặt trời lên ta uống nước chung nguồn
LƯU THỦY HÀNH VÂN:
Nữ: Vang tiếng nhạc đàn t’rưng bên suồi reo
Rừng núi ơi dạt dào
Chim chơ-rao tung cánh bay cao vẫy chào mùa xuân
Mùa xuân vui khắp trên buôn làng,
Về lại vọng cổ:
Câu 6:
Nữ: Rừng núi quê ta tưng bừng tiếng nhạc
Chén rượu chưa vơi đã say chén rượu đời
Nam: Tây Nguyên điệp trùng rừng xanh ta đó
Giữa mây trời lộng gió thênh thang
Con chim kơ-tia bay về rẫy mới
Nghe tiếng em mà cười chao cánh đưa duyên
Soạn giả Ngô Hồng Khanh sinh năm 1945, là con trai của liệt sĩ Ngô Kim Hồng, ở ấp Bình, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè. Năm 1961, lúc đang học ở trường Trung học Tống Phức Hiệp (nay là trường Lưu Văn Liệt, TP. Vĩnh Long), Ngô Hồng Khanh đã tham gia hoạt động cách mạng hợp pháp tại xã nhà. Năm 1963, cán bộ của Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam (R) về huyện Cái Bè tuyển diễn viên, Ngô Hồng Khanh đăng ký đi và được tuyển thẳng về công tác tại đoàn văn công này. Đến năm 1972, Ngô Hồng Khanh được ra Hà Nội vừa học, vừa sáng tác ca cổ cho Đài Phát thanh Hà Nội và Đài Giải phóng. Năm 1974, anh tốt nghiệp khoa đạo diễn của Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam.
Sau giải phóng miền Nam, Ngô Hồng Khanh công tác ở Quân khu 9. Năm 1978, anh được chuyển ngành sang dân chính, làm Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Hậu Giang (2 tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng sáp nhập thành tỉnh Hậu Giang từ năm 1976 - 1991). Khi chia tỉnh trở lại, Ngô Hồng Khanh là Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Cần Thơ, đại biểu Quốc Hội khóa IX, nhiệm kỳ 1994 - 1999; năm 1998 là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Vụ trưởng Ban Văn hóa - tư tưởng Trung ương; đến năm 2007 được nghỉ hưu trí và đang ở TP. Hồ Chí Minh.
Quá trình hoạt động nghệ thuật, soạn giả Ngô Hồng Khanh đã sáng tác trên 50 vở cải lương, 600 bài vọng cổ ca ngợi tình quân - dân, tình đồng đội, những chiến công trong kháng chiến và những thành tựu trong xây dựng, phát triển đất nước; trong đó có những vở cải lương đã đoạt Huy chương Bạc trong các lần hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân như các vở: Hoa đồng nước nổi (năm 1984); Mưa nguồn (năm 1985); Êm ả một dòng sông, Tình ca đêm chơi vơi (năm 1990); Loài hoa không tên (năm 1995)...
Ngô Hồng Khanh sáng tác nhiều bài vọng cổ hay, đã được nhiều nghệ sĩ tài danh ca thu thanh, thu hình phát trên sóng các đài phát thanh - truyền hình cả nước. Các hãng băng, đĩa cũng thu thanh, thu hình để kinh doanh. Nhiều thí sinh đã ca - diễn dự thi các cuộc hội diễn, hội thi vọng ca cải lương toàn quốc, khu vực, Giải "Bông lúa vàng" (2 năm 1 lần) và tuyển chọn giọng ca cải lương hàng tuần tại Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh đạt nhiều giải cao và khán, thính giả yêu thích, như các bài: Lời người hát rong, Đêm Quan họ, Thương em nhiều qua là thư xuân,Cung đàn mới, Cung đàn mùa hạ, Chiều sông Lô, Tiếng ru đêm, Trăng Cao nguyên, Mùa bông tràm... Riêng bài "Hương sen Đồng Tháp", ca ngợi xã Mỹ Lợi và tổ thương binh anh hùng tại xã này, do 2 nghệ sĩ tài danh Thanh Nhanh và Thanh Thoản ca.
Từ tháng 5-2008 đến nay, soạn giả Ngô Hồng Khanh làm Trưởng Ban Giám khảo các cuộc thi tuyển giọng ca cải lương, Giải "Bông lúa vàng" và thi giọng ca cải lương hàng tuần tại hội trường Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh, được trực tiếp truyền thanh từ 14-15 giờ 30 mỗi chiều thứ bảy hàng tuần.