HUYỀN THOẠI TRUÔNG BỒN
Võ Tử Uyên
Lối
Nam: - Anh đưa em về thăm chiến trường xưa
Nơi có một con đường từng mang tên “dốc lửa”
Nữ: - Hoa mua tím mùa này đang rộ nở
Tím cả núi rừng một nỗi nhớ thiêng liêng….
Sâm thương
Nam: - Đi với anh nghe em, về thăm vùng đất pha máu thắm
Trong chiến tranh tang thương bao người con vì nước hy sinh
Nữ: - Giặc thù điên cuồng bủa vây, hòng cắt chia Bắc Nam hai miền
Giữa tơi bời đạn bom, vẫn hiên ngang vút cao một tượng đài…
Vọng cổ
Nam: 1. Hãy đi cùng anh một lần đến Đô Lương để nghe người mẹ Mỹ Sơn kể chuyện Truông Bồn mà cứ tưởng chừng như huyền thoại. Một bản hùng ca đã được viết nên bằng máu bằng xương của những người con chân trần – chí thép mãi mãi vút cao trên mảnh đất Truông … Bồn.
Một bản hùng ca về những tượng đài hiên ngang của chủ nghĩa anh hùng.
Nữ: - Khi đất nước còn quặn mình trong lửa đạn, mỗi hốc núi xó rừng cũng thành công sự chống xâm lăng. Và những người con chân đất đầu trần, nghe Tổ Quốc gọi bỗng hóa thân Phù Đổng.
Nam: - Câu chuyện Truông Bồn – câu chuyện tuổi hai mươi, chiều chiến trường xưa rưng rưng dòng lịch sử…
Lý Ba Tri
Nữ: Ơi những cô gái thanh xuân mở lối đưa đường những đoàn quân Nam tiến
Dù cho đói rét, gian nguy, cái chết chực chờ vẫn quyết kiên gan.
Nam: Như những bông hoa rừng dạn dày cùng nắng mưa,
Vẫn thủy chung một màu tím sắc trời quê hương…
Nữ: 2. Ơi những cô gái mảnh mai lấy thân mình làm cọc tiêu dẫn đường cho từng đoàn xe ra trận, giữa đêm tối bủa vây, em như ánh sao tỏa sáng dịu dàng.
Nam: - Ấm áp lòng người chiến sĩ lái xe đang vượt dặm trường.
Nữ: - Giữa trận địa bom mìn, bóng dáng em là hiệu lệnh, là lối nhỏ an toàn - “anh hãy vững niềm tin !”.
Nam: - Đối mặt với bom thù, với khát nước đói cơm, với buốt lạnh đêm đông và nắng chan ngày hạ.
Nữ: - Cùng cực gian nguy ý chí càng tôi luyện, giữa sinh tử ngặt nghèo trí tuệ vẫn thăng hoa….
Nam: - Mẹ ngừng lại nửa chừng, tay vuốt ve bông mua rừng nở bên triền đồi bia tưởng niệm, mắt mẹ bỗng nhạt nhòa và giọng mẹ run run…
Nữ: - Ngày 30 tháng 10 năm 1968, mẹ còn nhớ rõ như in:
- Các đồng chí ơi, ta có lệnh hỏa tốc: “0 giờ đêm nay, Mỹ sẽ ngừng ném bom miền Bắc”.
- Hoan hô ! Cuối cùng rồi tiểu đội chúng mình cũng có được ngày nghỉ ngơi. Sau gần 300 ngày sống giữa lằn ranh sinh tử, cuối cùng chúng ta đã thắng. Tiểu đội thép đã thắng ! Hoan hô !
- Doãn ơi, Phúc ơi, vậy là có thể yên tâm nhập trường vào ngày mai rồi. Chúc các mi học giỏi nhé !
- Ngày mai anh Hòa và cái Tâm về quê làm đám cưới, hay là chúng ta xin phép đội trưởng cùng nghỉ phép về dự đám cưới luôn. Được không đội trưởng ?
- Được rồi, chuyện ngày mai, ngày mai hãy tính. Còn bây giờ, chúng ta vẫn còn một lệnh hỏa tốc nữa đây “7 giờ sáng nay có đoàn xe quân sự đi qua, các đơn vị đóng quân trên tuyến đường 30 nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Khẩn trương sửa chữa cầu đường, san lấp hố bom , bảo vệ an toàn cho đoàn xe vượt qua”. Các đồng chí, ai đã có lệnh nghỉ phép thì sẽ được nghỉ phép, còn lại chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ.
- Đội trưởng, dù có lệnh nghỉ phép, nhưng nhiệm vụ cấp bách, chúng tôi xin được ở lại cùng tiểu đội sát cánh chung vai trong lần ra quân cuối.
- Không được ! Nguyên tắc là nguyên tắc !
- Đội trưởng, khẩu hiệu của chúng ta: “tim có thể ngừng đập, như*ng đường không thể tắc”, “sống anh dũng bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, xin đội trưởng cho chúng tôi được cùng chị em hoàn thành nhiệm vụ.
- Thôi được, đội trưởng đồng ý. Tiểu đội thép lên đường ! Tất cả cho một ngày mai !
- (tất cả cùng hô lớn) Ngày mai !
Vọng cổ
Nữ: 5. Ngày mai - ôi chỉ vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi nữa thôi… Vậy mà .. thời gian ấy đã trở thành bất tử, vì buổi xuất quân cũng là buổi chia tay vĩnh biệt muôn …. đời. Hai tiếng “ngày mai” bỗng thành mơ ước xa vời.
Nam: - Trận bom điên cuồng trước giờ ngưng tiếng súng, đã giết chết mười hai mơ ước tuổi thanh xuân. Chị Tâm không về, Hợp Thành vắng một cuộc đưa dâu; lớp học cũng vắng tiếng cười chị Hiên, chị Phúc. Bao ngõ đường thôn vắng người về gặp mặt, chỉ còn những hố bom sâu – sâu thẳm nỗi căm hờn.
Nữ: 6. Chiều Mỹ Sơn khói hương trầm quyện bên bia tưởng niệm, hoa trinh nữ khẽ khàng khép mi mắt ngủ yên. Ôi 11 cô gái tuổi thanh xuân, những đêm xưa chắc không đêm nào ngủ được !
Nam: - Ngày nắng đêm sương gội xác xơ mái tóc, gương lược nào chải hết dấu gian truân ? Em ơi mình hôm nay cũng đang tuổi thanh xuân, sao thấy bé nhỏ, tầm thường trước tuổi thanh xuân ngày ấy.
Nữ: - Các anh chị ơi có phút giây nào nghe nuối tiếc, khi tuổi thanh xuân đem dâng hết cho đời ?
Nam: – nữ “Mệnh lệnh chiến trường, mệnh lệnh của trái tim
Nếu ai cũng tiếc tuổi thanh xuân thì còn gì Tổ Quốc ?
Một ngày hy sinh cho vạn ngày hạnh phúc
Một khoảnh khắc Truông Bồn cho bất khuất – một Việt Nam”…
Đuôi vọng kim lang
Nam - Nữ - Từ đây sông núi reo vui, Bắc Nam hai miền xinh tươi,
Huyền thoại Truông Bồn còn đây …. xin nhắc ai …. đừng quên./.
Tên thật: Võ Tử Uyên
Ngày sinh: 1955
Thể loại: Việt Nam, Cải Lương
Quốc Gia: Việt Nam
Nếu không biết nhau từ trước, chỉ tình cờ chạm mặt ở sàn tập hay phòng thu, hẳn nhiều người sẽ nghĩ Võ Tử Uyên (V.T.U) là nghệ sĩ, bởi ở con người cô, tư chất nghệ sĩ đậm nét hơn là phong cách của một soạn giả hay một biên tập viên – công việc thường ngày của cô ở Đài Truyền hình TPHCM. Nếu Võ Tử Uyên là nghệ sĩ, chắc chắn cô thuộc tín của NS Tài Linh – một cô đào không thể gọi là đẹp nhưng lại mềm mại dễ cảm đến nao lòng.
Cái cốt cách khả ái, đa cảm ấy được Uyên chuyển tải gần như trọn vẹn vào những trang viết. Cho nên những bài ca, những vở diễn do cô chuyển thể hay biên soạn tuy không nhiều, cũng không gây sốc bởi chủ đề, tư tưởng nhưng bao giờ cũng da diết khó quên trong cách thể hiện.
Có lần Uyên tâm sự cô rất dở xây dựng xung đột. Quả thật kịch bản của cô không có một cốt truyện ly kỳ với nhiều tình huống đột biến. CÔ cũng không có một văn phong sắc sảo thể hiện sự sâu sắc, tính triết lý của tư duy. Nhưng có thể bắt gặp trong kịch bản của cô cái hồn hậu giản dị của Ngọc Linh, cái đằm thắm nữ tính của Nhị Kiều, cái mượt mà trao chuốt của Loan Thảo, Yên Lang. Dĩ nhiên chưa thể nói Uyên đã đạt đến tầm vóc của những thầy tuồng “cây đa, cây đề” đó, hay là phong cách của cô kết hợp được nhiều đến thế ưu điểm của những bậc tiền bối. Nhưng nếu số lượng những cây bút trẻ viết cải lương đã ít ỏi, thì Uyên lại là một trong số rất hiếm hoi những soạn giả trẻ viết được cải lương đúng chất của một thời vang bóng: sử dụng bài ca nhiều và đắc địa, tạo được đất diễn cho lừng nhân vật. Một vai dù phụ ít nhất cũng có được một tích tắc thăng hoa, không chỉ đi ra đi vào cho rộn ràng sân khấu. Tôi biết đến tác giả V.T.U lần đầu tiên qua kịch bản “Người chị và mấy đứa em”, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Ngọc Linh. Tiếp theo là một vài vở cải lương viết cho Video cải lương, nhưng rồi sau đó thì… Uyên biệt tích.
Source: zing