LỜI NGƯỜI THIẾU PHỤ
Võ Tử Uyên
Lý son sắt
Đêm trắng nghe gió lùa
Song cửa len ánh đèn
Người vợ còn chờ mong
Đợi người về từ nơi đâu
Bao nhiêu đêm cô quạnh
Nhìn con thơ ngủ say giấc nồng
Nghe xót xa cõi lòng
Người ra đi sao vẫn sao bặt tăm
Mình em tháng năm trông chồng
Còn anh vẫn tháng năm nào xa
Vọng cổ
Gió lạnh đêm nay thổi lùa qua song cửa làm chao ngọn đèn khuya lập lờ bóng lẻ. Người thiếu phụ ôm con thức cùng đêm trắng mỏi mắt chờ mong giữa không gian quạnh quẽ u …buồn
1. Em có khác chi nàng Tô Thị cô đơn năm tháng trông chồng .
Sợ thời gian nên hóa thân thành tượng đá, đứng trên đỉnh đồi dõi mắt khơi xa.
Tìm một cánh buồm giữa trời nước bao la, tay ôm con thơ mà dòng lệ nhạt nhòa.
Nay em cũng là thiếu phụ trông chồng, nhưng biết làm sao mà hóa đá.
Ngâm dặm
ầu …ơ …con ngủ đi con
lời ru mẹ hát đã mòn ca dao
2. Có con cò trắng bay cao, bến trong dòng đục biết đâu mà dò.
Đêm vắng canh khuya mỏng manh một thân cò.
Cũng như mẹ, như con đêm từng đêm cô quạnh, mỏi mắt trông chờ bóng dáng cha con.
Con nước cuộc đời cũng chảy chia hai, làm sao biết được dòng nào trong đục.
Nhớ chồng thương con mẹ từng đêm thao thức, ray rức trong lòng làm sao hóa đá được mà mong.
Lý chiều chiều
Chiều chiều lặng đứng trông hoàng hôn
Em chờ anh
Gió lay hàng cao bụi chuối
Tiếng ai hát câu ru hời
Anh hỡi anh phương nào
Nhớ gì về nơi đây
Có em bế con mong chờ
Vọng cổ
Anh ơi! người chồng năm xưa ra đi vì biết mình mang nhiều tội lỗi, bỏ đứa con thơ tật nguyền bởi mang chung dòng máu cũng hóa đá trơ gan cùng mẹ mong …..chờ
5. Còn con của chúng ta nó có tội tình gì.
Má đỏ môi son tóc xanh còn bé bỏng, hai dòng máu trong người sao phải chịu cút côi.
Nhìn gia đình người hạnh phúc yên vui, lòng em đau đớn tủi buồn cho số phận.
Phải đâu em không tròn bổn phận, sao người tình chung vội tìm duyên mới cho đành.
6. Đêm sắp tàn gà gáy rộ đầu thôn, lại một đêm anh không về nữa.
Em vẫn ngồi đây nhìn ra ngoài khung cửa, nghe gió lạnh lùa mà lã chã dòng châu.
Con chúng mình yên giấc ngủ ngây thơ, chưa dám hỏi ba đâu rồi hả mẹ.
Nhưng em biết làm sao để đáp lời con trẻ, khi một mai con khôn lớn nên người.
Nàng Tô Thị vẫn trơ gan giữa đất trời
Và bao người vợ chờ chồng vẫn tháng ngày trông đợi
Mong đợi chồng với một điều nguyện ước
Cho tháng ngày hóa đá quanh em.
Tên thật: Võ Tử Uyên
Ngày sinh: 1955
Thể loại: Việt Nam, Cải Lương
Quốc Gia: Việt Nam
Nếu không biết nhau từ trước, chỉ tình cờ chạm mặt ở sàn tập hay phòng thu, hẳn nhiều người sẽ nghĩ Võ Tử Uyên (V.T.U) là nghệ sĩ, bởi ở con người cô, tư chất nghệ sĩ đậm nét hơn là phong cách của một soạn giả hay một biên tập viên – công việc thường ngày của cô ở Đài Truyền hình TPHCM. Nếu Võ Tử Uyên là nghệ sĩ, chắc chắn cô thuộc tín của NS Tài Linh – một cô đào không thể gọi là đẹp nhưng lại mềm mại dễ cảm đến nao lòng.
Cái cốt cách khả ái, đa cảm ấy được Uyên chuyển tải gần như trọn vẹn vào những trang viết. Cho nên những bài ca, những vở diễn do cô chuyển thể hay biên soạn tuy không nhiều, cũng không gây sốc bởi chủ đề, tư tưởng nhưng bao giờ cũng da diết khó quên trong cách thể hiện.
Có lần Uyên tâm sự cô rất dở xây dựng xung đột. Quả thật kịch bản của cô không có một cốt truyện ly kỳ với nhiều tình huống đột biến. CÔ cũng không có một văn phong sắc sảo thể hiện sự sâu sắc, tính triết lý của tư duy. Nhưng có thể bắt gặp trong kịch bản của cô cái hồn hậu giản dị của Ngọc Linh, cái đằm thắm nữ tính của Nhị Kiều, cái mượt mà trao chuốt của Loan Thảo, Yên Lang. Dĩ nhiên chưa thể nói Uyên đã đạt đến tầm vóc của những thầy tuồng “cây đa, cây đề” đó, hay là phong cách của cô kết hợp được nhiều đến thế ưu điểm của những bậc tiền bối. Nhưng nếu số lượng những cây bút trẻ viết cải lương đã ít ỏi, thì Uyên lại là một trong số rất hiếm hoi những soạn giả trẻ viết được cải lương đúng chất của một thời vang bóng: sử dụng bài ca nhiều và đắc địa, tạo được đất diễn cho lừng nhân vật. Một vai dù phụ ít nhất cũng có được một tích tắc thăng hoa, không chỉ đi ra đi vào cho rộn ràng sân khấu. Tôi biết đến tác giả V.T.U lần đầu tiên qua kịch bản “Người chị và mấy đứa em”, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Ngọc Linh. Tiếp theo là một vài vở cải lương viết cho Video cải lương, nhưng rồi sau đó thì… Uyên biệt tích.
Source: zing