MÀU TÍM BẰNG LĂNG
Võ Tử Uyên
Ngựa ô nam
Nữ: Anh ơi, nếu ai hỏi em loài hoa nào đẹp nhất? Em sẽ trả lời đẹp nhất cánh bằng… lăng.
Tím một màu son sắt thủy chung
Màu tím nhớ nhung,
Một buổi tan trường anh hái tặng em, lời ước hẹn đầu tiên
Nam: Tuổi học trò hồn nhiên mơ mộng
Anh với em chung lớp chung trường,
Chung cả những con đường
Nữ: Mỗi chiều về hai đứa tung tăng,
Nhặt từng cánh bằng lăng
Nam: Em nhìn hoa rơi lo nghĩ xa vời,
Còn anh chỉ mỉm cười
Và bảo rằng,
Nữ: Em lãng mạn, như màu tím bằng lăng.
Vọng cổ
Nam: Anh hái tặng em cành hoa bằng lăng tím màu son sắt và tặng em cả mùa hè trong ánh mắt, ánh mắt buổi đầu tiên trong vắt những chân… tình.
Nữ: 1. Em đón cành hoa mà e thẹn ngại ngùng. Rồi ngước mắt hỏi anh: “Sao nhiều thế, sao đem cả mùa hè riêng tặng cho em?". (+)
Nam: Anh bảo mùa hè thắm sắc bằng lăng, giống như em bé bỏng dịu hiền. Cánh hoa mềm đẹp tựa bài thơ, tím mãi trong ta một thời nhung nhớ.
Nữ: 2. Tuổi hồng đi qua chúng mình rồi khôn lớn, từ giã thuở mộng mơ áo trắng sân trường.
Nam: Nhiệm vụ thanh niên anh phải lên đường.
Nữ: Em tiễn anh giữa buổi chiều ngơ ngác, trên con đường buồn xao xác cánh bằng lăng.(+)
Nam: Tay trong tay nhắc lời hẹn thủy chung, mơ ước bên nhau khi không còn chinh chiến.
Nữ: Một mình em với khung trời kỷ niệm, cánh hoa ngày nào vẫn tím mãi thời gian.
Nặng tình xưa
Nam: Ngờ đâu số... phận nỡ đành phân ly.
Tình cam đứt đoạn lệ trào đôi mi
Nữ: Người đi sao chẳng quay về ?
Anh ơi sao vẹn câu thề ?
Nam: Nước non anh đền xong nợ,
Nhưng bây giờ mơ ước còn đâu
Nữ: Hoa bằng lăng tím màu chờ đợi,
Giữa chiều hè tan tác hoa rơi.
Vọng cổ
Nữ: Rồi chiều nay em đến nơi đây dưới gốc bằng lăng của thời kỷ niệm. Nhặt xác hoa rơi nghe hồn chết lịm, mùa hè năm xưa không trở lại bao… giờ.
Nam: 5. Thời gian trôi qua dâu biển ai ngờ. Đường xưa còn đây, hàng bằng lăng còn đó, nhưng anh không còn nhặt được mùa hè để tặng riêng em.(+)
Nữ: Ôi bằng lăng, bằng lăng của kỷ niệm thiêng liêng, chợt chiều nay ùa về nức nở. Nước mắt tuôn rơi khóc giấc mơ đầu tan vỡ, thương cánh bằng lăng trong mưa gió dập vùi.
Nam: 6. Em ơi, mơ ước chúng mình dẫu không còn nguyên vẹn, nhưng em đừng buồn đừng than khóc đau thương. Anh ra đi vì đất nước quê hương và ngã xuống cho bằng lăng thêm thắm sắc. Ta chia tay nhau cho muôn người tái hợp, cho đất trời này tươi đẹp một màu hoa. Rồi từ đây trên lối cũ đường xưa, sẽ có bao lứa đôi cùng ngắm màu hoa tím. Tay trong tay với bao lời ước hẹn, như ngày xưa mình chung lối chung đường. (+)
Nữ: Anh bây giờ đã yên giấc ngàn thu. Em lặng lẽ khép đời trong nhung nhớ. Ôi bằng lăng tím sắc màu muôn thuở. Có ai về nhặt hộ cánh hoa rơi?./.
Tên thật: Võ Tử Uyên
Ngày sinh: 1955
Thể loại: Việt Nam, Cải Lương
Quốc Gia: Việt Nam
Nếu không biết nhau từ trước, chỉ tình cờ chạm mặt ở sàn tập hay phòng thu, hẳn nhiều người sẽ nghĩ Võ Tử Uyên (V.T.U) là nghệ sĩ, bởi ở con người cô, tư chất nghệ sĩ đậm nét hơn là phong cách của một soạn giả hay một biên tập viên – công việc thường ngày của cô ở Đài Truyền hình TPHCM. Nếu Võ Tử Uyên là nghệ sĩ, chắc chắn cô thuộc tín của NS Tài Linh – một cô đào không thể gọi là đẹp nhưng lại mềm mại dễ cảm đến nao lòng.
Cái cốt cách khả ái, đa cảm ấy được Uyên chuyển tải gần như trọn vẹn vào những trang viết. Cho nên những bài ca, những vở diễn do cô chuyển thể hay biên soạn tuy không nhiều, cũng không gây sốc bởi chủ đề, tư tưởng nhưng bao giờ cũng da diết khó quên trong cách thể hiện.
Có lần Uyên tâm sự cô rất dở xây dựng xung đột. Quả thật kịch bản của cô không có một cốt truyện ly kỳ với nhiều tình huống đột biến. CÔ cũng không có một văn phong sắc sảo thể hiện sự sâu sắc, tính triết lý của tư duy. Nhưng có thể bắt gặp trong kịch bản của cô cái hồn hậu giản dị của Ngọc Linh, cái đằm thắm nữ tính của Nhị Kiều, cái mượt mà trao chuốt của Loan Thảo, Yên Lang. Dĩ nhiên chưa thể nói Uyên đã đạt đến tầm vóc của những thầy tuồng “cây đa, cây đề” đó, hay là phong cách của cô kết hợp được nhiều đến thế ưu điểm của những bậc tiền bối. Nhưng nếu số lượng những cây bút trẻ viết cải lương đã ít ỏi, thì Uyên lại là một trong số rất hiếm hoi những soạn giả trẻ viết được cải lương đúng chất của một thời vang bóng: sử dụng bài ca nhiều và đắc địa, tạo được đất diễn cho lừng nhân vật. Một vai dù phụ ít nhất cũng có được một tích tắc thăng hoa, không chỉ đi ra đi vào cho rộn ràng sân khấu. Tôi biết đến tác giả V.T.U lần đầu tiên qua kịch bản “Người chị và mấy đứa em”, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Ngọc Linh. Tiếp theo là một vài vở cải lương viết cho Video cải lương, nhưng rồi sau đó thì… Uyên biệt tích.
Source: zing