CÒN MÃI MỘT LỜI RU
Võ Tử Uyên
Lối
Bỗng dưng lòng thấy nhớ thương, câu thơ lục bát mẹ thường hát ru
“Ầu ơ, con chim se sẻ nó đẻ cột đình, bà ngoại đẻ má má đẻ mình em …
Lý trăng soi
… ơi”, câu hát qua bao đời
Đó lời mẹ ru nối bao ân tình từ ngoại xưa - đến con bây giờ
Phận làm dâu buồn thân con gái trao gởi lời ru
Dù cho năm tháng qua mau, bao thế hệ rồi vẫn tha thiết một lời ru…
Vọng cổ
1. Ngoại ơi có cái gì da diết mênh mang trong lời ru kia để trọn đời con phải nhớ. Công ơn ngoại phải đâu chỉ là sinh ra mẹ mà sợi yêu thương đã kết se từ trong sâu thẳm trái tim … hồng.
Để tình mẹ thương con thêm dào dạt ấm nồng. Bởi trong đó có tình thương của ngoại, chắt chiu bao đời dành trao lại cho con. Ngoại từng ngẹn ngào thân phận làm dâu, thương mẹ đi làm dâu, rồi bây giờ thương cháu. Ngày con lấy chồng xa ngoại khóc ngoại buồn, ôi một nỗi buồn trăm năm không thay đổi ….
Chiều chiều chim vịt kêu chiều, bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.
Ầu ơ chiều chiều ra đứng ngõ sau trông về quê mẹ ruột đau chín chiều …
2. Quê mẹ của con cũng là quê ngoại, cũng có cái ngõ sau mà ngày xưa ngoại thường ra ngóng đợimỗi chiều. Cũng nghe tiếng bìm bịp kêu mà ruột gan thắt thẻo trăm chiều. Con cháu đi xa mình ngoại quạnh hiu chái bếp, luống rau, đàn gà … ngoại tất bật để tìm quên. Nhưng rồi nhớ thương ngoại tay xách nách mang, nhưng Món quà quê vượt đường xa thăm cháu. Trong chiếc giỏ mây là trái bần trái ổi, những thứ nơi thị thành không tìm được, ngoại ơi….
Lối
Mỗi lần lên thăm, ngoại gặp cháu ngoại vui
Nhưng ngoại vẫn nhớ làng quê, nhớ ngôi nhà nhỏ
Ngôi nhà ấy tuổi thơ con gắn bó
Nay con đi rồi – ngoại lặng thầm ôm kỉ niệm một mình thôi
Vọng cổ
5. Ngoại ơi có phải muôn đời nước mắt chảy xuôi nên không bao giờ ngoại hờn ngoại trách. “Ngoại đã trải qua một đời khổ cực nên chỉ mong con hạnh phúc bên … chồng.
Mong con đừng ra đứng ngõ sau mỗi lúc chạnh lòng. Đừng vì thương nhớ ngoại mà lãng xao bổn phận, để gia đình bên ấy chẳng được vui. Đường về quê ngoại xa xôi, nếu không rảnh rỗi … thì thôi, đừng về”. Lời ngoại dặn – nghe tái tê, cùng thân con gái xót xa một nỗi niềm.
6. Rồi mai này con lại lo cho những đứa con bằng tình thương truyền đời của ngoại và của mẹ. Con lại một mình trong căn nhà quạnh quẽ, như ngoại bây giờ lặng lẽ, cô đơn. Ôi mơ ước sum vầy bành dị giản đơn, lại khó giữ được giữa dòng đời xuôi ngược. Để “cái ngõ sau” mãi còn trong kí ức, với dáng ngoại liêu xiêu lần gậy trúc mong chờ.
Và như thế lời ru kia còn mãi
Nhắc nhở cội nguồn ơn nghĩa mênh mông:
“Ầu ơ … con chim se sẻ nó đẻ cột đình
Bà ngoại đẻ má, má đẻ mình con ơi”./.
Tên thật: Võ Tử Uyên
Ngày sinh: 1955
Thể loại: Việt Nam, Cải Lương
Quốc Gia: Việt Nam
Nếu không biết nhau từ trước, chỉ tình cờ chạm mặt ở sàn tập hay phòng thu, hẳn nhiều người sẽ nghĩ Võ Tử Uyên (V.T.U) là nghệ sĩ, bởi ở con người cô, tư chất nghệ sĩ đậm nét hơn là phong cách của một soạn giả hay một biên tập viên – công việc thường ngày của cô ở Đài Truyền hình TPHCM. Nếu Võ Tử Uyên là nghệ sĩ, chắc chắn cô thuộc tín của NS Tài Linh – một cô đào không thể gọi là đẹp nhưng lại mềm mại dễ cảm đến nao lòng.
Cái cốt cách khả ái, đa cảm ấy được Uyên chuyển tải gần như trọn vẹn vào những trang viết. Cho nên những bài ca, những vở diễn do cô chuyển thể hay biên soạn tuy không nhiều, cũng không gây sốc bởi chủ đề, tư tưởng nhưng bao giờ cũng da diết khó quên trong cách thể hiện.
Có lần Uyên tâm sự cô rất dở xây dựng xung đột. Quả thật kịch bản của cô không có một cốt truyện ly kỳ với nhiều tình huống đột biến. CÔ cũng không có một văn phong sắc sảo thể hiện sự sâu sắc, tính triết lý của tư duy. Nhưng có thể bắt gặp trong kịch bản của cô cái hồn hậu giản dị của Ngọc Linh, cái đằm thắm nữ tính của Nhị Kiều, cái mượt mà trao chuốt của Loan Thảo, Yên Lang. Dĩ nhiên chưa thể nói Uyên đã đạt đến tầm vóc của những thầy tuồng “cây đa, cây đề” đó, hay là phong cách của cô kết hợp được nhiều đến thế ưu điểm của những bậc tiền bối. Nhưng nếu số lượng những cây bút trẻ viết cải lương đã ít ỏi, thì Uyên lại là một trong số rất hiếm hoi những soạn giả trẻ viết được cải lương đúng chất của một thời vang bóng: sử dụng bài ca nhiều và đắc địa, tạo được đất diễn cho lừng nhân vật. Một vai dù phụ ít nhất cũng có được một tích tắc thăng hoa, không chỉ đi ra đi vào cho rộn ràng sân khấu. Tôi biết đến tác giả V.T.U lần đầu tiên qua kịch bản “Người chị và mấy đứa em”, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Ngọc Linh. Tiếp theo là một vài vở cải lương viết cho Video cải lương, nhưng rồi sau đó thì… Uyên biệt tích.
Source: zing