BẾN QUÊ
Sáng tác: Võ Tử Uyên
Lý Giao Duyên
Nam: Ôi bến nước quê(-) hương
Ai bắt cầu thương(-) nhớ
Cho kẻ theo(-) chồng
Lìa bến xa(-) dòng
Quên cả chiếc đò(-) ngang
Từng đưa đón ai(-) sang
Dòng nước cũng miên(-) man
Ngẩn ngẩn ngơ ngơ gương mặt thẫn thờ
Ai qua cầu soi bóng chung đôi
Chiếc bóng nơi này riêng chỉ một mình tôi
Vọng cổ
Nữ : Một sáng mùa xuân pháo hoa nhuộm hồng bến nước, chiếc cầu nhỏ ai bắt ngang sông từ bao hôm trước nối liền hai bến tình yêu đón bước chân....người. Đám cưới qua sông ánh nắng mênh mông nhuộm thắm môi cười. .Em đi qua cầu gió bay tà áo lụa soi bóng dưới chân cầu sao dòng nước buồn hiu ? Cả cuộc đời chỉ có một ngày vui, chờ đợi bao năm nay đến đây rồi, sao con đò lặng thầm trên bến đơn côi, vẳng tiếng sáo ai ru nỗi buồn man mác.
Nam: Em đi qua cầu để sang bến khác, phận gái mười hai đã chọn được một dòng. Có thương chiếc đò ngang còn trôi nổi bềnh bồng. Bờ bến có bao xa mà chống chèo hoài không tới, cứ lơ lửng ngập ngừng bên chiếc cầu duyên. Thổi tiếng sáo buồn trên sông nước mênh mông ai có ngờ đâu để chạnh lòng người bạn gái, em không phải Mỵ Nương lạnh lùng bạc đãi, sao tiếng sáo buồn mang tâm sự Trương Chi…
Vọng Kim Lang
Nữ : Rồi thời gian mãi trôi ...đi, bao tháng năm qua rồi,
Con nước vơi lại đầy còn thì thầm kể câu chuyện xưa,
Nắng mưa gió sương bao lần, làm nhịp cầu duyên xưa lìa đôi.
Nam: Không còn nhịp cầu nối liền hai bến, ở nơi nào người xưa ấy ra sao ?
Bến ơi nhớ thương gọi mời, đò lại về đóng đưa người sang
Sáo đưa vẳng nghe u buồn, chiều từng chiều sao ai biệt tăm ?
Nữ: Đò ơi sông nước mênh mông hỡi ai đi tìm mà chi ?
Thời gian vô tình bể dâu, hoa xưa…. giờ tàn phai.
VC5
Nam : Vẫn biết nhịp cầu gãy đôi là xa rồi hai bến. Dẫu có chiếc đò ngang dập dềnh xuôi ngược nhưng không nối được bến tình yêu khi duyên nợ chẳng đưa ...đường. Dù có chèo chống trăm năm cũng không cặp được bến tình. Nhưng đò không muốn nhổ neo tìm bến khác mà muốn gỏ nhịp tang bồng đưa câu hát Trương Chi. Muốn ở lại đây nghe sóng nước thầm thì, nhìn mưa tháng sáu buồn rơi qua sông nhớ. Nhớ chuyện ngày xưa nhớ người em gái nhỏ quên chiếc đò ngang mà cất bước theo chồng.
Nam: Hò...ơ. Núi Mậu Sơn cao bao nhiêu trượng, sông Lệ Thủy sâu bấy nhiêu tầm. Dừng thuyền đợi bạn tri âm, nắng mưa mấy lượt, hò .. ơ...dù nắng mưa mấy lượt, vẫn không đổi dời.
Nữ : (12n)Chiếc cầu duyên dù gãy rồi đôi nhịp, nhưng em không thể quay về trên chiếc đò ngang. Phận gái có chồng tâm sự vương mang, tiếng sáo bi thương xin đừng trỗi lên nức nở. Đò ngang ơi sông nước còn rộng mở chờ đợi mà chi một bến đổ xa vời ?
Nam : Nhịp tang bồng sẻ xô thuyền ra khơi, một triệu năm sau con nước vẫn xuôi về. Anh về bến quê nhặt hòn sỏi nhỏ, ném lia thia vào kỷ niệm mù tăm.
Tên thật: Võ Tử Uyên
Ngày sinh: 1955
Thể loại: Việt Nam, Cải Lương
Quốc Gia: Việt Nam
Nếu không biết nhau từ trước, chỉ tình cờ chạm mặt ở sàn tập hay phòng thu, hẳn nhiều người sẽ nghĩ Võ Tử Uyên (V.T.U) là nghệ sĩ, bởi ở con người cô, tư chất nghệ sĩ đậm nét hơn là phong cách của một soạn giả hay một biên tập viên – công việc thường ngày của cô ở Đài Truyền hình TPHCM. Nếu Võ Tử Uyên là nghệ sĩ, chắc chắn cô thuộc tín của NS Tài Linh – một cô đào không thể gọi là đẹp nhưng lại mềm mại dễ cảm đến nao lòng.
Cái cốt cách khả ái, đa cảm ấy được Uyên chuyển tải gần như trọn vẹn vào những trang viết. Cho nên những bài ca, những vở diễn do cô chuyển thể hay biên soạn tuy không nhiều, cũng không gây sốc bởi chủ đề, tư tưởng nhưng bao giờ cũng da diết khó quên trong cách thể hiện.
Có lần Uyên tâm sự cô rất dở xây dựng xung đột. Quả thật kịch bản của cô không có một cốt truyện ly kỳ với nhiều tình huống đột biến. CÔ cũng không có một văn phong sắc sảo thể hiện sự sâu sắc, tính triết lý của tư duy. Nhưng có thể bắt gặp trong kịch bản của cô cái hồn hậu giản dị của Ngọc Linh, cái đằm thắm nữ tính của Nhị Kiều, cái mượt mà trao chuốt của Loan Thảo, Yên Lang. Dĩ nhiên chưa thể nói Uyên đã đạt đến tầm vóc của những thầy tuồng “cây đa, cây đề” đó, hay là phong cách của cô kết hợp được nhiều đến thế ưu điểm của những bậc tiền bối. Nhưng nếu số lượng những cây bút trẻ viết cải lương đã ít ỏi, thì Uyên lại là một trong số rất hiếm hoi những soạn giả trẻ viết được cải lương đúng chất của một thời vang bóng: sử dụng bài ca nhiều và đắc địa, tạo được đất diễn cho lừng nhân vật. Một vai dù phụ ít nhất cũng có được một tích tắc thăng hoa, không chỉ đi ra đi vào cho rộn ràng sân khấu. Tôi biết đến tác giả V.T.U lần đầu tiên qua kịch bản “Người chị và mấy đứa em”, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Ngọc Linh. Tiếp theo là một vài vở cải lương viết cho Video cải lương, nhưng rồi sau đó thì… Uyên biệt tích.
Source: zing