CHÚT TÌNH GỞI BÁC VIỄN CHÂU
Ngô Trực
Nói lối:
Bác ơi con kể cho bác nghe câu chuyện đời tư êm dịu.
Bác biết không, cứ mỗi lần con cất cao giọng hát, mẹ con thường bảo rằng:
Quê hương mình có một người hát hay lại đàn giỏi.
Con mới hỏi: Ai vậy mẹ ? Mẹ con mới bảo rằng:
Đó là bác Bảy ở cạnh nhà ta.
Đó là vị tiền nhân của nền sân khấu cải lương, là người mở cõi cho nền tân cổ giao duyên.
Vọng cổ:
Nghe mẹ kể mà lòng con vô cùng xúc động, mười chín tuổi bác rời xa quê hương cùng với cây đàn tranh làm hành trang trên vạn nẻo đăng…trình…
Câu 1:
Con xin giữ mảnh đất Đôn Châu làm hạnh phúc riêng mình…
Dù tuổi đời còn non trẻ, mà tình yêu sân khấu dạt dào không thể nào nguôi.
Trên bước đường xuôi ngược bôn ba, với bao trắc trở tưởng chừng gãy gánh.
Có những lúc trong mưa bom lửa đạn, bác vẫn kiên lòng chắt chiu từng câu chữ…
Câu 2: Bác Viễn Châu ơi ! Bác dâng cho đời bao bài ca vọng cổ, bao tuồng cải lương làm say đắm lòng người…
Giai điệu du dương qua câu hát ân tình.
Những tiếng tơ lòng mang đầy tâm sự, như gởi gắm bao tình vào cung oán cung thương.
Bác đã dùng ngòi bút tài hoa, tô thắm vẻ đẹp người Việt Nam qua từng câu hát.
Gửi niềm riêng vào từng bản nhạc, bao thế hệ tự hào về bản tân cổ giao duyên…
Nói lối:
Huỳnh Trí Bá nghe êm dịu làm sao,
Với bút danh Bảy Bá tiếng đàn tranh điêu luyện.
Một con người xa quê làm than viễn xứ,
Một mảnh đất hiền hòa ôi xứ sở Đôn Châu.
Vọng cổ:
Soạn giả Viễn Châu cái tên đã đi sâu vào lòng người mộ điệu, người đã có công làm nên thể điệu tân cổ giao duyên làm say đắm bao…người…
Câu 5:
Nghe những lời ca như lời bác nhắn nhủ âm thầm…
Bác nhắn với quê hương là lòng luôn nhớ, nhớ những lối về đầy kỷ niệm ấu thơ.
Nhớ nhánh sông quê, nhớ tô bún nước lèo Đôn Châu yêu dấu, ơi biết mấy ân tình dù năm tháng đã qua.
Nay gần cửu tuần mắt mờ tay yếu, nhưng nỗi nhớ quê hương vẫn canh cánh trong lòng…
Câu 6: Bác Viễn Châu ơi ! Đây là lời ca thay lời con muốn nói, với tất cả tấm chân tình quý trọng bậc tiền nhân.
Noi gương bác con cũng yêu quý bài vọng cổ, mong muốn sân khấu nước nhà quay lại thời hoàng kim.
Con cũng tập tành sáng tác những bài ca, để gửi những niềm riêng vào từng câu vọng cổ.
Để ngày mai bài vọng cổ quê hương cất cánh, là văn hóa Việt Nam để bao thế hệ tự hào.
Bác ơi ! Cả đời bác gắn liền với sân khấu cải lương.
Nhờ có bác mà bao nghệ sĩ đã thành danh trên sân khấu.
Bài tân cổ giao duyên đã làm cho vọng cổ thêm nhiều màu sắc,
Cho nền sân khấu nước nhà cất cánh bay xa.
Tác giả Ngô Trực mất năm 2019.
---
Ban Điều hành Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng các tác phẩm của tác giả Ngô Trực với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 001 - 2014/HĐTPSK - CLB, ký ngày 28/9/2014 giữa Tác giả: Ngô Trung Trực và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.