TIẾNG HÁT TỪ TRÁI TIM
Đồng tác giả: Ngô Thanh Diệu + Đặng Thanh Huyền
Nói Lối:
Anh về rồi anh lại ra đi
Tôi bật khóc ôm vội anh lần nữa
Sửa lại chiếc khăn quàng trên vai tôi anh bảo rằng em hãy hứa
Tổ quốc là nhà, biển đảo vốn quê hương.
Trăng Thu Dạ Khúc:
Bóng… bóng anh khuất dạng giữa màn sương giăng trong mắt trong
Nhớ anh nghẹn lòng, suối lệ tuôn dòng
Lời anh gửi gắm cả tâm tư
Khắc ghi trong dạ, nguyện vì non sông em quyết tâm
Đường về xa xăm, nơi hải đảo chập chùng
Áo anh sáng rực giữa trời quê hương biển xanh.
Vọng Cổ:
Anh Hai ơi em hứa sẽ quyết tâm học thật giỏi, thật chăm để không phụ lòng bao người mong đợi. Và mỗi khi nhìn lá cờ đỏ tung bay trên sân trường ngập nắng em sẽ nhớ lời anh căn dặn lúc xa… nhà… (-)(-)
Câu 1. Nhớ người lính Trường Sa da sạm nắng chan hoà. (-)
Đôi vai rộng gánh hai đầu đất nước
Lấy ánh sao trời làm bạn với đêm đen (SL)
Giữa muôn trùng nòng súng thép giương cao
Để em thơ ngon giấc ngủ ngọt ngào
Sóng biển dạt dào thấm mặn đất quê hương
Trường Sa ơi trái tim anh là bất tử…
Nói Dặm:
Anh Hai biết không?
Nghỉ hè năm nay em sẽ được đến Trường Sa,
cùng bè bạn thầy cô về thăm nơi hải đảo
Vì nghe nói Trường Sa gần lắm
Ngay trong mỗi trái tim mình bởi sức sống thiêng liêng.
Câu 2. Ai đã đặt tên cho quần đảo Trường Sa nơi muôn trùng nắng gió, giữa ngút ngàn xanh sóng biển nhẹ vươn mình… (-)(-)
Bão dội mưa tuôn lính đảo vẫn vẹn gìn… (-)
Dãi cát dài nằm trong lòng biển mặn,
Nhấp nhô từng bãi đá san hô. (SL)
Trang vở học trò em sẽ ghi rõ từng chương,
Nuôi ý chí đấu tranh từ dấu chân phía trước.
Anh đó đứng canh biển trời non nước,
Em bước tiếp chặng đường mà anh đã đi qua…
Lý Con Sáo:
Đêm Cô Lin
Nghe sóng dập dồn nơi tim
Giữa ngàn trùng gió sương
Súng trong tay canh giữ biển trời
Dẫu đêm đen lòng mãi rạng ngời
Lính đảo kiên cường dù bao hiểm nguy
Bọn xâm lăng luôn rình rập ngày đêm
Ngọn lửa lòng còn muôn thuở sáng soi
Trong trái tim những cháu con Rồng Tiên.
Vọng Cổ:
Con tàu khơi xa chở theo bao ước mơ hoài bão. Ôi Đá Thị, Phan Vinh, Thuyền Chài đảo chìm đảo nổi luôn đứng sừng sững hiên ngang trước sóng gió đêm… ngày… (-)(-)
Câu 5. Những cây bàng vuông ngạo nghễ dạn dày… (-)
Như anh Hai đạp trên từng con sóng dữ,
Người lính đảo oai hùng quyết gìn giữ biên cương. (SL)
Nam Yết, Sinh Tồn đâu đâu cũng quê hương,
Em tự hào được đứng đây hát bài ca đất nước.
Lời yêu thương dẫu khuất chìm trong nghẹn nấc,
Mà mãi vang xa lan tỏa khắp biển trời…
Câu 6. Thương biên đảo thiêng liêng neo mình nơi đầu sóng cả,
Để bảo vệ muôn đời cho đất Mẹ Việt Nam.
Bài học nằm lòng anh đã dạy cho em,
Yêu biển đảo quê hương như một phần máu thịt.
Song Tử Tây, Quế Đường, Sơn Ca, Đá Lát,
Tiên Lữ, nhà giàn lòng luôn son sắt kiên trung.
Ôi xương máu cha ông đã từ ngàn xưa đổ xuống,
Và nằm lại nơi đây để gìn giữ sơn hà.
An Bang gió biển ùa về
Quyện hòa son sắt lời thề hôm nay
Nguyện làm người lính tương lai
Giữ canh quần đảo đêm ngày Trường Sa./.
Long Xuyên, ngày 14 tháng 7 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---