VỀ TRƯỜNG KHÁNH
Đặng Thanh Huyền
Nói lối:
Đi bên em giữa trưa hè nắng đổ
Mà nghe lòng mát dịu nỗi niềm thương
Đồng lúa xanh hàng cây rợp bóng ven đường
Anh thấy yêu sao xóm làng phum sóc…
Vọng cổ:
1/ Rồi em kể cho anh nghe xóm làng mình giờ đây đổi mới. Đường sá nông thôn không còn lầy lội, về Trường Khánh hôm nay vui như lễ hội... tưng... bừng.
Em nở nụ cười tươi, mời anh ghé lại quán ven đường.
Giữa khung cảnh nên thơ bốn bề gió lộng, em nói con lộ nhựa này xưa nằm giữa đồng hoang.
Còn dãi nhà kia nay lộng lẫy khang trang, nó được xây lên từ những mái nhà tranh tạm bợ.
Ngôi trường làng ngày ấy cũng đơn sơ, mà bây giờ đã tường xây kiên cố...
2/ Lẳng lặng phút giây em tiếp lời tâm sự, về ký ức tuổi thơ của người thiếu nữ năm nào.
Chưa thốt nên câu đã xúc động nghẹn ngào.
Em kể rằng năm mười bốn tuổi, đã rời bỏ quê nhà tìm kế sinh nhai.
Bởi gia đình nghèo thêm mấy đứa em trai, nên cha mẹ phải suốt ngày bươn chải.
Đã bao năm nay em mới về thăm lại, nghe xóm làng mình giờ khởi sắc đổi thay...
Nói lối:
Anh hỏi sao lâu rồi không về thăm quê cũ
Em chỉ cười buồn rồi dõi mắt nhìn xa
Chắc cũng vì thương em út mẹ cha
Nên em mới buộc lòng rời xa Trường Khánh...
Vọng cổ:
5/ Người rời đất xa quê chớ có quê nào lãng quên người xưa mà ghẻ lạnh. Viễn xứ tha hương em ngàn đêm cô quạnh, thèm nghe một tiếng à ơ nơi Trường Khánh... quê... nhà.
Nhớ bữa cơm ngon mẹ nấu lúc chiều tà.
Mấy con cá rô đồng cha vừa mới bắt, biểu thằng Út đem về nấu với sua đũa nồi canh.
Bên bếp lửa hồng các con đứng vây quanh, như lũ chim non đang đợi món mồi ngon mẹ mớm.
Ký ức tuổi thơ đang tràn về trong trí nhớ, đã làm cho em bỡ ngỡ bước chân về....
6/ Đứng trước ngôi nhà giờ lộng lẫy khang trang, em cứ ngỡ đang lạc giữa thiên đường mơ mộng.
Thằng Út thằng Ba đều đậu vào Đại học, còn cha mẹ thì áo ấm cơm no.
Em mỉm cười xóa hết những phiền lo, anh thì thầm “muốn làm đứa con của quê hương Trường Khánh”.
Về với quê em một lần mà anh đã mến, nguyện trong tim yêu thương đến muôn đời.
Rồi mai về chắc sẽ thương nhớ khôn nguôi, nhớ Trường Khánh quê hương nhớ người em Long Phú.
Dù người ở nơi đâu ngăn sông cách núi, vẫn lưu luyến hoài thương nhớ mãi Sóc Trăng./.
Sóc Trăng, ngày 20 tháng 12 năm 2006.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyển Từ nhỏ đã rất thích xem Cải Lương, đến năm 2002 khi vừa trúng tuyển vào Đại học Luật Cần Thơ thì tình cờ anh gặp được một người bạn học chung hát cho nghe câu vọng cổ, từ đó về anh tự mài mò sáng tác những bài vọng cổ đầu tiên cho đến nay. Anh hiện đang công tác trong Quân Đội (Đại úy, Kiểm sát viên, Viện kiểm sát quân sự Khu vưc 92 - QK9)