ANH VỀ THĂM SA ĐÉC QUÊ ANH
Đặng Thanh Huyền
Nói:
Nam: Ờ… cô em gì đó ơi, xin cho anh được hỏi:
Em có biết đường nào về Sa Đéc…quê anh không…
Nữ: Anh này hỏi thiệt mắc cười…
Mà em thấy anh giống người vùng đất đỏ miền Đông
Chớ Sa Đéc quê em ở miền Tây ai mà hổng biết…
Lý Cái Mơn:
Nam: Anh miền Đông, về thăm Sa Đéc
Mảnh đất thiêng liêng một thời thơ ấu hồn nhiên
Nơi chôn nhau còn mãi đau tháng năm xa rời…
Nữ: Anh này kỳ ghê quê nhà đang đi về thăm
Lại hỏi em mà chi
Hay là anh muốn trêu ghẹo làm quen…
Vọng cổ:
Câu 01:
Nam: Ủa, mà tại sao em lại nghĩ rằng anh là chàng trai đến từ miền Đông đất đỏ.
Nữ: Bởi vì giọng nói của anh và ánh mắt nhìn ngơ ngác là em đã biết, chứ người ở miền Tây có ai đời thuở đi hỏi Sa Đéc… bao… giờ.
Nam: Nghĩa là Sa Đéc… quê anh rất nổi tiếng đúng không nè?!
Hèn chi mẹ nói quê hương có “Người tình [1]” lãng mạn, nhắc anh hoài kêu hãy sớm về thăm.
Nữ: Đúng thiệt là anh đến từ vùng đất đỏ miền Đông, vì em thấy anh có vẻ dày dạn phong trần.
Nam: Đúng rồi, quê nội anh là ở đất Thủ - Bình Dương, còn anh sinh ra trên quê hương nhà - Sa Đéc…
Câu 02:
Nữ: Anh thấy không thành phố mình đang từng ngày đổi mới, đường trải rộng thênh thang đón đợi xuân về.
Nam: Sa Đéc mãi trong tim thương nhớ vô bờ.
Nữ: Vậy sao quê mình mà anh nói rằng không biết, hay chỉ giả đò muốn trêu ghẹo em thôi.
Nam: Anh nói thiệt mà vì từ hồi lúc sinh ra, anh đã theo mẹ cha về Bình Dương sinh sống.
Nữ: Thế mười mấy năm hổng lẽ không về mấy bận, mà từ Sa Đéc lên Thủ Dầu [2] có xa lắm đâu anh…
Nói lối:
Nam: Dẫu không xa nhưng đã biết bao lần lỡ hẹn
Anh chưa về nên cứ nghèn nghẹn nơi tim…
Nữ: Vậy em với anh bây giờ đã là đồng hương
Hãy theo em chúng mình đi thăm “Người tình” hoài cổ…
Vọng cổ:
Câu 05:
Nữ: Anh ơi ta hãy dừng lại đây bên dòng Sa Giang hiền hòa thơ mộng.
Nam: Có phải để ngồi ngắm hoàng hôn nhìn hàng liễu rủ mường tượng mối tình cũ năm xưa lãng mạn... quay… về.
Nữ: Đây nhà cổ Huỳnh Thủy Lê trong nỗi nhớ “Người tình”.
Nam: Giữa khung cảnh nên thơ ngắm lục bình trôi tản mạn, mới thấy hết Sa Đéc quê mình đẹp biết bao nhiêu.
Nữ: Sáng mai này ta đi thăm làng hoa Tân Quy Đông, nơi được mệnh danh bốn mùa hương xuân lan tỏa.
Nam: Anh về thăm quê dẫu từng bước chân bỡ ngỡ, nhưng còn vẹn nguyên hơi thở của năm nào…
Câu 06:
Nữ: Anh ơi từng cánh én bay về báo hiệu mùa xuân, bên “Vườn Hồng [3]” đường Sa Nhiên – Cai Dao tưng bừng rộn rã.
Nam: Ôi nhựa sống tràn trề của một thành phố trẻ, khắp xã phường những công trình nối tiếp mọc lên.
Nữ: Cho em hỏi khi nào anh trở lại Bình Dương, em gửi đặc sản làm quà bánh phồng tôm Sa Đéc.
Nam: Tự bao giờ đã yêu xứ sở này tha thiết, luôn mong mỏi ước ao được làm rể quê mình.
Nữ: Nếu vậy thì để em sẽ mai mối dùm cho, con gái quê mình ai cũng dịu dàng nết na chung thủy.
Nam: Anh để ý rồi nhưng sợ người ta hổng chịu?! Hay sẽ hỏi luôn là… là: “Em đồng ý lấy anh nghe?”./.
Long Xuyên, ngày 07 tháng 11 năm 2014.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---