DÙ KÊ
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Tôi sinh ra trên miền quê Thạnh Trị
Mới chào đời đã làm một đứa trẻ mồ côi
Nhờ ông bà, cô bác đùm bọc, dưỡng nuôi
Tuổi thơ tôi là những tháng ngày gian khổ.
Vọng Cổ
Nhà cô bác, ông bà cũng đâu giàu sang khá giả. Nên mới tuổi mười hai tôi đòi đi chăn trâu mướn ở tận đồng xa để bươn chải sống... qua... ngày.
Câu 1. Cha mẹ đã lìa xa không còn nữa ở trên đời.
Lúc tuổi lên năm tôi nghe ông bà kể lại,
Cha hy sinh nơi chiến trường trong trận đánh Xẻo Me.
Tin chuyển về, nhuộm tang tóc một làng quê,
Mẹ chuyển dạ sinh non rồi lịm dần trong giấc ngủ.
Tuổi thơ gắn liền tiếng sáo thổi lúc chăn trâu,
Và đam mê hát dù kê nơi miền quê Tuân Tuất.
Câu 2. Những điệu dân ca Khơ-me thấm nhuần trong huyết quản, đã đưa tôi đến nghệ thuật dù kê một cách tình cờ.
Nó len lỏi, ăn sâu vào tâm trí máu tim lòng.
Tôi thường rủ rê mấy đứa bạn mục đồng cùng hát,
Mỗi buổi trưa hè ngồi trên những lưng trâu.
Mới mấy ngày đầu chỉ hát dang dở đôi câu,
Nhưng những hôm sau thì đã tập tuồng để diễn.
Tôi đi khắp xóm làng kiếm tìm xin tôn vụn,
Cả vải cũ mang về làm áo mão hát dù kê.
Nói Lối
Mấy cụ trong thôn thường hay khuyên bảo
Phận con nghèo nên hãy lo chăm chỉ chăn trâu
Dẫu rất buồn nhưng lòng chẳng chuyển lay
Vẫn đam mê hát dù kê muôn thuở.
Vọng Cổ
Rồi khi tuổi lớn khôn miễn nơi nào trong thôn có tiệc tùng, cưới sinh, lễ hội. Tôi đều đến góp vui một phần văn nghệ là múa hát dù kê bằng nỗi đam mê cháy bỏng... trong... lòng.
Câu 5. Nhờ đó mà gặp được tình yêu tha thiết mặn nồng.
Em là cô gái trong thôn cũng say mê nghề múa hát,
Chỉ gặp lần đầu mà đã thấy mến thương nhau.
Hai đứa nhà nghèo nên tiệc cưới cũng đơn sơ,
Nhưng chất chứa biết bao niềm vui hạnh phúc.
Múa hát dù kê cho tình yêu thêm nồng thắm,
Và những đứa con thơ bé bỏng, ngoan hiền.
Câu 6. Nếu mai này có ai về ghé lại Sóc Trăng,
Xin được kể đời tôi qua những vở dù kê mấy thuở.
“Huyền thoại Bốp-pha” hay “Nghĩa tình trong giông tố”,
Đã gắn liền với những thăng trầm của nghệ thuật dù kê.
Tôi không nhận mình múa hát giỏi nhất làng quê,
Nhưng nỗi đam mê lúc nào cũng tràn trề, mãnh liệt.
Tôi Khơ-me, anh Hoa, người bạn Kinh cùng xứ sở,
Sống trên mảnh đất quê hương Thạnh Trị anh hùng.
Sóc Trăng mưa gió lạnh lùng
Nghe ai múa hát não nùng dù kê
Ấm lòng bao kẻ xa quê
Giữ gìn son sắt lời thề thủy chung./.
Sóc Trăng, ngày 16 tháng 12 năm 2006.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---