Đặng Thanh Huyền
NÓI LỐI
Dòng sông Hậu vẫn ngày đêm tuôn chảy
Chở ơn tình bồi lấp vạn phù sa
Tựa những con người, không ngại bão táp phong ba
Dám dấn thân để đi tìm công lý.
VỌNG CỔ
Câu 1. Bất kể gian lao cũng chẳng bao giờ từ nan nguy hiểm. Viện chín-mươi-hai ơi! Hỡi những con người dũng cảm đã dám hy sinh vì nghĩa lớn trong… đời.
Mười lăm năm đã viết nên trang sử rạng ngời.
Trên mảnh đất Long Xuyên anh hùng và cách mạng, Viện ra đời phải đối mặt với muôn vạn khó khăn.
Nhưng với vai trò là người nẩy mực cầm cân, Viện chẳng băn khoăn không chút sờn lòng.
Qua mỗi chặng đường là mấy chiến công, trang sử hào hùng được viết lên bằng xương máu.
Câu 2. Để thực hiện tốt chức năng quyền công tố, mỗi cán bộ kiểm sát viên là một chiến sỹ kiên cường.
Dù cho hải đảo xa xôi hay biên giới núi rừng.
Cũng không thể ngăn được lòng nhiệt huyết, tận tụy với ngành phụng sự Tổ quốc thân yêu!
Mười lăm năm dài gian khổ biết bao nhiêu, họ đã thầm lặng hy sinh để xây dựng nên ngôi nhà chung kiểm sát.
Không chút đắn đo cũng chẳng nề hà mất mát, dẫu nơi hậu phương vẫn còn muôn vạn việc để lo toan…
NÓI LỐI
Sau mỗi chuyến công tác xa, lại trở về ngôi nhà kiểm sát
Thắm đượm nghĩa tình, chan chứa vạn yêu thương
Nơi xứ người, mà cứ ngỡ đất quê hương
Nhìn sợi khói, tưởng như bữa cơm chiều mẹ nấu.
VỌNG CỔ
Câu 5. Từ biên giới xa xôi trở về nơi đơn vị. Tôi chợt bâng khuâng khi thấy nhìn sợi khói nhè nhẹ cuộn bay nơi đất khách quê… người.
Mà con cứ ngỡ khói bếp quê hương mẹ đang nấu bữa cơm chiều.
Đã mười mấy năm ngày con trở thành chiến sỹ, sống cuộc sống xa nhà bên những đồng đội thân yêu!
Đơn vị đâu khác một gia đình luôn giúp đỡ xẻ chia, còn thủ trưởng của con thì lúc nào cũng dạt dào như tình thương phụ mẫu.
Xưa mẹ dạy con câu thành ngữ “đất lành chim đậu”, con của mẹ giờ đây đang trên mảnh đất an lành.
Câu 6. Tiếng chuông lại tiếp tục reo vang liên hồi giục giã, con lại hối hả lên đường đang giữa trời khuya.
Dẫu đạn lửa chiến trường hay hải đảo trùng khơi, cũng không bao giờ làm chùn chân hay nản lòng người kiểm sát.
Bởi đã quyết cống hiến quên mình vì Tổ quốc, thì đâu ngại gì sự gian khổ hy sinh.
Đợi đến khi nào được bình yên trên vùng đất ấy, con sẽ về thăm mẹ quê hương ngày tháng mong chờ.
Ngâm thơ:
Dựng xây đơn vị anh hùng
Mười lăm năm ấy lẫy lừng vinh quang
Hy sinh gian khổ vô vàn
Viết nên trang sử vẻ vang muôn đời./.
Long Xuyên, ngày 22 tháng 12 năm 2013.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---