THÚ VUI TAO NHÃ
A Lý Phượng Tuyền
TỬ QUI TỪ
Trong nhân gian biết bao là niềm vui
Giúp cho ta được thơi thới tâm hồn
Nhưng thú vui kia là con dao hai lưỡi
Cần phải, cân nhắc cho kỹ
Kẻo về sau phải hối hận, ăn năn
Xin chớ có xem thường
Bởi, chưa kịp vui nỗi buồn bao vây
VỌNG CỔ
1-Vì vậy cho nên người đời mới có lời cảnh báo ví von, những kẻ có máu cờ bạc đỏ đen “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Nghĩ cũng lạ, cuộc đời này không thiếu chi là thú vui tao nhã, vậy mà có kẻ lại nhắm mắt đưa chân làm cho hại nết, hư đời…. Có lẽ số của tôi góp mặt chốn trần gian là để lêu lỏng, chơi bời… Tứ đổ tường giờ đây bị coi là xưa rồi… Diễm, là vì vào năm một ngàn, chín trăm… hồi đó làm gì có gà móng đỏ với nạn đua xe (-) Nói thiệt với bà con nghe, hồi nhỏ tôi muốn gì được nấy không hề làm động móng tay, cũng bởi tôi là con khẩn, con cầu. Có điều, tôi muốn lấy vợ mà nào lấy được đâu, cũng bởi các cô gái trong làng thấy tôi đều vội vàng chạy trốn.
2-Ông bà mình nói thiệt hổng sai: “Tọa thực sơn băng”, ngồi không ăn núi kia còn phải sập, huống hồ chi tôi lại lâm vô cái chuyện bạc bài… Tôi còn lại mang thêm cái máu yêng hùng… Người ta là anh hùng giết giặc gìn giữ quê hương đất nước, còn tôi là “anh hùng xa lộ” suýt bỏ mạng trên đường vì tai nạn đua xe (-) Rốt cuộc rồi cái chân tôi đành chịu “xi cà que”, mặt mày tôi trầy xước chẳng khác gì như Hà Bá. Miệng lưỡi thế gian coi vậy mà trúng phóc, đua xe, lạng lách, đánh võng không ra nghĩa địa thì cũng tới nhà thương.
NÓI LỐI
Vui như tôi, chỉ làm khổ cha, khổ mẹ
Chơi như tôi, chỉ nhọc lòng đến vợ, đến con
(nói) -Ủa quên, có vợ con đâu mà sợ phiền, sợ nhọc?
Nhiều khi tôi nằm gác chân… ý quên gác tay lên trán suy nghĩ
Phải chi tôi có đầy đủ anh em
Thì đâu có dở chứng, cậy cho mình là con một
VỌNG CỔ
5-Nhớ những chuyện ngày qua mà lòng tôi ngập tràn hối hận. Phải chi tôi biết chọn cho mình thú vui tao nhã thì giờ đây đã được ấm êm dưới mái gia đình… Tại tôi là trưởng ban cà nhỏng nên đành cam hiu quạnh một mình… Theo cánh ăn chơi tôi được “phong vương” là dân đa hệ, nhưng phải chịu tắt đài ở cái hệ vợ con (-) Một lần nọ, tôi thua bài te tua, tơi tả không còn một cắc lận lưng, ghé vô nhà thằng bạn xin tiền đổ xăng, nó nói một câu nghe tức còn hơn bò đá. Nó nói, những kẻ có máu đỏ đen thường là bọn cùng đinh mạt hạng, mày phải nhớ lấy câu : “Cờ bạc là bác thằng bần”.
6-Qui luật cuộc đời không thể lẫn lộn vàng thau, sen muôn thuở là sen còn bông súng ngàn năm vẫn súng. Thú vui tao nhã khác xa với những cái tầm thường thô tục, cũng bởi thú vui này chất ngất sự thanh cao. Cũng vì đua đòi ở những chuyện tào lao, mà cho đến hôm nay tôi vẫn còn ca bài “sầu lẻ bóng”. Mà cũng phải thôi, có ai mà ngu dại ấy anh chồng cà lưng tưng, lửng tửng, dẫu cho bạc vạn tiền muôn rồi hết sạch cũng không còn (-)
Sự đời khôn, dại là đây
Chơi ngông rốt cuộc có ngày hại thân
Ai ơi, xin nhớ cho rằng
Thú vui tao nhã mới vẹn toàn trước sau.
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN là bút danh của Soạn Giả Cổ Nhạc Thái Quốc Thế Nguyên. Sáng tác thơ, truyện ông dùng bút danh Dạ Ngân Châu và tên thật.
Ông sanh năm 1949 tại xã An Thuận, quận Thạnh Phú, Tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Từ nhỏ, thân phụ ông đem gia đình lên định cư ở Thị Xã Mỹ Tho.
A Lý Phượng Tuyền là con trai Út (ông thứ 11 và còn thêm một người em gái) của Nhà Thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông và Bà Võ Thị Sáu. Ông là bào đệ của Nhà báo, văn thi sĩ Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh) và, văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế). Anh em ông đều thông thạo Hán-Việt. Trước năm 1975, ông phục vụ tại Tiểu khu Long Khánh, ngành Truyền Tin.
Tác phẩm đầu tay, bài thơ “Dặn Con Khi Thanh Bình” của ông được đăng trên tạp chí Nông Thôn Vùng Dậy”, của Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Đuốc Từ Bi của Phật Giáo. Sau đó, thơ ông đuọc đăng trên nhiều Nhật Báo ở Sàigòn.
Vì chiến sự ngày càng khốc liệt, do bận quân ngũ, ông không thể tiếp tục sáng tác. Sau 30.4.1975, ông về sinh sống tại xã Bàu Hàm 1, xuyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, trong cảnh khó nghèo. Mãi đến năm 1988 cuộc sống tạm ổn định, ông viết lại. Với chuyên đề Thơ Chua, Thơ Cay, Thơ Ngâm Dấm và Tiểu Phẩm. Đặc biệt là Cổ Nhạc.
Như chuyên đề đã định, văn thơ ông thường chống tiêu cực, châm chích tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống,… đăng gần như thường kỳ trong mục Quán Cười Báo Lao Động Đồng Nai, báo Văn nghệ Thành phố HCM, báo Tuổi Trẻ Cười, tuyển tập Tuổi Hồng và các tập san như Thông Tin Đồng Nai, Văn nghệ Châu Đốc…v.v.
Về Cổ Nhạc ông đã có nhiều tác phẩm thành danh như: “Tâm Tình Cô Công Nhân”, “Hoa Cao Su” và vài mươi bài khác. Chặp cải lương “Ngọc Hoàng Nổi Giận” gây tiếng vang trong làng Cổ Nhạc. Hiện ông có trên 200 tác phẩm Cổ Nhạc. Soạn giả Viễn Châu từng ngậm ngùi nuối tiếc: “A Lý sinh chẳng phùng thời”.
Từ năm 1995 đến 2005, năm nào ông cũng đoạt 3, 4 giải thưởng sáng tác Cổ Nhạc, do các tỉnh, thành tổ chức. Trong đó có giải Huỳnh Văn Nghệ, 5 năm tổ chức một lần. Nhờ vậy, đời sống ông khấm khá hơn.
Soạn giả Cổ Nhạc A Lý Phượng Tuyền được các đài truyền hình Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai ghi hình tác giả và tác phẩm. Cá biệt, đài truyền hình Đồng Nai, chọn lọc và thực hiện VCD Tác Giả Tác Phẩm dành riêng ông.