MỴ NƯƠNG
A Lý Phượng Tuyền
NÓI BUỒN
Có phải gác tía, lầu vàng là một tấm gương trong
Cho nhân thế soi chung, không màng chi điều nhân nghĩa
Hai tiếng Mỵ Nương đến muôn vạn đời sau người còn mai mỉa
Mới hay, chân giá trị của cuộc đời phải đâu là áo gấm…
PHỤNG HOÀNG (8 câu)
Màn nhung… Mà do nơi tấm lòng son sắt
Cái đẹp bên ngoài, chỉ trong tầm nhìn ánh mắt
Cái đẹp của tâm hồn, mới tiềm tàng chất ngất sự thanh cao
Nét đẹp bông hoa
Chưa hẳn là do hương sắc mặn mà
Ở nơi hồn hoa mới là điều cao quí
Cùng sự thanh khiết đậm đà, hòa cùng với nhụy hương
Ai không khỏi vấn vương
Khi ve vuốt trong tay đóa mẫu đơn đình
Hay được nâng niu một cánh sen hồng
Tinh túy của loài hoa, mới là điều trân trọng
Sắc đẹp bên ngoài thì nào có giá trị chi
Mỵ Nương ơi, nàng yêu kiều diễm lệ
Sao trái tim kia lắm nỗi vô tình
Để cho kẻ khác đau thương, khổ lụy vì mình
VỌNG CỔ
1- Tiếng sáo Trương Chi đã làm ngất ngây say trái tim người khuê các. Để rồi khi tận mặt nhau biết bao điều đau xót, cho người nghệ sĩ tài hoa mang kiếp sống cơ hàn… Trương Chi ơi, mảnh áo vá vai làm sao anh lay được trái tim nàng… Sống trong cảnh giàu sang nhung gấm, mấy ai có được tấm lòng đôn hậu, thủy chung (-) Tiếng sáo của anh làm xao xuyến lòng của Mỵ Nương, nhưng số phận hẩm hiu làm sao được kề bên gác phượng lầu hoàng. Anh tìm đến làm gì với một Mỵ Nương, để khúc sông buồn vùi chôn đời nghệ sĩ.
2- Mỵ Nương ơi, sao nàng không bình tâm suy nghĩ, khi nghe tiếng sáo êm đưa làm ngây ngất trái tim nàng… Trên sông vắng đìu hiu, biết tìm đâu ra hình bóng của ông hoàng… Mà nơi ấy chỉ có kẻ cơ hàn áo vải, với tiếng sáo u buồn cùng tâm sự đầy vơi (-) Mơ mộng làm gì để gây điều khổ lụy nàng ơi, đời nghệ sĩ có mấy ai sống cảnh giàu sang vương giả. Một khi trái tim biến thành là gỗ đá, thì tiếng nhạc không thể nào vời vợi những âm ba.
NGÂM THƠ
Ôi Mỵ Nương, ôi Mỵ Nương!
Vướng bận làm chi tiếng sáo buồn
Khổ lụy đem cho người nghệ sĩ
Tim lòng rỉ máu nỗi đau thương
VỌNG CỔ
5- Mỵ Nương ơi, nàng sống trong cảnh nhung lụa giàu sang thì màng chi tiếng sáo u buồn trên sông vắng. Để rồi nhẫn tâm gây điều khổ lụy cho người nghệ sĩ tài hoa bởi trộm nhớ thương nàng… Hãy gởi mộng hồn cho cuộc sống son vàng… Nàng ơi, tiếng nhạc không thể nào làm lung lay lầu son điện các, nàng rung động làm gì hãy để lạnh con tim (-) Người nghệ sĩ chỉ gởi hồn mình qua khúc nhạc thanh cao, chớ không mưu cầu cho riêng mình cảnh giàu sang nhung lụa. Anh lái đò Trương chi là kẻ hàn vi áo vải, tiếng nhạc khác xa anh, nên nàng đuổi xua chẳng chút ngại ngần.
6- Nàng hãy trách cho mình mơ mộng viễn vông, khi thực tại nơi nàng, nhung lụa giàu sang mới là ý sống. Tiếng nhạc Trương Chi làm cho hồn nàng xao động, nhưng không thể nào lung lay điện các lầu hoa. Nàng ơi, thế gian này có được mấy Mỵ Nương, trước thực tế chán chường thay đen đổi trắng. Nếu như nàng không bận tâm vì tiếng nhạc, mà yên phận thơ đào nơi gác tía lầu son. Thì Trương Chi đâu đến nỗi chịu điều oan thác, và nàng sẽ không là hiện thân của kẻ bạc tình (-)
Châu báu, bạc vàng có thể tạo được công danh, nhưng không thể mua được tấm lòng người nghệ sĩ. Nàng khóc làm chi cho vỡ tan chén ngọc, để vĩnh viễn không còn hình bóng của Trương Chi.
----
(Được đăng trên báo Sân Khấu Thành phố số 296 và trong tuyển tập vọng cổ Đồng Nai Ngày Mới của A Lý Phượng Tuyền, do nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 1988)
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN là bút danh của Soạn Giả Cổ Nhạc Thái Quốc Thế Nguyên. Sáng tác thơ, truyện ông dùng bút danh Dạ Ngân Châu và tên thật.
Ông sanh năm 1949 tại xã An Thuận, quận Thạnh Phú, Tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Từ nhỏ, thân phụ ông đem gia đình lên định cư ở Thị Xã Mỹ Tho.
A Lý Phượng Tuyền là con trai Út (ông thứ 11 và còn thêm một người em gái) của Nhà Thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông và Bà Võ Thị Sáu. Ông là bào đệ của Nhà báo, văn thi sĩ Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh) và, văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế). Anh em ông đều thông thạo Hán-Việt. Trước năm 1975, ông phục vụ tại Tiểu khu Long Khánh, ngành Truyền Tin.
Tác phẩm đầu tay, bài thơ “Dặn Con Khi Thanh Bình” của ông được đăng trên tạp chí Nông Thôn Vùng Dậy”, của Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Đuốc Từ Bi của Phật Giáo. Sau đó, thơ ông đuọc đăng trên nhiều Nhật Báo ở Sàigòn.
Vì chiến sự ngày càng khốc liệt, do bận quân ngũ, ông không thể tiếp tục sáng tác. Sau 30.4.1975, ông về sinh sống tại xã Bàu Hàm 1, xuyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, trong cảnh khó nghèo. Mãi đến năm 1988 cuộc sống tạm ổn định, ông viết lại. Với chuyên đề Thơ Chua, Thơ Cay, Thơ Ngâm Dấm và Tiểu Phẩm. Đặc biệt là Cổ Nhạc.
Như chuyên đề đã định, văn thơ ông thường chống tiêu cực, châm chích tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống,… đăng gần như thường kỳ trong mục Quán Cười Báo Lao Động Đồng Nai, báo Văn nghệ Thành phố HCM, báo Tuổi Trẻ Cười, tuyển tập Tuổi Hồng và các tập san như Thông Tin Đồng Nai, Văn nghệ Châu Đốc…v.v.
Về Cổ Nhạc ông đã có nhiều tác phẩm thành danh như: “Tâm Tình Cô Công Nhân”, “Hoa Cao Su” và vài mươi bài khác. Chặp cải lương “Ngọc Hoàng Nổi Giận” gây tiếng vang trong làng Cổ Nhạc. Hiện ông có trên 200 tác phẩm Cổ Nhạc. Soạn giả Viễn Châu từng ngậm ngùi nuối tiếc: “A Lý sinh chẳng phùng thời”.
Từ năm 1995 đến 2005, năm nào ông cũng đoạt 3, 4 giải thưởng sáng tác Cổ Nhạc, do các tỉnh, thành tổ chức. Trong đó có giải Huỳnh Văn Nghệ, 5 năm tổ chức một lần. Nhờ vậy, đời sống ông khấm khá hơn.
Soạn giả Cổ Nhạc A Lý Phượng Tuyền được các đài truyền hình Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai ghi hình tác giả và tác phẩm. Cá biệt, đài truyền hình Đồng Nai, chọn lọc và thực hiện VCD Tác Giả Tác Phẩm dành riêng ông.