HOA MAI
A Lý Phượng Tuyền
CAO PHI
NAM: Có một loài hoa khi xuân về khoe sắc mặn mà
Đậm đà tinh khôi, mang sức sống cho đời ước mơ
NỮ: Hoa mai muôn thuở thanh khiết, trong làn gió xuân mơn mởn
Mỗi độ xuân về, hoa khoe sắc cho đất trời thêm xinh
VỌNG CỔ
NAM: 1-Trong nắng xuân vui, một sắc vàng tươi dưới làn gió xuân phơi phới. Nhìn đóa hoa mai khoe duyên cùng cánh bướm, anh nghe ngây ngất nỗi niềm mơ len nhẹ ở trong hồn…
NỮ:Hoa mai muôn thuở mãi mãi của mùa xuân chẳng vướng chút bụi trần… Anh đừng cho em là nhiều mơ lắm mộng, rồi vội cười mà chọc ghẹo người ta (-) Em nhớ hồi đó, ngoại em có kể về sự tích của hoa mai, nhưng lâu quá rồi quên nên chẳng nhớ được gì.
NAM:Ơi, tấm lòng của cô gái đang xuân, đẹp như đóa hoa mai đang mượt mà khoe sắc.
NỮ: 2-Thế gian không thiếu chi là kỳ hoa dị thảo, nhưng chỉ có hoa mai được ngợi khen là thanh khiết, mặn mà…
NAM:Em ơi, cái nghĩa trúc mai biết mấy đậm đà…
NỮ:Thế gian này sẽ mất đi ý nghĩa, khi mùa xuân về thiếu vắng một cành mai (-)
NAM:Những lời thơ muôn thuở vẫn còn đây, ca ngợi một bông hoa đậm đà bao ý sống.
NỮ:Nhìn hoa mai dưới làn gió xuân lay động, như tô điểm cho đời nồng thắm những ngày xuân
LÝ CON SÁO
NỮ:Gió xuân lay… Lướt nhẹ trên cành hoa mai
Như làm thêm đẹp cõi trần ai
Ôi, hương xuân biết mấy đậm đà
Trong ánh nắng chan hòa
NAM:Sắc hoa vàng điểm tô thêm ý xuân
Cho ngất ngây tâm hồn kẻ thi nhân
Xuân đất trời, xuân của muôn sắc hoa
Hoa mai ơi, bao ngất ngây lòng ta
VỌNG CỔ
NỮ: 5-Không phải ngẫu nhiên hương sắc của hoa mai được thế nhân ca tụng. Nếu mỗi độ xuân sang không có hoa mai nở vàng khoe sắc thắm, thì có nghĩa gì đâu khi mùa xuân đến trong đời…
NAM:Ôi, một loài hoa biết mấy tuyệt vời…
NỮ:Từng cánh mỏng vàng mơ dưới trời xuân khoe sắc, tuy bình dị giản đơn mà chất ngất sự thanh cao (-)
NAM:Dẫu cuộc đời còn lắm cảnh bể dâu, nhưng hoa mai mãi là nét thanh cao cho người bao mơ ước.
NỮ:Trong thi ca vẫn còn kia những vần thơ trác tuyệt, cho một loài hoa đã điểm tô hương sắc cho đời.
NAM: 6- THƠ (MÃN GIÁC THIỀN SƯ)
Ôi, mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
NỮ:Một loài hoa thêm đẹp cõi trần ai, hồn hoa kia chẳng khác gì người chính nhân quân tử. Mặc cho ai dối gian biển lận, hoa mai mãi mãi cho đời chất ngất sự thanh cao.
NAM:Nhìn hoa cười với ngọn gió xuân, như thanh thản không bận lòng cùng danh lợi. Hoa mai thuần khiết, trắng trong như tấm lòng cô thiếu nữ, mặc cho gió táp mưa sa không hoen lấm chút bụi trần (-)
NỮ:Mỗi khi trời bước vào xuân
Nhìn hoa khoe sắc lâng lâng trong hồn
NAM:Loài hoa bình dị, giản đơn
Mượt mà hương sắc, thêm vấn vương lòng người.
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN là bút danh của Soạn Giả Cổ Nhạc Thái Quốc Thế Nguyên. Sáng tác thơ, truyện ông dùng bút danh Dạ Ngân Châu và tên thật.
Ông sanh năm 1949 tại xã An Thuận, quận Thạnh Phú, Tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Từ nhỏ, thân phụ ông đem gia đình lên định cư ở Thị Xã Mỹ Tho.
A Lý Phượng Tuyền là con trai Út (ông thứ 11 và còn thêm một người em gái) của Nhà Thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông và Bà Võ Thị Sáu. Ông là bào đệ của Nhà báo, văn thi sĩ Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh) và, văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế). Anh em ông đều thông thạo Hán-Việt. Trước năm 1975, ông phục vụ tại Tiểu khu Long Khánh, ngành Truyền Tin.
Tác phẩm đầu tay, bài thơ “Dặn Con Khi Thanh Bình” của ông được đăng trên tạp chí Nông Thôn Vùng Dậy”, của Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Đuốc Từ Bi của Phật Giáo. Sau đó, thơ ông đuọc đăng trên nhiều Nhật Báo ở Sàigòn.
Vì chiến sự ngày càng khốc liệt, do bận quân ngũ, ông không thể tiếp tục sáng tác. Sau 30.4.1975, ông về sinh sống tại xã Bàu Hàm 1, xuyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, trong cảnh khó nghèo. Mãi đến năm 1988 cuộc sống tạm ổn định, ông viết lại. Với chuyên đề Thơ Chua, Thơ Cay, Thơ Ngâm Dấm và Tiểu Phẩm. Đặc biệt là Cổ Nhạc.
Như chuyên đề đã định, văn thơ ông thường chống tiêu cực, châm chích tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống,… đăng gần như thường kỳ trong mục Quán Cười Báo Lao Động Đồng Nai, báo Văn nghệ Thành phố HCM, báo Tuổi Trẻ Cười, tuyển tập Tuổi Hồng và các tập san như Thông Tin Đồng Nai, Văn nghệ Châu Đốc…v.v.
Về Cổ Nhạc ông đã có nhiều tác phẩm thành danh như: “Tâm Tình Cô Công Nhân”, “Hoa Cao Su” và vài mươi bài khác. Chặp cải lương “Ngọc Hoàng Nổi Giận” gây tiếng vang trong làng Cổ Nhạc. Hiện ông có trên 200 tác phẩm Cổ Nhạc. Soạn giả Viễn Châu từng ngậm ngùi nuối tiếc: “A Lý sinh chẳng phùng thời”.
Từ năm 1995 đến 2005, năm nào ông cũng đoạt 3, 4 giải thưởng sáng tác Cổ Nhạc, do các tỉnh, thành tổ chức. Trong đó có giải Huỳnh Văn Nghệ, 5 năm tổ chức một lần. Nhờ vậy, đời sống ông khấm khá hơn.
Soạn giả Cổ Nhạc A Lý Phượng Tuyền được các đài truyền hình Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai ghi hình tác giả và tác phẩm. Cá biệt, đài truyền hình Đồng Nai, chọn lọc và thực hiện VCD Tác Giả Tác Phẩm dành riêng ông.