HOA ĐÀO
A Lý Phượng Tuyền
LÝ TRĂNG SOI
Sắc hồng tươi… Như màu má ai hồng
Mùa xuân sang ngất ngây trong lòng
Một loài hoa sắc hương tuyệt trần
Mỗi lần xuân
Màu hoa tươi thắm xao xuyến hồn ai
Hoa đào ơi, xuân đến, xuân đi
Nhưng sắc hoa đào.. không một chút mờ phai.
VỌNG CỔ
1-Biết bao lần Thu mãn, Đông sang, biết bao lần xuân đi rồi xuân đến., nhưng có một hương sắc của loài hoa không thể mờ phai trong tiềm thức mỗi con người… Hoa đào ơi, biết mấy tuyệt vời… Vẫn còn kia những vần thơ trác tuyệt, làm say đắm lòng người trước hương sắc của loài hoa (-) Một cành đào Nguyễn Huệ - Quang Trung, tặng Công Chúa Ngọc Hân trong giờ phút tương phùng. Xuân Kỷ Dậu oai hùng rạng rỡ chiến công, nơi thành Thăng Long biết mấy vẻ vang cùng trang lịch sử.
2-Đất nước vào xuân trăm hoa đua nở, xuân đất Bắc thắm tươi với những cánh hoa đào… Tết miền Nam rực rỡ đóa mai vàng… Hai loài hoa hai phương trời xa cách, mỗi khi tết đến xuân về cùng khoe sắc, khoe hương (-) Cành đào xứ Bắc, nhánh mai vàng đất phương Nam, hai loài hoa đã làm cho khách thi nhân bao điều cảm xúc. Sắc hoa đào từ ngàn xưa mỗi lần xuân đến, làm ngây ngất lòng người với bao nỗi bâng khuâng.
NGÂM THƠ
Nghe dậy trong hồn bao ước mơ
Xuân về xao xuyến cả hồn thơ
Chào mừng xuân mới, đêm trừ tịch
Lai láng tình xuân chẳng bến bờ
VỌNG CỔ
5- Giây phút chạnh lòng khi trời bước vào xuân nhớ người của muôn năm cũ. Đã để lại những vần thơ trác tuyệt, hoa đào ơi hãy rạng rỡ dưới trời xuân trong ánh nắng mai hồng… Màu hoa, hay màu má của cô thiếu nữ đang xuân e ấp, thẹn thùng… Truyền thuyết một loài hoa đậm đà bao hương sắc, làm say đắm lòng người niềm xao xuyến bâng khuâng (-) Hoa đào ơi, đừng cười cợt gió Đông, để cho kiếp thi nhân phải mang nhiều khổ lụy. Từ ngàn xưa những vần thơ trác tuyệt, sống mãi với thời gian cùng với sắc hoa đào.
6-THƠ THÔI HỘ
Tích niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Ai không nghe hồn tràn ngập nỗi bâng khuâng, khi đọc lại những vần thơ người của muôn năm cũ. Hoa đào ơi, hãy hồng lên sắc thắm, làm thêm đẹp thêm duyên khi mùa xuân đến trong đời (-)
Biết mấy tuyệt vời, thương lắm hoa đào ơi, hãy tạo nguồn thơ cho khách thi nhân với niềm tin chan chứa. Đóa mai vàng phương Nam, cành đào nơi đất Bắc, mỗi độ xuân về làm ngây ngất hồn thơ.
(Nữ nghệ sĩ Thạch Thảo ca trên đài truyền hình TP.HCM, xuân Mậu Tý 2008)
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN là bút danh của Soạn Giả Cổ Nhạc Thái Quốc Thế Nguyên. Sáng tác thơ, truyện ông dùng bút danh Dạ Ngân Châu và tên thật.
Ông sanh năm 1949 tại xã An Thuận, quận Thạnh Phú, Tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Từ nhỏ, thân phụ ông đem gia đình lên định cư ở Thị Xã Mỹ Tho.
A Lý Phượng Tuyền là con trai Út (ông thứ 11 và còn thêm một người em gái) của Nhà Thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông và Bà Võ Thị Sáu. Ông là bào đệ của Nhà báo, văn thi sĩ Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh) và, văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế). Anh em ông đều thông thạo Hán-Việt. Trước năm 1975, ông phục vụ tại Tiểu khu Long Khánh, ngành Truyền Tin.
Tác phẩm đầu tay, bài thơ “Dặn Con Khi Thanh Bình” của ông được đăng trên tạp chí Nông Thôn Vùng Dậy”, của Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Đuốc Từ Bi của Phật Giáo. Sau đó, thơ ông đuọc đăng trên nhiều Nhật Báo ở Sàigòn.
Vì chiến sự ngày càng khốc liệt, do bận quân ngũ, ông không thể tiếp tục sáng tác. Sau 30.4.1975, ông về sinh sống tại xã Bàu Hàm 1, xuyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, trong cảnh khó nghèo. Mãi đến năm 1988 cuộc sống tạm ổn định, ông viết lại. Với chuyên đề Thơ Chua, Thơ Cay, Thơ Ngâm Dấm và Tiểu Phẩm. Đặc biệt là Cổ Nhạc.
Như chuyên đề đã định, văn thơ ông thường chống tiêu cực, châm chích tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống,… đăng gần như thường kỳ trong mục Quán Cười Báo Lao Động Đồng Nai, báo Văn nghệ Thành phố HCM, báo Tuổi Trẻ Cười, tuyển tập Tuổi Hồng và các tập san như Thông Tin Đồng Nai, Văn nghệ Châu Đốc…v.v.
Về Cổ Nhạc ông đã có nhiều tác phẩm thành danh như: “Tâm Tình Cô Công Nhân”, “Hoa Cao Su” và vài mươi bài khác. Chặp cải lương “Ngọc Hoàng Nổi Giận” gây tiếng vang trong làng Cổ Nhạc. Hiện ông có trên 200 tác phẩm Cổ Nhạc. Soạn giả Viễn Châu từng ngậm ngùi nuối tiếc: “A Lý sinh chẳng phùng thời”.
Từ năm 1995 đến 2005, năm nào ông cũng đoạt 3, 4 giải thưởng sáng tác Cổ Nhạc, do các tỉnh, thành tổ chức. Trong đó có giải Huỳnh Văn Nghệ, 5 năm tổ chức một lần. Nhờ vậy, đời sống ông khấm khá hơn.
Soạn giả Cổ Nhạc A Lý Phượng Tuyền được các đài truyền hình Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai ghi hình tác giả và tác phẩm. Cá biệt, đài truyền hình Đồng Nai, chọn lọc và thực hiện VCD Tác Giả Tác Phẩm dành riêng ông.