QUÊ NỘI
Diệp Vàm Cỏ
NÓI LỐI
Mỹ Lạc Thạnh, bây giờ là Mỹ Lạc.
Xóm “Cây bàng bánh lái” vẫn còn đây.
“Quê nội” ngọt ngào sông nước Vàm Cỏ Tây.
Từ lâu lắm con chưa về thăm lại.
Nào phải đâu con là kẻ quên nguồn quên cội.
Để họ hàng cô bác thầm nhắc nhở ngóng ...
NGỰA Ô NAM
... trông. Tiếng trách câu hờn nghe cũng khổ tâm.
Nhưng biết phải làm sao, nơi cắt rún chôn nhau.
Thì con đâu thể nào quên được.
Kỷ niệm ấu thơ, kỷ niệm êm đềm.
Vẫn sống mãi trong tâm hồn.
Ơi những cây cầu lắt lẽo ngày xưa.
Chắc cũng còn trong nắng trong mưa.
Ngày ấy nội dẫn con theo chúng bạn đến trường.
Mỗi lần con té là nội phải dỗ dành.
Nay âm thầm con ngồi ghi lại.
Bài ca nầy nhớ thương.
VỌNG CỔ
1- Tôi tự trách tôi hay sẽ cố tìm lời phân giải. Khi vẫn còn lo tháng ngày bương chải, để một chuyến về thăm cũng đành hẹn lại bao ... lần.
“Quê nội” ơi, dù xa cũng thành gần.
Nghe con nước lớn ròng bịn rịn, để bông bần rụng trắng mặt sông quê (-). Thương đôi bờ lá gió mân mê, xuồng ai đó về đâu mà chèo con nước ngược. Ơi cái xóm “Cây bàng bánh lái” thân thương, tuy cách xa mà lòng tôi vẫn nhớ.
2- Tôi không hiểu vì sao cái thời xa xưa ấy, cha mẹ phải dắt dìu nhau rời quê nội cho ... đành.
Trên chiếc xuồng con, mà manh áo cũng không lành.
Nén giọt lệ buồn, ngậm ngùi nghe câu nói: “Ai muốn giàu thì về Mỹ Lạc, ai muốn mạt thì về Tân Đông” (-). Vậy mà nhà mình sao vẫn cứ tay không, hết gặt mướn cấy thuê, rồi nhổ bàng đốn củi. Bởi đất là đất của bọn cường hào địa chủ, người dân nghèo chỉ có tấm lưng đen.
NÓI LỐI
Nên từ ấy, tôi trở thành người ly xứ.
Để tìm nơi đất rộng người thưa.
Ơi Tháp Mười, nước đọng phèn chua.
Bàn tay đã làm nên tất cả.
Nay Mỹ Lạc vẫn giàu, mà Tân Đông cũng khá.
“Quê nội” còn mà nội chẳng còn đâu.
Ngày trở về con đứng lặng thật lâu.
Dòng ký ức đã thành dòng lệ chảy.
VỌNG CỔ
5- Nhận diện với quê hương từ bao điều thay đổi, hạnh phúc là đây lòng ai mong mỏi. Thanh thản đời ta vì kể từ đây đã thoát khỏi cảnh cơ ... hàn.
Gương mặt dòng sông trông cũng dịu dàng.
Mùa vui đến theo từng cây lúa trổ, xóm “Cây bàng bánh lái” cũng xôn xao (-). Đôi lứa hẹn hò chung thủy bên nhau, đẹp biết mấy những mảnh tình quê đơn sơ mà dào dạt, con gái “Ông Xe” chàng trai “Trận Trạc”, tự hào thay dân “Mỹ Lạc – Thủ Thừa”.
6- Ơi, đêm “Mỹ Hòa” đêm dãi đầy trăng, để mẹ thức dã bàng không biết mỏi. Thương lắm người ơi những bàn tay gian nan mà rắn rỏi, chịu đựng quen rồi nên dù rảnh cũng chẳng ngơi. Nhớ lúc bão bùng kẻ chống người bơi, chiếc xuồng nhỏ mà vượt qua ngàn sóng dữ. Để những tên xóm tên làng, tên người trở thành bất tử, nhắc nhở ngày sau câu “uống nước nhớ nguồn” (-).
Con lại ngậm ngùi tạm biệt ra đi, rời “quê nội” mà vẫn hướng về “quê nội”. Dẫu đi đâu cũng lá rơi về cội, xóm “Cây bàng bánh lái” vẫn không quên./.
Tân Tây, 20/12/1992.
Diệp Vàm Cỏ tên thật là Bùi Văn Diệp, sinh năm 1958, quê quán xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Cư trú phường 2, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Hiện công tác tại Phòng Văn Nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An. Bắt đầu sáng tác thơ cho Tạp chí Văn Nghệ Long An từ năm 1982, rồi chuyển sang viết bài ca vọng cổ và kịch bản cải lương từ tháng 3 năm 1986. Đã viết cả trăm bài ca vọng cổ với các phong cách trữ tình, hài, dí dỏm... được Đài TNND TPHCM và các đài khác dàn dựng.
Một số bài nổi bật gồm: Em sẽ về đâu, Người tình cũ, Lý con sáo, Tình bậu muốn thôi, Đường về quê bác, Ký ức hoa đào, Kẹt tên, Ông già Đồng Tháp...
Ở thể loại kịch bản cải lương Diệp Vàm Cỏ đã có 03 kịch bản: Hồi xuân dược (Đoàn cải lương Long An dàn dựng năm 1993 và 2011; Đoàn cải lương Tây Ninh dàn dựng năm 1995; sau đó được Đài Truyền hình TP.HCM dàn dựng phát sóng, Mùa bông điên điển (Hãng phim Tây Đô – Đài Truyền hình Cần Thơ dàn dựng được Bằng khen tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2000), Mặt trời qua đêm (Viết về chuyện tình Nguyễn Đình Chiểu và Lê Thị Điền, Đài PT&TH Long An dàn dựng được Bằng khen tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2005). Ngoài ra còn có hàng chục kịch bản hài do Đài PT&TH Long An dàn dựng, phát sóng trên kênh LA34 và SCTV.
Đặc biệt khi sáng tác bài ca tân cổ giao duyên thì Diệp Vàm Cỏ tự viết phần nhạc như các bài: Tôi yêu màu nắng quê nhà, Thanh long mùa trái ngọt, Tnh bậu muốn thôi, Yêu em như thuở binh nhì, Về với lý ngựa ô...Là một tác giả sáng tác bài ca vọng cổ có tâm huyết nên anh đã chủ xướng thể loại ''Vọng cổ ba câu'' để phù hợp với yêu cầu thưởng thức của người nghe hiện nay, thể loại nấy đã được HTV giới thiệu, hiện nay anh đã có một số bài ca vọng cổ ba câu được phổ biển. Đặc biệt với chùm bài ca ''Tri âm... khúc'' tặng riêng NSUT Mỹ Châu đã được thu thanh, quay hình và phát sóng là loạt bài ca không lệ thuộc vào khuôn khổ 4 câu 1, 2 5, 6 như xưa nay mà Diệp Vàm Cỏ viết với hình thức 02 câu, 03 câu được gối bằng 100% bài bản cải lương (Ngoại trừ bài tân cổ giao duyên ''Tri âm viễn khúc'' do Diệp Vàm Cỏ tự viết phần nhạc) khá thành công. Diệp Vàm Cỏ quả có duyên sáng tác để riêng tặng giới nghệ sĩ cải lương với nhiều bài: 10 bài Tri âm (Tặng NSUT Mỹ Châu), Con sáo đồng bằng (Tặng NSUT Trọng Hữu), Bà chúa thơ nôm (Tặng NSUT Thanh Thanh Hiền), Nhớ một vì vua (Tặng Soạn giả Viễn Châu), Tâm sự ông Hoàng (Tặng Nghệ sĩ Tấn Tài), Đời Nghệ sĩ (Tặng Nghệ sĩ Vũ Linh Vương). DVC đã được tặng Huy chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2000.
Với bài ca vọng cổ, Diệp Vàm Cỏ đã có một số giải thưởng ở các tỉnh, đặc biệt trong đó có Giải nhì (Không giải nhất) cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ khu vực ĐBSCL lần I - tháng 9 năm 1992 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bài ''Lời ru'') và giải ba cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ khu vực ĐBSCL lần III - tháng 11 năm 2011 (Bài ''Thương về chợ nổi''). Nhân đây, Tạp chí Sân khấu TPHCM xin giới thiệu đến bạn đọc bài ca ''Thương về chợ nổi'' của tác giả Diệp Vàm Cỏ.