CẦN PHÂN ĐỊNH RẠCH RÒI THẾ NÀO LÀ TÂN CỔ GIAO DUYÊN?
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN
Thời gian qua, có một bài viết đăng trên tờ báo nọ, đại thể nói là soạn giả Lê Khanh là “cha đẻ” của bài Tân Cổ giao duyên đã gây ra tranh cãi ít nhiều. Tác giả bài viết đó cho rằng, soạn giả Lê Khanh là người đầu tiên “gác” bài ca tân nhạc để… vô vọng cổ - Điều này đồng với nghĩa - soạn giả Lê Khanh là “cha đẻ” của bài Tân cồ giao duyên! Nghĩ như vậy là hoàn toàn sai. Vì một bài Tân nhạc gọi là… “gác” đó, vai trò và vị trí của bài nhạc chỉ là một bài nhạc “gối đầu”, tương tự như các điệu Lý bây giờ mà các soạn giả viết vọng cổ thường sử dụng để “gối đầu” cho bài vọng cổ. Vì vậy, không thể xem… bài nhạc “gác”, một bài nhạc “gối đầu” là… Tân Cổ giao duyên.
Tân Cổ giao duyên là sự giao thoa, hòa quyện giữa cái HỒN bài Tân nhạc và Cổ nhạc. Chính vì lẽ ấy, khi viết bài Tân Cổ giao duyên, người soạn giả buộc phải chuyển tải lời vọng cổ theo nội dung, ý tưởng của bài Tân nhạc. Nếu không làm được điều này, thì không thể gọi là Tân Cổ giao duyên.
Xin được đơn cử một ví dụ - Bài Tân nhạc “Chiều mưa anh về” Tân nhạc: cố ca sĩ Duy Khánh. Lời vọng cổ: Soạn giả Viễn Châu, do nam nghệ sĩ Minh Cảnh ca (Thời điểm này soạn giả Viễn Châu và nam nghệ sĩ Minh Cảnh chưa được vinh danh. NV) với lời nhạc như sau:
-“Lặng lẽ ngoài kia mưa chiều đã về”
“Vào đêm hắt hiu ánh đèn sương gió”
“Người từ phương xa xôi về đây”
“Mà sao mưa còn bay, bay”
“Hành trang còn kín bờ vai”
“Người ngỡ ngàng thay, anh về âm thầm”
“Để cho gác sương sống lại hơi ấm”
“Nụ cười trên môi anh khẽ nói”
“Về thăm em chiều nay”
“Vui sông hồ mai sớm… lại đi” (hết trích dẫn)
Và, lời vọng cổ “giao duyên” của soạn giả Viễn Châu viết như sau:
“Lặng lẽ mưa rơi trong một chiều bão tố, em có tựa rèm thưa đứng đợi cố nhân về… Lối cũ đường xưa đã tắt ánh trăng thề… Hãy chỉ cho tôi lối về nơi xóm nhỏ, để khỏi ngỡ ngàng qua mấy nhịp cầu tre (-) Mấy thu rồi mưa gió lạnh sơn khê, tôi trở về đây rời rã gót giang hồ. Nhớ quê nhà tôi trở lại tìm em, Lẻ bước ngập ngừng trên đường xưa lối cũ” (dứt câu I, hết trích dẫn)
Lời ca vọng cổ phải hòa quyện với bài Tân nhạc như thế, mới gọi là Tân Cổ giao duyên.
Khi chưa có bài Tân Cổ giao duyên, trước khi vô vọng cổ người soạn giả thường cho “gối đầu” bằng Ngâm Thơ hoặc Nói Lối hay một bài bản ngắn như: Thủ Phong Nguyệt, Lý Con Sáo, Lưu Thủy Hành Vân, Sơn Đông Hướng Mã …v.v… tùy theo nội dung của bài ca, người soạn giả lồng vào những bài bản nhỏ cho phù hợp, cũng có thể cho “gối đầu” bằng một điệu hò, tiếp sau đó là những câu vọng cổ 1,2,3 (vọng cổ 6 câu) sau đó lại cho “gối đầu” tiếp bằng Nói Lối hay những điệu Lý như: Lý Trăng Soi, Lý Cái Mơn, Lý Đêm Trăng, Lý Chim Xanh, Lý Tầm Quân, Lý Ba Tri…v.v…
Vì lẽ ấy, một bài nhạc “gác”, còn gọi là bài nhạc “gối đầu” không thể xem đó là Tân Cổ giao duyên!
CÓ MẤY CÁCH VIẾT TÂN CỔ GIAO DUYÊN?:
Có hai cách:
- Cách thứ nhất: Như đã trình bày ở trên, người soạn giả lấy một bài Tân nhạc mà mình ưng ý, chuyển tải lời vọng cổ phù hợp với nội dung theo ý tưởng của bài Tân nhạc.
- Cách thứ hai, đưa thẳng một đoạn nhạc trong lòng câu của bài vọng cổ. Với cách viết này, người soạn giả phải am tường đoạn nhạc kia chiếm hết mấy nhịp trong phần lòng câu của bài vọng cổ. Khi lồng đoạn nhạc vào, sau đó viết tiếp lời ca như một bài vọng cổ bình thường. Điều này, được soạn giả Viễn Châu thể hiện qua bài “Dưới ánh trăng xuân” do nam nghệ sĩ Minh Cảnh ca. Xin được phép trích dẫn:
VỌNG CỔ
1 - Mấy cánh hoa bay như mừng người lữ thứ, trở về đây khi đồng ruộng đón xuân về… Trăng lên cao gió lộng tư bề… Giữa đêm xuân nghe tim buồn thấm thía, đoạn đường mòn sương ướt nhịp cầu tre (-) (Phần ca nhạc giao duyên) “Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát. Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác. Chiếu hồn quê bao khúc ca ngày mùa” (ca tiếp vọng cổ) Ta đã về đây sau bao ngày bão tố. (dứt câu 1, hết trích dẫn)
Như đã trình bày ở trên, trong lòng câu 1 là đoạn nhạc “Khúc ca ngày mùa” của cố nhạc sĩ Lam Phương. Nếu như viết “giao duyên” bằng cách này, thì người soạn giả không cần phải dựa theo nội dung, ý tưởng bài nhạc và không cần phải lấy tên của bài Tân nhạc.
Một ví dụ thứ hai, có lẽ quí vị nào đón nhận loại hình “Tân cổ giao duyên” cũng đều biết qua bài ca này - Đó là bài “Sầu vương ý nhạc” của soạn giả Viễn Châu, cũng do nam nghệ sĩ Minh Cảnh trình bày vào những năm đầu của thập niên 60. Phần “gối đầu” ông viết Ngâm Thơ, tiếp theo đó là Nói Lối. Xin được phép trích dẫn:
NGÂM THƠ:
“Em ở nơi nào, em ở đâu?”
“Lời ca tức tưởi mấy cung sầu”
“Quê người áo nhuộm màu sương gió”
“Một kiếp phong trần mấy bể dâu”
NÓI LỐI:
“Xe dừng lại bên kia cầu Bến Lức”
“Nhạc ai làm ray rức cõi lòng ta”
“Họ không là những nhạc sĩ hoa”
“Nhưng đời gian khổ là bài ca đầy nước mắt”
Phần trích dẫn trên đây ở một bài vọng cổ bình thường mà quí vị thường thấy.
VỌNG CỔ
Câu 1 - Mỗi khi có dịp xuống Hậu Giang và đi ngang cầu Bến Lức, tôi còn nhớ mãi lời ca não nuột của em bé thơ ngây hát dạo ở bên đường… Nắm chiếc gậy tre, em dắt theo một ông lão tật nguyền… Em cất lên tiếng ca buồn rười rượi. (Phần ca nhạc giao duyên) “Mưa rừng ơi mưa rừng. Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên. Phải chăng mưa buồn vì tình đời, mưa sầu vì lòng người, duyên kiếp không lâu” (ca vọng cổ) Ôi buồn làm sao giọng ca đầy thảm não. (dứt câu I, hết trích dẫn)
Như vậy cũng đủ để chứng tỏ, bài nhạc “gác”, bài nhạc “gối đầu” không thể gọi là… Tân Cổ giao duyên!
Ngày mà bài Tân cổ giao duyên đầu tiên “Chàng là ai” Tân nhạc: cố nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, lời vọng cổ: Soạn giả Viễn Châu được hãng dĩa nhựa phát hành qua giọng ca của bé Lệ Thủy, (hồi ấy chị khoảng chừng 13, 14 tuổi) các trang kịch trường các báo thời bấy giờ có những bài viết “đả kích”, cho rằng soạn giả Viễn Châu là người… “phá hư” bài vọng cổ!
Và rồi, bài Tân cổ giao duyên mang đến cho nguời nghe giống như một luồng… gió lạ, được đông đảo công chúng gần xa đón nhận. Và, người viết bài “Tân Cổ giao duyên” với số lượng nhiều nhất - không ai khác hơn là soạn giả Viễn Châu.
Như vậy, soạn giả Viễn Châu có xứng đáng là “cha đẻ” của bài “Tân Cổ giao duyên” hay không? Câu hỏi này thay cho câu trả lời rồi vậy!
(Bài viết được đăng trên báo Sân Khấu Thành Phố số 1191 ra ngày 2.6.2014. Đã được sự cho phép của tác giả khi xuất bản trên vongco.vn)