TÍNH CHẤT TỰ SỰ TRONG NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG
A Lý Phượng Tuyền
Mặc dù đã trải qua những lúc thăng trầm. Nhưng ngót một thế kỷ qua, bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương cũng có những năm tháng vàng son một thời, đã ghi khắc vào tâm trí của người xem.
Cải lương là bộ môn nghệ thuật có tính quần chúng không chỉ dành riêng cho giới lao động bình dân, mà còn cho những người trí thức. Ngược dòng thời gian vào những năm của thập niên 60, đây cũng là thời kỳ mà bộ môn nghệ thuật cải lương được gọi là thời kỳ hoàng kim. Hoàng kim có nghĩa là gì? – Xin thưa, Hoàng kim có nghĩa là thời vàng son đã qua. Sở dĩ, người viết bài này dẫn giải như thế, là vì cách đây khoảng 2 năm, có một bài báo nọ trong chuyên mục thể thao có ghi tựa đề như thế này: “Đội bóng X - phong độ hiện đang trong thời hoàng kim”. Viết như vậy là hoàn toàn sai.
Có thể nói trong khoảng thời gian này, cải lương hoàn toàn ở thế... thượng phong. Phim ảnh kiếm hiệp Hồng Kong với những diễn viên gạo cội, nổi tiếng một thời như: Khương Đại Vệ, Vương Vũ, Lý Tiểu Long, Địch Long, Trịnh Phối Phối, Hà Lợi Lợi, Tần Bình...v.v... cũng không sao sánh nổi. Điển hình vào thời điểm lúc bấy giờ, đoàn cải lương Thanh Minh (sau này là Thanh Minh -Thanh Nga) trình diễn liên tục 21 đêm tại rạp Nguyễn văn Hảo (rạp Công Nhân bây giờ. NV) đã gặt hái thành công hết sức mỹ mãn, đoạt kỷ lục về mặt doanh thu qua vở “Con gái chị Hằng” của hai cố soạn giả tài hoa Hà Triều - Hoa Phượng. Trong khi một bộ phim kiếm hiệp đương đại có ăn khách lắm, cũng chỉ “thọ” khoảng một tuần lễ là cùng!
Riêng lĩnh vực Đại nhạc hội, kịch nói (hồi ấy gọi là thoại kịch. NV) cũng chỉ ở mức bình thường, không có gì nổi trội cho lắm!
Đáng buồn thay, trước tình hình sân khấu cải lương hiện nay lại xuống dốc. Nguyên nhân tại vì sao? -Hiện vẫn chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Trước tình hình không mấy tốt đẹp này, không thiếu chi những kẻ vô tâm chạy theo văn hóa ngoại lai nỡ buông ra những lời khiếm nhã, họ cho rằng: “Cải lương là nhà quê, cải lương là... phi thực tế”, họ lại cho rằng “Cải lương... đang nói... lại ca, khi sắp chết còn... vô vọng cổ rồi... mới chịu chết”. Tiếc thay, những kẻ buông ra những lời lẽ kém cỏi, vô ý thức đó, đã cam lòng miệt thị chê bai những gì thuộc về văn hóa dân tộc. Lại còn tự cho mình là kẻ... “trí thức”, họ cho rằng cải lương là... “phi thực tế”. Nhận định ấy quả là thô thiển, chứng tỏ rằng bản thân họ không hiểu một chút gì về bộ môn nghệ thuật truyền thống của nước nhà.
Có lẽ, bất kỳ ai cũng đều biết, tiền thân của bộ môn nghệ thuật cải lương là “Ca-ra- bộ” (hát và diễn tả. NV). Chính vì lẽ ấy, cải lương là bộ môn nghệ thuật thể hiện bắng ÂM NHẠC và HÀNH ĐỘNG. Ngoài tính tự sự, cải lương còn mang thêm tính ƯỚC LỆ. Vì vậy cho nên mới có tính tả thực, tả ý được thể hiện trong lời ca qua tâm trạng của nhân vật..
Nhưng, không phải vì thế mà trong một vở tuồng, người soạn giả muốn viết sao thì viết, đặt bài ca nào cho nhân vật trong tuồng cũng được, mà phải tùy theo tình huống kịch và tính cách của nhân vật.
Ví dụ: Vai một ông vua thì không có soạn giả nào lại viết bài... Lý Giao Duyên (Ngoại trừ những tay soạn... thật, tác... thật! NV) Cái chết của kẻ thù trên sân khấu khi bị giết là chết ngay, chớ không thể viết thêm câu vọng cổ nào! Tùy theo tình huống của nhân vật, mà người soạn giả hình dung, phác họa ra cái tâm tư, tình cảm của nhân vật đó đặt lời ca như thế nào cho phù hợp. Như: Nam ai, Nam ai lớp mái, Phụng hoàng, Chiêu Quân, Xế Xảng, hoặc Xuân Tình, Xuân tình lớp chót, hay Phú Lục, Kim tiển Bàn, Tây Thi...v.v... Còn việc nhân vật trên sân khấu khi sắp chết mà soạn giả cho ca bài vọng cổ, là để nói lên sự hối hận của bản thân mình khi đã trót gây ra tội lỗi, giờ đã biết hối hận ăn năn. Điều này như đã trình bày ở trên, đó là tính cách thể hiện ÂM NHẠC qua HÀNH ĐỘNG, đó cũng là tính... ƯỚC LỆ của sân khấu cải lương.
Nếu không thấu đáo về sân khấu cải lương, mà đã vội buông ra những lời phê phán, kém cỏi. Suy cho cùng, những người như thế chẳng khác gì như... “người mù xem voi” vậy!
Có thể nói... cho dù bất kỳ ai, cho dù họ đang ở lĩnh vực nào, mà buông ra những lời XÚC PHẠM đến những gì thuộc về VĂN HÓA DÂN TỘC. Tự thân họ, đã mang trọng tội với đất nước, quê hương.
(Bài được đăng trên Tạp Chí Thông Tin Đồng Nai số 4 năm 2.000 - số 28 bộ mới. Đã được sự cho phép của tác giả khi xuất bản trên vongco.vn).