Không được nổi danh như những soạn giả vọng cổ, cải lương khác nhưng soạn giả A Lý Phượng Tuyền đã để lại trong lòng khán giả yêu mến cải lương, vọng cổ nhiều ấn tượng với những tác phẩm, như: Tâm tình cô công nhân, Ðồng Nai ngày mới, Huyền sử một địa danh, Bàu Hàm quê tôi, Hoa phong lan, Hoài vọng một mùa xuân...
Soạn giả A Lý Phượng Tuyền bên những bằng khen, giấy khen có được từ các cuộc thi, trại sáng tác do các tỉnh, thành trong cả nước trao tặng. |
Soạn giả A Lý Phượng Tuyền, chia sẻ: “Mỗi sáng tác đối với người nghệ sĩ đều có một ý nghĩa riêng. Sáng tác của tôi tập trung phản ánh người lao động với bản tính cần cù, siêng năng, chân chất cùng một vùng quê thanh bình”.
* Nhà nông làm nghệ thuật
Soạn giả A Lý Phượng Tuyền tên thật là Thái Quốc Thế Nguyên, sinh năm 1945 tại tỉnh Bến Tre. Năm 1970 vì hoàn cảnh ông phải theo gia đình đến định cư tại xã Bàu Hàm, huyện Thống Nhất (nay là xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) để mưu sinh cho đến ngày nay.
Tuy may mắn được sinh ra tại Tây Nam bộ - cái nôi của nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương nhưng gia đình ông chưa có ai theo nghiệp làm nghệ thuật. Trong những năm tháng tuổi trẻ, ông cùng với gia đình sống bằng nghề nông. Mãi đến sau ngày đất nước thống nhất, ông mới bắt đầu tìm hiểu môn nghệ thuật cải lương, vọng cổ qua các chương trình phát thanh và bắt đầu tập tành sáng tác. Phải đến năm 1982, khi 2 sáng tác của ông là bài vọng cổ Nghĩa vụ và tình yêu giành được huy chương vàng và vở cải lương Bàu Hàm quê tôi được trao huy chương bạc tại hội diễn công - nông - binh do tỉnh tổ chức thì khán giả mới biết đến ông.
Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, soạn giả A Lý Phượng Tuyền liên tục đoạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật, như: giải nhất cuộc thi sáng tác văn học - nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 310 năm Biên Hòa - Ðồng Nai do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức vào năm 2008 với tác phẩm Huyền sử một địa danh; giải B (không có giải A) trong cuộc vận động sáng tác thơ - ký - nhạc năm 2013, do Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam tổ chức với tác phẩm vọng cổ Tấc lòng trao gửi đến em... |
“Từ thời điểm đó như có “tổ đãi”, tôi liên tục cho ra mắt nhiều sáng tác mới. Những khi công việc làm ruộng, rẫy rảnh rỗi là tôi tranh thủ viết. Tư liệu sáng tác của tôi chính là những con người, cảnh vật diễn ra xung quanh công việc đồng áng, việc làm rẫy, cạo mủ cao su tôi vẫn bắt gặp hàng ngày” - soạn giả A Lý Phượng Tuyền chia sẻ.
Nhờ những sáng tác của mình, từ một nông dân dãi dầu mưa nắng ông trở thành thành viên của Ðoàn Cải lương Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) và sau đó là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh...
* Cánh chim không mỏi
Giống như tính cách của các nhân vật trong sáng tác của ông: cần cù, siêng năng, nên mặc dù gần bước sang tuổi 70 nhưng soạn giả A Lý Phượng Tuyền vẫn miệt mài lao động và sáng tác. Mỗi năm, cùng với chiếc xe gắn máy cũ của mình, soạn giả A Lý Phượng Tuyền thường thực hiện từ 5 -7 chuyến đi trên những cung đường từ Trảng Bom đến các tỉnh Bình Dương, Bến Tre, TP.Cần Thơ, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu... để tham dự các trại sáng tác văn học nghệ thuật, làm giám khảo các cuộc thi cải lương, vọng cổ. Nghệ sĩ Thăng Long, nguyên Phó phòng Văn nghệ, Ðài PT-TH Bình Dương, người từng đưa rất nhiều tác phẩm ca cổ, cải lương của soạn giả A Lý Phượng Tuyền lên sóng phát thanh và truyền hình để giới thiệu đến khán giả trong suốt gần 30 năm, nói: “Những sáng tác của soạn giả A Lý Phượng Tuyền luôn gần gũi với đời sống nhân dân lao động nên được mọi người tiếp nhận một cách rất tích cực. Ông lao động miệt mài, siêng năng. Những hội diễn, hội thi cải lương, vọng cổ ông tham gia với tư cách ban giám khảo luôn làm cho thí sinh cảm thấy tự tin và vui tươi”.
Bên cạnh việc là một soạn giả cải lương, vọng cổ, soạn giả A Lý Phượng Tuyền còn là một cộng tác viên tích cực của nhiều tờ báo với các tiểu phẩm, những bài bình luận tác phẩm đăng trên báo Tuổi Trẻ Cười, tạp chí Sân khấu TP.Hồ Chí Minh...
“Còn sức khỏe, trí óc còn minh mẫn thì tôi vẫn đi và sáng tác để thỏa niềm đam mê và dâng tặng cho đời nhiều tác phẩm mới” - soạn giả A Lý Phượng Tuyền chia sẻ.
Văn Truyên