Nghệ sĩ hài Văn Nam – tân Trưởng đoàn Cải lương Tây Đô: Duyên nghiệp bắt đầu từ mùa Xuân.
Sinh năm 1973, tên thật là Phan Thiện Minh, sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Hanh, Châu Thành, An Giang. Anh nhận chức trưởng Đoàn Cải lương Tây Đô tháng từ 6/ 2014, bước vào nghệ thuật Cải lương chuyên nghiệp cũng bắt đầu từ một ngày Xuân. Nhớ lại lúc gần Tết năm 1989, Đoàn Cải Lương Thanh Long – An Giang của NSUT Trọng Vương về diễn ở quê nhà Vĩnh hanh, do mê đờn ca cải lương từ nhỏ, thần tượng của anh là NSUT Minh Vương, Danh hài Thanh Nam nên xin theo đoàn hát. Do có năng khiếu bẩm sinh, bản chất thông minh, ham học hỏi và được sự dìu dắt tận tình của NSUT Trọng Vương, chỉ ít tháng sau được cho làm diễn viên đóng vai lão, vai hài. Chuyển qua Đoàn Cải Lương Sông Hậu 3 của NS.Bạch Long- Thanh Kim Giác vào năm 1990, nghệ sĩ hài Văn Nam nổi tiếng khắp mọi vùng miền trên cả nước qua các vai Út Từng vở "Giọt lệ đài trang", Chú 5 "Dòng sửa đỏ", công tử Sung "Cánh buồm ngược gió", Ta - Rô "Công chúa Ba Tư"…
Rồi anh về Đoàn Cải lương Tây Đô và được cấp trên phân công làm Phó đoàn từ năm 2008 và Trưởng đoàn tháng 6/ 2014. Nghệ sĩ Văn Nam cho biết hiện tại đơn vị đã hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch trên giao cho năm 2014 và đang hoàn thành chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ Xuân Ất Mùi và các ngày lễ lớn năm 2015, những tiết mục đặc sắc với lực lượng diễn viên khá hùng hậu : Nghệ Sĩ UT Thảo Vân, Nghệ sĩ Hồng Thủy "Huy chương vàng Giải triển vọng Trần Hữu Trang 2014, Huy chương vàng Giải Tài năng trẻ toàn quốc 2014", nghệ sĩ Phương Anh "Huy chương vàng Giải triển vọng Trần Hữu Trang", nghệ sĩ Lê Duy "Huy chương vàng Giải triển vọng Trần Hữu Trang"…Được Thành ủy- UNND TP Cần Thơ và các ban ngành liên quan đặc biệt quan tâm, khoảng cuối năm 2015 này, Đoàn Cải lương Tây Đô sẽ chuyển về cơ ngơi mới khang trang ở xã Mĩ khánh, Phong Điền TPCT. Nghệ sĩ hài Văn Nam vui vẻ nói.
Nghệ sĩ Cải lương trẻ - Lê Duy (Huy chương Vàng giải triển vọng Trần Hữu Trang 2014): Thích hát những bài về Mùa Xuân.
Từ trái qua: Thạch Sĩ Long, Lê Duy (người đứng), Văn Nam.
Nghệ sĩ – đạo diễn – nhà giáo Thạch Sĩ Long, giảng viên Trường Văn Hóa Nghệ Thuật TPCT, người giữ lữa cho bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương đồng bằng sông CL tự hào nói: Tôi cùng đồng nghiệp có nhiều học trò nay đã tương đối thành danh như Ngôi sao sân khấu Cải lương Võ Minh Lâm, nghệ sĩ Hồng Thủy, Nghệ sĩ Phương Anh…Đặc biệt là Nghệ sĩ Lê Duy.
NS Lê Duy sinh năm 1992 tại Tam Nông Đồng Tháp về Đoàn Cải Lương Tây Đô từ tháng 7/2014.Trước khi về Đoàn, Lê Duy đã là gương mặt sáng giá quen thuộc của khán giả truyền hình ở khu vực đồng bằng Sông CL, HTV, VTV, miền Đông Nam Bộ với những bài ca cổ nổi tiếng trong cả nước như <Ngàn năm thương nhớ Trường sa, Tg: Văn Bớt>,< Mùa hoa Đào, tg: Việt Sơn>,<Về miền Tây nhé em, tg: Nguyễn Hoài Vân>…vào vai chính rất thành công những ca cảnh, trích đoạn Cải lương lừng danh cùng NSUT Hải Yến như < Chung sắc mai đào, tg: Phi Hùng>, công chúng biết nhiều qua vai Lục Vân Tiên trong<Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga, tg: Ngọc Cung>, vai Từ Hải Thọ trong < Xử Bá Đao Từ Hải Thọ>, vai Trần Thái Tông trong < Mệnh Đế Vương, tg: Hùng Tấn >…Nghệ sĩ trẻ Lê Duy cho biết vừa quay xong Chương trình Xuân Ất Mùi cho VTV3, anh thích hát những bài ca cổ về xuân như : Nhịp cầu mùa xuân, Ngẫu khúc mùa xuân. Tất bật với công việc cuối năm, cho biết Tết này anh đã được mời hát phục vụ bà con ở Long Mĩ (HG), TP Cần Thơ…
Thượng tá Nghệ sĩ Ưu tú Trọng Khiêm - nguyên Trưởng Đoàn văn công Quân Khu 9: Ngày Xuân năm ấy.
Sinh năm 1948, mùa xuân năm 1963, khi tròn năm 15 tuổi anh tạm biệt quê nhà Cẩm Sơn Cai Lậy – Tiền Giang, theo các anh bộ đội, gia nhập Đoàn văn công Quân giải phóng miền Nam do cố Nhạc sĩ Xuân Hồng làm trưởng đoàn đang ở căn cứ Tây Ninh. Đến tận bây giờ không làm sao quên được lần đầu tiên được tham gia tiết mục Đồng ca phục vụ khoảng 10.000 cán bộ- chiến sĩ và đồng bào Chiến khu giải phóng Sài gòn- Gia Định tại xã An Nhơn Tây huyện Củ Chi vào dịp Tết năm 1964. Sau ngày 30/4/1975, về nhận công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 9; năm 1985- 1990: anh học và tốt nghiệp loại xuất sắc về biên đạo thuộc Khoa múa Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Nhận chức vụ trưởng đoàn thời gian 1990 - 2003, từng biên đạo thành công nhiều tiết mục múa như : Nhớ về Chị Sứ- Huy chương bạc Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc, Kịch múa: Tum và Tiêu- Huy Chương vàng Hội diễn toàn quân năm 1995, ca múa Đất nước-Huy chương bạc toàn quốc năm 2000; chỉ đạo nghệ thuật thành công vở Cải lương dài nổi tiếng <Trả lại tên con>, tg : Cửu Long Thi- Huy chương vàng Hội diễn toàn quân năm 1995. Anh và bà xã – NS.Trúc Linh vinh dự đã được nhà nước phong tặng nghệ sĩ ưu tú.
Thượng tá Nghệ sĩ Cải lương - Như Nguyệt, nguyên Đội trưởng Đội sân khấu- nguyên đào chánh Đoàn văn công Quân Khu 9: Hồi tưởng lại ngày Xuân trên đất bạn.
Gia nhập vào Đoàn văn công Quân Khu 9 từ năm 1975; quê gốc ở Tân Trụ - Long An, chị nhớ mãi chuyến đi phục vụ đầu tiên ở nước bạn Cam Pu Chia vào mùa Xuân năm 1979 với vị trí đào chánh vai Kham - La trong vở < Mưa nguồn - tg: Ngô Hồng Khanh > được cán bộ, chiến sĩ đang làm nghĩa vụ quốc tế và đồng bào nước bạn hoan nghênh nhiệt liệt.Từng vào các vai nữ chính trong các Vở < Mùa Bông Tràm- vai Liên, tg : Ngô Hồng Khanh >,< Hai dòng nước, vai Hiếu >,< Đôi mắt biên cương, vai Nùng Suối >. Đặc biệt, chị đoạt Huy chương vàng Hội diễn toàn quân năm 1995 vai bà mẹ trong vở < Trả lại tên con >của tg: Cửu Long Thi. Từng song ca với NS Tiến Đạt những bài ca cổ lẻ được công chúng trong và ngoài quân đội yêu thích như: Hoa mua trắng, Cô gái tưới đậu, Bài ca trên báng súng…Từng được các Đài Phát thanh, Truyền hình các tỉnh và trung ương mời song ca với các nghệ sĩ nổi tiếng : NS Vương Hùng, NS Ngân Tâm, NS Chiêu Bình. Nhân dịp Xuân Át Mùi cận kề chị xin gởi lời chúc mọi người An Khang- Thịnh Vượng, cùng nhau tiếp tục gìn giữ và phát huy bộ môn nghệ thuật cải lương truyền thống ngày càng tốt đẹp.
Nhạc sĩ , Soạn giả Cải lương : Hồ Hải -Tôi thích viết về Mùa Xuân.
Xuân Ất Mùi này anh Hồ Hải tuy đã qua tuổi 65 nhưng tâm hồn nghệ sĩ thì còn < Xuân >lắm, vẫn viết và được mời làm nhạc công cải lương đều đều. Hiện anh ngụ ở TP Cần Thơ, Thông thạo nhiều loại đờn và nhiều bài bản đàn ca tài tử cũng như Cải lương, viết hàng chục bài ca cổ và đã được nhiều Đài PT - TH ở phía Nam dàn dựng với nhiều nghệ sĩ tên tuổi ca như Thanh Nhường, Huyền Trang, Bùi Trung Đẳng….có nhiều bài ca cổ về mùa xuân được công chúng mến mộ như Cô bán hoa Xuân, Tâm tình cô gái ngày Xuân…Vào một ngày Xuân từ năm 1965, Hồ Hải viết 3 lớp Nam ai nổi tiếng đến tận bây giờ mà ai ai cũng thuộc là < Trương Chi Mỵ Nương >, sau đó viết Tuồng cải lương < Ngọn cỏ gió đùa > phóng tác theo tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Gần đây, viết thành công Vở Cải lương < Nên hiểu điều hay > đã được Trung tâm THVN tại TPCT quay hình và phát sóng với những Nghệ sĩ nổi tiếng tại TPHCM thể hiện.
Bài và ảnh : Nguyễn Văn Bớt