VỀ DƯỚI MÁI NHÀ
Nhạc: Xuân Tiên
Lời cổ: Phạm Huỳnh Luân
Nhạc
Người ơi mau về đây, về bên bếp hồng tay cầm tay, cười lên chan chứa tươi làn môi, nhớ phút vui đêm này, về đây cho lòng say, tìm nhau mấy mùa hoa còn tươi, tìm khi nắng lên hay chiều rơi, ta nhắn nhau về đây. Nhà ai trong chiều nay, nữa đêm đốt hồng vai kề vai và nghe câu hát yêu đời ai, hát mãi sao không nguôi. Vì thương yêu đời nhau vì thương những chiều mưa về đâu, vì thương những người không tình yêu, nên nhớ đi tìm nhau.
Vọng Cổ
1. Đã mấy mươi năm tôi làm cánh chim bay phiêu bồng nơi viễn xứ; Lòng lại nao nao cứ mỗi độ đông… tàn. Sống trong gấm lụa phồn hoa nhớ lắm thuở cơ hàn… - Bên mái tranh quê bếp hồng sưởi ấm, tuyết phủ rơi đầy trắng xóa cả đêm đông. Nhớ thật nhiều những ánh mắt làn môi, tay ắp trong tay mình cười nói vui đùa. Nhớ ánh nắng chiều tưới xuống bờ đê, nhớ tiếng hát ê a ai cất lên bài vọng cổ.
Lý Cái Mơn
Chiều tàn buông – lòng nghe lạnh buốt
Nỗi nhớ quê hương đong đầy trong ánh mắt tôi
Nhớ Mẹ Cha nhớ bầy em nhỏ nhớ con đường làng
Làm tấm thân phiêu bồng lãng du
Xa cách cội nguồn xưa
Nơi xứ người khao khát một tình quê.
2. Thương lắm Cha tôi da mồi tóc bạc, rám nắng tay chai bởi sương gió phong trần…
Hình ảnh Mẹ tôi luôn khuya sớm tảo tần… Trên chuyến phi cơ con đợi từng giây từng phút, được quay trở về bên mái nhà xưa. Để xuân này hơn hẳn những xuân qua, vì cánh chim non đã quay về bên tổ ấm. Bỗng thấy trong con mùa đông không còn giá lạnh, mà phơn phớt nắng xuân về chan chứa vạn tình quê.
Nhạc
Ơi ! bếp hồng sưởi ấm bếp hồng tươi tiếng ca xa vời, hát mừng mừng lửa hồng tươi, hỡi nỗi lòng chan chứa, hỡi người ơi biết sao cho vừa tình thương của bếp hồng soi. Chiều nay mưa còn rơi, chiều nay bếp hồng đang còn say. Chiều nay vui sống trong tình yêu, nhớ phút vui không nguôi. Nào ai xa ngàn nơi, kìa bao mái nhà đang chờ ai, kìa bao bếp hồng đang còn tươi, thương nhớ lên đầy vơi.
Vọng Cổ
5. Dù ở nơi đâu cũng không bằng mái nhà xưa yêu dấu; Có lũy tre xanh hàng dừa soi nghiêng bóng trái bếp chiều quê tỏa khói hương … đồng. Giữ trọn tình quê như câu muối mặn gừng nồng… - Con trẻ trở về đây dưới mái nhà quen thuộc, tuy vách đất nền trần mà ấm áp tình quê. Ở xứ người cửa rộng nhà cao, dẫu niệm ấm chăn êm mà con nghe lạnh lùng chiếc bóng. Mỗi độ xuân sang lòng con lạnh buốt, suốt cả thời gian lòng nặng trĩu nhớ quê nhà.
Lý Chiều Chiều Huế
Lòng nghe rộn ràng – khó tả khôn nguôi khi về
Thấp thoáng xa đưa – như dáng hình của Mẹ hiền đứng chờ con về
Hàng tre đầu làng – xôn xao gió đưa dạt dào
Chim hót líu lo – đón khách đường xa trở về từ bao ngày dài.
6. Quê hương là con tim là nhịp thở, là mạch máu lưu thông nuôi con lớn thành người… (xề 24).
Nhạc
Chiều nay mưa còn rơi, chiều nay bếp hồng đang còn say. Chiều nay vui sống trong tình yêu, nhớ phút vui không nguôi. Nào ai xa ngàn nơi, kìa bao mái nhà đang chờ ai, kìa bao bếp hồng đang còn tươi, thương nhớ lên đầy vơi.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Phạm Huỳnh Luân với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 002- 2014/HĐTPSK - CLB, ký ngày 28/9/2014 giữa Tác giả Phạm Huỳnh Luân và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
--------
Tác giả Phạm Huỳnh Luân đến với cải lương và tập tành sáng tác từ những năm còn học cấp 3 đến nay đã hơn 20 bài vọng cổ, những sáng tác của anh luôn thấm đẩm tình người, tình yêu quê hương đất nước, sự cảm thông và sẻ chia với cuộc đời.
Có nhiều lúc Phạm Huỳnh Luân chia sẻ rằng: Vọng cổ như là gia vị để làm cuộc sống thêm đa đạng và thú vị hơn, được xem như là tiếng lòng để giải bày tâm sự, để tìm sự đồng cảm trong lúc rong ruổi một mình. Và anh cũng muốn dùng bài vọng cổ của mình để gửi gắm tâm tình đến bạn tri âm…