VỀ VỚI LÝ NGỰA Ô
Tân nhạc và Vọng cổ : Diệp Vàm Cỏ
NHẠC
Nam : Nầy ngựa ô, ngựa ô, ngựa ô anh khớp
Đưa í a đưa nàng mau gấp í dìa dinh
Ngựa ô đây là xe đạp cũ
Em có vui lòng theo anh về dinh không nhé!
Nữ : Nầy ngựa ô, ngựa ô, ngựa ô anh khớp
Đưa í a nhau về làm lễ trầu cau
Dìa dinh đây là dinh tre lá
Em chớ chê anh nghèo nghen em cho anh lại buồn hiu!
Nam : Nầy ngựa ô ô, anh hát lý ngựa ô ô
Ơi câu hát ngày xưa cho đôi lứa hẹn nhau
Nầy ngựa ô ô cho duyên chúng ta thêm bền lâu
Nầy ngựa ô ô cho duyên chúng ta thêm bền lâu.
VỌNG CỔ
1 – Nữ : Nè em biết rồi, nếu muốn có ngựa ô thì anh phải đi thuê đi mướn. Thôi thì hai đứa mình ngèo anh có rước em thì cứ rước bằng xe đạp, hay là tụi mình đi bộ cũng vui … rồi.
Nam : Ờ đành là vậy, nhưng anh cũng ngại thiên hạ họ chê cười.
Bởi em là cô thôn nữ nết na đằm thắm, giỏi giắn chuyên cần mà coi bộ thua chị kém em (-).
Nữ : Thôi đi anh ơi đâu phải xấu lá thì xấu nem, đời vinh nhục có khi vầy khi khác. Hạnh phúc cả đời chớ đâu chỉ có dịp nầy đâu, cái nghĩa cái tình mới là cao quí. (Chầu 4 nhịp rồi ca nhạc)
NHẠC
Nam : Nầy ngựa ô ô, anh hát lý ngựa ô ô
Ơi câu hát ngày xưa cho đôi lứa hẹn nhau
Nầy ngựa ô ô cho duyên chúng ta thêm bền lâu.
Nữ : Nầy ngựa ô ngựa ô ngựa ô anh khớp
Đưa í a đưa nàng mau gấp í dìa dinh
Ngựa ô đây là xe đạp cũ
Em đã vui lòng theo anh về dinh anh nhé!
Nam : Nào đạp cho nhanh, cùng ngồi bên anh
Trọn đời se tơ kết tóc
Rước em, em về với Lý ngựa ô ô
Rước em, em về với Lý ngựa ô ô.
VỌNG CỔ
5 – Nam : Em ơi người ta bảo “đại phú do thiên”, còn chuyên cần cũng có ngày trở thành giàu sang phú quí. Mà sao anh cứ nghĩ tới nghĩ lui thấy thiệt là vô lý. Vì cái nghẻo - cái ngheo - cái nghèo nó cứ do đẩu - do đâu, chớ anh biết chắc là nó hỏng phải do … mình.
Nữ : Mèn ởi - mèn ơi bữa nay chắc anh lo nói, chớ hỏng có lo nhìn.
Anh thấy chưa ?! có ai ngồi khổng - ngồi không rồi tự dưng mà có của, cái nghèo hỏng phải do mình chớ anh định đổ nó cho ai (-).
Nam : Chớ thiệt anh tức quá trời hà, hai đứa mình đứa nào cũng da rám tay chai, làm lụng đến nổi đầu bù tóc rối. Vậy mà có cái đám cưới lo còn hỏng nổi, phải đi rước dâu bằng chiếc xe đạp già.
6 – (Nói thơ Lục Vân Tiên)
Nam : Đạp xe mà hát Lý ngựa ô
Đàn trai, đàn gái tha hồ đùa vui
Nữ : Anh sui nhìn lén chị sui
Sợ họ hàng thấy, mới tức cười làm sao!
Nam : Anh sẽ về sửa lại mái nhà tranh, đắp cái lổ trổ đầu bờ cho em đi khỏi té.
Nữ : Còn em ráng vá lại cái áo dài của mẹ, để ngày rước dâu mặc làm lễ tơ hồng (-).
Nam : Ờ vậy đó mà đậm đà nhơn ngãi, anh được vợ, có con rồi thế nào cũng giàu sang nhờ chuyên cần tiện tặn.
Nữ : Nè, đến lúc đó vợ chồng mình sẽ thắng kiệu vàng sẽ tra khớp bạc, để cả nhà cùng đi với ngựa ô ./.
Tân An, ngày 06 / 6 / 2005
Diệp Vàm Cỏ tên thật là Bùi Văn Diệp, sinh năm 1958, quê quán xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Cư trú phường 2, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Hiện công tác tại Phòng Văn Nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An. Bắt đầu sáng tác thơ cho Tạp chí Văn Nghệ Long An từ năm 1982, rồi chuyển sang viết bài ca vọng cổ và kịch bản cải lương từ tháng 3 năm 1986. Đã viết cả trăm bài ca vọng cổ với các phong cách trữ tình, hài, dí dỏm... được Đài TNND TPHCM và các đài khác dàn dựng.
Một số bài nổi bật gồm: Em sẽ về đâu, Người tình cũ, Lý con sáo, Tình bậu muốn thôi, Đường về quê bác, Ký ức hoa đào, Kẹt tên, Ông già Đồng Tháp...
Ở thể loại kịch bản cải lương Diệp Vàm Cỏ đã có 03 kịch bản: Hồi xuân dược (Đoàn cải lương Long An dàn dựng năm 1993 và 2011; Đoàn cải lương Tây Ninh dàn dựng năm 1995; sau đó được Đài Truyền hình TP.HCM dàn dựng phát sóng, Mùa bông điên điển (Hãng phim Tây Đô – Đài Truyền hình Cần Thơ dàn dựng được Bằng khen tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2000), Mặt trời qua đêm (Viết về chuyện tình Nguyễn Đình Chiểu và Lê Thị Điền, Đài PT&TH Long An dàn dựng được Bằng khen tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2005). Ngoài ra còn có hàng chục kịch bản hài do Đài PT&TH Long An dàn dựng, phát sóng trên kênh LA34 và SCTV.
Đặc biệt khi sáng tác bài ca tân cổ giao duyên thì Diệp Vàm Cỏ tự viết phần nhạc như các bài: Tôi yêu màu nắng quê nhà, Thanh long mùa trái ngọt, Tnh bậu muốn thôi, Yêu em như thuở binh nhì, Về với lý ngựa ô...Là một tác giả sáng tác bài ca vọng cổ có tâm huyết nên anh đã chủ xướng thể loại ''Vọng cổ ba câu'' để phù hợp với yêu cầu thưởng thức của người nghe hiện nay, thể loại nấy đã được HTV giới thiệu, hiện nay anh đã có một số bài ca vọng cổ ba câu được phổ biển. Đặc biệt với chùm bài ca ''Tri âm... khúc'' tặng riêng NSUT Mỹ Châu đã được thu thanh, quay hình và phát sóng là loạt bài ca không lệ thuộc vào khuôn khổ 4 câu 1, 2 5, 6 như xưa nay mà Diệp Vàm Cỏ viết với hình thức 02 câu, 03 câu được gối bằng 100% bài bản cải lương (Ngoại trừ bài tân cổ giao duyên ''Tri âm viễn khúc'' do Diệp Vàm Cỏ tự viết phần nhạc) khá thành công. Diệp Vàm Cỏ quả có duyên sáng tác để riêng tặng giới nghệ sĩ cải lương với nhiều bài: 10 bài Tri âm (Tặng NSUT Mỹ Châu), Con sáo đồng bằng (Tặng NSUT Trọng Hữu), Bà chúa thơ nôm (Tặng NSUT Thanh Thanh Hiền), Nhớ một vì vua (Tặng Soạn giả Viễn Châu), Tâm sự ông Hoàng (Tặng Nghệ sĩ Tấn Tài), Đời Nghệ sĩ (Tặng Nghệ sĩ Vũ Linh Vương). DVC đã được tặng Huy chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2000.
Với bài ca vọng cổ, Diệp Vàm Cỏ đã có một số giải thưởng ở các tỉnh, đặc biệt trong đó có Giải nhì (Không giải nhất) cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ khu vực ĐBSCL lần I - tháng 9 năm 1992 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bài ''Lời ru'') và giải ba cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ khu vực ĐBSCL lần III - tháng 11 năm 2011 (Bài ''Thương về chợ nổi''). Nhân đây, Tạp chí Sân khấu TPHCM xin giới thiệu đến bạn đọc bài ca ''Thương về chợ nổi'' của tác giả Diệp Vàm Cỏ.