ĐÊM GÀNH HÀO NGHE ĐIỆU HOÀI LANG
* Nhạc: Vũ Đức Sao Biển
* Vọng cổ: Đặng Thanh Huyền
* Trình bày: Nghệ sỹ Hồng Phúc
Nhạc
Dưới trăng, dòng sông trôi rất dịu dàng
Như dải lụa vàng xuôi về phương Đông
Gành Hào ơi
Nửa đêm ai hát lên câu hoài lang
Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm
Xề u xế u liu phạn
Dây tơ đàn kìm buông thiết tha
Xề u xế u liu phạn
Đưa cung đàn về trên bến xa.
Vọng Cổ
Ai đã vẽ bức tranh quê đẹp dịu dàng thơ mộng. Gành Hào ơi có thấy chăng muôn ngàn con sóng giữa cõi lòng ta in bóng dưới... trăng… ngà.
Câu 1. Tuổi thanh xuân còn trên mặt nước la đà.
Quyện nhớ thương với sương mờ lãng đãng,
Để trăng chở về miền ký ức yêu thương.
Vạt rừng tràm như níu kéo, vấn vương,
Tiếng đờn kìm xề u xế u liu phạn.
Nỗi buồn nào nhuộm mái tóc pha sương,
Làm trăng quê hương những mảng màu loang lổ.
Nhạc
Đường dù xa ong bướm,
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
Đêm luống trông tin bạn,
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu.
Vọng phu vọng, luống trông tin chàng.
Câu 2. Giọng hát của ai giữa đêm trường nức nở, như nỗi sầu riêng muôn thuở kẻ quay về.
Trên bến sông quê còn in đậm lời thề.
Rừng đước mênh mông tháng năm dài chờ đợi,
Mãi xanh ngắt một màu son sắt thủy chung.
Nước xuôi dòng tím cả nhớ nhung,
Giữa Gành Hào chở trăng khuya hờn tủi.
Ánh mắt luyến lưu lời ngọt ngào đêm cuối,
In bóng dưới sông buồn soi lấp lánh một miền quê.
Nhạc
Lời ai ca, dưới ánh trăng này.
Rừng đước mênh mông, đêm Gành Hào chợt thương nhớ ai
Ngày ấy ra đi, con sông buồn tím một dòng trôi.
Bạc Liêu ơi, có nhớ chăng người.
Thuở ấy thanh xuân, trăng Gành Hào tròn như chiếc gương
Giờ tóc pha sương, qua Gành Hào tiếc một vầng trăng.
Lý Con Sáo
Trăng đêm nay
Soi giọt lệ sầu tuôn rơi
Bao nỗi niềm chơi vơi
Mái tóc xanh thuở ấy bên người
Nước sông trôi quyến luyến nụ cười
Ai đi rồi miền quê ngóng trông
Nghe câu ca bỗng nhớ thương trào dâng
Trăng Gành Hào tròn như chiếc gương
Để cho ta thêm tiếc thương một vầng trăng.
Vọng Cổ
Nhớ ngày ấy ra đi trăng nghẹn ngào, bịn rịn. Như đồng cảm xớt chia, thẫn thờ soi nỗi niềm sâu kín kẻ sắp ly hương buồn trĩu nặng... trong… lòng.
Câu 5. Tím một dòng trôi hay nhuộm tím phận má hồng.
Khi nước sông quê hòa chung giọt lệ,
Thành biển Gành Hào có vị mặn cuộc đời em.
Ánh trăng ngà thuở ấy chắc đã luốc lem,
Nên đường về chỉ nhá nhem lạnh lẽo.
Bạc Liêu ơi! Ai đi tìm ai trên muôn vạn nẻo,
Sâu kín niềm riêng chạm nỗi nhớ đêm nào.
Lưu Thủy Hành Vân
1. Sương xuống lạnh lòng dâng bao nhớ thương
Chờ đợi anh đêm trường
Trăng khuya soi ánh mắt ai nghẹn ngào năm xưa
Sầu lệ như suối tuôn trên nguồn.
2. Bao ước hẹn ngày xưa nay vỡ tan
Còn nặng mang trong lòng
Trăng quê hương, lấp lánh nghiêng soi rạng ngời yêu thương
Dù ngàn năm vẫn khắc sâu ân tình.
Về vọng cổ
Câu 6. Em sẽ hát cho anh nghe bài Hoài Lang Dạ Cổ, cũng dưới trăng khuya nức nở đêm này.
Gành Hào nghe điệu Hoài Lang
Đêm khuya mái tóc vướng màng sương giăng
Tiếc hoài thuở ấy vầng trăng
In soi bóng nước mãi hằn trong tim./.
Long Xuyên, ngày 17 tháng 6 năm 2015.
_______________________________________
(* Bài tân cổ giao duyên được phát thanh trên Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tháng 7/2015)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---