HÀNH TRÌNH TRÊN ĐẤT PHÙ SA
Nhạc: Thanh Sơn
Vọng cổ: Đặng Thanh Huyền
Nhạc
Chim tung bay hót vang trong bình minh,
chân cô đơn, áo phong sương hành trình.
Từ Long An, Mộc Hóa, Mỹ Tho, xuôi về Gò Công, Tiền Giang
ngút ngàn như một tấm thảm lúa vàng.
Thương em tôi áo đơn sơ bà ba,
trên lưng trâu nước da nâu mặn mà.
Hò hò ơi! Cây lúa tốt tươi thêm mùi phù sa,
đẹp duyên Tháp Mười, quên đời tảo tần vui cười.
Quýt Cái Bè nổi tiếng ngọt ngây, ai ăn rồi nhớ mãi miền Tây.
Ngồ ngộ ghê, gái miền Tây má hây hây,
với các cô đời bao thế hệ.
Phù sa ơi đậm tình hương quê.
Hò Miền Nam
Hò hớ…
Đèn nào sáng cho bằng đèn Sa Đéc
Gái nào đẹp cho bằng gái miền Tây
Dịu dàng ăn nói thẳng ngay
Ai thương thì hãy… hò hớ…
Ai thương thì hãy về đây em chờ.
Vọng Cổ
Ơi thương lắm hạt phù sa đã cần mẫn bao đời đấp bồi cho rạng ngời xứ sở. Để đồng lúa mãi tốt tươi, vườn cây luôn sai quằn trĩu quả và tô điểm nét đẹp duyên em thêm má đỏ... môi… hồng.
Câu 1. Chiếc áo bà ba giọt nắng rọi trên đồng.
Ngỡ ánh mắt ai lén nhìn ai say đắm,
Cho lũ chim cười trêu chọc hót líu lo.
Anh về Gò Công hay Mộc Hóa, Mỹ Tho,
Nếu ghé Tháp Mười nhớ ngắm giùm em vàng bông điên điển.
Quýt Cái Bè nổi tiếng ngọt ngây,
Tựa tấm lòng em người miền Tây chất phác.
Lý Cái Mơn
Về miền Tây lòng say ngây ngất
Bảy Núi – An Giang, trên dòng sông Hậu - Cần Thơ
Nghe hát ca bài vọng cổ chứa chan ngọt ngào
Kìa Vĩnh Long đón chào khách xa
Nhớ nhé anh ghé Trà Vinh
Sóc Trăng chờ diễn xem mấy vở dù kê.
Câu 2. Anh đến Long Xuyên thương về Tịnh Biên mùa nước nổi, đã chở nặng phù sa tắm gội vạn ân tình.
Tia nắng xuyên qua vòm lá cảnh thanh bình.
Đêm Cần Thơ thuyền bồng bềnh trên sông Hậu,
Nghe bài vọng cổ ngọt ngào da diết nhịp song lang .
Bến Ninh Kiều như nàng thiếu nữ đoan trang,
Làm cho ai xuyến xao nặng tình con sóng vỗ.
Về Tây Đô giữa mùa hoa yêu thương nở rộ,
Anh có nghe hương nồng nàn lan tỏa giữa hồn tim.
Lý Tòng Quân
1. Miền Tây chờ miền Tây chờ đợi anh
Xứ Bến Tre ngát thơm hương dừa
Cà Mau kia rừng xanh ngời bát ngát
Đồng Tháp hoa sen điểm tô tỏa rạng
Ta về Kiên Giang nghe biển chiều sóng đêm.
2. Ôi nỗi lòng bao dâng trào yêu thương
Ghé nơi đâu cũng say thẫn thờ
Bạc Liêu cung đàn trỗi tiếng lời thiết tha
Về đất Hậu Giang, đây khóm thơm ngon ngọt
Luôn thắm tình quê hương như tấm lòng em đây.
Về Vọng Cổ
Câu 6. Về đất Tân Châu vào một chiều lộng gió, em mặc chiếc áo bà ba quê lụa đẹp dịu dàng.
Lô nhô mái lá trên đồng
Thương mùa nước nổi nặng dòng phù sa
Chở về tưới tắm quê ta
Tô hồng mảnh đất hiền hòa trời Nam.
Nhạc
Qua Long Xuyên đến Vĩnh Long, Trà Vinh,
sông quê tôi thắm trong tim đậm tình.
Phù sa ơi! ngây ngất bước chân, tôi về không nỡ
ở cũng chẳng đành, quê miền đất ngọt an lành.
Quê hương tôi vẫn bên sông Cửu Long,
dân quê tôi sống quanh năm bên ruộng đồng.
Từ ngàn xưa, cây lúa đã nuôi dân mình no ấm,
phù sa mát ngọt như dòng sữa mẹ muôn đời.
Đêm trăng thanh chiếu trên sông Cần Thơ,
vang xa xa thoáng câu ca hò lờ.
Về Tây Đô nhớ ghé Sóc Trăng nghe điệu lâm thôn,
dù kê hát mình nhưng tình cảm gần như mình.
Nắng sớm về trái chín thật mau,
cơn mưa chiều tưới mát ruộng sâu.
Phù sa ơi! bốn mùa cây trái đơm bông,
gái bên trai tình quê thắm nồng.
Điệu dân ca ngọt ngào mênh mông.
Sông quê ơi nắng mưa bao ngàn xưa,
tôi không quên lũy tre xanh hàng dừa.
Về Bạc Liêu nghe hát cải lương, rao đờn vọng cổ,
Cà Mau cuối nẻo đôi lời gửi lại chữ tình./.
______________________________________
Long Xuyên, ngày 13 tháng 7 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---