BÀI CA MAY ÁO
Nhạc: Xuân Hồng
Lời cổ: Phạm Huỳnh Luân
Nhạc
Nữ: Chiến sĩ ta dầm mưa dãi nắng, mưa rét run người nắng sẫm màu da. Nam: Tấm vải ta làm ra mảnh áo, là chiến sĩ quyết tâm đi diệt thù. Nữ: Anh hăng hái ngoài nơi tiền tuyến, em hứa quyết tâm nguyện hiến sức mình. Ớ nhanh tay lên nào anh chị em ơi, ớ nhanh tay lên nào anh chị em ơi.
Nam: Máy may nhanh rừng xanh vọng tiếng, chí căm thù ta biến thành tơ. Tiếng súng xa hòa theo nhịp máy, hòa tiếng máy chúng ta diệt thù. Nữ: Ta may áo này sao cho khéo, cho chiến sĩ ta vừa ý đẹp lòng. Ớ nhanh tay lên nào anh chị em ơi, ớ nhanh tay lên nào anh chị em ơi.
Vọng Cổ
Nữ: Chiếc áo em may gửi đến các anh từng sợi thương sợi nhớ; Nơi chiến trường xa anh hãy yên lòng lo việc nước vì miền hậu phương đã có em rồi…
1. Súng vắt trên vai các anh đi diệt quân thù … Nam: Lòng hăng hái mong đợi ngày chiến thắng, để mai này tiền tuyến nối hậu phương. Nữ: Giữa núi rừng trời đổi nắng thay mưa, mảnh áo em may các anh hãy mặc vào. Dù bất cứ nơi nào anh cũng nhớ về em, người em gái hậu phương mong chờ tin chiến thắng.
2. Nam: Ở nơi đây rừng Trường Sơn trời lập đông rét lạnh, khoác áo người thương anh nghe như được sưởi ấm bên bếp than hồng … Nhớ ánh mắt làn môi nhớ cả nụ cười … Nữ: Tiếng máy em may cả rừng xanh vang vọng, đem ý chí căm thù em dệt thành tơ. Nam: Để tiếng súng này hòa nguyện với nhịp máy em may, hòa trong tiếng đoàn quân réo gọi. Nữ: Xẻ dọc Trường Sơn anh lên đường chiến đấu, mà nghe trong lòng phơi phới dậy niềm tin.
Nhạc
Nữ: Áo may xong mùa đông đã đến, gửi chút tình thương mến về anh. Áo xếp nhanh chờ anh giải phóng, lòng vui sướng sướng vui dạt dào. Hôm nay áo nằm trong tay ta, mai áo sẽ ra ngoài chốn chiến trường. Ớ nhanh tay lên nào anh chị em ơi, ớ nhanh tay lên nào anh chị em ơi!
Vọng cổ
Nam: Cầm áo trên tay anh thấy hơi ấm tình thương của em đan vào trong từng sợi tơ mối chỉ; Khoác áo em may anh ngày đêm không ngừng nghỉ chiến đấu vì Trường Sơn mạch máu quê nhà …
5. Dẫu biết phương xa em đang chờ đợi tin người … Nữ: Áo may xong mùa đông đã đến, gửi chút ân tình thương mến về anh. Nam: Anh vẫn từng giờ từng phút nghĩ về em, và tấm áo em may trở thành người bạn tình tri kỉ. Áo mãi cùng anh tháng năm dài bền bỉ, dãi nắng dầm mưa nào gại giặc thù.
Lý Cái Mơn
Nữ: Miền hậu phương … chờ tin chiến thắng
Áo mới em may, tặng người trai trẻ quê hương
Áo xếp nhanh chờ giải phóng, nước non thanh bình.
Nam: Ngày mai đây anh về thăm em
Áo năm xưa nay sờn vai
Nhưng ân tình luôn giữ thủy chung.
6. Nữ: Ớ này chị em ơi ta nhanh tay dệt vải, mai áo sẽ ra thăm các anh tận chốn sa trường … (xề 24)
Nam: Cầm áo trên tay anh nghe hương thơm mùi chỉ mới, và nguyện một chút tình của người em gái hậu phương. Nữ: Áo này em gửi người thương, mong ngày giải phóng nối liền Trường Sơn.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Phạm Huỳnh Luân với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 002- 2014/HĐTPSK - CLB, ký ngày 28/9/2014 giữa Tác giả Phạm Huỳnh Luân và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
--------
Tác giả Phạm Huỳnh Luân đến với cải lương và tập tành sáng tác từ những năm còn học cấp 3 đến nay đã hơn 20 bài vọng cổ, những sáng tác của anh luôn thấm đẩm tình người, tình yêu quê hương đất nước, sự cảm thông và sẻ chia với cuộc đời.
Có nhiều lúc Phạm Huỳnh Luân chia sẻ rằng: Vọng cổ như là gia vị để làm cuộc sống thêm đa đạng và thú vị hơn, được xem như là tiếng lòng để giải bày tâm sự, để tìm sự đồng cảm trong lúc rong ruổi một mình. Và anh cũng muốn dùng bài vọng cổ của mình để gửi gắm tâm tình đến bạn tri âm…