CÁI LU CỦA NỘI
Trần Ngọc Hoà
NÓI LỐI:
Thằng Lượm ngồi vẽ rất say mê
Nó vẽ bức tranh quê có hàng lu và một cụ bà tóc màu bông tràm trắng
Đang vẽ một cánh tay phủ những cụm cỏ gà lên nắp
Mắt nó bỗng ướt mèm nhoè cả bức tranh.
VỌNG CỔ
Mỗi lần có ai đó hỏi, sao cháu lại hay thích vẽ những cái lu? y như rằng sau ít phút trầm tư là câu chuyện kể hoài không muốn dứt. Lần nào kể trong mắt nó cũng là một bầu trời với những đám mây sũng nước, báo hiệu một cơn mưa mùa hạ sắp rơi . . .
Câu 1 . . . buồn.
Nó ngâm những câu thơ nội nó hay ngâm khi la lả cánh chuồn.
(Ngâm hơi LVT)
Cái thời lu chẳng để hiên
Lu âm trong lòng đất, lu khát thèm giọt mưa (-)
Rồi mỗi khi trở trời, bấc lọt liếp phên thưa, vết thương của dùi cui tra tấn lại hoành hành.
Nội chạy ra ngoài dở mấy nắp lu, cơm nước đưa vô rồi nói là ngồi canh lính.
VĨ TRĂNG THU
Ngày mưa xúc gạo trong bồ
Ngồi sân phơi rồi ngóng đợi
Ngày hong rát rạt da người
Chạy vô gom thùng lấy chậu
Ra hiên nhà - ngồi hứng mưa
Vừa hứng vừa - ngâm khúc xưa.
(về vọng cổ câu 2)
Giọng ngâm gì mà nghe rát ruột rát gan
Mỗi lần nội ngâm là tía má nó đều rưng mắt.
(ngâm hơi lục vân tiên)
"Cái thời ơi hỡi cái thời
Lu không đựng nước mà đựng người hỏi đau chưa?."(dứt câu 2)
CHIÊU QUÂN
Lu bây giờ - bên hiên đợi
Giọt ngọc trời - tuôn mát rượi
Mà nội sao vẫn đợi
Một người đi giữ nước chưa về
Lúc khờ khờ lúc lại tỉnh queo
Xuân về bầu trời én liệng
Nội nói trực thăng chứ đâu phải chim trời.
VỌNG CỔ
Câu 5. Lâu lâu có các cụ già từ miền Trung Miền Bắc. Họ ghé nhà thăm ôm cháu ôm bà rồi ôm lu mà đỏ mắt, môi mấp máy chẳng thành câu mà nước mắt rịn trong . . .
. . . lòng.
Cái lu với nó giờ đây quý giá vô cùng.
Các cụ nói nội nó hứng trên người bao vết trận
để cho nhiều người thân thể được vẹn nguyên (-)
Cho đất nước này mãi mãi bình yên
Nam Bắc đoàn viên non sông liền lạc.
Chiếc lu xưa nội âm trong lòng đất
che chở những người con giữ nước giữ quê nhà.
LÝ NĂM CĂN
Trời thu mưa ướt mèm trưa
Còn ai ngâm khúc ru xưa
Nước mắt nó tuôn theo mưa
Nội đi gió mây nấc nghẹn
Hàng me mắt lá vàng hoe
Bầy chim ngưng hót ngọn tre
Hoa muống triền đê
Tím ngắt đường về.
(về xề câu 6)
Nó vẽ một hàng lu và cụ bà tóc trắng
Khệ nệ tay bưng mấy cụm cỏ gà.
Tía nó nói đây là gia tài của nội là của để dành
gia tài là lòng yêu nước hy sinh không nệ
Cháu con uống giọt ngọt lành
Sống trong khung cảnh thanh bình chớ quên.
Tác giả Trần Ngọc Hoà, bút danh Hoa Hồng, sinh năm 1967 tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Với niềm đam mê sâu sắc dành cho văn chương và nghệ thuật, tác giả đã vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để xây dựng một sự nghiệp sáng tác ấn tượng, đậm chất mộc mạc và giàu cảm xúc.
Hành trình sáng tác
Từ năm 1984 đến 1989, khi công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, tác giả đã tạo dấu ấn mạnh mẽ qua 3 bài vọng cổ và 1 kịch bản, tất cả đều đạt giải Nhất tại các cuộc thi văn nghệ quần chúng cấp tỉnh. Ngoài ra, tác giả còn tham gia thi diễn nhiều bộ môn nghệ thuật như ca nhạc, ca cổ, kịch, múa, thông tin cổ động và ca khúc chính trị, đạt được nhiều giải thưởng giá trị.
Từ năm 1989 đến 2009, tác giả tạm dừng hoạt động nghệ thuật để tập trung vào công việc kinh doanh. Đến năm 2010, tác giả chính thức quay trở lại với niềm đam mê sáng tác và không ngừng cống hiến cho văn học nghệ thuật đến ngày nay.
Những tác phẩm từ “ồn ào phố chợ”
Là một tiểu thương kinh doanh mỹ phẩm và thời trang, tác giả sáng tác trong những khoảng thời gian ngắn ngủi giữa chốn phố chợ ồn ào. Những bài thơ, bài ca vọng cổ, hay kịch bản cải lương được tác giả viết nhanh trên chiếc điện thoại di động, trong những buổi trưa yên tĩnh hoặc khi chưa có khách.
Nguồn cảm hứng của tác giả thường đến từ các câu chuyện đời thường, những ký ức chiến trường qua lời kể của cựu chiến binh, hay những cảm xúc chợt đến từ sự giao thoa giữa cuộc sống và con người. Những câu chuyện, cảm xúc ấy được ghi lại bằng thơ, bài ca vọng cổ, truyện ngắn, tản văn, chặp cải lương… Cánh đồng văn chương của tác giả được gieo mầm từ cảm xúc mộc mạc, đời thường nhưng đầy sức sống, gần gũi với độc giả và khán thính giả, mang về nhiều thành công vang dội.
Tác giả tự nhận xét về mình:
“Thơ người tít tít đỉnh cao
Thơ ta vẫn cứ mần trầu cỏ tranh.”
Với sự giản dị và chân thành, các sáng tác của tác giả đã giành được nhiều giải thưởng và được đăng tải trên báo, tạp chí, cũng như phát sóng trên các đài truyền hình như THVL, HTV, VTCN. Tác giả còn được báo chí ưu ái gọi với những cái tên gần gũi như “Thi nhân miền biên thùy” hay “Hồn thơ giữa ồn ào phố chợ”.
107 giải thưởng và hành trình đến chiếc huy chương vàng
Kể từ ngày 13/2/2014, tác giả bắt đầu tham gia các cuộc thi sáng tác với mục tiêu dùng giải thưởng để mua sách vở cho học sinh nghèo hoặc hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Tác phẩm đầu tiên, Chiếc cầu mơ ước, đạt giải Nhất tỉnh Kiên Giang năm 2014, đánh dấu bước khởi đầu cho hàng loạt giải thưởng khác.
Tính đến nay, tác giả đã đạt tổng cộng 107 giải thưởng, bao gồm:
- 1 Huy chương vàng cho bài thơ Trăng tình (giải tự biên tự diễn).
- Tập thơ Đỏ miền ký ức nhận giải B từ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2017.
- 20 giải Nhất tại các cuộc thi cấp tỉnh, thành phố (bài ca cổ, thơ, kịch, bút ký).
- 23 giải Nhì và 24 giải Ba trong các thể loại thơ, bài ca cổ, truyện ngắn, chặp cải lương.
- 38 giải Khuyến khích.
Hiện nay, tác giả là Hội viên Hội Nghệ sĩ Việt Nam và Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang.
Với tấm lòng mộc mạc, tác giả chia sẻ:
“Xin về làm khóm lục bình
Vừa trôi vừa nở hết mình với quê.”
Tác giả luôn mong nhận được sự đón nhận và đóng góp chân tình từ bạn đọc, khán thính giả, những người yêu mến nghệ thuật và văn chương.