ÁO CƯỚI MÀU HOA Ô MÔI
Trần Ngọc Hoà
Lối vào phụng hoàng (8 câu)
Anh miết nụ hôn lên cánh hoa để mọng hồng môi chị
Bảo rằng chị như hoa ô môi dịu dàng thuỳ mị
Đồng nội chân . . .
PHỤNG HOÀNG
. . . quê.
Hoa cười lung linh trong nắng
Buông sắc hồng giữa tình xuân sâu lắng
Phơn phớt giữa mây trời, để tuyệt vời một góc quê hương
Rồi để nhớ để thương
Rồi vấn vương mỗi độ xuân về
Hé môi xinh hoa bung tình rộ nở
Hương sắc mặn mòi, để anh mê rồi nét mộc mạc chân quê
Chiến tranh dài lê thê
Tiếp bước cha ông anh lại lên đường
Truyền thống quê hương buất khuất quật cường
Áo màu hoa quê, chị chưa một lần được mặc
Áo mẹ chồng cho ngày coi mắt nàng dâu
Chị ở lại với sông với màu hoa nở muộn
Với một tình yêu chung thủy mặn nồng
Với bờ quê cõng nhớ đến lưng còng.
VỌNG CỔ
Câu 1. Rồi chị xếp vào thơ những ký tự trộn sắc màu, hoa ô môi - mối tình đầu và người chồng chưa cưới. Chưa có lễ đón dâu mà người đã về bên xóm dưới làm dâu bốn mươi mấy năm . . .
. . . rồi.
Người ra đi biền biệt phương trời.
Góc bếp cây rơm luống cà búi tóc, chỗ nào chị cũng giúi nhớ giúi thương.
Tiếp tế giao liên đồng áng ruộng nương, đôi vai chai vì bởi gánh gồng
Chăm mẹ cho chồng đi đánh giặc miền xa, bao bôn ba hằn trên đuôi mắt.
NGÂM DẶM
Hoà bình không thấy anh về
Trên đôi mắt mẹ đau bề bộn phơi
Lệ thương tràn ướt mi rồi
Chị ngồi ôm đoá ô môi ru buồn.
Câu 2. Dòng đa đoan cứ chảy tràn trên tóc rối, chưa một lần gối chăn mà tiếng đã có chồng.
Mơ một cái gối tay để da diết trong lòng.
Đời mẹ cũng như chị chờ chồng trong mòn mỏi, cha không về để mẹ thui thủi mình ên (-)
Sóng lúa Gò Quao ru nỗi nhớ dày thêm, sông Cái Lớn chở tình xuôi Rạch Giá.
Ngoài kia thu nhớ ai để giọt buồn ướt lá, trong này chị nhớ chồng lệ lả chả tràn mi.
LÝ SON SẮT
Anh đã đi xa rồi
Dâng hiến dâng cuộc đời
Đổi thanh bình tự do
Hạnh phúc và ấm no
Thương nhớ bao năm rồi
Mẹ già quê mắt nhăn da mồi
Bao biết bao năm trời
Mồ không tên biết anh nằm đâu
Đôi mắt ai hoen nhầu
Mà ô môi vẫn bung hoa chờ nhau.
VỌNG CỔ
Câu 5. Đêm thao thức nhớ chao dao chị tung cửa lội ào qua con rạch. Đồng trống quạnh hiu chỉ có vạc sành chẫu chàng nhái ếch nỉ non tấu khúc nhớ thương . . .
.. . chồng. Gió rít bờ ao để khao khát căng phồng.
Hoa ô môi vẫn hồng áo cưới vẫn hồng trong nỗi nhớ, còn môi người đã bợt bạt với thời gian (-)
Đêm hồi xuân khao khát chảy tràn, chị níu ngực gầy tự miết môi mình vuốt ve tình chung thủy.
Để chiếu chăn cũng say bí tỉ, chị thiếp đi trong giấc ngủ mệt nhoài.
LÝ MỸ TRÀ
Nhớ thương sao - cứ xô chen về nơi mái nhà
Nồng nàn dâng, tràn trong tim người con gái chung tình
Chảy trong người, vợ xa chồng, mẹ xa con
Nhớ cứ luôn tìm tới, những ngôi nhà ấy
Những ngôi nhà, thiếu đôi tay đàn ông.
(Trở về vọng cổ câu 6)
Chỉ có sức chịu đựng và một trái tim ấm nóng
Đập nhịp quê hương đất nước tình người.
Bao năm chung thủy mặn nồng
Ô môi vẫn một sắc hồng anh yêu
Hoa nghiêng về phía ráng chiều
Nơi có rất nhiều những ngôi mộ không tên.
Tác giả Trần Ngọc Hoà, bút danh Hoa Hồng, sinh năm 1967 tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Với niềm đam mê sâu sắc dành cho văn chương và nghệ thuật, tác giả đã vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để xây dựng một sự nghiệp sáng tác ấn tượng, đậm chất mộc mạc và giàu cảm xúc.
Hành trình sáng tác
Từ năm 1984 đến 1989, khi công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, tác giả đã tạo dấu ấn mạnh mẽ qua 3 bài vọng cổ và 1 kịch bản, tất cả đều đạt giải Nhất tại các cuộc thi văn nghệ quần chúng cấp tỉnh. Ngoài ra, tác giả còn tham gia thi diễn nhiều bộ môn nghệ thuật như ca nhạc, ca cổ, kịch, múa, thông tin cổ động và ca khúc chính trị, đạt được nhiều giải thưởng giá trị.
Từ năm 1989 đến 2009, tác giả tạm dừng hoạt động nghệ thuật để tập trung vào công việc kinh doanh. Đến năm 2010, tác giả chính thức quay trở lại với niềm đam mê sáng tác và không ngừng cống hiến cho văn học nghệ thuật đến ngày nay.
Những tác phẩm từ “ồn ào phố chợ”
Là một tiểu thương kinh doanh mỹ phẩm và thời trang, tác giả sáng tác trong những khoảng thời gian ngắn ngủi giữa chốn phố chợ ồn ào. Những bài thơ, bài ca vọng cổ, hay kịch bản cải lương được tác giả viết nhanh trên chiếc điện thoại di động, trong những buổi trưa yên tĩnh hoặc khi chưa có khách.
Nguồn cảm hứng của tác giả thường đến từ các câu chuyện đời thường, những ký ức chiến trường qua lời kể của cựu chiến binh, hay những cảm xúc chợt đến từ sự giao thoa giữa cuộc sống và con người. Những câu chuyện, cảm xúc ấy được ghi lại bằng thơ, bài ca vọng cổ, truyện ngắn, tản văn, chặp cải lương… Cánh đồng văn chương của tác giả được gieo mầm từ cảm xúc mộc mạc, đời thường nhưng đầy sức sống, gần gũi với độc giả và khán thính giả, mang về nhiều thành công vang dội.
Tác giả tự nhận xét về mình:
“Thơ người tít tít đỉnh cao
Thơ ta vẫn cứ mần trầu cỏ tranh.”
Với sự giản dị và chân thành, các sáng tác của tác giả đã giành được nhiều giải thưởng và được đăng tải trên báo, tạp chí, cũng như phát sóng trên các đài truyền hình như THVL, HTV, VTCN. Tác giả còn được báo chí ưu ái gọi với những cái tên gần gũi như “Thi nhân miền biên thùy” hay “Hồn thơ giữa ồn ào phố chợ”.
107 giải thưởng và hành trình đến chiếc huy chương vàng
Kể từ ngày 13/2/2014, tác giả bắt đầu tham gia các cuộc thi sáng tác với mục tiêu dùng giải thưởng để mua sách vở cho học sinh nghèo hoặc hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Tác phẩm đầu tiên, Chiếc cầu mơ ước, đạt giải Nhất tỉnh Kiên Giang năm 2014, đánh dấu bước khởi đầu cho hàng loạt giải thưởng khác.
Tính đến nay, tác giả đã đạt tổng cộng 107 giải thưởng, bao gồm:
- 1 Huy chương vàng cho bài thơ Trăng tình (giải tự biên tự diễn).
- Tập thơ Đỏ miền ký ức nhận giải B từ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2017.
- 20 giải Nhất tại các cuộc thi cấp tỉnh, thành phố (bài ca cổ, thơ, kịch, bút ký).
- 23 giải Nhì và 24 giải Ba trong các thể loại thơ, bài ca cổ, truyện ngắn, chặp cải lương.
- 38 giải Khuyến khích.
Hiện nay, tác giả là Hội viên Hội Nghệ sĩ Việt Nam và Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang.
Với tấm lòng mộc mạc, tác giả chia sẻ:
“Xin về làm khóm lục bình
Vừa trôi vừa nở hết mình với quê.”
Tác giả luôn mong nhận được sự đón nhận và đóng góp chân tình từ bạn đọc, khán thính giả, những người yêu mến nghệ thuật và văn chương.