NGƯỜI VẼ BỨC TRANH NHÂN ÁI CHO QUÊ HƯƠNG
Đặng Thanh Huyền
Nói lối:
Ông không phải là một họa sỹ tài hoa,
Nhưng đã vẽ bức tranh quê nhà tươi thắm,
Vì Ông vẽ bằng nhân ái mênh mông, bằng trái tim đỏ thẳm,
Nên muôn thuở in hằn tình sâu đậm giữa lòng dân…
Đoản khúc lam giang:
Nhìn lặng nhìn quê hương,
Như bức tranh vương ngàn thương thắm xinh,
Vì trên khắp nơi Thanh Bình,
Luôn khắc ghi tình Ông Huỳnh Văn Bé.
Bầu trời hồng bao la,
Soi nắng soi chan hòa bức tranh,
Cho an lành ấm no Thanh Bình ta,
Ông vẽ bao năm dài, quê nhà đổi thay phồn vinh.
Đồng bào càng tin yêu,
Thương mến biết bao nhiêu,
Ai cũng quý Ông Ba nhiều, ngàn điều ơn trao,
Trong bức tranh thanh cao - Huỳnh Văn Bé như vì sao,
Soi sáng ngời và trao nghĩa tình,
Trên xứ mình bà con nhắc hoài.
Ấp ủ trong tim tháng ngày dài,
Phồn vinh tươi thắm tương lai, là Ông Huỳnh Văn Bé,
Vẽ tranh quê bằng nhân nghĩa và điều ơn,
Tiếng tăm muôn đời sáng ngời nào hơn, là tên tuổi của Ông Ba…
Vọng cổ:
1. Xưa tục ngữ có câu “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Có nghĩa là khi hùm chết đi, dẫu xương thịt có rã rời thì bộ da quý giá kia đến ngàn sau vẫn còn để lại. Cũng như con người một khi đã thác đi, thì tiếng thơm sẽ đời đời còn mãi, tựa hình ảnh cao quý của Doanh nhân giàu lòng bác ái… đất… Sen … Hồng...
Người mà đã vẽ bức tranh nhân ái cho quê hương bằng trọn cả tấm lòng... Để ai về xứ Sen Hồng đất Tháp, cũng nghe tim mình ấm áp yêu thương. Không biết tự bao giờ họ trìu mến vấn vương, gọi Đồng Tháp là quê hương nhân ái. Họ gọi từ ngày thấy lộng lẫy bức tranh, vẽ no ấm an lành của Doanh nhân Huỳnh Văn Bé…
Vọng cổ:
Ông Huỳnh Văn Bé vẽ tranh,
Bằng lòng bác ái, bằng chân thành nghĩa nhân.
Để dành trao tặng cho dân,
Niềm vui hạnh phúc, mà chẳng cần trả ơn…
2 Vẫn biết vạn vật thế gian đều có sanh có tử, nhưng đâu phải ai cũng nghĩa cử chân thành...
Giống như Ông Ba Bé xứ Sen thích làm việc thiện lành... Vì Ông tâm niệm ai rồi cũng về cát bụi, khi đó thì danh vọng bạc tiền có giữ được đâu. Cho nên tôi đã thuộc nằm lòng mãi câu: “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”. Và vững tin rằng việc Ông Ba làm thiện nguyện, sẽ sống mãi trong lòng triệu triệu người dân…
Lý qua cầu:
Người dân… luôn nhớ ơn muôn đời,
Ân tình Ông Ba Bé trao niềm vui, hạnh phúc bao la,
Rạng ngời quê ta, Thanh Bình nay bức tranh lụa là,
Vì Ông đã vẽ khắp nơi đời dân no ấm,
Ai cũng đều khen miền Sen, khen nhất là Ông… người vẽ… nụ cười…
Vọng cổ:
5. Là những nụ cười xinh tươi luôn nở trên môi người dân nghèo Đồng Tháp, nhờ nét vẽ nghĩa nhân ấm áp của một “Vì Vua” trên đất… Tháp… Thanh… Bình...
Mà ai cũng gọi đó là bức tranh đẹp nhất giữa lòng mình... Dù Ông không vẽ bằng sự tài hoa của người họa sỹ, nhưng Ông đã vẽ bằng sự tận tụy nghĩa nhân. Bức tranh quê này Ông dành tặng cho dân, và được người dân khen là bức tranh đẹp nhất. Vì bức tranh nhân ái cho quê hương là có thật, sống mãi giữa lòng dân không mất bao giờ…
6. Ôi một bức tranh đẹp đến bất ngờ, khi tôi nghe ai đó gọi quê mình là quê hương nhân ái. Thương quá người vẽ bức tranh đẹp rạng ngời sống mãi, dẫu trải bao đời cũng còn lại tiếng lưu danh. Tôi đứng ngắm nhìn say đắm bức tranh, vẽ hạnh phúc niềm vui của bà con nghèo Đồng Tháp. Xin cảm ơn Ông Ba đã trao niềm tin ấm áp, cho tất cả người dân hoạn nạn đất Sen Hồng.
Tình Ông Huỳnh Văn Bé dào dạt mênh mông,
Đã vẽ bức tranh nhân ái tươi hồng cho quê hương.
Để ai về cũng đều thấy mến thương,
Gọi quê hương Đồng Tháp là quê hương tình người./.
Long Xuyên, ngày 07 tháng 10 năm 2024.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---