TRĂM NĂM MỚI CÓ MỘT NGƯỜI NHƯ ÔNG
Đặng Thanh Huyền
Lối vào Nam ai (08 câu đầu):
Hỏi thế gian có ai sống mãi,
Lúc thác rồi để lại tiếng thơm?
Mấy người sẻ áo nhường cơm,
Với phận đời nghèo khổ tủi hờn đắng… cay,
Ai biết được ngày mai ta mất hay còn,
Để làm tròn nhân sinh,
Nhưng tôi tin vào ánh mắt của mình,
Có một người đã chứng minh,
Sống mãi với Thanh Bình cho đến ngàn năm,
Như mạch chảy âm thầm,
Để gieo mầm nghĩa nhân,
Ông giúp người dân giữa cõi hồng trần,
Thoát cảnh thanh bần khó khăn,
Trên đất Tháp có ai bằng,
Người đi xóa nhọc nhằn là Ông,
Có lẽ đến trăm năm xứ Sen Hồng mới được,
Thêm ông Tiên ông Bụt như vầy,
Nghĩa nhân bác ái đong đầy,
Là Huỳnh Văn Bé doanh nhân…
Vọng cổ:
1. Sống trên cõi hồng trần ai chẳng ngàn lần rơi lệ. Vì một kiếp nhân sinh trải thăng trầm dâu bể đã khiến cho ta không thể… vơi… sầu...
Khi cơm áo gạo tiền vây quanh, càng chồng chất lo rầu... Mà nơi đâu khổ sầu thì gần như ở đó, có một tấm lòng Vàng tìm đến giúp bà con. Tôi không biết được ngày mai tôi mất hay còn, nhưng tôi chắc chắn tên Ông sẽ còn muôn thuở. Vì ai rồi cũng về thiên cổ mà thôi, chỉ có tiếng thơm mới đời đời sống mãi…
Hát dặm:
Mỗi năm đều nở hoa tươi,
Nhưng trăm năm mới có một người như Ông.
Tháp Mười đẹp nhất sen hồng,
Còn Thanh Bình đẹp nhất là tên Ông sáng ngời…
2. Vì tuổi gần sáu mươi mới tập tành khởi nghiệp, tôi khâm phục ở Ông người đặc biệt nhất trên đời...
Khi người ta giàu sang thì muôn cám dỗ gọi mời... Còn với Doanh nhân Huỳnh Văn Bé, mục tiêu Ông làm giàu là để giúp thế gian. Bởi lúc Ông nghèo Ông đã thấy cảnh trái ngang, người thì lắm giàu sang người thì gian nan đói khổ. Riêng bạc tiền nhiều đâu thể mang theo xuống mộ, vậy thì hà cớ gì không giúp đỡ sẻ chia…
Hát dặm vào Ngựa ô nam:
Ở xứ Thanh Bình này, tôi thấy lung linh nhất chính là tên của Ông - Doanh nhân Huỳnh Văn Bé. Người mà tôi cho rằng có lẽ phải đến cả trăm… năm,
Thì đất Sen Hồng mới lại có thêm,
Người nghĩa nhân như thế,
Khiến tôi tự hào không thể nào quên,
Đâu đơn thuần chỉ một cái tên,
Mà là tấm gương ngời lên ước vọng,
Để sáng soi lẽ sống ở trên đời,
Gieo yêu thương khắp cả đất trời,
Ông là người đặc biệt trần gian,
Tiền tài danh vọng giàu sang,
Nhưng bình dân gần gũi với xóm làng,
Luôn thích cho đi hết sức nhẹ nhàng,
Ôi đất Sen Hồng đâu dễ dàng có được,
Người đức tài sau trước thẳng ngay…
Vọng cổ:
5. Tôi đi giữa nhân gian thấy cuộc sống tràn lan giữa hai vùng sáng, tối. Thấy kiếp nhân sinh còn nhiều khổ đói, nhưng khi đến được nơi đây tôi mới bất ngờ tự hỏi: vì sao bà con ở xứ Sen sống phơi phới… bao… đời...
Thì ra là nhờ có ông Ba Bé tuyệt vời… Ông tâm niệm: một miếng khi trong cơn đói, còn quý hơn nhiều lần một gói lúc no. Nên khi thấy bao cuộc đời tăm tối lần mò, thì Ông đã cho họ một tia lửa đỏ. Để nỗi khổ đau nếu còn cũng là rất nhỏ, mà từ đó vươn lên xóa bỏ những nhọc nhằn…
6. Tôi chắc chắn rằng phải đợi đến trăm năm, thì đất Sen Hồng mới lại có một người như ông Ba Bé. Tôi tự hỏi: liệu mình đang còn rất trẻ, có thể làm được một phần như ông Ba Bé hay không?. Vì một phần của Ông là nhân nghĩa chở đầy sông, vì một phần của Ông là mênh mông tài đức.
Tháp Mười đẹp nhất sen hồng,
Còn Thanh Bình đẹp nhất là tên Ông sáng ngời…
Cõi hồng trần ta chỉ là lữ khách rong chơi, rồi cũng đến một ngày phải rời xa nhân thế. Nên tôi muốn học Ông Ba dù biết là không dễ, để khi thác rồi còn muôn thuở được tiếng thơm./.
Long Xuyên, ngày 02 tháng 8 năm 2024.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---