KÝ ỨC CỦA CHA
Đặng Thanh Huyền
Nói lối:
Ký ức của Cha là mưa sa nắng cháy,
Là những tháng năm dài dầu dãi gió sương,
Là Thanh Bình mảnh đất quê hương,
Là Mẹ với các con ngày tha phương cầu thực…
Sương chiều:
Là vạn đêm trường Cha nằm thao thức,
Đếm muôn nỗi lo toan đến rưng rức trong… lòng,
Ôi sen hồng trước bão giông, vẫn ngan ngát thơm nồng,
Đời không như mơ ước,
Cha bước đi, chẳng còn gì trong tay,
Buồn thay, phải xa Thanh Bình xứ Sen,
Đành làm quen với nơi thị thành bon chen,
Thương vợ con, cho nên Cha đỡ đần hôm sớm,
Lo lắng trăm bề, não nề lòng son,
Dù cho muối sấy ngon vô cùng, mà sao luôn ế ẩm,
Nên Cha quyết tâm… về lại Thanh Bình… tạo tiếng vang…
Vọng cổ:
1. Ký ức của Cha là muôn vạn gian nan, là trăm ngàn vất vả. Là hạt muối trắng tinh quyện thâm tình Cha cao cả, thành muối sấy thơm ngon Cha dành trả… ơn… đời...
Ký ức của Cha, không kể hết được bằng lời... Mà được kể bằng cuộc đời gian khổ, của người nông dân nghèo với phận số hẩm hiu. Rời Thanh Bình không còn tiền dành dụm chắt chiu, chỉ có trắng đôi tay và nhiều nỗi lo trước mắt. Cha hụt hẫng đủ điều đau thắt cả ruột gan, nhưng tình thương vợ con luôn ngập tràn lai láng…
Hát dặm:
Cha buồn khi bán căn nhà,
Cha buồn khi phải rời xa Thanh Bình,
Cha buồn thấy cảnh gia đình,
Vợ con vất vả lặng nhìn mà thương…
2. Cha thương vợ con khắp nẻo đường rong ruổi, vang vọng tiếng rao “ai ăn muối sấy mua giùm”...
Giông gió át cả tiếng rao khi mưa lạnh bao trùm... Mẹ với các con đi bán về lúc trời sập tối, nhưng mâm muối còn đầy chịu bụng đói để bán bưng. Cha lặng nhìn mà nước mắt rưng rưng, vội lấy khăn lau cho các con và Mẹ. Nhưng ngày đó người nông dân Huỳnh Văn Bé, vẫn lặng lẽ rang đều từng mẻ muối nghĩa nhân…
Nói lối:
Ký ức của Cha là lao động chuyên cần,
Là những bước thành công và bao lần thất bại,
Nhưng có một ký ức của Cha đến muôn đời đẹp mãi,
Đó là, Cha giúp đỡ người nghèo tìm lại vạn niềm vui…
Vọng cổ:
5. Cha ơi dẫu cuộc đời của Cha đã trải qua mấy bận thăng trầm biến đổi, mà trái tim Cha luôn nóng hổi… ân… tình...
Với quê hương giàu đẹp Thanh Bình… Với gia đình với các con và Mẹ, với xóm làng Cha san sẻ yêu thương. Với bà con nghèo Cha làm chỗ tựa nương, để họ vươn lên vui đời thường như ao ước. Cha là một người Doanh nhân luôn vì dân vì nước, là một tấm gương mực thước khiêm nhường…
Tình thương tràn đầy,
Cha đem sẻ chia muôn người,
Cho khắp nơi miền Sen ai cũng đều quen,
Nhìn Cha tươi cười trao quà thiệt hiền…
Xề 24:
6. Ký ức của Cha là một miền nhân nghĩa, cho các con noi theo đi về phía thiện lành.
Muối Ngọc Yến giờ tên tuổi vang danh, gắn liền với Doanh nhân có trái tim Vàng bác ái.
Thanh Bình nắng lại hồng lên,
Cho gương sen Huỳnh Văn Bé sáng ngời trên quê mình./.
Long Xuyên, ngày 13 tháng 6 năm 2024.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---