NHẬT KÝ CỦA CHA
Đặng Thanh Huyền
Ngâm thơ:
Thương dòng nhật ký của Cha,
Đong đầy nhân nghĩa, đậm đà tình thâm,
Trải muôn sóng gió, thăng trầm,
Tóc xanh nay đã hoa râm mái đầu…
Đoản khúc lam giang:
Ngồi lặng nhìn đêm thâu,
Con khắc sâu, câu từng câu của Cha,
Ngày xưa gió mưa quê nhà,
Gian khó đâu làm phai nhòa hạnh phúc,
Đời tảo tần nông dân,
Mong đủ no chẳng cần cao sang,
Bao cơ hàn gắng lo cho đàn con,
Chân lấm lem sình bùn, hao gầy héo hon đời Cha,
Ngày ruộng đồng ngoài xa,
Mưa nắng rát thịt da,
Đêm thức lo vịt gà, đời nhọc nhằn chưa qua,
Ai khổ tâm hơn Cha, đàn cút cũng còn đâu,
Cha dãi dầu đồng sâu tháng ngày,
Nhưng kiếp nghèo dường như bám hoài,
Sóng gió phong ba vẫn miệt mài,
Từ khi Cha trắng đôi tay, đến ngày vinh hiển,
Muối gieo ân tình đất Thanh Bình đơm hoa,
Khắp trên quê nhà… nhớ hoài “Vì Vua”… lòng nhân như… biển khơi…
Vọng cổ:
1. Cha ơi, con lén đọc từng dòng nhật ký của Cha, mà lòng con thấy nghẹn ngào đến rơi nước mắt. Ôi dòng nhật ký của Cha có cánh đồng quê bát ngát, có nắng rát mưa sa, có đàn gà đàn cút, có bông lúa mót chắt chiu qua ngày giáp hạt, có thơm ngát đóa hoa sen luôn dào dạt… ân… tình...
Có hạnh phúc đơn sơ của một gia đình... Có bóng hình người nông dân Huỳnh Văn Bé, dắt díu vợ con mình lặng lẽ rời quê. Có trong đôi mắt Cha ý chí vững thề, ngày về Thanh Bình là ngày về vinh hiển. Có căn nhà mãi quyến luyến xót xa, có tình nghĩa xóm làng của bà con đất Tháp…
2. Và có một trái tim hiền lương ấm áp, san sẻ nghĩa tình khắp Đồng Tháp yêu thương. Có hạt muối mặn mòi chung thủy vấn vương, Cha dành tặng cho quê hương, cho các con và Mẹ. Có một “Vì Vua” tên là Huỳnh Văn Bé, luôn tâm đức nghĩa nhân lặng lẽ giúp muôn người...
Có nhiều hoàn cảnh khó khăn nở tươi tắn nụ cười... Khi nhận quà từ tay của “Ông Vua muối sấy”, là gạo là tiền là mái ấm tình thương. Là bài học cuộc đời của một tấm gương, từ gian khổ đi lên bằng kiên cường bền bỉ. Là muối mặn gừng cay tròn câu chung thủy, với mảnh đất Sen Hồng với người vợ sắt son…
Lý qua cầu:
Lòng con… nghe nhói đau nghẹn ngào,
Thương ngày gian khó, Cha cần lao sóng gió sao quên,
Vì nghèo cho nên xa miền quê để lên thị thành,
Ngày đêm chẳng quản loanh quanh bán từng bịch muối,
Theo đuổi niềm tin ngày mai, Cha quyết tâm lèo lái gia đình...
Vọng cổ:
5. Con ngồi nhìn từng hạt muối lung linh thấy có tình Cha lấp lánh, đẹp như dòng nhật ký đêm nay lộng lẫy... muôn... phần.
Con cảm nhận được tình Cha ấm áp gấp vạn lần... Xưa Cha sống thanh bần lo gia đình từng lon gạo, nay cuộc sống đủ đầy Cha san sẻ khắp nơi nơi. Muối sấy Ngọc Yến giờ vượt biển lớn ra khơi, ôi vị muối mặn mòi như đời Cha nhân nghĩa. Đọc nhật ký của Cha con càng thấm thía, sống là để cho đi nhân nghĩa mới lên mầm…
Lý năm căn:
Ngàn năm… phụ tử tình thâm,
Lời Cha con khắc cốt ghi tâm,
Nhân nghĩa khi trao cho nhau,
Thì bao trái tim sẽ đẹp,
Mình gieo nhân ái gần xa,
Ngày sau rực rỡ đầy... hoa,
Hoa giữa lòng... ta, hoa thấm đượm ân tình...
Xề 24:
6. Nhật ký của Cha có Thanh Bình quê mẹ, có tên tuổi doanh nhân Huỳnh Văn Bé đất Sen Hồng.
Có tâm đức trí tài bác ái mênh mông, có lời dạy nghĩa nhân trong từng dòng ghi tâm huyết. Có cái tình của "Vì Vua" đong đầy tha thiết, dành cho đồng bào mình trên đất Việt mến yêu./.
Long Xuyên, ngày 04 tháng 5 năm 2024.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---