VẮT CƠM ĐỎ
Trần Ngọc Hoà
Lối vào Nam Ai
Mùa nước nổi con trăng cũng ướt mèm
Bông điên điển vàng xuồng ba lá
Câu vọng cổ nghe mùi đến lạ
Mùi như lời tỏ tình của con trai nhà . . .
NAM AI (8 câu)
. . . quê.
Bậu ơi cho Qua theo cùng
Ký ức về loang đỏ mặt sông
Có người nhớ thương chồng
Năm nào cùng dì Bảy cô Ba
Tiếp tế tận rừng xa
U Minh khói lửa ngút trời
Tràm xơ xác tả tơi
Nay hoa công ơn nở rộ trong lòng
Bốn mươi mùa cây ghi nhớ đơm bông
Lời hứa còn lơ lửng giữa xanh trời
Đưa người về qua bến sông
Ba chén cơm lưng và dĩa khô cá chạch
Mớ đọt lang tui mới luộc xanh ngời
Ông ơi bếp lửa đã cời
Ông và đồng đội mau về đi ông.
HÒ VÀO VỌNG CỔ
Hò ơ . . .
Gió bưng biền đang thổi, thổi rất sâu
Điệu Nam ai gợi sầu đót đắng
Hương tràm chơi vơi hong con nắng
Mà nỗi nhớ cứ đu theo nhịp khua . . .
VỌNG CỔ
Câu 1. . . dầm.
Tui ngồi đây chỗ ngày xưa có cái ôm chầm.
Chỗ ngày xưa đêm trăng còn một nửa, tui vấn thuốc sùi mà quên mang quẹt lửa cho ông.
Ông than lạnh bắt thền tui một nụ hôn, chiếc lá tràm xanh rung rinh cười e thẹn.
Lần tiếp tế này là thau dưa muối bồn bồn, nồi cá rô non thắng nước màu kho sả.
Câu 2. Suốt thâu đêm dì Hai và mấy má, vò năm mươi nắm cơm và ram mặn chảo cua đồng.
Gửi vô lung cho các con được no lòng.
Tui về chưa bao lâu thì chú bảy cò mình lấm lem sình đất, chị ba ơi! anh ba và anh em. ....đã. . đã. . . trời ! . . đất như lún dưới chân.
Bữa cơm cuối cùng vắt cơm màu đỏ văng tứ lung bưng, tràm tứa máu tươi, ông bỏ tui đi không hẹn ngày trở lại.
Ông đội hy sinh đi về phía miền xa ngái, tui vọc nỗi nhớ chồng trong nước đỏ U minh.
LÝ TRĂNG SOI
Đêm rừng xanh, gió nấc trên cành
Hương tràm đong đưa kết câu thơ vần
Nhớ ùa về trong mắt ai thâm quầng
Chừng như, vòng tay ai đó ôm vào hư không
Chừng như thu khóc bên sông
Heo may về ngỡ như gió lạnh từ đông.
VỌNG CỔ
Câu 5. Mùa điên điển vàng bông ai chở câu hò qua sông để se lòng góa phụ. Con trăng cũng dầm mình trong nước lũ vũ khúc trăng thu hay tấu khúc thương . . .. . . chồng.
Nước cũng nhớ ai mà khi lớn khi ròng
Thuốc sùi tui vấn rồi đây nhưng tui không mang quẹt lửa, để có cơ hội cho người ta bắt thền tui một nụ hôn.
Ông biết rồi hén đừng chọc quê nghen, đùa cho vui chứ tui mồi rồi đây ông và anh em hút đi cho đỡ lạnh.
Gió nam non thổi sâu cho lòng thêm quạnh, sợi nhớ sợi thương đu trên búi tóc bạc màu.
Câu 6. Bốn mươi năm rồi nỗi nhớ vẫn chen nhau, hương tràm như hơi thở ông ngày nào bổi hổi
Ông à ! Quê mình giờ đây nhiều thay đổi, bưởi buông hương báo mùa no múi vườn quê.
Tiếng máy cày vỡ đất mùa hò hẹn đang về, cầu Cái Lớn nỗi hai đầu nỗi nhớ
Đồng bồn bồn xanh rì câu duyên nợ, vụ nàng thơm bông trĩu vàng đồng.
Góa phụ chở nhớ sang sông
Để cho điên điển vàng bông bên đời
Thu xưa xanh tóc đưa người
Thu nay trắng tóc còn tươi tình già.
Tác giả Trần Ngọc Hoà, bút danh Hoa Hồng, sinh năm 1967 tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Với niềm đam mê sâu sắc dành cho văn chương và nghệ thuật, tác giả đã vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để xây dựng một sự nghiệp sáng tác ấn tượng, đậm chất mộc mạc và giàu cảm xúc.
Hành trình sáng tác
Từ năm 1984 đến 1989, khi công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, tác giả đã tạo dấu ấn mạnh mẽ qua 3 bài vọng cổ và 1 kịch bản, tất cả đều đạt giải Nhất tại các cuộc thi văn nghệ quần chúng cấp tỉnh. Ngoài ra, tác giả còn tham gia thi diễn nhiều bộ môn nghệ thuật như ca nhạc, ca cổ, kịch, múa, thông tin cổ động và ca khúc chính trị, đạt được nhiều giải thưởng giá trị.
Từ năm 1989 đến 2009, tác giả tạm dừng hoạt động nghệ thuật để tập trung vào công việc kinh doanh. Đến năm 2010, tác giả chính thức quay trở lại với niềm đam mê sáng tác và không ngừng cống hiến cho văn học nghệ thuật đến ngày nay.
Những tác phẩm từ “ồn ào phố chợ”
Là một tiểu thương kinh doanh mỹ phẩm và thời trang, tác giả sáng tác trong những khoảng thời gian ngắn ngủi giữa chốn phố chợ ồn ào. Những bài thơ, bài ca vọng cổ, hay kịch bản cải lương được tác giả viết nhanh trên chiếc điện thoại di động, trong những buổi trưa yên tĩnh hoặc khi chưa có khách.
Nguồn cảm hứng của tác giả thường đến từ các câu chuyện đời thường, những ký ức chiến trường qua lời kể của cựu chiến binh, hay những cảm xúc chợt đến từ sự giao thoa giữa cuộc sống và con người. Những câu chuyện, cảm xúc ấy được ghi lại bằng thơ, bài ca vọng cổ, truyện ngắn, tản văn, chặp cải lương… Cánh đồng văn chương của tác giả được gieo mầm từ cảm xúc mộc mạc, đời thường nhưng đầy sức sống, gần gũi với độc giả và khán thính giả, mang về nhiều thành công vang dội.
Tác giả tự nhận xét về mình:
“Thơ người tít tít đỉnh cao
Thơ ta vẫn cứ mần trầu cỏ tranh.”
Với sự giản dị và chân thành, các sáng tác của tác giả đã giành được nhiều giải thưởng và được đăng tải trên báo, tạp chí, cũng như phát sóng trên các đài truyền hình như THVL, HTV, VTCN. Tác giả còn được báo chí ưu ái gọi với những cái tên gần gũi như “Thi nhân miền biên thùy” hay “Hồn thơ giữa ồn ào phố chợ”.
107 giải thưởng và hành trình đến chiếc huy chương vàng
Kể từ ngày 13/2/2014, tác giả bắt đầu tham gia các cuộc thi sáng tác với mục tiêu dùng giải thưởng để mua sách vở cho học sinh nghèo hoặc hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Tác phẩm đầu tiên, Chiếc cầu mơ ước, đạt giải Nhất tỉnh Kiên Giang năm 2014, đánh dấu bước khởi đầu cho hàng loạt giải thưởng khác.
Tính đến nay, tác giả đã đạt tổng cộng 107 giải thưởng, bao gồm:
- 1 Huy chương vàng cho bài thơ Trăng tình (giải tự biên tự diễn).
- Tập thơ Đỏ miền ký ức nhận giải B từ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2017.
- 20 giải Nhất tại các cuộc thi cấp tỉnh, thành phố (bài ca cổ, thơ, kịch, bút ký).
- 23 giải Nhì và 24 giải Ba trong các thể loại thơ, bài ca cổ, truyện ngắn, chặp cải lương.
- 38 giải Khuyến khích.
Hiện nay, tác giả là Hội viên Hội Nghệ sĩ Việt Nam và Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang.
Với tấm lòng mộc mạc, tác giả chia sẻ:
“Xin về làm khóm lục bình
Vừa trôi vừa nở hết mình với quê.”
Tác giả luôn mong nhận được sự đón nhận và đóng góp chân tình từ bạn đọc, khán thính giả, những người yêu mến nghệ thuật và văn chương.