THĂM LẠI CHIẾN KHU XƯA
Trần Ngọc Hoà
HÒ ĐỒNG THẲM
Hò ơ. . .
Ai về thăm chiến khu xưa
Nghe bưng biền gió vỗ về̀ giấc thu
Gió nào xua đám mây mù
Gió nào se cỏ
Hò ơ. . .
Gió nào se cỏ mà ru tình người.
VỌNG CỔ
Người lính già đi giữa chiến khu xưa mà nghe xúc động chen xô trên từng sợi bạc. Nhè nhè nhẹ bước chân giữa rừng đêm xào xạc như sợ dưới lòng đất kia có đồng đội ông. . .
Câu 1 . . . nằm.
Trăng treo nghiêng một áng non rằm.
Kỷ niệm chiến trường ùa về trong từng lung bưng kinh rạch, hơi ấm đồng đội len trong từng thớ đất chồi xanh (- )
Ai xuống xề câu sáu để nỗi nhớ buông mành, Mùi như lời tâm tình của cô giao liên miền châu thổ.
Nhớ tay súng tay chèo xuồng tải đạn vượt bờ. Nhớ những ngày dầm lung đói rộc thì con gái.
ĐOẢN KHÚC LAM GIANG
Đồng đội nằm nơi đâu?
Dưới đáy sông hay lung tràm ngút xanh
Lặng nghe gió ru trên cành
Ơi ơi à . . . ơi à . . . à ơi !
Dòng kinh buồn không trôi
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .( câu này không có lời, đệm bằng tiếng đàn kìm).
Câu 2. Tiếng đàn kìm ai buông miền xa ngái, mà đỏan khúc lam giang đứt đọan nửa chừng.
Thu nấc từng cơn trong nghèn nghẹn hương rừng.
Mưa có đánh đòn đâu mà tả tơi lòng sen súng, ai khỏa tay vào ký ức để nỗi nhớ loang ra (-) Ông kết bè cắm những nhành hoa, đồng đội không về được quê hương thì ông đưa quê hương vào cho đồng đội.
Đóa hồng nhung thả trên dòng nước nổi, tặng người con gái năm nào chưa kịp nói lời yêu.
NÓI LỐI
Người lính già để trong tim rụa ràn nỗi nhớ
Thả xuồng xuôi kinh Ba Tháp tâm sự đầy vơi
Ông muốn sẻ chia với đồng đội những thay đổi lớn lên của Tháp Mười
Nhưng kỷ niệm chiến trường cứ ùa về làm nghẹn ngào câu vọng cổ.
VỌNG CỔ
Trận Mộc Hóa, La Ban trận Tháp Mười vang dội. Tiểu đòan 307 còn đây hòa hương sen bổi hổi trong niềm kiêu hãnh của Nam bộ anh . . .
Câu 5 . . .hùng.
Tháp Mười xưa vùng hoang địa mênh mông lau sậy mịt mùng.
Giữa lòng dân mọc lên một căn cứ kiên cường vững chắc, nơi sản sinh ra những tài ba lỗi lạc những trang sử hùng anh̉(-)
Quân với dân bao nghĩa bao tình, cây lúa trời chiếc nóp bàng cũng góp phần đánh giặc.
Vạt lục bình cũng làm nên chiến tích, đắp cảng trên kênh kết mảng diệt tàu.
LÝ TRĂNG SOI
Tháp Mười nay phơi phới vươn mình
Sen hồng bung hoa, lúa reo thanh bình
Đất phù sa diết da bao tình
Về đây mà nghe quê thở nghe nước đùa hoa
Biền sông gió hát chim ca
Chao cánh cò nghe nhớ bạn ngập lòng ta.
Câu 6. Góa phụ bơi xuồng chở nhung nhớ đi đâu? Để heo may Tháp Mười ùa về ngậm cỏ. Người lính già guộn kỷ niệm chiến trường vương trong gió, tất tưởi đi về nơi chiến khu xưa ( - )
Nơi ấy gió chướng non ngọn đứt ngọn còn, nơi ấy lục bình nhớ ai mà tím lòng ra nở. Nơi những linh hồn còn nằm lại lung bàu bưng trấp, đang quay quắt rưng rưng một nỗi nhớ nhà.
Chiếc bình toong kỷ niệm chiến trường xưa
Ông đựng đầy đất và nước Tháp Mười rồi bảo đó là đồng đội
Là những anh hùng cõng quê hương kinh qua lửa khói
Là những liệt sĩ xa nhà chưa về được quê hương.
Tác giả Trần Ngọc Hoà, bút danh Hoa Hồng, sinh năm 1967 tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Với niềm đam mê sâu sắc dành cho văn chương và nghệ thuật, tác giả đã vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để xây dựng một sự nghiệp sáng tác ấn tượng, đậm chất mộc mạc và giàu cảm xúc.
Hành trình sáng tác
Từ năm 1984 đến 1989, khi công tác tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, tác giả đã tạo dấu ấn mạnh mẽ qua 3 bài vọng cổ và 1 kịch bản, tất cả đều đạt giải Nhất tại các cuộc thi văn nghệ quần chúng cấp tỉnh. Ngoài ra, tác giả còn tham gia thi diễn nhiều bộ môn nghệ thuật như ca nhạc, ca cổ, kịch, múa, thông tin cổ động và ca khúc chính trị, đạt được nhiều giải thưởng giá trị.
Từ năm 1989 đến 2009, tác giả tạm dừng hoạt động nghệ thuật để tập trung vào công việc kinh doanh. Đến năm 2010, tác giả chính thức quay trở lại với niềm đam mê sáng tác và không ngừng cống hiến cho văn học nghệ thuật đến ngày nay.
Những tác phẩm từ “ồn ào phố chợ”
Là một tiểu thương kinh doanh mỹ phẩm và thời trang, tác giả sáng tác trong những khoảng thời gian ngắn ngủi giữa chốn phố chợ ồn ào. Những bài thơ, bài ca vọng cổ, hay kịch bản cải lương được tác giả viết nhanh trên chiếc điện thoại di động, trong những buổi trưa yên tĩnh hoặc khi chưa có khách.
Nguồn cảm hứng của tác giả thường đến từ các câu chuyện đời thường, những ký ức chiến trường qua lời kể của cựu chiến binh, hay những cảm xúc chợt đến từ sự giao thoa giữa cuộc sống và con người. Những câu chuyện, cảm xúc ấy được ghi lại bằng thơ, bài ca vọng cổ, truyện ngắn, tản văn, chặp cải lương… Cánh đồng văn chương của tác giả được gieo mầm từ cảm xúc mộc mạc, đời thường nhưng đầy sức sống, gần gũi với độc giả và khán thính giả, mang về nhiều thành công vang dội.
Tác giả tự nhận xét về mình:
“Thơ người tít tít đỉnh cao
Thơ ta vẫn cứ mần trầu cỏ tranh.”
Với sự giản dị và chân thành, các sáng tác của tác giả đã giành được nhiều giải thưởng và được đăng tải trên báo, tạp chí, cũng như phát sóng trên các đài truyền hình như THVL, HTV, VTCN. Tác giả còn được báo chí ưu ái gọi với những cái tên gần gũi như “Thi nhân miền biên thùy” hay “Hồn thơ giữa ồn ào phố chợ”.
107 giải thưởng và hành trình đến chiếc huy chương vàng
Kể từ ngày 13/2/2014, tác giả bắt đầu tham gia các cuộc thi sáng tác với mục tiêu dùng giải thưởng để mua sách vở cho học sinh nghèo hoặc hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Tác phẩm đầu tiên, Chiếc cầu mơ ước, đạt giải Nhất tỉnh Kiên Giang năm 2014, đánh dấu bước khởi đầu cho hàng loạt giải thưởng khác.
Tính đến nay, tác giả đã đạt tổng cộng 107 giải thưởng, bao gồm:
- 1 Huy chương vàng cho bài thơ Trăng tình (giải tự biên tự diễn).
- Tập thơ Đỏ miền ký ức nhận giải B từ Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2017.
- 20 giải Nhất tại các cuộc thi cấp tỉnh, thành phố (bài ca cổ, thơ, kịch, bút ký).
- 23 giải Nhì và 24 giải Ba trong các thể loại thơ, bài ca cổ, truyện ngắn, chặp cải lương.
- 38 giải Khuyến khích.
Hiện nay, tác giả là Hội viên Hội Nghệ sĩ Việt Nam và Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang.
Với tấm lòng mộc mạc, tác giả chia sẻ:
“Xin về làm khóm lục bình
Vừa trôi vừa nở hết mình với quê.”
Tác giả luôn mong nhận được sự đón nhận và đóng góp chân tình từ bạn đọc, khán thính giả, những người yêu mến nghệ thuật và văn chương.