VỀ LẠI MIỀN THƯƠNG
Đặng Thanh Huyền
Nói lối:
Thanh Bình ơi, cả một trời thương nhớ,
Nay đón tôi về gặp gỡ bạn bè xưa,
Hơn sáu mươi năm rồi thấm thoắt thoi đưa,
Mà cứ ngỡ như mới vừa chớp mắt...
Phi vân điệp khúc (đoạn đầu):
Mấy mươi năm dài đâu phai ân tình xưa,
Kể sao cho vừa bao ngày sớm trưa kề bên,
Không thể quên... tên Trường, Thầy Cô như mái gia đình,
Nơi trao niềm tin, khắc sâu giữa tim mình ngàn thương,
Bởi lòng tơ vương thiết tha, trường chúng ta đón chúng ta về đây,
Mãi tràn đầy niềm vui bấy lâu, xin hát câu nghĩa ơn Cô Thầy,
Nơi này khác nào nhà chung, nay họp mặt… chúng ta cùng… hàn huyên...
Vọng cổ:
1. Vẫn biết bè bạn thân quen của mảnh đất miền Sen mỗi người có một cuộc sống riêng qua mấy thập niên trải nhiều biến thiên thay đổi. Nhưng với nghĩa tri âm giữa trái tim hồng thì vẫn đêm ngày bổi hổi, luôn mong mỏi được tâm sự hàn huyên cho nhịp cầu yêu thương kết nối, để tìm lại kỷ niệm xưa nơi nguồn cội... đất... Thanh... Bình...
Hơn sáu mươi năm, đọng lại biết bao tình... Trường Trung học bán công Thanh Bình thuở ấy, nơi trọn nghĩa trọn tình lưu dấu mãi ngàn sau. Giờ bạn bè xưa còn được gặp gỡ nhau, tay bắt mặt mừng đổi trao tâm sự. Thì niềm vui nào bằng nghĩa cử tri âm, dù tóc đã hoa râm nhuốm màu sương tuyết...
Đoản khúc lam giang (đoạn đầu):
Ngày về miền yêu thương,
Vương vấn vương mái trường năm xưa,
Đò đưa sớm trưa tảo tần,
Ơn nghĩa muôn phần, luôn ân cần dạy dỗ,
Mình ngồi gần bên nhau,
Trao đổi trao như thuở nào hồn nhiên...
2. Xưa tuổi hoa niên trên miền Sen đất Tháp, mình ước mong sao được đền đáp Cô Thầy...
Nên hẹn ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm họp mặt sum vầy... Không phụ lòng Thầy Cô những học trò năm ấy, đều danh toại công thành xây lộng lẫy quê hương. Đất Thanh Bình này tôi nhớ nhất tấm gương, của người bạn hiền lương tên Huỳnh Văn Bé. Khi cuộc sống giàu sang đã sẵn lòng chia sẻ, đến bao phận người trên quê mẹ miền Sen...
Đoản khúc lam giang (đoạn cuối):
Góc nhớ thân quen bỗng bùi ngùi,
Niềm vui chen với niềm thương, giữa ngôi trường năm cũ,
Mắt cay cay nồng, nghe cõi lòng trào dâng,
Bạn thân năm nào vắng vài người xưa, Thầy Cô nay cũng xa...
6. Ngày mùng mười tháng ba mình về đây họp mặt, dù hơn sáu mươi năm vẫn bền chặt tấm lòng...
Tôi và các bạn đều mong,
Về thăm Trường trung học bán công Thanh Bình.
Nơi Thầy Cô đã gửi trọn niềm tin,
Cho học sinh vững bước... luôn hiển vinh rạng ngời./.
Long Xuyên, ngày 09 tháng 4 năm 2024.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---