KHẮC GHI LỜI VÀNG NGỌC
Đặng Thanh Huyền
Nói lối:
Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn,
Khi được nghe nhiều lần lời sâu lắng của “Vì Vua”,
Ông là một “Vì Vua” đi vi hành suốt bốn mùa,
Khắp cả Bắc-Trung-Nam dù bão-mưa-nắng-gió,
Ông quan niệm rằng:
“Hạnh phúc là cho những gì ta có,
Lỡ mai này không có những gì ta cho”,
Bởi vì vậy cho nên...
Vọng kim lang (đoạn đầu):
Ông muốn đi nhiều nơi… khơi khát khao cho đời,
Tôi đã nghe ngàn lời, lời từng lời lắng sâu hồn tôi,
Chữ nhân nghĩa luôn vun bồi, để bao người tiếp thêm niềm tin.
Khi nhìn nụ cười ông Huỳnh Văn Bé,
Với nghe tâm tình mà Ông san sẻ nơi nơi,
Khiến tôi đắm say không rời, nở nụ cười thấy yêu đời hơn,
Bỗng quên hết muôn nhọc nhằn… vui nào bằng… khi có ông Ba… về đây…
Vọng cổ:
1. Nhưng đâu phải chỉ có lời nói hay nên mọi người mới đắm say muốn nghe Ông diễn thuyết hoài, muốn nghe Ông diễn thuyết mãi. Mà còn vì nụ cười hiền lương của một “Vì Vua” giàu lòng nhân ái, đã khơi gợi bao khát vọng niềm tin cho mọi người cùng nhau ngồi xích lại, chăm chú lắng nghe Ông trải lòng tâm sự về nghị lực vươn lên từ thuở… cơ… hàn.
Muốn đạt được thành công đâu phải dễ dàng… Ông nhìn xa xăm rồi nhẹ nhàng giọng nói: “Đời tôi từng khổ nhiều nên rất hiểu nỗi gian nan. Tôi chẳng mong cầu mình có cuộc sống giàu sang, mà tôi chỉ ước mơ được giúp bà con hoạn nạn. Vì xưa tôi cũng nghèo giống như họ hôm nay, nên tôi muốn giúp ngay khi gia đình vừa khá giả”.
Hát dặm:
“Ông Vua muối sấy” đêm ngày,
Lặng thầm xuôi ngược tận tay trao quà.
Lúc thì tặng những căn nhà,
Lúc thì tặng muối Ngọc Yến đậm đà thơm ngon…
2. Ông giúp người già neo đơn không nơi nương tựa, Ông đóng góp quỹ địa phương để sửa chữa cầu đường.
Và nhiều việc thiện nguyện không thể kể hết ra đây, nhưng Ông lại rất mực khiêm nhường... Ông nói: “Nếu đợi đến lúc giàu thì làm sao giúp kịp, nên giúp được bây giờ thì giúp liền thôi. Qua mỗi năm số tiền giúp lại nhân đôi, giúp khắp miền Sen rồi giúp dần từ Nam ra Bắc. Tôi muốn góp chút công sức mình cho Tổ quốc, trước khi về với cát bụi gió sương”.
Lý qua cầu:
Lời Ông… tôi khắc ghi trong lòng:
“Hai điều tâm đắc ta cần nên phải có không quên,
‘Tình Người’ mênh mông luôn hòa chan với thêm ‘Tính Người’,
Cùng nhau giúp đỡ khắp nơi những người yếu thế,
Không dối lừa ai trần gian, nên sẻ chia bằng tấm chân tình”…
Vọng cổ:
5. Tôi tâm đắc lắm những lời nói của Ông vì đều được chứng minh bằng câu chuyện thật về cuộc đời trên đoạn đường dài Ông bước: “Có nhiều tiền chết cũng đâu có mang theo được, nên tôi dành để giúp đỡ người nghèo vượt qua cơn hoạn nạn, điều đó sẽ tốt hơn một khi ta san sẻ với… dân... mình”.
Nên tôi càng trân quý Ông hơn, vì trái tim Ông đầy ắp nghĩa tình... Ông trải lòng: “Vì ngày xưa gia đình tôi nghèo khổ, nên chủ trương làm giàu là để giúp đỡ bà con. Hồi đó tôi vay mượn làm ăn nhưng đong gạo từng lon, đến bán hết ruộng-nhà để mà trả nợ. Nên giờ đây tôi luôn nhắc nhớ, chỉ sử dụng vốn trong tay mình có để làm”.
Lý năm căn:
Ngồi nghe... Ông nói lời hay:
“Trời cao không lấy hết của ai,
Cho dẫu anh chị đang ở đây,
Mù nhưng khỏe không đau bệnh,
Đừng nên mặc cảm mà chi,
Đời vui ý nghĩa là... khi,
Ta nở nụ cười... tươi, góp hương sắc cho đời”...
Xề 24:
6. “Những việc tôi làm là lời cảm ơn thiết thực, để bày tỏ với non sông-với Đảng-với đời”.
Lời Ông, tôi ghi khắc suốt đời,
Vì đó là lời vàng ngọc sáng ngời ngàn năm.
Ông khéo đem nhân nghĩa ươm mầm,
Cho vườn hoa hạnh phúc mãi âm thầm tỏa hương./.
Long Xuyên, ngày 29 tháng 5 năm 2024.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---