CAO TIỆM LY TIỄN KINH KHA
Soạn giả Viễn Châu
LỐI:
Kinh Kha: Nghe tiếng trúc với cung sầu nức nở
Trời vào thu sương khói phủ lê thê
Những âm ba theo hơi gió vọng về
Có phải lời tống biệt của Cao Tiệm Ly hiền hữu?
Cao Tiệm Ly: Kinh Kha bạn, quán lạnh từ đây vắng bạn rồi
Phương trời biền biệt nước mây trôi
Anh đi trả vẹn hờn sông núi
Dịch Thủy trăng chìm, lệ đắng môi
Kinh Kha: Tuốt lưỡi gươm thề rộn vó câu
Thờ ơ khanh tướng, thẹn công hầu
Hàm Dương khói nhuộm màu binh biến
Gờn gợn Tràng Giang sóng bạc đầu
Cao Tiệm Ly: Quán khách đêm nào tôi với anh
Mười phương hồ hải mộng chưa thành
Bên bờ Dịch Thủy, tôi lau lệ
Mai mốt nơi này đã vắng anh
NHẠC:
Kinh Kha: Trời lạnh lùng sương rơi, sáo khuya khiến hồn chơi vơi. Tôi đi chẳng về đâu, bạn hiền ơi hãy cạn giọt sầu.
Cao Tiệm Ly: Anh qua nơi Hàm Dương xa xôi muôn trùng tử sanh không hề nao. Lần tiễn đưa đêm này nữa thôi, bao giờ hết thương đau, phút giây chia... lìa
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Kinh Kha: Cao Tiệm Ly bạn ơi, tiếng trúc đêm nay sao đượm buồn áo não, tiễn đưa nhau xin đừng để cho đôi mi nức nở lệ vương… sầu.
Khói sóng ven sông còn quyện gió giang đầu. Kha đến đây tạ từ hiền hữu để lên đường dong ruổi dặm trời xa. Từ đây có nhớ đến Kha_một người bạn tâm đồng, thì hãy rót chén rượu hồng khi gió lạnh vào đông, dạo khúc nhạc lòng tiễn đưa hồn người tráng sĩ…
Câu 2:
Chén rượu tiễn đưa xin đừng vương máu lệ, hãy cười lên đi cho ấm dạ anh hùng. Bạn với tôi bao thuở đặng chung cùng, để người thổi trúc kẻ ngồi nhịp phách, thu hẹp đất trời trong chén rượu đầy vơi. Nhưng trời Yên bang còn tràn ngập máu xương rơi, gươm tráng sĩ nguyện dời non lấp biển. Kha ra đi dù ngày về không hẹn, nhưng tiếc làm gì thân thế bạn lòng ơi…
Cao hiền hữu, bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Giục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi
Cao Tiệm Ly: Đêm nay sương trắng rơi nhiều
Phong vũ tiêu tiêu Dịch Thủy hàn
Kinh Kha: Chén rượu tiễn đưa đừng nhỏ lệ
Hãy cười, (ha ha ha) hãy cười cho rợn đất Yên bang
Hãy cười lên đi, cười lên đi Cao hiền hữu
Cao Tiệm Ly: Vâng, đệ cười đây (Ha ha ha)
Kinh Kha: Kìa sao trong tiếng cười vang có trộn pha nhiều nức nở, cũng như trong chén men nồng có pha lẫn lệ ly tan
Cao Tiệm Ly: Kinh Kha bạn ơi, anh ra đi biền biệt mấy quan san, khi trời cố quốc vẫn chưa tàn màu máu lửa
NAM XUÂN:
Kinh Kha: Cao hiền hữu, nhưng chén ly bôi hãy cùng nhau sẻ nữa, bởi rồi đây gió mưa khuya sẽ tuôn rơi tầm tã nẻo Yên…bang, như khóc người nửa đường phiêu linh, đã vị quốc hi sinh, để cứu nạn cho muôn dân.
Cao Tiệm Ly: Kinh Kha ơi, hãy cạn chung này, ôi men cay pha lẫn lệ vơi đầy, ghi nhớ buổi sum vầy, rồi đôi đàng chia tay
Kinh Kha: Tráng sĩ nhất khứ bất phục hoàn, một thân vào đất giặc, hãy vang tiếng reo cười, đừng để dòng châu rơi
Cao Tiệm Ly: Gió mưa khuya thay ngấn lệ sầu, sóng bập bềnh sông Dịch buồn trôi
Kinh Kha: Sao ta nghe tiếng sáo ngậm ngùi, đừng, đừng thảm sầu bạn ơi
VỌNG CỔ:
Câu 5:
Cao Tiệm Ly: Hãy uống nữa đi anh để rồi sau khi anh sang tận bên kia bờ Dịch Thủy, Ly ở đây sẽ vắng bong người tri kỷ đêm từng đêm rũ rượi tiếng tiêu… sầu.
Mưa gió thê lương nhỏ lệ xuống chân cầu, khóc người đi không bao giờ trở lại, để nơi này nhớ mãi hận ngàn thu. Biết lấy gì để tiễn đưa nhau, thôi thì mượn tiếng trúc với bầu rượu nóng, tiếng tơ trúc nói lên tình tri kỷ, rượu hoàng hoa sưởi ấm dạ anh hùng
Kinh Kha: Đa tạ, xin cám ơn Cao Tiệm Ly hiền hữu. Vâng, Kha uống cạn chung này... và xin vĩnh biệt
Câu 6:
Cao Tiệm Ly: Hiền hữu ơi, rồi đây mang lưỡi gươm thề vào tận đất Hàm Dương, bạn sẽ trả được thù quân quốc . Hãy cho tôi lau dòng nước mắt, bởi cạn chung này mình sẽ chia tay. Lạnh lùng trời lả tả tuyết sương bay, sầu tang tóc đất trời còn nhỏ lệ. Ly tiễn bạn bằng tiếng tiêu nức nở và ngâm câu: nhất khứ bất lai hoàn.
Nhổ neo rồi, nhổ neo rồi thuyền đã ra khơi, mưa hay lệ mịt mờ vương khói sóng. Kha ơi, Kha đã đi rồi, tận chốn phương trời tôi nhớ thương anh.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: